Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng

754

Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818-1872) là một vị cao tăng triều Nguyễn. Sư thuộc thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ tổ đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) và là cao đệ của Tăng cang Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842). Dưới mái chùa Bát Nhã, ngài đã được thầy trao truyền  diệu pháp  và cho tham  phương  học đạo với các vị đại sư đương thời. Noi gương công cuộc hoằng pháp của các bậc tổ sư, ngài phát tâm vân du hóa đạo, từng dừng chân ở nhiều chùa cảnh thuộc các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận và vào cả tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ở đâu ngài cũng cố tâm kiến thiết, phục hưng, khai sơn lập nên những đạo tràng thật trang nghiêm và mong muốn chuyển tải những nét đẹp của văn hóa Phật giáo cho bà con xứ sở miền Nam. Công hạnh ngài thật đáng để hàng hậu học chúng ta noi gương học tập. Do đó, chúng tôi mạo muội sưu tầm sử liệu để phác họa một vài nét về vị cao tăng này.

Có lẽ người đầu tiên ghi chép về Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng là nhà nghiên  cứu Nguyễn Hiền Đức trong  công trình Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Do việc tiếp cận sử liệu còn hạn chế, Nguyễn Hiền Đức ghi lại hành trạng thiền sư với nhiều sự nhầm lẫn đáng tiếc. Các sách lịch sử Phật giáo địa phương  thường  xuyên trích dẫn từ công trình này. Đã có một vài bài nghiên cứu chỉ ra cái hạn chế của bộ Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Ở đây, chúng tôi xin đính chính sai lầm và bổ biên thêm sử liệu.

Thứ nhất, tác giả Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đã đồng nhất Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng với Thiền sư Liễu Minh Đức Tạng (chùa Thiền Lâm). Học giả Thích Hạnh Bình với bài nghiên  cứu “Tổ đình Thiền Lâm và vai trò lịch sử của nó”1  đã có trao đổi và chứng minh sự đồng nhất là vô căn cứ2. Bài viết của Thích Hạnh Bình đã dẫn ra khá nhiều tư liệu từ nội tự nhằm phân biệt rõ hai vị. Chúng tôi tán thành ý kiến của vị học giả này, nhằm khẳng định Hải Bình Bảo Tạng (1818-1872) không phải là Liễu Minh Đức Tạng (?-1813). Theo sử liệu, Thiền sư Liễu Minh Đức Tạng khai sơn chùa Thiền Lâm vào năm Chiêu Thống thứ 3 (1789), còn Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng đến trụ trì và trùng tu chùa năm Giáp Dần (1858). Hai vị đã từng đảm đương công việc xây dựng chùa Thiền Lâm, một vị khai sơn, một vị kế thế trụ trì trùng tu. Hai vị khác nhau cả về khung niên đại.

Thứ hai, Nguyễn Hiền Đức cho Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng có tên là Lê Chi3. Ông không ghi lại tư liệu nào nói về tên thế tục này. Nay, chúng tôi xin trích dẫn một tư liệu viết rõ về Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng trong một bản chép tay tại chùa Bát Nhã (Phú Yên)4.

Sách chép: “Châu Viên sơn khai sáng tổ sư tục xuất phổ hệ. Tự Lâm Tế chính tông tứ thập thế Long Quang tự kiến đàn thí giới, huyết danh tục Huỳnh Văn Yết, nguyên sinh Mậu Dần niên muội nguyệt nhật thời, thế độ Huỳnh thị tử pháp danh húy Hải Bình hiệu thượng Bảo hạ Tạng hòa thượng khai đại giới đàn ư Mậu Thìn niên tứ nguyệt sơ bát nhật chính, tiên khởi sơ lục nhật. Chí Nhâm Thân niên ngũ nguyệt nhị thập ngũ nhật kỷ thời nhi viên tịch. Sư chi phụ sinh Huỳnh Văn Xưa chính kỵ tứ nguyệt thập tứ nhật, sư chi thân mẫu Trần Thị Tới chính kỵ cửu nguyệt thập cửu nhật”.

Nghĩa là: “Tổ sư khai sáng núi Châu Viên nối tục xuất phổ hệ. Kế thừa dòng chính tông Lâm Tế đời thứ 40, kiến đàn trao giới chùa Long Quang, tục danh là Huỳnh Văn Yết, sinh năm Mậu Dần, chưa rõ giờ, ngày tháng. Hòa thượng  họ Huỳnh với pháp  danh là Hải Bình hiệu Bảo Tạng. Xin mở giới đàn vào chính ngày mồng 8 tháng  5 năm Mậu Thìn, lúc đầu mở ngày mồng 6. Đến giờ Hợi ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Thân viên tịch. Cha sinh của ngài là Huỳnh Văn Xưa, kỵ ngày 14 tháng 4; thân mẫu của sư là bà Trần Thị Tấn, chính kỵ ngày 19 tháng 9”.

Cứ liệu trên cho ta biết ngài Bảo Tạng có thế danh là Huỳnh Văn Yết, cha là Huỳnh Văn Xưa và mẹ là Trần Thị Tấn5. Về niên đại, bản chép tay viết đúng với tấm bia tháp của ngài tại chùa Ngọc Tuyền (Bà Rịa Vũng Tàu). Bia tháp đề: “Tự Lâm Tế chính tông tứ thập thế, húy Hải Bình, thượng Bảo hạ Tạng hòa thượng giác linh. Mậu Dần … sinh. Tử ư Nhâm Thân niên ngũ nguyệt nhị thập ngũ nhật…”6  xác định sư sinh năm Mậu Dần, tịch ngày 25 tháng  5 năm Nhâm Thân. Theo Nguyễn Hiền Đức, ngài sinh năm Mậu Dần là năm 1818, tịch năm Nhâm Thân là năm 18727, thọ 55 tuổi. Một tư liệu khác cũng ghi niên đại ngài mà chúng tôi cần đưa ra. Đó là long vị thờ tại tổ đường chùa Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) như sau: “Tự Lâm Tế chính tông tứ thập thế húy Hải Bình, thượng Bảo-Hoằng hạ Tạng- Tôn nhị vị hòa thượng giác linh chi vị. Mậu Dần niên bát nguyệt thập tứ nhật khứ. Nhâm Thân niên ngũ nguyệt trấp ngũ nhật khứ”. Long vị thờ hai vị là Hải Bình Bảo Tạng và Hoằng Tôn. Riêng dòng lạc khoản ghi cho Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng. Ở đây, có nhầm một chút, tức trong lạc khoản viết về năm sinh thì long vị đề chữ “Khứ” tức đi, nghĩa là viên tịch, đúng là chữ “lai”. Người soạn long vị có thể ghi nhầm nên thợ khắc cứ khắc theo. Đối chiếu với hai năm sinh, mất ở hai tư liệu, chúng ta thấy dòng lạc khoản trong long vị thờ tại chùa Bát Nhã ghi giống với bia tháp chùa Ngọc Tuyền, và bổ sung được ngày tháng sinh. Nhiều người không đọc kỹ sẽ cho dòng lạc khoản này ghi năm tịch của Thiền sư Hoằng Tôn. Từ long vị, xác nhận Thiền sư Hải Bình sinh ngày 14 tháng 8 năm Mậu Dần (1818). Long vị thờ tại chùa Bát Nhã ghi được ngày tháng năm sinh đủ nhất.

Cũng theo sử liệu trên, Thiền sư Bảo Tạng được cung thỉnh làm đường đầu hòa thượng tại giới đàn chùa Long Quang tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 5 năm Mậu Thìn (1868). Thực ra, trước đó hai ngày đã khai đàn rồi, có thể ngày mồng 8 trao giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát và cũng là ngày cuối của giới đàn. Cũng tập tư liệu trên, từ tờ thứ 4 đến tờ 8 có ghi về giới đàn. Sách chép: “Long Quang tự giới đàn, Hoằng Ân vi đàn chủ… Từ Quang tự hòa thượng vi hộ giới đàn, Hồ Sơn tự hòa thượng vi sám chủ, Thiên Đức tự pháp sư vi thuyết giới, Long Quang tự Bảo Tạng vi truyền giới hòa thượng, Sơn Long tự Bảo Nghiêm vi yết-ma xà-lê, Long Sơn Bát Nhã tự Viên Thông vi giáo thọ xà-lê. Cổ Lâm tự Huệ Tường vi tôn chứng sư đệ nhất, Bảo Lâm tự Phổ Hóa vi tôn chứng sư đệ nhị, Bảo Sơn tự Huệ Minh vi tôn chứng sư đệ tam, Viên Quang tự Vĩnh Thọ vi tôn chứng sư đệ tứ, Phổ Bảo tự Trí Chánh vi tôn chứng sư đệ ngũ, Kim Sơn tự vi tôn chứng sư đệ lục, Phước Quang tự Huệ Tuệ vi tôn chứng sư đệ thất…”.

Tạm dịch: “Giới đàn  chùa Long Quang  ngài Hoằng Ân làm đàn chủ, Hòa thượng  chùa Từ Quang  làm hộ giới đàn, Hòa thượng  chùa Hồ Sơn làm sám chủ, Pháp sư chùa Thiên Đức làm thuyết giới, Bảo Tạng chùa Long Quang làm Hòa thượng  truyền giới. Bảo Nghiêm chùa Sơn Long làm Yết-ma A-xà-lê, Viên Thông chùa Long Sơn Bát Nhã làm giáo thọ A-xà-lê, Huệ Tường chùa Cổ Lâm làm thầy tôn chứng thứ nhất, Phổ Hóa của Bảo Lâm làm thầy tôn chứng thứ nhì, Huệ Minh chùa Bảo Sơn làm thầy tôn chứng thứ ba, Vĩnh Thọ chùa Viên Quang làm thầy tôn chứng thứ tư, Trí Chánh chùa Phổ Bảo làm thầy tôn chứng thứ năm, thầy chùa Kim Sơn làm tôn chứng thứ sáu, Huệ Tuệ chùa Phước Quang làm tôn chứng thứ bảy”.

Giới đàn được tổ chức tại chùa Long Quang (Phú Yên) do Thiền sư Hoằng Ân làm đàn chủ. Ta thấy ba vị hòa thượng  đường  đầu, giáo thọ, yết-ma thuộc  cùng môn phái, ngài Bảo Tạng, Bảo Nghiêm là đệ tử của Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ, chùa Bát Nhã. Thiền sư Viên Thông (1830-1879) pháp danh Thanh Lân, đệ tam tổ trụ trì chùa Bát Nhã. Thiền sư Bảo Tạng ở chùa Long Quang, cùng chùa với Thiền sư Hoằng Ân mà ta chưa rõ ai là trụ trì.

Thiền sư Bảo Tạng còn tham gia in ấn kinh sách, nhất là kinh Kim Cương Bát Nhã. Theo bản in Kim Cương chú giải mà ở tờ đầu có ghi rõ: “Tự Đức Mậu Ngọ trung thu cốc nhật trùng tuyên, Châu Viên sơn tự tàng bản”8 nghĩa là bản in được thực hiên năm Tự Đức Mậu Ngọ (1858), ván khắc được tàng bản tại chùa núi Châu Viên. Mặt sau ghi: “Châu Viên sơn tự Bảo Tạng thiền sư phát khởi”. Phía gần cuối tập sách có ghi thêm thông tin: “Châu Viên sơn tự trụ trì kiêm lý An Long tự, Bảo An tự, Hưng Long tự tự Bảo Tạng thiền sư phát khởi tạo bản”. Đoạn trích cho ta một số cứ liệu, ngoài việc trụ trì chùa núi Châu Viên, Thiền sư Bảo Tạng còn kiêm lý thêm ba ngôi chùa khác nữa. Hiện chúng tôi chưa rõ về ba ngôi chùa này.

Sư còn đứng in bản Kim Cương Tâm kinh diễn nghĩa vào năm Tân Dậu (1861) mà cuối sách ghi rõ: “Đại Nam quốc Phú Yên đạo Đồng Xuân huyện Xuân Vinh tổng Phong An xã Tuy Dương ấp Phước Sơn tự thượng Bảo hạ Kế hộ bản, Thạch Sơn tự thượng Bảo hạ Tạng phát tâm san bản…” nghĩa là: chùa Phước Sơn, ấp Tuy Dương, xã Phong An tổng Xuân Vinh huyện Đồng Xuân đạo Phú Yên nước Đại Nam, Thiền sư Bảo Kế9 hộ bản, Thiền sư Bảo Tạng chùa Thạch Sơn phát tâm in ván. Năm này, thiền sư đã về trụ trì chùa Thạch Sơn tại tỉnh Phú Yên.

Tổng kết lại mấy tư liệu, Thiền sư Bảo Tạng thường hành đạo ở nhiều nơi. Từ Phú Yên vào đến tận Bà Rịa. Khoảng năm 1858, sư đã vân du vào Nam hành hóa trụ trì mấy ngôi chùa. Khoảng năm 1861 đến năm 1868 thì thiền sư trở lại Phú Yên làm Đường đầu Hòa thượng  tại giới đàn chùa Long Quang, trụ trì chùa Thạch Sơn và tại tự sở này sư đứng in bản dịch nôm kinh Kim Cương và Tâm kinh Bát Nhã. Sau đó, sư trở vào Nam trụ trì chùa Long Hòa, Ngọc Tuyền cho đến  khi viên tịch. Công nghiệp ngài được Thích Hạnh Bình ghi lại việc trùng hưng Tam bảo như sau: “Tại tỉnh Ninh Thuận, Ngài khai sơn chùa Phước Lâm thôn Vạn Phước, khai sơn chùa Trà Cang ở núi Trà Cang, chùa Linh Sơn ở núi Trà Cú, chùa Cổ Thạch ở Bình Thuận, chùa Long Bàn thuộc xã Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu, cuối cùng Ngài thị tịch tại chùa Ngọc Tuyền Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 15 tháng 5 năm 1872….”10.

Niên biểu:

– Mậu Dần (1818) ngày 14 tháng 8: ngài sinh tại tỉnh Phú Yên, thế  danh  là Huỳnh Văn Yết. Cha ngài tên  là Huỳnh Văn Xưa, mẹ là Trần Thị Tấn. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ tại chùa Bát Nhã, Phú Yên.

– Năm Nhâm Dần (1842), bổn sư Tánh Thông Giác Ngộ viên tịch tại chùa Bát Nhã. Sau đó, ngài vân du hoằng hóa ở núi Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong. Ngài vào khai sơn chùa Trà Cang.

– Mậu Ngọ (1858), ngài trùng tu chùa Thiền Lâm (Ninh Thuận), đứng in Kim Cang chú giải tại chùa núi Châu Viên, kiêm nhiệm trụ trì các chùa An Long, Bảo An, Hưng Long. Thực hiện công trình khắc ván in sách, cung thỉnh Thiền sư Hải Thanh chứng minh.

– Tân Dậu (1861) đứng  in Kim Cang kinh diễn nghĩa, Thiền sư Bảo Kế chùa Phước Sơn hộ bản. Lúc này, ngài về trụ trì chùa Thạch Sơn, Liên Trì ở tỉnh Phú Yên.

– Mậu Thìn (1868) Đại sư Hoằng Ân chùa Long Quang đứng ra tổ chức giới đàn và được bầu làm đàn chủ, cung thỉnh ngài làm Hòa thượng  Đường đầu truyền giới tại giới đàn chùa Long Quang (Phú Yên). Sau đó, ngài lại du Nam trụ trì chùa Long Hòa, chùa Ngọc Tuyền.

– Nhâm Thân (1872), ngài viên tịch, đồ chúng lập tháp tại chùa Ngọc Tuyền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). ■

Thích Đồng Dưỡng

Chú thích:

  1. Dựa theo bài viết trên trang www. Tuechung.net.
  2. Thích Hạnh Bình ngờ rằng chứng cứ để Nguyễn Hiền Đức đồng nhất ngài Liễu Minh Đức Tạng với ngài Hải Bình Bảo Tạng là dựa vào ngày kỵ của hai vị thiền sư này, cùng là ngày 25 tháng 5. Chứng cứ này không đủ thuyết phục; vì lẽ có sử liệu xác định ngài Liễu Minh Đức Tạng khai sơn chùa Thiền Lâm năm Chiêu Thống thứ 3 (1789) và viên tịch năm 1813, nghĩa là ngài viên tịch 24 năm sau khi khai sơn chùa Thiền Lâm, điều này hợp lý; trong khi có sử liệu xác định ngài Hải Bình Bảo Tạng viên tịch năm 1872. Nếu hai vị là một, thì sau khi khai sơn chùa Thiền Lâm, ngài thọ thêm 83 năm nữa!
  1. Hầu như các nhà nghiên cứu Phật giáo từ Phú Yên trở vào, khi trích dẫn sử liệu về Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng đều sao chép theo cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức. Tiêu biểu như Lịch sử Phật giáo và các chùa tỉnh Phú Yên, Lịch sử Phật giáo và các chùa tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận
  2. Sách thuộc loại tạp lục, tức người chép không có ý định phân chia chương, tiết. Trong đó, nội dung góp nhặt từ các thơ văn cho đến khoa cúng. Sách không có tựa đề; 4 tờ đầu chép thơ văn thù tạc; 4 tờ tiếp theo chép sự kiện giới đàn tại các chùa Long Quang, Phổ Bảo, và bản Chính pháp Nhãn tạng của Thiền sư Minh Dung Pháp Thông ban  cho đệ tử Thiệt Ý Chân Như vào năm Long Đức thứ 3; 40 tờ tiếp theo chép các khoa nghi như Nhập thất nghi, Phật môn tống chung pháp sự nghi có đánh  số tờ riêng; sau đó là nhiều bản văn khác. Hiện, sách được mang về tu viện Huệ Quang (TP. HCM). Chúng tôi sử dụng bản ảnh do thầy Không Hạnh cung cấp. Nhân đây xin cám ơn thầy.
  3. Hầu như trước đây, khi viết về Thiền sư Bảo Tạng, các nhà nghiên cứu đều trích dẫn sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nhân đây, xin công bố thế danh cùng gia quyến của Thiền sư Bảo Tạng một cách chuẩn xác.
  4. Dựa theo Nguyễn Hiền Đức trong  Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tr.366.
  1. Sdd, tr.366.
  2. Kim Cương chú giải, bản in năm Tự Đức Mậu Ngọ (1858), chùa núi Châu Viên tàng bản. Thủ bản Pháp Đăng viện.
  3. Thiền sư Bảo Kế còn đứng trùng san Trung khoa Du-già tập yếu vào mùa xuân năm Tự Đức Tân Hợi (1851). (dựa vào bản sách lưu trữ tại Tu viện Huệ Quang).
  4. Thích Hạnh Bình, Chùa Thiền Lâm và vai trò lịch sử của nó, trên trang mạng ww.tuechung.net.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB