Ngày mồng bảy tháng mười một âm lịch hằng năm, cháu chắt môn phái Lâm Tế Chúc Thánh quây quần bên nhau cùng thắp nén tâm hương tưởng niệm Tổ khai sơn mở ra dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Trước ngày kỵ Tổ mấy hôm, trời mưa không ngớt trên diện rông ở các tỉnh miền Trung rồi cơn lũ xuất hiện, ai cũng bất ngờ vì theo lệ thường đã qua 23 tháng 10, không còn lụt nữa! Nhưng đến ngày này, thời tiết có chút đổi thay, về đêm có chút ít mưa, ngày trời nắng ấm.
Chánh điện tổ đình Chúc Thánh – TP.Hội An
Ở khắp nơi, cháu của Tổ đến hẹn lại lên, đều hiện diện nơi này (Tổ đình Chúc Thánh), theo chu kỳ cứ ba năm khắp nơi về kỵ Tổ. Nhân ngày này, đàn hậu học ôn lại công đức sâu dày của Tổ.
Trong một chuyến Phật sự, Tổ từ Trung Hoa sang và sau đó Ngài thấy cảnh trí, con người đều tươi đẹp, Ngài quyết định ở lại Hội An dựng thảo am tu hành và khai mở dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh cho đến ngày nay. Ơn khai sáng của Tổ, hàng hậu học không thể nào quên. Từ ngọn đèn thiền Lâm Tế Chúc Thánh ánh sáng được truyền theo dòng chảy thời gian vào hướng Nam. Người nối nghiệp Tổ là Hòa thượng Thích Khánh Anh, từ chùa Hưng Long, Quảng Ngãi, Hòa thượng truyển đến miền Tây Nam Bộ và đã rực sáng tại đây. Sau này, do thời cuộc, dòng thiền này được truyền thừa sang cả Âu, Mỹ, Úc châu.
Từ ngày kỵ Tổ, nhìn về phía trước, chỉ đúng một tháng nữa là đến ngày mồng Tám tháng Chạp, ngày Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo! Để có ngaỳ đó, cách đây hơn 2500 năm, Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan ra đi tìm đạo. Sau nhiều năm ròng rã tìm thầy học đạo, tất cả đều không giúp cho đạo sĩ Gô-ta-ma (Cù Đàm) thỏa mãn chí nguyện của mình, Ngài quyết dịnh tu khổ hạnh, sáu năm đăng đẳng tu khổ hạnh trong chốn rừng già, thậm chí mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, thân hình ốm o gầy mòn, da bọc xương, tinh thần mệt mỏi, kiệt quệ, Ngài ngả xuống, chừng như không còn chút khí lực nào mà đạo quả chưa thành, Ngài dứt khoát từ bỏ con đường khổ hạnh, Ngài nghĩ muốn thành đạo phải co một thân thể mạnh khỏe, một trí tuệ sáng suốt, đó là con đường Trung đạo, Cồ Đàm đón nhận bát sữa từ một cô sơn nữ và bó cỏ từ một nông phu cung kính cúng dường, bắt đầu từ đó, đạo sĩ Gô-ta-ma ăn uống bình thường. Ngài đến dưới một gốc cây Bồ đề (Bồ đề Đạo tràng) phát nguyện: “Dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi chốn này nếu ta không chứng ngộ toàn giác” và thiền định cho đến lúc thành đạo.
Ngày mồng tám tháng tư, ánh đạo vang bừng sáng, Sa môn Go – ta – ma (sau này là Phật Thích Ca) hốt nhiên đại ngộ sau 49 ngày đêm nung nấu nhập sâu vào thiền định, Ngài đã tuần tự nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Trong thiền định, Ngài hồi tưởng về quá khứ, Ngài chứng Túc mạn minh; tiếp tục trong chánh niệm, tỉnh giác, Ngài hiêu rõ hiện tượng chúng sanh liên tục sinh diệt, sa môn Gô- ta- ma chứng được Thiên nhãn minh. Đến gần sáng, sa môn phát hiện được mình đã chấm dứt các “lậu hoặc” – Ngài chứng được Lậu Tận Minh. Trải qua vô số kiếp tu hành Bồ tát đạo, đến ngay kiếp này, Ngài đã bao phen cực nhọc, dám hy sinh, từ bỏ tất cả những hạnh phúc của thế gian để thành tựu được đạo nghiệp huy hoàng. Nếu không có ngày mồng Tám tháng Tư, có lẽ thế gian vẫn còn trong vô minh tăm tối, chúng sanh còn phải lặn hụp trong sáu nẻo đường:
“Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sinh.
Ôi! Người làm nhà kia:
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa,
Đòn tay ngươi bị gãy,
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.”
(Kinh Pháp cú số 153,154- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)
Qua bao nhiêu kiếp, tử rồi sanh, sanh rồi tử, kiếp nào Ngài cũng tu hành Bồ tát đạo, đến lúc này, cây đã đâm chồi nảy lộc, đơm bông kết trái, trái đã đến lúc tự chín, Ngài đã khám phá ra được lý do vì sao chúng sanh phải lặn hụp mãi trong cõi luân hồi, hết đường này lại chui vào đường kia , không thể nào thoát ra khỏi sáu nẻo!!!???
Người thợ làm nhà đã bị vạch mặt chỉ tên, người này đâu có xa lạ gì, nó luôn ẩn nấp trong mỗi chúng sanh, đó là “Ái dục”, sau này vua Trần Thái Tông đã nói rõ trong “Sám hối sáu căn”: “Lưới ái lìa buộc ràng”. Phật đã tìm ra con đường tận diệt ái dục (người thợ làm nhà) vì thế căn nhà không thể nào hiện hữu!
Ngày sa môn Gô-ta-ma thành Phật, người con Phật trên hành tinh này không ai không tri ân! Nếu không có ngày này, chắc mỗi chúng ta sẽ không bao giờ biết ngày Thái tử Tất Đạt Đa ra đời và cả ngày Ngaì nhập niết bàn dưới cây sa la song thọ cũng chẳng có ai nhắc đến!
Việc Phật thành đạo có ý nghĩa thật to lớn. Lần đầu tiên, con người tự khẳng định chính mình, tự tin vào chính mình, không còn tin hoặc dựa vào một quyền năng siêu nhiên nào ngự trị. Ngài tuyên bố “Mỗi chúng sanh đều có Phật tính, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” đã có sức mạnh cổ vũ rất lớn đến mỗi con người. Chúng sanh sẽ thành Phật với điều kiện phải trải qua nhiều kiếp hành đạo, đầy đủ duyên lành, thông qua thiền định, luôn tỉnh giác, chánh niệm miên mật sẽ được giải thoát khỏi những buộc ràng của sợi dây ái dục vô hình. Phật đã dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”, chúng ta thật hạnh phúc khi đức Phật đã dày công khai phá, mở đường giúp cho nhân sinh tiến bước. Chỉ cần tự tin vào chính mình, tự chịu trách nhiệm với mình, hằng ngày thiền định, niệm Phật cho thật miên mật sao cho đạt đến “nhất tâm bất loạn”, luôn sống trong tỉnh giác, không một mảy may buông lung như canh chừng trâu ăn lúa của người, luôn sống trong hiện tại “Bây giờ là đây”, Trà đây! Uống đi”, hay “biết vọng liền buông”, “thân đâu tâm đó” …”Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”(Tuệ Trung thượng sĩ) chắc chắn một ngày không xa cõi “Cực lạc” sẽ hiện ra trước mắt.
Tổ sư Minh Hải-Pháp Bảo khai tông dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh
Không chỉ ngày mồng bảy tháng mười một hằng năm mà hằng ngày, cháu chắt của Tổ Lâm Tế Chúc Thánh luôn cùng nhau dung nhiếp các pháp môn mà Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni từ kim khẩu của Ngài đã hiển bày. Mỗi phút giây trong ngày, tâm nguyện là ngày Phật thành đạo vì mạng sống gắn liền với hơi thở “Một hơi thở ra mà không thở vào” thế là xong, con quỷ vô thường luôn rình rập quanh ta. Không ai có thể khẳng định mình sẽ sống được bao lâu, sẽ giả từ người thân, bạn hữu lúc nào !!!???
Hãy tu tập, vận dụng Phật pháp vào đời sống nhất là pháp hành, theo đúng đường hướng của Đức Bổn sư đã khai phá, chú ý mỗi hơi thở vào ra luôn có ý nghĩa nhắc nhỡ trên con đường quay về của mình. Tất nhiên phải hành Bồ tát đạo, tự lợi và lợi tha, giúp người thân và bạn hữu đi đúng lộ trình của Đức Phật đã dày công khai phá, vun đắp, của Tổ Lâm Tế Chúc Thánh đặt nền móng khai sơn, khai mở dòng thiền. Đó chính là hành động thiết thực kỷ niệm ngày mà cõi Ta bà được tưới tẫm trong “Ánh đạo vàng”, ngày mà Tổ Chúc Thánh quảy gót về Tây.
Như Thích
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB