Tiểu sử chép: “Năm 19 tuổi Chân Nguyên đọc quyển Thực Lục Sự Tích Trúc Lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang, chợt tỉnh ngộ mà nói rằng, đến như cổ nhân ngày xưa, dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống gì mình chỉ là một anh học trò”. Bèn phát nguyện đi tu.
Thế là cũng như Thiền sư Huyền Quang, Chân Nguyên cũng leo lên núi Yên Tử để thực hiện chí nguyện xuất gia học đạo của mình.
Và cũng giống như Huyền Quang, Chân Nguyên cũng đã viết “Thiền tịch phú” khi Chân Nguyên còn đang làm trụ trì tại chùa Long Động trên núi Yên Tử.
Dù không được đánh giá cao như “Vịnh vân yên tự phú” của Huyền Quang, tức là một trong bốn bài phú nổi danh của đời Trần, là Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca của Trần Nhân Tông, Giáo Tử Phú của Mạc Đĩnh Chi, mà giáo sư Lê Mạnh Thát cho là “chỉ bắt đầu từ bốn bài phú ấy, nền văn học Tiếng Việt mới có những tác phẩm đầu tiên còn được bảo tồn cho đến ngày nay”.
Mặc dù không được đánh giá cao và truyền tụng nhiều như “Vịnh vân yên tự phú” của Huyền Quang, nhưng đọc “Thiền tịch phú”, ta không những thấy lại được cảnh sinh hoạt nơi chốn thiền môn của Phật giáo Vịệt Nam ở cuối thế kỷ thứ 17 và những năm đầu thế kỷ 18, từ cách thờ phụng đến tu niệm, từ đồ ăn thức uống đến chương trình giáo dục của thiền viện, đặc biệt ta còn thấy được ngòi bút của Chân Nguyên gần như bay bổng và đầy niềm kiêu hãnh khi đang là hành giả thực hiện chí nguyện cao cả của người xuất gia, dù Chân Nguyên vẫn một mực khiêm tốn nói rằng mình không hề có ý định làm văn chương: “Phúc lại thấy trì thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngốc ngách”.
|
Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) |
Đây là cảnh Chân Nguyên tu niệm hàng ngày ở chùa Long Động, nơi ông đang làm trụ trì:
“Đêm đông trường khi mật niệm
Gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh
Ngày hạ tiết lúc tụng kinh
Nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”
Đã gần 20 thế kỷ qua, nghĩa là từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay thì tiếng chuông, tiếng mõ cùng lời kinh kệ như tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ của chùa Long Động này đã an ủi không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn cô đơn lạc lõng, nhất là đã cùng vui với nỗi vui của dân tộc trong những triều đại oanh liệt và đau theo nỗi đau của dân tộc khi người dân phải sống chung dưới những chế độ chuyên chế hà khắc.
Còn đây là đoạn Chân Nguyên tả cách ăn mặc hàng ngày.
“Chỉn chuộng một bề đạo đức
Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay
Vốn yêu hai chữ từ bi
Thân nào quản mặc lành mặc rách.
Khi dưa dấm chua lòm
Bữa canh suông lạt thếch
Mũ viền sô nhuộm mực đen sì
Quần áo vãi nâu sồng cũ rích
Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa
Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà Thiền cục kịch.
Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng
Dép đi đở bụi cách trần, dép chẳng chuộng gia tàu hàm ếch”
Điểm khác biệt nhất để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác là Phật giáo không bao giờ chủ trương độc quyền dù là độc quyền tư tưởng. Bởi vậy, Phật giáo nhất là Phật giáo Việt Nam mà tiêu biểu là Phật giáo dưới hai triều đại Lý, Trần đã vận dụng triệt để tinh thần bao dung ấy của Phật giáo và đã đoàn kết được dân tộc lại thành một khối duy nhất.
Trong “Thiền Tông Chỉ nam”, một trong những tác phẩm quan trong nhất của vua Trần Thái Tông, nhà vua đã phát biểu rõ ràng ý đồ ấy của mình: “Để dạy bảo quần chúng u mê, soi tỏ đường tắt về lẽ sống chết, đấy là giáo lý vĩ đại của Phật, gánh vác việc cầm cân công lý, làm ra mẫu mực tương lai, đó là trách vụ của thánh nhân Nho giáo. Giáo lý của Phật ta lại mượn tay thánh Nho để truyền vào đời sống đoàn thể”.
Thiền sư Chân Nguyên muốn đem tinh thần ấy cho triều đại nhà Lê nên Chân Nguyên đã viết trong Thiện Tịch Phú:
“Chơi rừng Nho len lõi suối khe
Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch”
Và Chân Nguyên ước mơ một ngày nào đó hai hệ tư tưởng lớn nhất này sẽ cùng đưa đất nước đến hùng mạnh như 2 triều Lý và Trần đã hùng mạnh nhờ áp dụng một cách thành công sự kết hợp này:
“Sư quân tử cấy trúc ngô đồng
Đệ trượng phu trồng thông tùng bách
Trăm thức hoa đua nở kề hiên
Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch
Ngào ngạt mùi xạ lan
Thơm tho hương trầm bạch”.
Nhưng đạo Phật không dừng lại ở đó mà mục tiêu cuối cùng của đạo Phật vẫn là phải giải phóng cho bằng được sự thống khổ mênh mông của kiếp người. Nhưng Khổng giáo cũng như Lão, Trang hoàn toàn không đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết mà Thiền sư Cửu Chỉ của Phật giáo ở thời nhà Lý đã chỉ cho thất sự khiếm khuyết ấy:
“Không Mặc chấp hữu, Trang Lão nhược vô, thế tục chi điển phi giải thoát pháp. Duy hữu Phật giáo bất hữu vô, khả liễu sanh tử.”
“Khổng học và Mặc học chấp vào thế gian là có thật, Trang học và Lão học lại nói không có thật. Kinh sách thế tục chẳng phải pháp học giải thoát con người, chỉ có Phật giáo vượt lên ‘có’ và ‘không’, nên mới có thể thấu triệt lẽ sống chết”.
Bởi vậy cho nên, khi kết thúc Thiền Tịch Phú, Chân Nguyên đã kêu gọi tất cả chúng ta nếu muốn thấu triệt lẽ sống chết thì hãy buông bỏ tất cả. Chỉ khi nào chịu buông bỏ thì chúng ta mới có thể mở miệng mỉm cười mà chào đón giác ngộ:
“Khuyên người đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không sau lại về không, nữa luống lòng nghĩ tiết khuâng khuâng.
Bảo kẻ có chí, phải theo đòi thánh chí, nhân đã tỏ quả đà nên tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích”
Bởi thế cho nên Chân Nguyên chỉ lấy cái hay của Khổng giáo còn cái gì dở của Khổng giáo thì phải loại bỏ. Trong Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới, Chân Nguyên đã khuyến cáo giới tăng sĩ của Phật giáo thời bấy giờ rằng đã là bậc đại sa môn, bậc đại trượng phu thì không nên rơi vào chỗ thấp hèn như các nhà Nho:
“Cho nên, áo mũ cân đai nhà Nho là nghi phục để chầu vua thì ca sa tọa cụ dòng Thích là pháp phục để chầu Phật. Áo vuông đầu tròn làm con cháu Phật tổ là để hiển dương chánh pháp xuất hiện ở đời, làm cho Phật pháp dài lâu, lợi ích muôn loài vậy”.
Phải chăng việc lạm dụng y áo vốn được ca tụng là “thiện tai giải thoát phục” này để khúm núm với kẻ quyền thế chắc chắn không chỉ xảy ra dưới thời nhà Lê của Chân Nguyên mà còn xảy ra ở bất cứ thời nào, khi thời đó còn có những tăng sĩ Phật giáo tự nguyện biến thành công cụ để phục vụ cho quyền lực thế tục?
Thiền sư Huyền Quang của Phật giáo đời Trần, người mà Chân Nguyên đã vô cùng ngưỡng mộ và chính sự ngưỡng mộ này mà đã khiến cho Chân Nguyên phát tâm xuất gia học đạo, có làm bài thơ đặt tên là Sơn Vũ (Nhà trong núi), như thế này:
“Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn Vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ hỷ thành Thiền tâm nhất phiến
Cung thanh tức tức vị thùy đa
Đêm khuya gió thu lay động bức rèm
Nhà núi đìu hiu gối vào lùm dây leo xanh biếc
Thôi rồi, lòng ta đã hoàn toàn vắng lặng
Nhưng sao tiếng dế vì ai mà vẫn còn rền rỉ mãi?”
Hai câu cuối của bài thơ có thể giải thích cho ta biết lý do tại sao các thiền sư không ở yên trên núi cao để hưởng an lạc cho riêng mình mà lại phải xuống núi vì sự thống khổ của kẻ khác; và tất nhiên cũng sẽ giải thích tại sao những nhân vật chính trong tác phẩm của Chân Nguyên như thái tử Đạt Na trong Đạt Na Thái Tử Hành (ĐNTTH) hay công chúa Diệu Thiện trong Nam Hải Quan Âm Bản Hành (NHQABH) là những nhân vật đã vì sự thống khổ của con người mà phải gánh chịu không biết bao nhiêu là khổ nạn, bao nhiêu là bất công, oan nghiệt cũng chỉ vì họ muốn tự nguyện chia sẻ nỗi thống khổ ấy với con người chứ không vì bất cứ một lý do nào khác cả.
Nhưng trước khi đi vào nội dung những tác phẩm của Chân Nguyên thì ta cũng cần biết Chân Nguyên đứng nơi nào không những đối với văn học Phật giáo nói riêng mà còn cả nền văn học dân tộc nói chung nữa.
|
Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên (Bà Rịa – Vũng Tàu) |
Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, tác giả Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập (CNTSTT):
“Chân Nguyên (1647-1726) là một tác giả lớn của hậu bán thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói ông là người đầu tiên viết truyện bằng thể tài lục bát, mở đầu cho sự ra đời hàng loạt truyện thơ của nền văn học dân tộc ta. Do thế, ông chiếm một vị trí nhất định trong lịch sử văn học và tư tưởng dân tộc”.
Tác phẩm được cho là quan trọng nhất trong toàn bộ những tác phẩm của Chân Nguyên là Thiền Tông Bản Hạnh (TTBH).
Tác giả CNTSTT cho biết là vì sao Thiền Tông Bản Hạnh lại quan trọng:
“Về phương diện văn học, TTBH đã cùng với Thiên Nam Minh Giám và Thiên Nam Ngữ Lục, khai sáng ra một thể tài văn học mới nổi tiếng trong lịch sử, lấy chính lịch sử dân tộc làm chủ đề phô diễn, làm khung cảnh cho khả năng sáng tạo của người viết. Do đó TTBH quan trọng không những cho công tác nghiên cứu chính tự thân thể tài văn học ấy, mà còn cho việc tìm hiểu tương quan văn học lịch sử cùng tác giả của chính nó với hai tác phẩm kia, đặc biệt vì ta biết tương đối khá tường tận về tác giả đã viết nó. Trên phương diện lịch sử và tư tưởng, TTBH là một tác phẩm quốc âm xưa nhất hiện được biết, chuyên viết về một giai đoạn lịch sử và tư tưởng dân tộc, đó là giai đoạn từ năm 1225 – 1357, tức là năm Trần Cảnh lên ngôi cho đến khi Trần Nhân Tông băng hà”.
Còn đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì TTBH còn giữ một vị trí quan trọng hơn nữa:
“TTBH là một tác phẩm lịch sử của Phật giáo Việt Nam đầu tiên bằng Quốc Âm được phát hiện. Nó giúp ta không những hiểu biết lịch sử Phật giáo trong giai đoạn ấy, mà còn cả tình trạng kiến thức lịch sử và quan niệm tôn giáo của những người sống vào thời nó ra đời. Xa hơn nữa, nó đã gợi lên một số những đề án lý luận mà sau này đã trở thành cơ sở cho một hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam mang tính nhất quán được thể hiện ở những con người như Ngô Thời Nhiệm và Toàn Nhật”.
Trong phần nhập đề của tác phẩm TTBH Thiền sư Chân Nguyên đã nhắc lại giai thoại, một giai thoại mà ai cũng đều biết đã làm rung động không chỉ các thiền sư mà còn cả văn nhân, thi nhân và họa sĩ từ hơn 15 thế kỷ qua, đó là giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu, nghĩa là cầm hoa mỉm cười, mà kinh Đại Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh đã ghi lại, theo đó thay vì thuyết pháp đức Phật lúc đó đang ở trên đỉnh núi Linh Thứu đã cầm một đóa hoa sen mà Phạm Thiên Vương vừa dâng cúng, đưa lên rồi mỉm cười, trong pháp hội lúc đó chẳng ai hiểu được ý nghĩa này cả, ngoài trưởng lão Ma Ha Ca Diếp:
“Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí tuệ khôn thay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tính tự nhiên
Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng
Hậu học đà biết hay chăng
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời”
Chân Nguyên cũng diễn tả lại tiếng quát thét đầy uy lực của các thiền sư trong suốt dòng lịch sử của Thiền tông:
“Đến khi phó pháp truyền trao
Vận dụng trí tuệ thiển thâm nhiều bề
Hoặc là nghiễm tọa vô vi
Hoặc là thuấn mục dương mi giao thần
Hoặc hiện sư tử dĩnh thân
Quát thét một tiếng xa gần vang uy”
Tuệ Sỹ trong bài viết cách đây hơn ba thập niên có nói rằng chính tiếng quát ấy mà biết bao con người khát khao chân lý, khát khao tuyệt đối đã lên đường để tìm cho ra lẽ sống chết:
“Một thời xa xưa tại các pháp đường của các thiền viện, người ta nghe sang sảng những tiếng cười và tiếng thét. Bao nhiêu lời lẽ luận bàn khúc chiết được gửi trả về cho dãy sa mạc trên miền Cao Á, nơi đã từng ghi dấu cuộc hành trình khổ nhọc của những tâm hồn khát khao tuyệt đối. Nơi đây sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết vẫn mãi mãi bồng bềnh hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt. Rồi mai kia, khi thời cơ đến, tiếng thét trổi lên làm đảo lộn cả nếp sống bình sinh.” “*”
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học vẫn nghĩ rằng, Trần Thái Tông bỏ ngôi vua lên núi Yên Tử là do chuyện buồn riêng tư. Điều đó có thể đúng một phần nào thôi, giả như nếu Trần Thái Tông không buồn chuyện riêng tư thì một tâm hồn như ông cũng không thể nào không mang nặng nỗi buồn muôn thuở của kiếp người, như chính Trần Thái Tông đã trình bày với Thiền Sư Trúc Lâm trên núi Yên Tử:
“Lại nghĩ sự nghiệp đế vương thuở trước, thay đổi bất thường, cho nên tìm đến núi này chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác”
Thiền sư Chân Nguyên đã diễn tả ý đó trong TTBH:
“Lòng vua những lự đêm ngày
hai mươi sáu tuổi hầu hay chước nào
sinh lão bệnh tử thương sao
tuổi già lập cập nan đào tử sinh
Tháng ngày bằng chớp lóang minh
Thân người ảo hóa nhiều hành khá thương
Thế tình tham những giàu sang
Đắm say nào biết tuổi vàng phong đô
Tam Hoàng ngũ đế thời xưa
Lưa lần thay đổi biết qua mấy đời”
Trong NHQABH Chân Nguyên cũng đã nhắc lại ý đó qua lời của công chúa Diệu Thiện:
“Gẫm chưng sự thế gian này
Vinh hoa phú quý xem tày phù vân
Hưng vong bỉ thái xoay vần
Đế vương kim cổ lửa lần bao nhiêu”
Nhưng xét cho cùng thì bất cứ một con người vĩ đại nào cũng đều không nhiều thì ít đều âm thầm chịu đựng một bi kịch nào đó trong chính mình, Trần Thái Tông chắc cũng không ngọai lệ. Nhưng những bậc vĩ nhân khác con người nhỏ bé tầm thường chúng ta ở chỗ, hể chúng ta bị đau khổ thì sự đau khổ sẽ làm cho ta ngã gục và từ đó cũng làm cho ta đâm ra thù ghét và oán hận cuộc đời. Còn những bậc vĩ nhân thì ngược lại, họ biến nổi đau khổ riêng tư ấy thành sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển nổi, để từ đó họ thông cảm sâu xa hơn nữa với bao nổi đau khổ của cuộc đời và họ lại càng quyết tâm hơn nữa trong việc cứu vớt con người ra khỏi bao nỗi đau khổ ấy.
“*” Trích lời giới thiệu Vô Môn Quan bản dịch của Trần Tuấn Mẫn, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1972
Những ưu tư sau đây của Trần Thái Tông, những ưu tư mà Chân Nguyên đã căn cứ vào lời tựa trong Thiền Tông Chỉ Nam do chính Trần Thái Tông viết thì chắc chắn không phải là ưu tư của một vị vua tầm thường như bao vị vua tầm thường khác, mà chắc chắn phải là ưu tư của một bậc minh quân không chỉ hiếm hoi trong lịch sử của dân tộc mà còn cả lịch sử của nhân loại nữa:
“Vua thấy thiên hạ sầu bi
Lòng lo thảm thiết một khi trình thầy
“Thiên hạ rước trẫm về rày
Lòng muốn tu đạo nguyện thầy dạy sao?”
Dòng dòng nước mắt nhuốm sa
Một là tiếc đạo hai là thương dân
Thuở ấy Thiền Sư Trúc Lâm
Thấy vua thuyết vậy bội phần khá thương
Trí khôn tâu động Thánh Hòang
Được lòng thiên hạ mới lường rằng bây”.
Thiền sư Chân Nguyên qua hai câu:
“Dòng dòng nước mắt nhỏ sa
Một là tiếc đạo hai là thương dân”
Theo tôi, đã nói lên được hết tất cả sự phân vân lưỡng lự của một tâm hồn vĩ đại. Nghĩa là hoặc chỉ vì sự an vui của riêng cá nhân hoặc là phải xuống núi trở lại vì tiếng kêu la thống thiết của muôn người.
Chính hai câu nói của vị sư già trên núi Yên Tử: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm, khi nào tâm vắng lặng thì đó là chân Phật”, và “Hễ là bậc nhân quân, tất phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, lấy cái ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình” mà lịch sử của dân tộc đã mở ra một triều đại oanh liệt. Oanh liệt không phải chỉ trong việc đánh đuổi ngọai xâm mà còn oanh liệt trong việc xây dựng và phát triển đất nuớc trên mọi bình diện. Kinh nghiệm lịch sử của đời Trần cho ta thấy rằng hễ triều đại nào biết tôn trọng những giá trị tâm linh thì triều đại ấy sẽ phát triển rực rỡ trên mọi mặt chứ không phải chỉ có một mặt là đánh đuổi ngoại xâm thôi.
Bây giờ ta tiếp tục xem thử TTBH đã thuật lại việc Trần Thái Tông vâng lời Trúc Lâm Thiền sư “Nghiên cứu kinh điển, không quên rửa lòng, rèn tính” như thế nào?
“Vua ngồi tức lự trầm ngâm
Hốt nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng
Ngộ được Bát Nhã tâm tông
Vạn pháp diệu dụng tự tính hiển dương
Bản lai thanh tịnh chân thường
Viên minh phổ chiếu đường đường tịch quang
Khi thời ngồi ngự ngai vàng
Khi thời tọa tịnh thiền sàng bóng cây
Lòng thiền nghiêm cẩn ai hay
Quả Bồ Đề chín đến ngày thâu công
Thiên hạ nam bắc tây đông
Thấy vua đắc đạo trong lòng vui thay”
Đọc đoạn thơ trên khiến ta có thể liên tưởng đến sự hân hoan náo nức của toàn thể nhân dân nuớc Đại Việt lúc bấy giờ khi nghe tin Trần Thái Tông đã đánh bại đội quân Nguyên Mông đã xâm luợc nước ta vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tị (1258) tại Đông Bộ Đầu.
Vậy là Trần Thái Tông đã chiến đấu không phải chỉ trên chiến trường với kẻ thù xâm luợc thôi mà còn phải chiến đấu cả trên mặt trận tâm linh nữa, và cả hai mặt trận Trần Thái Tông đều chiến thắng một cách oanh liệt hết cả.
Nhưng sở chứng của Trần Thái Tông là gì mà lại lay động được không biết bao nhiêu là tâm hồn của người dân nước Đại Việt đương thời? Chân Nguyên đã diễn lại câu hỏi của Đức Thành, một vị thiền sư của nước Tống đến tham vấn Trần Thái Tông như sau:
“Đức Thành lại hỏi căn nguyên
Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà
Này lời Trần Thái Tông thưa ra
“Lưỡng mộc đồng hỏa đôi ta khác gì?”
Đương cơ đối đáp thị thùy
Thực tính ứng dụng cùng thì nhất ban
Phóng ra một bọc càn khôn
Thâu lại nhập nhất mao đoan như là
Ma Ha Bát Nhã Ba La
Tam thế chư Phật chứng đà nên công
Bách giang vạn thủy triều đông
Ngộ đạo giáo lý thực cùng tề nhau
Phật tiền Phật hậu trước sau
Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho
Ai ai đạt giả đồng đồ
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà”
Dường như nơi con người của Chân Nguyên lúc nào cũng khát khao vươn lên khỏi thân phận bi thảm của kiếp người một cách vô cùng mãnh liệt. Cho nên ta chẳng lấy gì làm lạ hễ khi nào có dịp đề cập đến những vấn đề triết học quan trọng của Phật giáo như Chân Như, Bồ Đề, Phật Tánh, Bát Nhã v.v… thì ngòi bút của Chân Nguyên có dịp bay bổng.
Đây là đoạn Chân Nguyên diễn lại cảnh Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ cho Trần Nhân Tông thấy diệu dụng cái tâm của chính mình và của cả mọi người:
“Tuệ Trung trỏ bảo liền tay
Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền
Tâm là bản thể căn nguyên
Tâm là nhật tự pháp môn thượng thừa
Tâm bao bọc hết thái hư
Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngòai
Tâm hiện con mắt lỗ tai
Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan
Tâm năng biến hóa chư ban
Vạn pháp cụ túc lại hòan như như”
Và dưới đây là cảnh tượng đầy hùng tráng mà đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã phó chúc cho Thiền sư Pháp Loa làm đệ nhị tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử:
“Pháp Loa ta đã truyền lòng
Làm đệ nhị tổ nối dòng Như Lai
Đèn Bụt như lửa mặt trời
Hỏa tinh vô tận mỗi người mỗi cho
Bảo Sát hãi chúng môn đồ
Ai ai cũng có minh châu trong mình
Pháp thân nghiêm hỷ, trường linh
Tì Lô thượng đảnh tung hoành thái hư
Thánh phàm vô khiếm, vô dư
Đường đường đối diện như như thể đồng”.
Nhưng ta có thể thắc mắc tại sao Chân Nguyên lại ngồi cặm cụi viết lại bằng thể thơ lục bát một giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử dân tộc? Phải chăng ông muốn gửi gắm tâm sự của mình với giai đoạn lịch sử đầy hào hùng nhằm tìm một lối thoát cho dân tộc và cho cả thời đại mà Chân Nguyên đang sống chăng?
Tác giả TSCNTT đã lý giải một cách rất cảm động rằng:
“Chân Nguyên sinh năm 1647 và mất năm 1726, như vậy sống hoàn toàn vào hậu bán thế kỷ XVII và phần tư đầu thế kỷ XVIII. Vào giai đoạn đó trong đời sống kinh tế của nhân dân nói chung đã phát triển lên một bước, nhưng chế độ phong kiến vẫn cố sức kiềm hãm đà phát triển ấy, nên đã để mình lao nhanh vào cuộc khủng hoảng với những mâu thuẫn không thể giải quyết nỗi của bản thân nó. Đất nuớc vẫn qua phân, nhân dân vẫn đói khổ. Do thế, một bộ phận trí thức dân tộc đã băn khoăn suy nghĩ đi tìm cách để cứu nước, cứu dân. Vì vậy, họ đã quay về những thời kỳ vàng son của đất nuớc, những anh hùng của dân tộc, tra soát lại lịch sử để hiểu xem nhân tố nào đã tạo nên những thời kỳ vàng son và những anh hùng dân tộc đó (…).
Sống vào một thời đại như vậy, Chân Nguyên không thể không có những đóng góp mang tính thời đại của mình. Ông đã trở về truyền thống dân tộc, tìm lại những mẫu người điển hình của quá khứ vẻ vang để suy niệm và sáng tác. Ông đã viết TTBH, mô tả lại cuộc đời của hai vị vua anh hùng đời Trần, từng vào sanh ra tử, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù Nguyên Mông xâm luộc hùng mạnh hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ và đã chiến thắng một cách lừng lẫy vang dội khắp loài người, đó là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông”.
Nhưng nhân dân vào thời đại Chân Nguyên đã sống như thế nào? Dù là một cốt truyện lấy từ truyện tiền thân của Phật giáo, nhưng qua cái nhìn của thái tử Đạt Na ta thấy được phần nào bức tranh vô cùng ảm đạm mà người dân thời Chân Nguyên đã phải gồng mình lên để gánh chịu:
“Từ Anh ra chơi ngòai đường
Bần nhân kêu khóc dậy đường van lơn
Anh xem thấy nó khôn hàn
Trần truồng khỏa lộ cơ hàn thiết thay
Cơm thời chẳng có ăn rày
Áo thời thủơ này chẳng có che thân
Cùng là gầy guộc tay chân
Tối thui què quặt muôn phần xót xa
Có người Chốc lịch càng gia
Nằm lăn hòa khóc ở ca bên đường
Đêm ngày dãi nắng dầm sương
ốm đau yếu đuối mình bằng cọng tơ
Cơm áo chẳng có ai cho
Lấy chi mà uống mà hồ sống nay”
Tác giả CNTSTT đã nhận định rất đúng rằng: “Đọc những câu thơ vừa dẫn, ta thấy ngay Chân Nguyên không thể tả một thế giới nào khác hơn là thế giới của thời đại ông đang sống”.
|
Tháp Tịch Quang thờ Thiền sư Chân Nguyên (Quảng Ninh) |
Chân Nguyên đã sống vào thời đại nhà Lê (Trung hưng). Vậy các sử gia đã đánh giá thế nào về nhà Lê, tức là thời đại mà Chân Nguyên đang sống?
Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược viết rằng: “Nhà Lê, kể từ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cho đến vua Cung Hoàng vừa đúng một trăm năm (1428 – 1527), được mười ông vua. Nhưng trong bấy nhiêu ông, trừ vua Lê Thái Tổ, thì chỉ có vua Lê Thánh Tông và Hiếu Tông là đã lớn tuổi mới lên ngôi, còn thì ông nào lên làm vua cũng còn trẻ cả. Vì thế cho nên việc triều chính mỗi ngày mỗi suy kém, lại có những ông vua hoang dâm, làm lắm điều tàn bạo để đến nỗi trong nước xảy ra bao nhiêu biến lọan.
Sống giữa những ông vua như vậy, nên ta chẳng lấy gì làm lạ khi Chân Nguyên đã để cho công chúa Diệu Thiện trong NHQA đã nói thẳng vào mặt cha mình mà đồng thời cũng là vị vua đang cai trị đất nước rằng:
“Sao cha ám muội hôn mê
Tâm tà xí thạnh nào còn biết chi
Gẫm mình da bất năng trì
Sao cho trị quốc xứng vì thánh quân”
Chân Nguyên sinh năm 1647 và mất năm 1726, nghĩa là sống trong giai đoạn mà hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn đang tranh dành nhau một cách quyết liệt. Sống trong không khí chính trị đầy ngột ngạt như vậy nên Chân Nguyên tất nhiên phải ước mơ một ngày nào đó đất nước sẽ phải thu về một mối, để người dân không còn phân biệt kẻ Bắc người Nam nữa:
“Lòng tôi chẳng muốn Bắc Nam
Lấy làm bốn bể anh tam một nhà
Thu về hội họp quốc gia
Địa lợi nhân hòa lẽ ấy càng hơn”.
Có lẽ ta cũng cần bàn thêm ở đây là bốn câu trên cùng với hai câu này:
“Tích lấy tài sản làm chi
Cho hay của ấy thật thì của chung”
Trong tác phẩm DNTTH của Chân Nguyên chẳng liên hệ gì đến thứ triết lý về kinh tế cũng như xã hội đã xuất hiện ở Tây Phương từ những năm hậu bán thế kỷ XVIII và đã tồn tại cho đến những năm cuối thế kỷ XX.
Khi Chân Nguyên chủ chương “Không tích lũy tài sản” vì “Của ấy thật là của chung” thì chắc chắn Chân Nguyên không đứng trên một chủ thuyết nào cả mà ông chỉ vì lòng từ bi của Phật giáo như ông đã xác nhận:
“Lòng tôi cảm đức từ bi
Thấy người đói rách tôi thì càng thương”
Bởi vậy, cách giải quyết của Chân Nguyên là kêu gọi những người đang cai trị tức là những kẻ đang nắm giử tài sản khổng lồ của quốc gia hãy bỏ tánh tham lam đi để mọi người dân đều được quyền hưởng thụ tài sản mà chính họ đã từng bỏ công sức ra để đóng góp. Vì quả thật nó là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng ai kể cả giai cấp đang thống trị:
“Dám khuyên bệ hạ từ rày
Thi nhân bố chính cho hay ở mình
Chớ hề ngược đãi thương sinh
Văn vũ triều đình ái quốc ưu quân
Nhưng khi mơ ước một xã hội công bằng bởi lòng từ bi, cũng như việc thái tử Đạt Na thực hiện ước mơ đó bằng cách bố thí tất cả, kể cả vợ và con mình thì không ít người đã thắc mắc phải chăng thái tử Đạt Na đã vi phạm chính ngay phẩm giá của con người:
Bây giờ ta xem thử tác giả CNTSTT đã giải đáp vấn đề cực kỳ quan trọng này như thế nào ?
“Theo chúng tôi nghĩ, xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo ước mơ mà nó nhắm tới, trong khi việc nó gây ra nhiều nghi vấn lại bắt nguồn từ phương thức để thực hiện chủ nghĩa nhân đạo ước mơ đó. Nói khác đi, người ta mẫu chuyện Đạt Na, vì nó nói lên được giấc mơ về một thế giới lý tưởng thực sự chân chính của con người. Nhưng người ta vẩn thắc mắc về những hành động của Đạt Na, bởi vì người ta biết rằng những hành động ấy không phải là những phương thức thực tế để thực hiện thế giới ước mơ đó một cách hữu hiệu. Cử chỉ bố thí có thể là một cử chỉ nhân đạo, nhưng nó không đủ để xây dựng một thế giới nhân đạo.
Đúng là những ước mơ của thái tử Đạt Na không đủ để xây dựng một thế giới nhân đạo, nhưng theo tôi cuộc đời sẽ tăm tối biết là bao nếu những ước mơ của con người về một thế giới sẽ tốt đẹp hơn trong ngày mai sẽ không bao giờ còn hiện hữu trong giấc mơ của con người nữa. Bởi thế, con người cứ nên tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đó dù biết rằng những giấc mơ đó sẽ chẳng bao giờ thực hiện được trên đời này.
Thiền sư Chân Nguyên mất năm 1726 thì cũng chính trong năm đó Lê Quý Đôn, một nhà Nho lỗi lạc đã chào đời. Trong tác phẩm Thiền Dật Kiến Văn, Lê Quý Đôn đã chỉ trích những nhà Nho của triều Lê, tức là triều đại mà ông đang sống và phục vụ như thế này:
“Ngô Nho chấp bỉ thử chi kiến, mỗi mỗi biện bác báng cập Tiên, Thích hà kỳ chất dã”.
Bọn nhà Nho chúng ta chấp quan điểm này quan điểm kia, mỗi mỗi biện bác, nhạo báng cả đạo Tiên, đạo Thích, sao mà lú lẫn đến thế?
Thật ra, việc các nhà Nho nhạo báng đạo Phật thì chẳng có gì quan trọng, vì chỉ cần một câu nói ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích của Thiền sư Cửu Chỉ ở đời Lý đã được trích dẫn ở trên: “Khổng học và Mặc học chấp vào thế gian là có thật, Trang học và Lão học chủ trương là không có thật. Nhưng kinh sách thế tục đó chẳng phải là những môn học để giải thoát con người, chỉ có Phật giáo là không chấp “có” và “không”, nên mới hiểu rõ lẽ sống chết, thì đã có thể trả lời một cách thỏa đáng cho bất kỳ nhà Nho nào ở đời Lê nuôi dưỡng tham vọng độc tôn chân lý của họ rồi.
Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là sự tranh chấp trên bình diện tư tưởng. Nhưng khi đem những tư tưởng mà họ muốn “Độc tôn” đó áp dụng vào xã hội thì họ mới thực sự là những kẻ đã gây ra tai họa cho xã hội.
Cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã nêu trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (Tập 6) sự tai hại ấy như thế này: “Chế độ phụ hệ của Nho giáo coi rẻ con gái, vì họ quan niệm “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại”, nghĩa là “Điều bất hiếu lớn nhất là không có con trai để nối dõi tông đường”. Điều ấy trái với chế độ mẫu hệ tôn trọng phụ nữ ở xã hội nông nghiệp Việt Nam.
Hai Bà Trưng đã mở đầu trang lịch sử dân tộc, bà Lý Chiêu Hoàng nối ngôi triều Lý, bà Thần Phi Ỷ Lan nhiếp chính được nông dân tôn làm “Quan Âm nữ”.
Chính trong trong hoàn cảnh ấy mà Thiền sư Chân Nguyên của Phật giáo phải viết NHQABH. Nhưng điều đáng buồn là, tác phẩm này theo giáo sư Lê Mạnh Thát “Từ trước tới nay những người viết văn học sử thường nhất trí với nhau coi nó như một tác phẩm vô danh, hay khuyết danh, của nền văn học nhân gian”
Và nhiều tác giả còn cho rằng những tác phẩm có tính cách bình dân đó là của những “Nho sĩ nghèo” và xem họ “Có vai trò lớn trong sự phát triển của văn học dân tộc”. Tác giả CNTSTT cho rằng điều đó chỉ đúng một phần thôi. Vì sao?
“Trên thực tế tầng lớp Nho sĩ bình dân chỉ là một bộ phận trí thức dân tộc. Ngoài nó ra và ngoài bộ phận Nho sĩ hiển đạt, còn có một bộ phận khác nữa, quan trọng và đông đảo hơn nhiều đã đóng một vai trò tích cực rất lớn ở nông thôn với quá trình hình thành, phát triển và bảo lưu của nền văn học dân gian. Đó là những vị thiền sư, những trí thức xuất thân từ chùa chiền Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, chính tầng lớp trí thức này đã viết ra và cải biên phần lớn những tác phẩm, mà ngày nay ta xếp vào loại khuyết danh. Nhưng với sự phát hiện bản in năm Tự Đức thứ ba (1850) với lời ghi rõ ràng là NHQA do Trúc Lâm Tuệ Đăng Hòa thượng Chánh Giác Chân Nguyên diệu soạn”, ý nghĩa trên bây giờ đã thành sự thật.
Sự phát hiện này do đó không những giúp ta xác định một cách chắc chắn ai là tác giả NHQA vào thời điểm nó xuất hiện, mà còn đóng góp vào việc tìm hiểu nguồn gốc và thành phần sáng tác những truyện Nôm hiện đang khuyết danh, chỉ cho ta hướng nghiên cứu, phải tiến tới trên con đường dựng lại lịch sử văn học dân tộc. Nó cũng làm cho ta suy nghĩ phải chăng truyện Nôm từ nguyên ủy đã xuất phát từ các chùa chiền Việt Nam do yêu cầu thuyết giảng của giáo lý đạo Phật, rồi dần dà trở thành một nơi bảo lưu tiếng nói, tình tự và nhận thức của dân tộc? Phải chăng nó tồn tại như một chứng nhân để xác minh cho ý kiến nói rằng vì nguồn gốc chùa chiền của chúng mà hầu hết các truyện Nôm Việt Nam ít nhiều đều mang màu sắc Phật giáo”.
Những nhận định trên hoàn toàn hợp lý, vì ta có thể giả thuyết, nếu là một nhà Nho dù là một nhà Nho cấp tiến và phóng khoáng đi nữa thì cũng không thể hạ bút viết đề cao người đàn bà một cách tuyệt đối như thế này:
“Này trong bể nước Nam ta
Phổ Môn có đức Phật Bà Quan Âm”
Trong khi đó chính cái quan niệm của Nho giáo như “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một con trai mới là có con, muời con gái thì coi như không có, hoặc “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại”, đã tạo ra những người đàn ông độc ác và nhẫn tâm như vua Diệu Trang vương trong NHQA khi nghe tin sanh đứa con gái đầu lòng:
“Nọ ngày kết tử khai hoa
Được một công chúa đặt là Diệu Thanh
Lòng vua ngần ngại đôi phen
Phán rằng nữ tử hầu nên giống gì?”
Nhưng đến khi nghe tin hoàng hậu sanh người con thứ ba vẩn là con gái nữa thì Diệu Trang vương đã nói trắng ra rằng nếu là con gái nữa thì đem giết quách đi:
“Trang Vuơng phán hỏi toác nanh
Phải hoàng thái tử ắt dành thế ngôi
Nhược mà con gái thì hoài
Đem đi ém tử cho vùi là bây”
Nhờ có sự can gián của các quan cận thận nên Diệu Trang vương không giết vì họ đã đưa cho ông một tia hy vọng mong manh:
“Nguyện sinh bệ hạ an ngôi
Rầy mai ân trời công chúa cả lên
Vô nam dụng nữ cũng nên
Tuyển tài phò mã nài quyền đông cung”.
Nên cơn giận của Diệu Trang vương cũng giảm bớt. Nhưng đến khi trưởng thành thì hai chị là Diệu Thanh và Diệu Âm đều đồng ý lấy chồng đến lược nhà vua cũng muốn gã chồng cho Diệu Thiện với hy vọng là chồng Diệu Thiện sẽ là một người tài trí để có thể trao ngôi báu thì một lần nữa Diệu Thiện lại làm cho Diệu Trang vương thất vọng là đã “Mến tin đạo Bụt đêm ngày” nên “thấy bề gia thất lòng rày dửng dưng”.
Diệu Trang vương giận quá nói với Diệu Thiện những lời đầy thô bỉ:
“Tao làm nhà vua cửu trùng
Bát man chư quốc phục tùng hàm lai
Con đâu cho ra bề ngoài
Đi cùng sãi vãi dong dài nhuốt nha”.
Đúng là cái giọng trịch thượng muôn đời của kẻ ỷ quyền cậy thế.
Diệu Trang vương lập tức đầy Diệu Thiện ra ở vườn hoa một mình. Rồi sau vì quá nhớ con nên lại ra lệnh Diệu Thiện phải trở về hoàng cung ngay.
Nhưng một lần nữa Diệu Thiện đã từ chối và nhất định thực hiện chí nguyện đi tu.
Diệu Trang vương tức quá đến nỗi chẳng những mắng chửi Diệu Thiện mà còn chế nhạo khinh miệt các tăng sĩ Phật giáo, dù những người này chẳng thù oán gì với ông cả.
“Phen chi phó kẻ hạ ngu
Khó khăn đói rách ở chùa kiếm ăn
Tụng nào kệ ấy đặt vần
Làm cho sãi vãi xa gần đua nhau”
Sau đó Diệu Thiện xin vào ở tu trong một ngôi chùa, Diệu Trang vương liền sai lính đến chùa bắt Diệu Thiện phải hồi cung. Nhưng tất cả mọi biện pháp đều không thể nào lay chuyển được ý chí của Diệu Thiện, vì kể cả cái chết thì Diệu Thiện cũng chấp nhận miễn là có thể thực hiện được lý tưởng mà mình đã lựa chọn:
“Dung nhan nào có ủ ê
Chứng rằng sống gởi thác thì siêu sanh
Giết thời mỗ giáp càng mừng
Chớ để mà nhọc đến thân ghê này”
Diệu Trang vương không còn cách nào hơn là sai quân đến đốt chùa và giết tăng ni trong chùa:
“Đến chùa vây kín bằng thành
Sát tăng thiêu tự tan tành tôi pha
Vạn toàn nhất mạng không tha
Tăng ni eo ốc kêu hòa đòi thương”
Và Diệu Thiện cũng không còn cách nào hơn là mắng thẳng vào mặt cha mình mà đồng thời cũng là một vị vua đang ngồi trên ngai vàng:
“Sao cha ám muội hôn mê
Tâm tà xí thạnh nào còn biết chi
Gẫm mình gia bất năng tề
Sao hay trị quốc xưng vì thánh quân”
Bị mắng, Diệu Trang vương hận quá liền sai áp giải Diệu Thiện ra pháp trường để hành hình. Nhưng trời đất lúc đó bỗng dưng tối tăm mù mịt, một con hổ không biết từ đâu đến đem Diệu Thiện vào rừng. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở giữa núi rừng mênh mông Diệu Thiện không biết là mình đang ở nơi nào?
“Bơ vơ chưa biết tử sinh
Mờ mịt bằng hình dường thuở chiêm bao
Chẳng hay đây là nơi nào
Biết ai để hỏi nẻo vào đường ra”
Trong lòng đang hoang mang thì bỗng thấy có người dưới âm phủ cầm bảo cái tràng phan đến theo lệnh của Diêm Vương rước Diệu Thiện xuống “ Vãng mười tám cửa ngục tù”. Đứng giữa địa ngục, Diệu thiện thấy đủ thứ tội nhân, những tội nhân này khi còn sống ở dương gian đã gây ra đủ thứ tội ác mà chẳng những ở thời xưa thôi mà thời nay cũng chẳng thiếu gì:
“Người ấy thuở ở trên đời
Chẳng xứng đạo trời làm quân bất nhân
Khóc kêu chẳng hỏi cho dân
Của thì bắt bội muôn phần ai đôi
Người ấy lẻo mách đà thay
Một lòng siểm đố sàm nay tinh nghề”
Bên cạnh đám quan lại đang bị tra khảo, Diệu Thiện còn thấy những tên cường hào ác bá cậy thế, cậy thần, cậy của cải, sống đời sống buông thả dâm ô trụy lạc; rồi lại còn đi ngăn sông cấm chợ, giết hại kẻ thế cô và tàn nhẫn với cả các loài súc vật.
“Người ấy ở nết chẳng lành
Cậy cả tranh hành, thấy bé dễ duôi
Mình nhiều, dễ kẻ mồ côi
Cậy giàu dễ lòai đói khổ người chê
Vì chưng phụ mệnh, phụ tài
Phao tán mễ cốc mọi nơi đạp dày
Bởi hay làm tổn mọi loài
Thấy chưng vật mạng giết hòai chẳng thương
Bởi ở dương thế gian vòng
Thuở người lấp giếng bủa sông đòi ngày”
Mặc dù những tội nhân này khi còn ở trên đời đã gây ra không biết bao nhiêu là đau khổ cho người khác nhưng với tâm từ bi không nỡ cứ để họ nheo nhóc mãi trong cảnh tối tăm nên Diệu Thiện đã tụng Kinh Lòng (Bát Nhã Tâm Kinh). Khi tiếng kinh sấm sét vừa vang lên thì bao nhiêu xiền xích nơi địa ngục bỗng vỡ tung và lập tức ánh sáng tuôn tràn vào xóa hết bao tối tăm:
“Công chúa thấy thế thương song
Bèn chuyển kinh lòng động đến hoàng thiên
Bảo hoa bay khắp bốn bên
Hòa quang thấu lọt dưới trên cửa thành
Thiết già giải tích tan tành
Nhất thiết tù rạc siêu sanh một giờ”
Khi trở về lại dương gian Diệu Thiện lại được chính đức Phật Thích Ca đích thân dẫn đến núi Hương Tích gần biển Nam Hải nước Việt rồi sau lại được vua trời sai mang sắc lệnh đến phong là Đấng Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
Còn Diệu Trang vương thì do tội: “Bạo ngược tung hoành đốt chùa giết con” nên bị ghẻ lở mọc khắp cả cơ thể không thuốc gì có thể chữa khỏi. Cuối cùng nhờ có vị Hòa thượng vô danh từ phương xa đến cho thuốc thì mới hết bệnh. Khi hết bệnh Diệu Trang vương muốn trả ơn vị Hòa thượng này bằng cách nhường ngôi, nhưng vị Hòa thượng đã khiêm tốn từ chối với lý do là đã quen với tháng ngày núi rộng sông dài. Tuy nhiên trước khi giã biệt, vị Hòa thượng không quên dặn dò Diệu Trang vương rằng:
“Dám khuyên bệ hạ từ rày
Thi nhân bố chính cho hay ở mình
Chớ hề ngược đãi sinh linh
Văn vũ triều đình ái quốc ưu quân”
Rồi Diệu Trang vương gặp lại Diệu Thiện con mình ở núi Hương Tích. Diệu Trang vương quyết định ở lại luôn trên núi này để tu hành và yêu vầu các quan hãy trở về tự lo liệu chuyện quốc gia đại sự:
“Trẫm rày ơn Bụt ơn trời
Phụng các long đài thiên hạ vạn duyên
Để mặc văn võ quần thần
Trở về giữ lấy xa gần quy mô
Bèn vời Triệu Chấn trao cho
Vua tôi cả khóc lăn xồ đòi chôm”
Tác giả CNTSTT cho rằng: “Đây hẳn là một hình thức cổ điển biểu tượng cho ý niệm cách mạng mới manh nha, một ý niệm đòi hỏi phải thay thế kẻ đại diện một chế độ sụp đổ bằng một tập thể lãnh đạo mới, thể hiện được xu thế đi lên của thời đại”.
Trong đoạn kết Chân Nguyên giải thích tính diệu dụng của đức Bồ Tát Quan Thế Âm trong sứ mạng cứu khổ, cứu nạn của Ngài đối với chúng sanh như thế này:
“Tán ra khắp hết càn khôn
Người ta được biết Bụt Tiên ở lòng
Pháp thân trạm tịch viên thông
Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư
Tùy hình ứng vật tự như
Hóa thân bách ức độ chư muôn loài”
Như vậy, muốn được cảm ứng, muốn được Ngài cứu khổ cứu nạn thì không cầu Ngài ở bên ngoài mà phải cầu Ngài ở trong chính mỗi người như lời khuyên của Chân Nguyên: “Niệm Ngài thì niệm tại tâm”. Khi tâm ta đã thanh tịnh thì lập tức ta sẽ thấy Ngài thị hiện ngay:
“Khắp hòa dưới đất trên trời
Phổ môn thị hiện độ loài chúng sanh
Trí giả quán kỳ âm thanh
Giác tri tự tánh phân minh ròng ròng
Bản lai diện mục chân không
Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà
Cửu liên đài thượng khai hoa”
Như vậy sau khi đã viết TTBH ca tụng Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, hai vị vua đã oanh liệt đánh tan ba cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông rồi sau đó lại còn đưa một đất nước từ sự tàn phá của chiến tranh để trở thành một nước có nền văn minh rực rỡ nhất ở khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XIII, và viết ĐNTTH với mục đích là làm sao cho lòng con người bớt chật hẹp, không còn phân biệt Bắc Nam để con người có thể nhìn nhau như tình huynh đệ bao la:
“Lòng tôi chẳng muốn Bắc Nam
Lấy làm bốn bể anh tam một nhà
Thu về một hội quốc gia
Địa lợi nhân hòa lẽ ấy càng hơn”
Và rồi viết Nam Hải Quan Âm để chỉ trích lại quan niệm của Nho giáo “Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô” hay “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại” với lời tuyên bố dõng dạc: Vô nam dụng nữ cũng nên.
Để rồi cuối cùng công bố bản tuyên ngôn nói lên tính bình đẳng tuyệt đối của Phật giáo:
“Bản lai diện mục chân không
Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà”
Vậy thì những ước mơ của Chân Nguyên là gì? Trong TTBH ta thấy Chân Nguyên cầu mong:
“Muôn đời diễn tợ quốc gia
Nước có Phật cốt sanh ra thánh hiền
Nước Nam dẹp được bốn bên
Vì có Phật báu hoàng thiên hộ trì
Đời đời Phật đạo quang huy
Quốc gia đảnh thạnh càng thì tăng long”
Và hy vọng cho người dân trong cả nước đều:
“Đời đời noi đạo Thiền tông
Chánh pháp truyền lòng ai được thời hay
Tổ đà đắp nấm trồng cây
Mộng Bồ Đề nở sau này càng cao
Khai hoa kết quả xao xao
Dõi truyền đất Việt tháp cao trùng trùng”
Sau khi đã ước mơ “Quốc gia đảnh thạnh”, “Nước Nam dẹp được bốn bên”, hay “Dõi truyền đất Việt tháp cao trùng trùng” thì trên cả những ước mơ đó là ước mơ gì?
“Chợ quê vui thú trẻ già
Cùng trông về đạo từ bi làm lành
Thơ vân tích thiện rành rành
Tu nhân tích đức đã thanh một lòng
Ai ai nhàn nhạ thong dong
Nhân sơn trí thủy cùng ngong giáo Thiền”
Nằm sau những câu thơ giản dị và có vẻ quê mùa này, ta vẫn thấy được sự khát khao vô cùng mãnh liệt của Chân Nguyên cho một nước Việt thái bình và thạnh trị ở ngày mai!
Phải chăng đó là ước mơ mà Thiền Sư Chân Nguyên muốn gửi đến không những ở thời đại ông, mà còn cả những thế hệ mai sau của nước Việt?
Thích Phước An