Hội An: Tịnh xá Ngọc Cẩm – Chốn thiền môn thanh tịnh trong lòng phố cổ

780

Trải qua hàng trăm năm, Phố cổ Hội An gần như vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ xưa với  hơn 1.000 di tích kiến trúc, từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Với nhiều đặc điểm nổi bật về địa lý, sự độc đáo về kiến trúc, văn hóa, … Hội An luôn ghi dấu trong lòng mỗi người khi có dịp ghé thăm!

Trong mối duyên lành khi Hội An từng là một thương cảng sầm uất những năm thế kỷ 16, 17. Với người yêu mến đạo Phật, tìm đến Phố Hội cũng là một lần tìm về cội nguồn văn hóa Phật giáo, tìm về những tương đồng – dị biệt của kiến trúc Phật giáo nơi có sự giao thoa, hội tụ tinh hoa Phật giáo Việt Nam và các nước trong khu vực; Đến phố Hội mọi người sẽ ghé thăm nhiều ngôi chùa tại đây, trong đó có ngôi Tịnh xá Phật giáo Khất sĩ – Tịnh xá Ngọc Cẩm.

Tịnh xá Ngọc Cẩm tọa lạc tại số 56/53 đường Hùng Vương, Phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, đây là ngôi Tự viện thuộc Giáo đoàn 3 Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Là một trong những tịnh xá tiêu biểu của Hệ phái Khất sĩ tại miền Trung, tịnh xá Ngọc Cẩm được xây dựng kiến tạo vào năm 1962 và được đại trùng tu vào năm 2003. Ngày nay, Tịnh xá là một trong những ngôi Tự viện có nhiều nét độc đáo trong kiến trúc Phật giáo tại thành phố cổ Hội An thơ mộng.

Được xây dựng trên khuôn viên rộng 5.000m2, trong lòng phố cổ, với một công trình kiến trúc có các hệ thống Chùa, tháp, nhà Tổ, đài sen, Giảng đường, nhà Tăng, Am cốc và các công trình phục vụ cho việc tu học, mang đậm dấu ấn truyền thống đặc thù của Hệ phái Khất sĩ, kết hợp giữa hiện đại và cổ kính.

Tất cả các công trình được bố trí sắp đặt hài hòa giữa những không gian cây xanh rợp mát, và các khoảng sân rộng rãi dành cho các hoạt động ngoài trời. Ngôi Tịnh xá Ngọc Cẩm như một nét chấm phá nổi bật giữa lòng đô thị cổ Hội An.

Trụ trì Tịnh xá Ngọc Cẩm là Đại đức Thích Giác Nhẫn, dù bận bịu với nhiều Phật sự nhưng các thời khóa tu học tại Tịnh xá được Đại Đức duy trì một cách đầy đủ: “Ngôi Tịnh xá từ khi thành lập trải qua bao thăng trầm của thời gian và chiến tranh và được tu sửa lại nhiều lần nhưng lối kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Điều đó minh chứng cho sự nhập thế, thuận duyên của Phật giáo đối với đời sống tâm linh của đồng bào Phật tử ở phố cổ Hội An.” – Đại đức Thích Giác Nhẫn chia sẻ

Hội An là một đô thị cổ kính, nơi đây đã từng là một thương cảng sầm uất vào nhiều thế kỷ trước. Từ xa xưa các nền văn hóa đông tây theo các thương thuyền du nhập truyền bá vào với đời sống người dân bản địa. Cũng vì thế mà Hội An có nhiều Tôn giáo cùng sinh sống hòa thuận trên một địa bàn dân cư. Nhưng phải nói rằng Phật giáo đã luôn giữ được tôn chỉ vô ngã vị tha phụng sự, nên suốt chiều dài cùng lịch sử Phật giáo luôn tồn tại và phát triển.

Tịnh xá Ngọc Cẩm có tòa chánh điện cao ba tầng, diện tích 720m2 được tọa tại trung tâm với lối kiến trúc hình bát giác, bên trong là hàng cột tứ chúng, tầng lầu thờ tượng Đức Phật Thích ca, và tầng trệt làm giảng đường.

Trên các bức tường của Tịnh xá có trang trí những bức phù điêu bằng đồng tái hiện về hoàn cảnh tiếp nhận và ngộ đạo của Đức Phật. Các đường nét được thiết kế tinh xảo với các hoa văn truyền thống của Phật giáo, đây là những thông điệp mà tiền nhân muốn gửi tới các thế hệ mai sau về con đường hành đạo và hóa đạo của Đức Tổ sư, Đức Thầy trong lịch sử phát triển của Phật giáo Khất sĩ nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tịnh xá Ngọc Cẩm có Pho tượng Phật Tổ được đúc bằng đồng và mạ vàng nguyên chất. Các tượng Phật ở đây đều được dát vàng 24 ca ra, đây là điều đặc biệt nhất của tịnh xá Ngọc Cẩm, khi đặt chân đến đây Phật tử và du khách thật sự cảm nhận được sự linh thiêng và yên tĩnh nơi cõi Phật.

Từ trên cao nhìn xuống Ngọc Cẩm như một viên ngọc giữa Hội An thơ mộng cổ kính với các điểm nhấn về kiến trúc với tự nhiên. Các tiểu cảnh được bố trí sắp đặt xen kẽ hài hòa, làm cho mỗi người khi chiêm bái lễ Phật cảm thấy như được về với chân như Phật tính của mình.

Trong dòng phát triển của lịch sử, đặc biệt là sau khi thị xã Hội An được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, tịnh xá Ngọc Cẩm thường xuyên là điểm dừng chân của du khách thập phương. Vào những dịp lễ lớn như rằm tháng tư âm lịch – lễ Phật Đản hàng ngàn phật tử cùng du khách trở về tham dự chiêm bái và lễ Phật.

Không chỉ là nơi du khách lễ bái, Tịnh xá còn là nơi thường xuyên diễn các khóa tu mùa hè dành cho học sinh, sinh viên. Nơi đây cũng là chốn quy ngưỡng cho rất đông đảo bà con Phật tử, nhân dân yêu mến Đạo Phật trong vùng.

Chú trọng việc giáo dục cho Tăng Ni bổn tự và quý Phật tử về tình yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, Đại đức trụ trì luôn tổ chức các chương trình cứu trợ, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, thực hiện theo lời dạy của chư Phật. Từ đó mà người dân cảm thấy tin tưởng vào Phật giáo, ngày một đông nhân dân trong vùng trở về xin được quy y Tam Bảo.

Trong dặm dài của lịch sử văn hóa dân tộc, Phật giáo luôn đồng hành phát triển và gắn liền với văn hóa vùng miền, gắn liền với sự phát triển chung của xã hội ngày nay! Tịnh xá Ngọc Cẩm là một điểm sáng tâm linh, nơi nương náu tâm hồn cho đông đảo đồng bào Phật tử, nhân dân nơi đây và những người hữu duyên đến với Phố Hội.

Một số hình ảnh được ghi nhận:

Tronghaitb

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB