Thi & họa: Đồng Tử Thiện Tài tham vấn

2229

ĐỒNG TỬ THIỆN TÀI THAM VẤN

THI VÀ HỌA

佛國禪師文殊指南圖讚

Việt dịch: Tì-kheo Thích Thọ Phước

Lời người dịch

Thiện Tài là vị đứng đầu trong năm trăm đồng tử được nói ở phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa nghiêm. Sau khi phát tâm Vô thượng bồ-đề, cầu bồ-tát hạnh, Thiện Tài biết rằng muốn thành tựu Nhất thiết chủng trí thì cần phải cầu chân thiện tri thức. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi quán biết cơ duyên của Thiện Tài đã thuần thục, nên giới thiệu đồng tử Thiện Tài đi về phương Nam đến chỗ tì-kheo Đức Vân cầu pháp. Sau khi đắc pháp với tì-kheo Đức Vân, Thiện Tài được vị tì-kheo này giới thiệu đến tì-kheo Hải Vân. Cứ lần lượt như thế, vị này giới thiệu vị kia và Thiện Tài đã trải qua một trăm mười một thành, tham vấn tất cả năm mươi ba vị thiện tri thức.

Trong Đại chính tạngTục tạng kinh, dưới tên sách đều ghi “Trung thư xá nhân Trương Thương Anh thuật”, thật ra có chỗ thiếu sót, dễ gây hiểu lầm. Bởi tên sách là Phật Quốc thiền sư Văn-thù chỉ nam đồ tán. Vậy lí do gì mà có hiệu Phật Quốc thiền sư ở đây? Qua khảo cứu các tư liệu liên quan và xét kĩ nội dung lời Tựa cũng như lời dẫn thứ năm mươi bốn của tác phẩm này, người dịch nhận định:

Phật Quốc Thiền sư là đức hiệu của thiền sư Duy Bạch đời Tống. Sư họ Nhiễm, người Tĩnh Giang, nay là huyện Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sư trụ tại chùa Pháp Vân ở Biện Kinh, nối pháp thiền sư Pháp Tú, tông Vân Môn. Nhân quán sát việc đồng tử Thiện Tài tham vấn các vị thiện tri thức mà sư đã lãnh ngộ được diệu lí sâu xa của phẩm kinh này mà cảm tác nên năm mươi bốn bài thơ Đường và tạo năm mươi bốn bức hoạ. Sau đó Trương Thương Anh thêm vào lời tựa đầu sách và lời dẫn trước mỗi bài thơ Đường mà tạo thành tác phẩm này rồi đặt tên là “Phật Quốc thiền sư Văn-thù chỉ nam đồ tán”, nghĩa là Văn-thù chỉ nam đồ tán của Phật Quốc thiền sư. Trương Thương Anh (1043-1121) là một cư sĩ Phật giáo sống vào đời Tống, tự Thiên Giác, hiệu Vô Tận cư sĩ, người Tân Tân, nay thuộc Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông tinh thông Phật học, có chút tỏ ngộ, đã từng đến núi Ngũ Đài cầu bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, có linh nghiệm, nên tạo tượng bồ-tát thờ trong sơn tự.

Nội dung tác phẩm gồm năm mươi bốn đoạn. Mỗi đoạn gồm ba phần: Lời dẫn, bài thơ thất ngôn bát cú (tán), bức hoạ (đồ). Trong đó năm mươi ba đoạn đầu là tóm lược lộ trình tham vấn thiện tri thức của đồng tử Thiện Tài; đoạn cuối cùng là nói về chỗ chứng ngộ của thiền sư Duy Bạch. Vì thế, sau khi chuyển ngữ, muốn cho người đọc dễ hiểu, nên chúng tôi đảnh lễ tác giả và các bậc tiên hiền xin chuyển tên tác phẩm thành “Thiện Tài tham vấn thi và họa”. Tên gọi này tuy có khác, nhưng cũng hợp với nội dung cũng như bố cục của nguyên tác.

Chúng con chân thành cảm niệm ân đức của Thượng tọa chủ nhiệm Ban dịch thuật Pháp Âm đã tận tâm chỉ dạy và chỉnh sửa cho dịch phẩm. Chúng tôi cũng tri ân những Phật tử bảo trợ cho việc dịch thuật và trợ duyên in ấn, phát hành. Tuy chúng tôi đã cố gắng hết sức bằng khả năng của mình, nhưng vì sở học, sở tu còn hạn chế, chắc rằng tác phẩm còn nhiều sai sót, rất mong chư vị tiền bối, những bạn đồng tu, những người học Phật thương tình chỉ bảo và khoan thứ cho.

Nếu tác phẩm có được công đức gì, xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng chung hưởng để mai sau đồng  lên bờ giác.

Lưu học xá Huyền Trang

Mùa An cư, Phật lịch: 2556 – Dương lịch: 2012

Người dịch kính ghi

THIỆN TÀI THAM VẤN

THI VÀ HỌA

PHẬT QUỐC THIỀN SƯ VĂN-THÙ CHỈ NAM ĐỒ TÁN

 Hán văn: Trung thư xá nhân Trương Thương Anh thuật

TỰA

Tính hải[1] Hoa Nghiêm dung nạp nước thơm ngát của trăm sông; nghĩa thiên[2] pháp giới tràn ngập ánh sáng huy hoàng của vạn tượng. Cùng tột chân trí[3] của Phật-đà, thâu tận linh nguyên[4] của hàm thức[5]. Vì vậy, thế chủ[6] trang nghiêm, Văn-thù kết tập[7], nơi Long cung[8] tụng ra, từ Kê lĩnh[9] truyền đến. Từ đó người người tiếp bước lưu truyền, pháp âm vang khắp Hoa Hạ[10]. Lí trưởng giả[11] soạn Hợp luận[12] bốn mươi quyển. Quán quốc sư[13] soạn Sớ sao[14] một trăm quyển. Tôn giả Long Thọ tạo hai mươi vạn câu kệ. Phật Quốc thiền sư làm năm mươi bốn bài Đường thi. Những thuyết của bốn nhà này rất được người học tôn trọng. Nhưng tóm thâu điểm trọng yếu của Đại kinh, nêu lên cương mục của pháp giới, chỉ rõ nghi tướng của tri thức, thuật lại môn ngộ[15] của Thiện Tài, người và cảnh giao xen, sự và lí hiển bày, văn từ giản lược, ý nghĩa rõ ràng, thì chỉ có bản Đồ tán này! Đệ tử tin nhận phụng hành và soạn lời tựa này.

(Quyên góp tịnh tài khắc bản lại và ấn hành tại am Độc Cụ thôn Thái Nguyên huyện Qui An, châu An Cát).

THIỆN TÀI THAM VẤN

THI VÀ HỌA

1.Thiện Tài tham kiến bồ-tát Văn-thù

Đồng tử Thiện Tài đến rừng Sa-la tham kiến bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Khi Thiện Tài vừa đến, voi chúa ngoái nhìn, sư tử gầm rống, sáu nghìn tì-kheo ngay lời nói liền thành đạo, năm chúng[16] bạn tốt đồng tu liền phát Sơ tâm[17]. Thiện Tài nhân đây được pháp môn Căn bản trí chỉ nam và chứng Thập tín tâm[18].

Tán:

Rời rừng rồi lại vào rừng trông

Chùa Phật, Sa-la tại hướng đông

Khi sư tử gầm cỏ thơm biếc

Voi chúa ngoái nhìn hoa rơi hồng

Sáu nghìn khất sĩ mười tâm mãn

Năm chúng cao nhân thảy tin đồng

Tạm biệt thầy ta về nam bước

Trăm thành mây nước thật mênh mông.

2.Thiện Tài tham kiến tì-kheo Đức Vân

Đồng tử Thiện Tài đến núi Diệu Phong tham kiến tì-kheo Đức Vân. Đồng tử đi khắp nơi tìm kiếm suốt bảy ngày mới thấy tì-kheo Đức Vân kinh hành trên một đỉnh núi. Đồng Tử đỉnh lễ tì-kheo Đức Vân rồi hỏi pháp, tì-kheo Đức Vân nhập cảnh giới Phật. Tại đây, Thiện Tài đạt được pháp môn Ức niệm chư Phật phổ kiến và chứng Phát tâm trụ[19].

Tán:

Đức Vân thường ở Diệu Cao phong[20]

Kinh hành nơi ấy chẳng hành tung

Tìm quanh bảy ngày nhưng không được

Cớ sao một sớm lại tương phùng?

Nơi Phát tâm trụ duyên thầy hợp

Trong môn Phổ kiến cảnh Phật dung

Chiều tà quay đầu nhìn xuống núi

Mây trắng, non xanh hiện chập chùng.

3.Thiện Tài tham kiến tì-kheo Hải Vân

Đồng tử Thiện Tài đến nước Hải Môn[21] tham kiến tì-kheo Hải Vân. Bấy giờ, tì-kheo Hải Vân suốt mười hai năm, chỉ ngồi quán cảnh biển, thấy Phật xuất hiện. Lại trải qua một nghìn hai trăm năm được Đức Phật xoa đỉnh đầu và nói kinh. Nhưng ghi nhớ thụ trì, chứ không thể biên chép. Nơi đây Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ nhãn và chứng Trị địa trụ[22].

Tán:

Cửa rồi lại cửa phải vượt qua

Phổ Nhãn ngời chiếu đất trời xa

Mười năm chuyên tâm nhìn biển lớn

Nghìn năm nghe kinh mãi vẫn là

Sóng trắng tung hoa điềm lạ xuất

Sen hồng Phật hiện nhất Ta-bà

Bút như Tu-di chẳng thể viết

Mênh mông sóng biếc đoạt hồn ta.

4.Thiện tài tham kiến tì-kheo Thiện Trụ

Đồng tử Thiện Tài đến đảo Lăng-già tham kiến tì-kheo Thiện Trụ. Thiện Tài thấy tì-kheo Thiện Trụ bay qua lại trong không trung, hiện các món thần biến, hai tay chạm mặt trời, mặt trăng, thân tuôn khói lửa, đi khắp các cõi Phật và rải hoa trời khắp nơi. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ tốc tật cung dưỡng chư Phật và chứng Tu hành trụ[23].

Tán:

Từ xa vừa đến đảo Lăng-già

Nhìn thấy trên không việc đẹp là

Niệm niệm dạo đi trong cõi Phật

Lớp lớp rơi đầy những thiên hoa

Tay sờ nhật nguyệt ngoài ba cõi

Thân tuôn mây khói bốn phương xa

Nếu lại cầu vui Sinh quí trụ

Vũ môn[24] sóng lớn ốc vàng qua.

5.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Di-già

Đồng tử Thiện Tài đến nước Đạt-lí-trà tham kiến trưởng giả Di-già. Sau khi hỏi xong, trưởng giả đỉnh lễ Thiện Tài rồi rải hương hoa, báu vật. Kế đến, trưởng giả phóng ánh sáng rực rỡ, phân biệt giảng thuyết pháp môn tự luân[25], xem xét các loại âm thanh, ngộ pháp tổng trì. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Diệu âm Đà-la-ni và chứng Sinh quí trụ[26].

Tán:

Đàn hương, vàng, hoa, cùng báu vật

Rải khắp rồi sau hiện oai thần

Rực rỡ chiếu soi tam thiên giới

Sang sảng luận bàn vạn tự luân

Rừng rậm, non cao che cọp sói

Đầm sâu, vực thẳm tụ rồng, lân

Diệu âm xướng tụng lời minh chú

Hồ-Hán rõ ràng chẳng lỗi lầm.

6.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Giải Thoát

Đồng tử Thiện Tài đến thành Trụ Lâm tham kiến trưởng giả Giải Thoát. Bấy giờ, trưởng giả từ trong một thân hiện ra các Đức Phật bằng số hạt bụi trong mười cõi Phật ở mười phương. Phật với Phật còn không khác, huống gì cõi nước Phật lại khác sao? Chẳng đến mà đến, muốn thấy liền thấy. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Như Lai vô ngại trang nghiêm và chứng Cụ túc trụ[27].

Tán:

Mười hai năm tròn đến Trụ lâm

Ở lâu chốn ấy hỏi tri âm

Có lúc muốn thấy mười phương Phật

Rảnh rang ngồi quán một mảnh tâm

Không đến không đi như bóng, chớp

Tùy duyên sinh diệt luống quang âm[28]

Cửa trang nghiêm mở, người nào đến?

Nẻo vắng, hoa rơi, thuận dòng trôi.

7.Thiện Tài tham kiến tì-kheo Hải Tràng

Đồng tử Thiện Tài đến nước Ma-lợi-già-la tham kiến tì-kheo Hải Tràng. Bấy giờ, tì-kheo Hải Tràng quán sát tam-muội[29] nửa năm, hiện ra mười bốn cảnh định, vọt ra trăm nghìn tướng, trí bát-nhã chiếu sáng khắp mọi nơi. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ nhãn xả đắc và chứng Chính tâm trụ[30].

Tán:

Thời gian thấm thoát nửa năm tròn

Trọn ngày im lặng, vững như non

Trên thân xuất hiện mười bốn cảnh

Đầu lông vọt hiện cả trăm ngàn

Nhất tâm quán sát không ngừng nghỉ

Sáu tháng tư duy chẳng buông lòng

Ma-lợi-già thiên ưa xuân sắc

Trên cành liễu biếc yến oanh vang.

8.Thiện Tài tham kiến ưu-bà-di Hưu Xả

Đồng tử Thiện Tài đến khu vườn Phổ Trang Nghiêm ở Hải Triều tham kiến Ưu-bà-di[31] Hưu Xả. Nơi đây lầu gác tráng lệ, ao hồ xen lẫn, trí-bi cùng vận, sinh-tử đồng diệt, mở tâm bồ-đề, biết được cứu cánh nguyện[32]. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Li ưu an ẩn tràng và chứng Bất thoái trụ[33].

Tán:

Quanh vườn cây báu mấy lớp tường

Màng lưới hoàng kim phủ kín giường

Lầu gác nghìn tầng cao vòi vọi

Ao hồ vạn nhánh ngập nước hương

Cứu cánh nguyện môn trùm pháp giới

Bồ-đề tâm rộng phủ muôn phương

Hà sa chư Phật từng phụng sự

Tràng cao an ổn chốn nghỉ nương.

9.Thiện Tài tham kiến tiên nhân Tì-mục-cù-sa

Đồng tử Thiện Tài đến nước Na-la-tố tham kiến tiên nhân Tì-mục-cù-sa. Sau khi vô lượng tiên nhân đồng thanh khen ngợi, tiên nhân rời tòa báu nắm tay Thiện Tài. Thiện Tài liền thấy cõi Phật hiện ra trước mặt, ngộ được Chân tịnh trí, nắm buông tự tại. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô thắng tràng và chứng Đồng chân trụ[34].

Tán:

Tì-mục tiên nhân xuống bảo tòa

Nắm tay, xoa đỉnh thấy điềm hay

Mười phương cảnh Phật đồng thời hiện

Vạn tượng sum la bỗng rõ bày

Vô Thắng diệu tràng tuôn sắc lạ

Già-na Văn tạng hiển linh quang[35]

Quay về chỗ cũ tìm đoan đích[36]

Càng biết bình sinh chỗ thấy tăng.

10.Thiện Tài tham kiến bà-la-môn Thắng Nhiệt

Đồng tử Thiện Tài đến tụ lạc[37] Y

-sa tham kiến bà-la-môn Thắng Nhiệt. Bấy giờ, Thiện Tài thấy bà-la-môn Thắng Nhiệt đang phơi thân dưới ánh nắng mặt trời và đốt lửa chung quanh, trong lòng sinh nghi ngờ. Nhưng khi nghe các trời đồng khen ngợi, Thiện Tài liền tự hối lỗi, rồi leo lên đỉnh núi đao gieo mình xuống đống lửa. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô tận luân và chứng Vương tử trụ[38].

Tán:

Cầu thầy chọn bạn xưa nay khó

Tà chính đâu phân, vạn mối lo

Giả sử gieo mình vào đống lửa

Trước tiên gắng vượt núi đao to

Sáu trời[39] khen ngợi liền biết diệu

Hơ thân ngũ nhiệt[40] uổng phí sao!

Trong Vô tận luân Vương tử trụ

Điện vàng lầu ngọc khóa trần gian.

11.Thiện Tài tham kiến đồng nữ Từ Hạnh

Đồng tử Thiện Tài đến thành Sư Tử Phấn Tấn tham kiến đồng nữ Từ Hạnh. Bấy giờ, Thiện Tài thấy trên thiên y[41] của Long Thắng[42] và các vật dụng trong cung điện nước Sư Tử đều hiện các Đức Phật. Đồng nữ Từ Hạnh có thể chứng được cảnh trí[43] sở liễu của các hành. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Bát-nhã Ba-la-mật-đa và chứng Quán đỉnh trụ[44].

Tán:

Cưỡi hạc lướt mây vào đế hương[45]

Càng xem chân cảnh[46] càng khó lường

Trong thành Toan Nghê[47] âm dung đẹp

Giường cao Long Thắng tiếng ngân trường

Trong từng vật chứa hàm cõi Phật

Trong lớp lớp ảnh hiện thần quang

Nghìn cửa vạn nhà sáng sớm mở

Thành đóa Ba-la ngập phố phường.

12.Thiện Tài tham kiến tì-kheo Thiện Kiến

Đồng tử Thiện Tài đến nước Tam Nhãn tham kiến tì-kheo Thiện Kiến. Bấy giờ, Thiện Tài thấy trên đỉnh đầu của tì-kheo Thiện Kiến có ba vầng viên quang[48] rộng khoảng một tầm[49], chữ vạn nổi trên ngực, kim luân[50] hiện trong lòng bàn tay, thuận cơ thuận pháp, không khởi niệm, không chiếu soi. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Tùy thuận đăng và chứng Hoan hỉ hạnh[51].

Tán:

Vào thẳng trong thành để hỏi thăm

Ai ai cũng chỉ tại Vân Lâm

Liền hay tìm bạn qua Tam Nhãn

Bỗng thấy viên quang khoảng một tầm

Ba mươi tám sông tôn Phật sự

Trăm nghìn vạn kiếp lắng triều âm[52]

Xuất gia cần gì người trẻ tuổi

Một thoáng lỗi lầm, hận tháng năm.

13.Thiện Tài tham kiến đồng tử Tự Tại

Đồng tử Thiện Tài đến bãi sông Danh Văn tham kiến đồng tử Tự Tại. Bấy giờ, Thiện Tài nghe trong không trung có tiếng của tám bộ, trời, rồng bảo: “Mười nghìn đồng tử thích cùng nhau đùa giỡn trên bãi cát, chúng thông thạo phương thuật, buôn bán, nông nghiệp, toán số, in ấn”. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Công xảo đại thần thông trí và chứng Nhiêu ích hạnh[53].

Tán:

Mười nghìn đồng tử tột cùng vui

Bên sông bãi cát thảy nô đùa

Không thể tính lường là chuyển chuyển[54]

A-dữu-đa[55] số lạc-xoa-xoa[56]

Khéo viết, tính hay dùng đâu được?

Y, tướng, thương, nông chẳng đáng khoe

Quang minh đại trí như lãnh hội

Sao trăng đầy khắp thuộc hoàng gia.

14.Thiện Tài tham kiến ưu-bà-di Cụ Túc

Đồng tử Thiện Tài đến thành Hải Trụ tham kiến Ưu-bà-di Cụ Túc. Bấy giờ, trong thành trải mười ức tòa, mời vô lượng người đến dự. Nơi ấy cũng đặt một cái bát nhỏ, vô lượng vật báu từ bát vọt lên, người ở vạn phương đến đều được phân phát đầy đủ. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô tận phúc đức tạng và chứng Vô vi nghịch hạnh[57].

Tán:

Mây lành dày đặc Hải Trụ thành

Thấy nhiều việc lạ thật rõ rành

Phải biết nghìn loại lờ mờ hiện

Đều từ bát báu thấp thoáng bày

Tứ thánh thụ rồi thành thánh quả

Lục phàm sau hưởng thoát trần ai

Thiếu Lâm riêng có mùi vị thật

Hoa quả hương thơm ngập sắc màu.

15.Thiện Tài tham kiến cư sĩ Minh Trí

Đồng tử Thiện Tài đến thành Đại Hưng tham kiến cư sĩ Minh Trí. Bấy giờ, cư sĩ Minh Trí đang ngồi trên đài cao ngước nhìn lên không trung thì lập tức vô số châu báu rơi xuống. Khi ấy, kẻ giàu, người nghèo đều được ban đầy đủ tài và pháp. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Tùy ý xuất sinh tạng và chứng Vô khuất nạo hạnh[58].

Tán:

Vạn tượng sáng trong sạch trần ai

Đại Hưng cư sĩ ngự cao đài

Kẻ nghèo cầu tài lũ lượt đến

Người sang nghe pháp lớp lớp vây

Thí vật ứng cơ đường tâm cách

Xuất sinh tùy ý tạng môn khai

Hư không rơi xuống nghìn vạn loại

Trời người vô lượng thảy đủ đầy.

16.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Bảo Kế

Đồng tử Thiện Tài đến cung thành Sư Tử tham kiến trưởng giả Bảo Kế. Khi  đến nơi, trưởng giả nắm tay Thiện Tài dẫn về nhà chỉ cho thấy lâu đài cao lớn, trùng điệp, thấy chúng sinh trong mười cõi, bố thí mười loại báu. Đó là do vào đời quá khứ khi còn tu nhân, trưởng giả đã gom chứa đầy đủ trí tạng. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô tận tạng và chứng Li si loạn hạnh[59].

Tán:

Nắm tay dẫn về xem tài năng

Thiện Tài thấy hết sức uy thần

Mười lớp lầu đài qua không sót

Tam thế Như Lai ngự thượng tầng

Nay ở nhân gian thành quả diệu

Hương đèn cúng Phật ngày ấy dâng

Nếu cho việc này là kì lạ

Phụ lòng Nam san vạn tuế đằng[60].

17.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Phổ Nhãn

Đồng tử Thiện Tài đến nước Đằng Căn tham kiến trưởng giả Phổ Nhãn. Bấy giờ, Thiện Tài thấy trưởng giả Phổ Nhãn hòa hợp các loại hương, bào chế thuốc, tu thân, sửa tâm, vận dụng bình đẳng đại bi làm lợi ích vô lượng chúng sinh ở đó đều được độ, chư Phật ở đó đều được thấy. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ kiến chư Phật hoan hỉ và chứng Thiện hiện hạnh[61].

Tán:

Đường xa mờ mịt đến Đằng Căn

Phổ môn, Phổ Nhãn thật mù tăm.

Thân tâm an lạc, đồng không bệnh

Điều hòa hương, thuốc có cách riêng

Thiền duyệt[62], món ngon đồng ban phát

Thuốc hay, áo tốt cũng chia đều

Chúng sinh và Phật[63] như muốn gặp

Chút vị ba-la[64] được nếm qua. 

18.Thiện Tài tham kiến vua Vô Yểm Túc

Đồng tử Thiện Tài đến nước Đa-la Tràng tham kiến vua Vô Yểm Túc. Bấy giờ, vua Vô Yểm Túc cho mời Thiện Tài vào cung điện, quan sát kĩ việc thiện-ác, chỉ bày phương pháp điều phục, khiến tu phúc nghiệp[65], biết rõ sinh như huyễn hóa, huyễn hóa như sinh. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Như huyễn và chứng Vô trước hạnh[66].

Tán:

Tràng vương cho gọi đến thâm cung

Lầu phượng đình rồng việc chẳng đồng

Núi kiếm, rừng dao thành diệu dụng

Lò than, vạc nước hiển thần công

Vọng ngôn, ác khẩu cần đoạn dứt

Sát, đạo, tà dâm cấm lưu thông

Đó là Kim luân[67] hóa thiên hạ

Đại thiên sa giới nổi Nghiêu phong[68].

19.Thiện Tài tham kiến vua Đại Quang

Đồng tử Thiện Tài đến thành Diệu Quang tham kiến vua Đại Quang. Khi ấy, Thiện Tài thấy vua Đại Quang chuyên chú trong tam-muội[69], vào Nhất thiết trí[70], tất cả pháp đều hiện rõ, các trời vây quanh, các chủng tính[71] trang nghiêm đều đến chiêm ngưỡng không cùng tận. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Đại từ tràng và chứng Nan đắc hạnh[72].

Tán:

Thành Bách Bảo Quang đẹp như nhiên

Thấy vua nhập định cảnh trọn viên

Núi sông, cây cỏ đều xoay chuyển

Cá rồng chim thú cũng hiện tiền

Dùng pháp nhiếp trì nghìn vạn chúng

Dốc lòng bảo vệ mấy tầng thiên

Vì anh truyền đạo cũng khó được

Chẳng chung Thập địa với Tam hiền.

20.Thiện Tài tham kiến ưu-bà-di Bất Động

Đồng tử Thiện Tài đến thành An Trụ tham kiến ưu-bà-di Bất Động. Ánh sáng của ưu-bà-di Bất động chiếu lên thân người nào, thì người ấy được mát mẻ, trải qua số kiếp như vi trần không sinh tâm dục, trong một trí biết rõ các pháp thù thắng mà không bị ngăn ngại. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Cầu pháp vô yểm và chứng Thiện pháp hạnh[73].

Tán:

Bất Động tướng hảo nhất cõi trần

Chính là năm ấy một nữ nhân

Quá khứ từng gặp Vô Cấu Phật

Đến nay mới được hữu vi thân

Mấy đời biển dục lặng yên sóng

Một mảnh ruộng tâm sạch mảy trần

Cầu pháp nói rằng chưa ngừng nghỉ

Hồng nhan nào tiếc lúc còn xuân.

21.Thiện Tài tham kiến ngoại đạo Biến Hành

Đồng tử Thiện Tài đến thành Đô-tát-la tham kiến ngoại đạo Biến Hành. Bấy giờ, Thiện Tài thấy ngoại đạo Biến Hành đang đi chậm rãi trên đỉnh núi, sắc tướng viên mãn, sáng rỡ và thấy có mười nghìn trời người, chín mươi sáu phái ngoại đạo vây quanh. Thiện Tài quán sát căn khí, cơ duyên của họ, thấy họ không nương tựa, không tạo tác. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Nhất thiết xứ bồ-tát và chứng Chân thật hạnh[74].

Tán:

Tìm mãi trong thành tối chưa thôi

Đêm ra ngoài ấy kiếm anh rồi

Hoa tươi, cảnh đẹp non xanh biếc

Sắc tướng viên minh ngự mây trôi

Tùy loại hiện thân không nhất định

Đương cơ[75] diễn pháp chưa từng mong

Đông, tây, nam, bắc trong hạt bụi

Thiên ma, ngoại đạo chạy hết rồi.

22.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Ưu-bát-la Hoa

Đồng tử Thiện Tài đến nước Quảng Đại tham kiến trưởng giả Ưu-bát-la Hoa. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-bát-la Hoa lấy các loại hương quí hòa thành một vị, rồi biến hóa thành điềm lành xông khắp pháp giới, khiến cho người ngửi được đều đạt được hương pháp thân. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Điều hòa hương và chứng Li chúng sinh tướng hồi hướng[76].

Tán:

Hướng về mặt nhật, sen xanh khai

Khắp nơi hương vị nhập linh đài[77]

Ngưu vương núi Tuyết đều gom đến

Voi ẩn cung rồng dẫn về đây

Một nén hương xông thành mưa móc

Mười phương điềm hiện nổi gió mây

Nhà tôi không cần hòa hương quí

Cũng tự tỏa hương khắp chín cai[78].

23.Thiện Tài tham kiến thuyền trưởng Bà-thí-la

Đồng tử Thiện Tài đến thành Lâu Các tham kiến thuyền trưởng Bà-thí-la. Bấy giờ, tất cả thương nhân đang cùng nhau bàn về châu báu. Rồi họ thăm dò biển cạn hay sâu. Khi ấy, thuyền trưởng Bà-thí-la hoặc ở xa, hoặc ở gần xem xét trăng sao, biết rõ thuyền bè đến đi. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Đại bi tràng và chứng Bất hoại hồi hướng[79].

Tán:

Suốt đời sinh sống tại thành Lâu

Bến cũ thương nhân vẫn ghé qua

Âu lộ[80] khi qua, liêu[81] còn nhỏ

Yến hồng[82] quay lại, bạch tần[83] già

Trời biếc, trăng trong tìm bến báu

Biển yên, lặng gió đến bãi châu

Khua chèo đưa khách phương nào thế?

Vào mây thuyền lướt đến nơi xa.

24.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Vô Thượng Thắng

Đồng tử Thiện Tài đến thành Khả Lạc tham kiến trưởng giả Vô Thượng Thắng. Khi ấy, trưởng giả Vô Thượng Thắng đang ở trong rừng Vô Ưu, cùng với các thương nhân, cư sĩ thẩm định, quyết đoán việc đời. Nhân đó trưởng giả thuyết pháp, giúp cho bát bộ: rồng, trời, tất cả người, súc sanh đều không còn tham, không còn sân, không còn đấu tranh. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Nhất thiết xứ vô tác thần thông và chứng Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng[84].

Tán:

Hơn mười năm qua dạo khắp nơi

Nhân tìm Thượng Thắng đến Vô Ưu

Bao nhiêu quỉ, súc tham sân dứt

Bát bộ, rồng, trời đấu tranh dừng

Tất cả mọi nơi tu bồ-tát

Ba nghìn thế giới quỉ thần sầu

Chỉ do thành tựu sức như thế

Kêu gọi lao sinh[85] thảy quay đầu.

25.Thiện Tài tham kiến tì-kheo ni Sư Tử Tần Thân

Đồng tử Thiện Tài đến nước Thâu-na tham kiến tì-kheo ni Sư Tử Tần Thân. Bấy giờ, trong vườn Nhật Quang của vua Diệu Thắng Quang có suối tám công đức, trăm loại hoa và nhiều cây báu, tất cả đều ảnh hiện, mỗi mỗi bày toàn thân. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Nhất thiết trí và chứng Nhất thiết xứ hồi hướng[86].

Tán:

Sư thân[87] đã được ý sinh thân[88]

Đi khắp muôn phương chỉ dạy nhân

Ao suối, nguồn linh tám đức đủ

Vườn rừng, cây báu, vạn hoa khai

Vật vật hiển bày gương tâm sáng

Mỗi mỗi tùy nghi chuyển pháp luân

Nhiều kiếp đã hay sư tử hống[89]

Không biết nơi nào lại “tần thân[90]”.

26.Thiện Tài tham kiến người nữ tên Bà-tu-mật

Đồng tử Thiện Tài đến nước Hiểm Nạn tham kiến người nữ tên Bà-tu-mật. Người này thân màu vàng ròng, phát ra ánh sáng. Nếu người nào thấy hoặc xúc chạm người này, thì không còn ái nhiễm, không còn đắm trước, liễu ngộ tính dục[91] vốn không, đạt được đạo quả. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Li tham dục tế và chứng Công đức tạng hồi hướng[92].

Tán:

Gặp nhau lại hỏi có nhân duyên? 

Như Lai cao hạnh chỉ một tiền

Nắm tay, ôm ấp trăng tâm[93] lặng

Chạm môi, tiếp lưỡi giới châu[94] viên

Nhân, phi nhân[95] nữ đều tùy hiện

Trời và bóng trời chẳng lệch nghiêng

Ba đức[96] đã rõ bờ tham dục

Quán rượu, động hoa say thần tiên.

27.Thiện Tài tham kiến cư sĩ Tì-sắt-chi-la

Đồng tử Thiện Tài đến thành Thiện Độ tham kiến cư sĩ Tì-sắt-chi-la. Khi tháp của đức Như Lai mở, thấy có tòa Chiên-đàn hương, trăm nghìn chư Phật đều đến ngồi trên đó. Các đức Như Lai này không Bát-niết-bàn, chỉ trừ trường hợp vì điều phục chúng sinh mà thị hiện niết-bàn. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Bất Bát niết-bàn tế và chứng Thiện căn hồi hướng[97].

Tán:

Núi sông trùng điệp thật gian nan

Đến đó trọn đời lòng vui an

Tì-sắt-chi-la như trăng sáng

Chiên-đàn tháp Phật ngút trời xanh

Chỉ xem loài giống dạy điều phục

Không thấy Như Lai Bát niết-bàn

Tùy tam-muội cảnh thành Chánh giác

Mười phương cõi nước hiện lòng tay.

28.Thiện Tài tham kiến bồ-tát Quán Tự Tại

Đồng tử Thiện Tài đến núi Bổ-đà-lạc-ca tham kiến bồ-tát Quán Tự Tại. Bấy giờ, các chúng bồ-tát đều ngồi trên đá báu như trăng tròn, cùng diễn từ âm, thuyết pháp xa lìa sợ hãi, tùy nghi nhiếp hóa. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Đại bi hạnh và chứng Tùy thuận chúng sinh hồi hướng[98].

Tán:

Men theo sườn núi phía tây tầm

Kim cang, đá báu tựa trăng rằm

Tha thiết dặn dò cho đồng tử.

Đường nào tu tập hỏi Quan Âm

Tất cả hàm sinh lìa sợ hãi

Trăm nghìn loại khác thảy an tâm

Văn, tư, tu vào tam-ma-địa

Tiếng gà, tiếng chó chẳng ngừng vang.

29.Thiện Tài tham kiến bồ-tát Chính Thú

Đồng tử Thiện Tài nơi không trung này tham kiến bồ-tát Chính Thú. Bấy giờ, bồ-tát phóng ánh sáng rực rỡ chói lòa các tướng, lại ấn ngón chân lên đất, sáu thứ chấn động liền nổi lên. Bồ-tát đến khắp các cõi nước nhiều như vi trần phụng sự vô lượng Đức Phật. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ môn tốc tật hành và chứng Chân như tướng hồi hướng[99].

Tán:

Mênh mông thế giới cõi hư không

Thân phóng hào quang chiếu chẳng đồng

Ánh sáng trời, trăng, sao liền mất

Thân người, rồng, quỉ … thảy tối mờ

Khi đến cõi này không luống uổng

Đến cửa thầy ta được biến thông

Công hành Phổ tật nay xin hỏi

Trúc phòng mây khóa, mặt trời đông.

30.Thiện Tài tham kiến vị Đại thiên thần

Đồng tử Thiện Tài đến thành Đọa-la-bát-để tham kiến vị Đại thiên thần. Bấy giờ, thiên thần dang bốn cánh tay múc lấy nước bốn biển để tự tắm gội. Đồng thời, thiên thần còn biến hóa ra các trân bảo để cúng dường Như Lai, khiến mọi người lìa các sự ham muốn. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vân võng và chứng Phúc đức tạng hồi hướng[100].

Tán:

Dang tay nắm lấy bốn biển sâu

Đặt vào bàn tay dội trên đầu

Quay nhìn diện mục[101] thân tâm tịnh

Đất, trời, nhật, nguyệt rực đêm thâu

Lưới mây, màn biếc giăng nhiều lớp

Hoa hương, châu báu chất thành chồng

Thử lấy vật này mà thiết lập

Xuẩn động hàm linh[102] chứng đạo mầu.

31.Thiện Tài tham kiến địa thần An Trụ

Đồng tử Thiện Tài đến Bồ-đề đạo tràng tham kiến địa thần An Trụ. Bấy giờ, các vị địa thần đều phóng ánh sáng, vô số châu báu từ đất vọt lên. Sức thiện căn xưa mà Phật đã thụ kí quả thật không mất. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Trí tuệ tạng, chứng Pháp giới vô lượng hồi hướng[103].

Tán:

Đến cõi Diêm-phù, nước Kiệt-đà

Địa thần trăm vạn khắp hiện ra

Miệng bàn Phật kí lòng giữ trọn

Chân vừa ấn đất báu hiện thành

Đạt pháp môn này thường xuất nhập

Quán xem trần kiếp chẳng mảy sai

Hồi hướng môn này về pháp giới

Thấy chăng tất cả phóng quang minh!

32.Thiện Tài tham kiến thần Bà-san-bà-diễn-để

Đồng tử Thiện Tài đến thành Ca-tì-la. Bấy giờ, trên thân dạ thần, chư thiên và các vì sao hiển hiện và chiếu sáng rực rỡ, trong bầu trời đầy mây và sương mù lại xuất hiện mặt trời mặt trăng; nơi đường ác hiểm nạn lại làm cầu đường an ổn. Nhân đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phá ngại ngại ám quang minh và chứng Hoan hỉ địa[104].

Tán:

Mặt trời đã lặn, tối phóng quang

Nước Ca-tì-la sáng huy hoàng

Mây dày, sương đặc đi trên đất

Mưa to, gió lớn bước mênh mang

Liền nơi tối tăm treo nhật nguyệt

Đi vào đường hiểm bắc cầu ngang.

Đã hay nhiều kiếp thành phương tiện

Ngày nay gặp mặt thật hỉ hoan.

33.Thiện Tài tham kiến thần Phổ Đức Tịnh Quang

Đồng tử Thiện Tài đến Bồ-đề đạo tràng tham kiến thần chủ về ban đêm Phổ Đức Tịnh Quang. Bấy giờ, dạ thần chỉ dạy mười thánh trí, tâm tứ thiền định, oai quang của Tam bảo, biết quán ngũ đình tâm, mở cửa xuất gia, chỉ rõ chính đạo. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Phổ du bộ và chứng Li cấu địa[105].

Tán:

Cầu thầy chẳng ngại chốn xa xăm

Không rời đạo tràng nghe triều âm

Ngẫm lại ngày xưa bàn lời diệu

Chẳng giống đêm nay được ý thâm

Mười loại pháp môn tròn thánh trí

Bốn thiền phân biệt hợp thiên tâm

Đã hay tịch tĩnh còn dạo bước

Lìa cấu, hoa khai hướng Thiếu Lâm.

34.Thiện Tài tham kiến thần Hỉ Mục Quán Sát Chúng Sinh

Đồng tử Thiện Tài vẫn ở tại Bồ-đề đạo tràng tham kiến thần chủ về đêm Hỉ Mục Quán Sát Chúng Sinh. Bấy giờ, mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân dạ thần xuất hiện thân vân[106], tùy theo căn cơ mà hiện tướng, diễn nói tha tâm trí[107], vào biển giải thoát, thành tựu những việc hiếm có. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Đại thế lực phổ hỉ tràng và chứng Phát quang địa[108].

Tán:

Tham tầm tri thức khắp non ngàn

Suy đi nghĩ lại chẳng giống người

Niệm niệm xuất sinh thành niệm hải

Thân thân bày tướng hiện thân vân

Tha tâm, diệu trí và phi trí

Thiên nhĩ, thông văn với bất văn

Nhiều kiếp khổ công cầu đại dụng[109]

Mà nay thế lực bỗng siêu quần.

35.Thiện Tài tham kiến thần Phổ Cứu Chúng Sinh Diệu Đức

Đồng tử Thiện Tài ở trong chúng hội tham kiến thần chủ về đêm Phổ Cứu Chúng Sinh Diệu Đức. Bấy giờ, giữa hai chặng lông mày của dạ thần phóng ánh sáng chiếu khắp thế giới rồi tuôn vào đỉnh đầu Thiện Tài, khiến toàn thân khoan khoái, sung mãn. Bấy giờ Thiện Tài biết được cảnh giới của bồ-tát. Lại biết khi Phật xuất hiện thì Phổ Diệm xuất thế, Diệu Nhãn phát tâm. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Điều phục chúng sinh và chứng Diệm tuệ địa[110].

Tán:

Hào quang tuôn xuống đỉnh Thiện Tài

Tịnh luân tam-muội hợp như vầy

Nói cảnh giới tâm trùng trùng hiện

Thuyết quang minh Phật dần dần hay

Diệu Nhãn và Ta nào có khác!

Bảo Vương, Từ Thị cũng chẳng sai

Phổ Hiền, Phổ Diệm nay đâu tá?

Không trung đầy tuyết trĩu cành hoa.

36.Thiện Tài tham kiến thần Tịch Tĩnh Âm Hải

Đồng tử Thiện Tài ở trong đạo tràng tham kiến thần chủ về ban đêm Tịch Tĩnh Âm Hải. Bấy giờ, dạ thần niệm niệm phát khởi tâm đại hỉ vô biên, khởi đại bi vô lượng, pháp tạng pháp nghĩa như mây, như biển. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Xuất sinh quảng đại hỉ trang nghiêm và chứng Hiện tiền địa[111].

Tán:

Trăm vạn tăng-kì chúng quanh thân

Ma-ni tràng tòa hiện sen vàng

Xưa nay niệm niệm sanh hoan hỉ

Phát khởi tâm tâm khắp nơi chân

Ta thấy, ta xem vô lượng cảnh

Thành mây, thành biển, có nhân xưa

Tạm nói gặp được nhiều thầy bạn

Như Lai hai cõi vốn cố nhân.

37.Thiện Tài tham kiến thần Thủ Hộ Nhất Thiết Thành

Đồng tử Thiện Tài ở trong hội của Như Lai tham kiến thần chủ về ban đêm Thủ Hộ Nhất Thiết Thành. Bấy giờ, dạ thần hiện sắc thân cùng khắp diễn nói Phật pháp tạng; văn, tư, tu tuệ thầm khế hợp căn cơ chúng sinh, khiến tất cả chúng sinh bảo vệ thành trì tâm. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Thậm thâm tự tại diệu âm và chứng Nan thắng địa[112].

Tán:

Trên tòa Bảo Quang hiện khắp thân

Lại mở Phật tạng cứu chúng dân

Thấy ngoài pháp giới không bờ mé

Ai tin đà-la ích lợi nhân

Hành pháp tên Luân lại diễn nói

Văn, tư, tu tuệ lại tự trần

Diệu âm tuy là Hồ gia[113] vỗ

Khúc Dương Xuân Tuyết[114] lại ca vang.

38.Thiện Tài tham kiến thần Khai Phu Mộc Hoa

Đồng tử Thiện Tài vào trong hội của Phật tham kiến thần chủ về ban đêm Khai Phu Mộc Hoa. Bấy giờ, dạ thần tùy ý hiện thân, làm cho tất cả thấy biết hoa sen che trùm hết các đường hiểm nạn, cứu giúp chúng sinh làm cho đều dứt hết lưới ái. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Xuất sinh quảng đại hỉ quang minh và chứng Viễn hành địa[115].

Tán:

Trong tối hoa khai giúp về nhà

Chẳng cho rong ruổi nẻo nguy tà

Sau khi dao cắt xong lưới ái

Dùng chày đập nát núi tham xan

Ngày Tuệ Sơn vương lên giáo hóa

Là lúc Bảo Quang mới phát tâm

Đến nay cũng đã qua nhiều kiếp

Thật kì! Xa cách lại gặp nhau.

39.Thiện Tài tham kiến thần Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Chúng Sinh

Đồng tử Thiện Tài đến Bồ-đề đạo tràng tham kiến thần chủ về ban đêm Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Chúng Sinh. Bấy giờ, dạ thần tùy theo căn cơ mà hiện các thân hình, hoặc hiện một thân, nhiều thân, diệu sắc, diệu trí như mặt trời, mặt trăng, cứu giúp tất cả tội nhân đạt được tâm nhãn[116] thanh tịnh. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Giáo hóa chúng sinh khiến sinh căn lành và chứng Bất động địa[117].

Tán:

Thái tử năm xưa cứu tội nhân

Đến nay lại hiện một, nhiều thân

Mười nghìn tín sĩ[118] tâm lìa cấu

Trăm ức na-do[119] mắt sạch trần

Diệu sắc trong như cảnh thu tịnh

Trí luân sáng tựa mặt trời lên

Bảo Quang Phật hiện trong rừng vắng

Lại thấy hoa Đàm trải mấy xuân.

40.Thiện Tài tham kiến thần Diệu Đức Viên Mãn

Đồng tử Thiện Tài đến vườn Tì-lam tham kiến thần chủ về ban đêm Diệu Đức Viên Mãn. Bấy giờ, dạ thần quán sát nhũ mẫu của tất cả chư Phật trong mười phương đời quá khứ giáng sinh hiện đang làm chủ vườn, biết được thụ sinh tạng mà sinh vào nhà Như Lai. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Thụ sinh tự tại và chứng Thiện tuệ địa[120].

Tán:

Gặp anh chỉ nói thụ sinh nhân

Vào nhà Như Lai làm người thân

Một niệm quán hết trần số[121] Phật

Mười phương cùng thấy giáng oai thần

Muốn biết vườn này ai là chủ

Chính là nhũ mẫu của ngày xưa

Có thế gian riêng, chưa từng thấy

Hoa tươi đỡ lấy mỗi bước chân.

41.Thiện Tài tham kiến người nữ Cù-bà họ Thích

Đồng tử Thiện Tài đến giảng đường Pháp Giới tham kiến người nữ Cù-bà họ Thích. Bấy giờ, một vạn cung thần đều đến đón rước, khen ngợi pháp nhĩ[122] hiện tiền. Lại nói về nhân duyên quá khứ đã trồng bồ-đề chủng trí ở trong vườn Hương Nha. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Quán sát tam-muội hải và chứng Pháp vân địa[123].

Tán:

Giảng đường Pháp Giới, một hôm vào

Vô số Cù-bà nữ khác nhau

Nói hết vạn nghìn điều trước mặt

Lại nêu trần kiếp nhiều công lao

Mây pháp trải dài trên đỉnh núi

Lưới giáo phủ khắp cả hư không

Xét lại đời người cười đáng lắm

Hạnh hoa hồng thắm khắp Hương Nha.

42.Thiện Tài tham kiến Phật mẫu Ma-da

Đồng tử Thiện Tài ngay trong thế giới này. Bấy giờ, thánh hậu đang ngồi trên hoa sen báu trên lầu gác lớn, sắc tướng đoan nghiêm, hào quang rực rỡ, niệm niệm Phật xuất sinh, đời đời làm thánh hậu. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Đại nguyện trí huyễn sinh.

Tán:

Làm sao đến gần để hỏi han

La-sát giữ cửa xét mấy lần

Xa nhìn lầu quán trùng trùng đẹp

Chợt thấy hoa sen cánh rỡ ràng

Niệm niệm nguyện làm mẹ chư Phật

Đời đời thị hiện nữ hoàng thân

Đáng thương tâm lượng bao dung quá

Ôm hết người trong mọi thế gian. 

43.Thiện Tài tham kiến thiên nữ của thiên chủ cõi Quang thiên

Đồng tử Thiện Tài lên đến trời Tam Thập Tam. Thiên nữ đã từng trải qua số kiếp như vi trần phụng thờ vi trần số Đức Phật, thụ trì pháp ngữ chưa từng quên mất, bi trí tăng trưởng và đều hiện tiền. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm.

Tán:

Tam Thập Tam thiên, Thiên Chủ[124] thiên

Không biết đời nào đã kết duyên?

Cõi Thanh Liên Hoa[125] tâm vừa mở

Trong ánh trăng vàng ý châu viên

Khổ nhọc trải qua vô lượng kiếp

Tu trì lại biết mất nhiều niên

Người trong Diêm-phù cùng han hỏi

Như nay các pháp đã hiện tiền. 

44.Thiện Tài tham kiến đồng tử Sư Biến Hữu

Đồng tử Thiện Tài đến thành Ca-tì-la tham kiến đồng tử Sư Biến Hữu. Bấy giờ, Biến Hữu chỉ đi nơi khác mà không dạy một lời. Đó là hiển thị không có pháp chính là pháp chân thật, không đắc là đắc. Khi ấy Thiện Tài suy nghĩ luống bỏ qua nơi này thì đường trước chẳng dễ đi; ngày xưa chỉ nghe tên, hôm nay mới gặp mặt.

Tán:

Vạn dặm tìm nhau chẳng nói chi

Lại cho nghề anh đã tinh vi

Cầu người nếu mà giống như thế

Ta đây bình sinh hiếm gặp khi

Cách bạn đạo truyền thành hư vọng

Phép danh sư thuyết cũng dối truyền.

Đã dốc tâm can tìm tri thức

Đoán rằng đường trước có duyên gì.

45.Thiện Tài tham kiến đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ

Đồng tử Thiện Tài vẫn ở nguyên chỗ cũ tham kiến đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ. Bấy giờ, đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ dùng Vô ngại trí biết thông suốt tất cả nghề nghiệp thế gian, xướng các tự mẫu[126] nhập các pháp môn, biết tiếng chim thú, màu ráng mây, khí hậu. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Thiện tri chúng nghệ Bồ-tát tự trí.

Tán:

Học hết nghề hay của thầy ta

Nay gặp nhau đây thử diễn ra

A, đa, ba, giả lời lời thật

Sai, la, ca, đà chữ chữ bày

Bốn mươi hai môn sau lưu bố

Ba nghìn thế giới xưa nay truyền

Thế nào! Nhất trí vừa rực sáng

Mây tan trời rộng, một vầng trăng.

46.Thiện Tài tham kiến Ưu-bà-di Hiền Thắng

Đồng tử Thiện Tài đến thành Bà-đát-na tham kiến Ưu-bà-di Hiền Thắng. Bấy giờ, Hiền Thắng tâm tự khai sáng, làm lợi ích cho chúng sinh, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, trí, tính đều sinh ra các công đức, chiếu ánh sáng khắp cùng. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô y xứ đạo tràng.

Tán:

Tự khai, tự giải, vì chúng sinh

Vào cõi hồng trần lợi hữu tình

Mắt, tai, mũi ôm công đức tụ[127]

Lưỡi, thân, ý hiện trí quang minh

Năng sinh, năng xuất môn đình[128] lặng

Vô tận, vô y cảnh sáng tinh

Biết được đạo tràng nơi viên mãn

Một thân một kiếm đạt thái bình.

47.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát

Đồng tử Thiện Tài đến thành Ốc Điền tham kiến trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát. Trưởng giả là người đã trải qua trăm nghìn vạn kiếp đến chỗ Phật khắp mười phương siêng năng cầu chính pháp mà chưa từng dừng nghỉ. Trường giả đã đạt được sức đại sư tử hống, an trú trong tụ đại phúc trí. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô trước niệm thanh tịnh trang nghiêm.

Tán:

Người tinh tiến ít, biếng lười đa

Siêng năng cầu pháp, phải tương hòa

Đến mười phương Phật không dừng nghỉ

Trăm kiếp thân tâm luôn thiết tha

Núi cao vạn nhận[129] mây bay mất

Ngọn tùng nghìn thước hạc lại qua

Cảm thương thế gian thường thanh tịnh

Hoa rơi sân vắng tốt Lục sa[130].

48.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Diệu Nguyệt

Đồng tử Thiện Tài ở lại thành Ốc Điền tham kiến trưởng giả Diệu Nguyệt. Trưởng giả không bàn về nghĩa của pháp, chỉ trình bày tóm lược về danh tự, hiển bày ở trong vô đắc lại vô sở đắc, vô đắc này lại vô đắc,  mới là chân đắc. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Tịnh trí quang minh.

Tán:

Diệu Nguyệt cao nhân chỉ sang người

Bạn gặp trước đây luống qua rồi

Nghĩ kĩ hai nơi lời nói ít

Lại cười chư phương[131] lối mở nhiều

Lửa bi sáng soi ngôn ngữ dứt

Trí quang giải thoát lại thế nào?

Nay anh không vì thông tiêu tức[132]

Bạch ngọc không vết tự giũa mài.

49.Thiện Tài tham kiến trưởng giả Vô Thắng Quân

Đồng tử Thiện Tài đến thành Xuất Sinh tham kiến trưởng giả Vô Thắng Quân. Bấy giờ, trưởng giả chỉ dạy hai pháp để khai phát, thấy vô lượng Phật, đạt được Vô tận tạng[133], biết được nguyên nhân, thật là con đường thẳng tắt. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Vô tận tướng.

Tán:

Từ xa lặn lội đến Xuất Sinh

Ở nơi ồn náo luận đạo tình

Cảm tạ thầy tôi hai câu nói

Lại nghĩ cho ta, lộ nghìn trình[134]

Được Vô tận tạng nhờ ai ngộ?

Gặp mặt cao nhân sẽ tự minh

Đêm qua giường tùng thu mộng[135] tỉnh

Một trời sao sáng rọi mái đình.

50.Thiện Tài tham kiến bà-la-môn Tối Tịch Tĩnh

Đồng tử Thiện Tài đến một ngôi làng phía nam thành này tham kiến bà-la-môn Tối Tịch Tĩnh. Bà-la-môn kia đã phát tâm bồ-đề, không còn lui sụt, không còn quá khứ đã lui sụt, hiện tại đang lui sụt, vị lai sẽ lui sụt, tùy ý tạo tác đều thành tựu viên mãn. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Thành nguyện ngữ.

Tán:

Cửa pháp thôn nam thật thấp ghê

Nghe nguyện vui mừng ý hết mê

Quá khứ đã thật thành giải thoát

Vị lai nhờ nói được bồ-đề

Tùy tâm, tùy chỗ việc làm trọn

Không lui, không nhận ý đồng về

Phải tin Giang Nam hai, ba tháng

Hương trăm hoa tỏa, chá cô[136] đề (kêu).

51.Thiện Tài tham kiến đồng tử Đức Sinh và đồng nữ Hữu Đức

Đồng tử Thiện Tài đến thành Diệu Ý Hoa tham kiến đồng tử Đức Sinh và đồng nữ Hữu Đức. Hai vị đồng nam, đồng nữ ấy thấu suốt các pháp huyễn sinh trí bi, duyên tướng tri kiến, vô minh phiền não, quốc độ chúng sinh, y chính đều rỗng không, tất cả đều như huyễn. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Bồ-tát huyễn trụ.

Tán:

Đức Sinh, Hữu Đức đã hòa dung

Đồng huyễn, đồng sinh ý chẳng cùng

Cùng trụ, cùng tu thành giải thoát

Đồng bi, đồng trí hiển linh công

Cùng duyên, cùng tưởng tâm thầm hợp

Đồng thấy, đồng hay đạo càng thông

Nếu muốn một đời thành quả Phật

Tì-lô[137] lầu các ở phương nam.

52.Thiện Tài tham kiến bồ-tát Di-lặc

Đồng tử Thiện Tài đến lầu các Tì-lô Tạng tham kiến bồ-tát Di-lặc. Bấy giờ, bồ-tát Di-lặc đứng đợi trước cửa rất lâu, Thiện Tài từ xa đi đến đỉnh lễ bồ-tát rồi vào quán cảnh diệu, thấy lớp lớp ánh hiện, Phật Phật hiện toàn thân. Nhưng vừa bước ra ngoài thì cửa liền đóng lại, Thiện Tài suy nghĩ mãi vẫn không hiểu. Nhân đó, đạt được pháp môn Nhất sinh Phật quả tam thế cảnh giới.

Tán:

Phút giây đứng trước cửa lâu đài

Long Hoa sư chủ ở xa về

Không chỉ sát-na quán thâm diệu

Lại nghe từ âm vọng thì thầm

Ánh sáng thân là lí, trí, hạnh

Then chốt đạo tức bồ-đề tâm

Rất nhiều cảnh giới nào lui tới

Nghìn dặm chân trời nhạn lẻ loi.

53.Thiện Tài tham kiến bồ-tát Phổ Hiền

Đồng tử Thiện Tài vào Phật hội tham kiến bồ-tát Phổ Hiền. Bấy giờ, bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi chúa trắng, ngồi trên tòa sen hồng. Thiện Tài một lòng gần gũi, thưa hỏi, lắng nghe pháp yếu, nên bi trí viên mãn, hành nguyện thành tựu, đạt được Phật đức[138], hiển thị đồng với quả hải[139]. Nhờ đó, Thiện Tài đạt được pháp môn Nhất thiết Phật sát vi trần số tam-muội.

Tán:

Trăm mốt do-tuần tay xoa đỉnh

Một lòng mong gặp Phổ Hiền sư

Tòa báu sen hồng, uy nghiêm tọa

Trên lưng voi trắng, dáng ung dung

Nhiều kiếp trí bi nay mới trọn

Vi trần hạnh nguyện đến lúc xong

Biển công đức Phật dù nói lại

Buồn trông sóng nước thật xa xăm.

Thuở xưa, thiền sư Phật Quốc ở chùa Quy, nay là Phụng Thành, quán sát việc đồng tử Thiện Tài đi tham kiến các vị thiện tri thức không lúc nào ngừng nghỉ, bỗng nhiên thiền sư la lớn: “Ủa!”, lập tức lĩnh ngộ, hoát nhiên xong việc, đại dụng hiện tiền.

Tán:

Thời gian đã vậy, biết dần dà

Ôi tiếc một đời lặn lội xa

Hơn năm mươi người, đều tham vấn

Trăm lớp thành trì thảy vượt qua

Mà nay đến đây thôi phân biệt

Ngay đó đảm đương có được là

Ví như lại nói đi nam bắc

Rõ ràng gà vút đến Tân La.

Phần chú thích:

[1] Tính hải 性海: Biển bản tính, dụ cho lí tính chân như sâu rộng như biển. Đây là cảnh giới của pháp thân Như Lai.

[2] Nghĩa thiên 義天: Chư Phật, bồ-tát an trụ niết-bàn, hoặc chỉ cho hàng bồ-tát Thập trụ trở lên. Vì các ngài hiểu rõ nghĩa của các pháp, nên dùng Thiên để dụ cho diệu lí của Đệ nhất nghĩa không.

[3] Chân trí 真智: Trí thuận theo chân như thật tướng. Do đối tượng của chân trí là  duyên vô duyên, nên cũng gọi là vô trí.

[4] Linh nguyên 靈源: Tức Phật tâm, Phật tính, Chân như, là cội nguồn của tất cả pháp tuyệt đối bình đẳng.

[5] Hàm thức 含識 (S: Sattva): Chúng sinh có tâm thức, tức loài hữu tình trong sáu đường.

[6] Thế chủ 世主: Các vị trời thần làm chủ, cai quản thế gian được nói đến trong kinh Hoa nghiêm.

[7] Kết tập 結集 (S: Saṃgīti): Hợp tụng, tức là các tì-kheo cùng tập hội ở một nơi để tụng đọc, chỉnh lí và biên tập những lời dạy của Đức Phật, nhằm xác lập giáo quyền và đề phòng giáo pháp lâu ngày bị tán thất.

[8] Long cung 龍宮: Chỗ ở của Long vương hoặc Long thần dưới đáy biển lớn. Tương truyền Long vương dùng thần lực hóa ra cung điện làm chỗ giữ gìn tài bảo, kinh điển khi Phật pháp ẩn mất tại thể gian.

[9] Kê lĩnh 雞嶺 (S: Kukkuṭapada): Chính là núi Kê Túc ở nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ, là nơi ngài Ma-ha Ca-diếp nhập diệt.

[10] Hoa Hạ 華夏: Tên gọi nước Trung Hoa thời cổ.

[11] Lí trưởng giả 李長者(635-730): Lí Thông Huyền, học giả tông Hoa nghiêm, Trung Quốc, sống vào đời Đường, xuất thân dòng dõi vua chúa, người Thương Châu (huyện Thương, tỉnh hà Bắc). Ông có thông minh thiên phú, học với sư Vô Thường, tinh thông cả Nho lẫn Phật. Ông thích nơi rừng núi, xa lánh nơi phố thị ồn ào. Năm 719, ông ẩn cư trong một thảo am tại núi Thọ Dương Phương, phủ Thái Nguyên nghiên cứu kinh Hoa nghiêm (bản tân dịch). Suốt mấy năm trong núi, hằng ngày ông chỉ lấy quả táo, lá cây bách làm thức ăn, người đời gọi ông là Táo Bách đại sĩ. Tháng 3 năm 730, ông ngồi mà tịch nơi khám thất, hưởng thọ 96 tuổi. Vua Tống Huy Tông ban cho ông hiệu là Hiển Giáo Diệu Nghiêm Trưởng Giả. Tác phẩm của ông gồm có: Tân Hoa nghiêm kinh luận, 40 quyển, Hoa nghiêm kinh luận hội thích, 14 quyển, v.v…

[12] Hợp luận 合論: Tức Hoa nghiêm hợp luận, 40 quyển, cũng chính là Tân Hoa nghiêm kinh luận, do cư sĩ Lí Thông Huyền soạn vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 36. Luận này bàn về huyền chỉ và giải thích văn nghĩa kinh Hoa nghiêm (bản Tân dịch). Đầu tiên lập mười môn: Y giáo phân tông, Y tông giáo biệt, Giáo nghĩa sai biệt, Thành Phật đồng biệt, Kiến Phật sai biệt, Thuyết giáo thời phân, Tịnh độ quyền thật, Nhiếp hóa cảnh giới, Nhân quả diên xúc, Hội giáo thủy chung. Kế là giải thích văn kinh, gồm năm phần: Luận tổng quát về ý kinh, luận về tông thú, luận về giáo thể, số hội, giải thích văn nghĩa. Sau khi soạn giả mất, vào năm 747 đời Đường, tại chùa Thệ-đa, ngài Quảng Siêu gom chung luận này và luận Thập nhị duyên sinh giải mê hiển trí thành luận Bi thập minh lưu thông ở xứ Tinh Phần. Trong khoảng từ năm 847-859, tại chùa Khai Nguyên, ngài Chí Ninh hợp kinh và luận lấy tựa đề là Đại phương quảng Phật tân Hoa nghiêm kinh hợp luận, gồm 120 quyển. Năm 967, đời Tống, vì nghĩa loại (ý thú, chủng loại) của kinh này còn rườm rà nên ngài Huệ Nghiêm vâng chiếu vua hiệu đính rồi khắc bản ấn hành.

[13] Quán quốc sư 觀國師: Ngài Trừng Quán, cao tăng Trung Quốc sống vào đời Đường, tổ thứ tư tông Hoa Nghiêm, Trung Quốc, người ở Sơn Âm, Triệu Châu (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang), họ Hạ Hầu, tự Đại Hưu, hiệu Thanh Lương Quốc sư, Hoa Nghiêm bồ-tát, Hoa Nghiêm sớ chủ.

[14] Sớ sao 疏鈔: Từ gọi chung các sách chú thích kinh luận. Kinh Phật nghĩa lí sâu xa, nếu không sớ giải khai thông thì khong dễ thấu hiểu, vì vậy phải y theo văn nghĩa mà giải, phân biệt chỉ thú, quyết trạch hơn kém, khiến không bị kẹt. Văn chú giải Sớ gọi là Sao. Sao tức là sao lược, tùy thuận theo bản sớ gốc mà giải thích sơ lược thêm, khiến cho diệu nghĩa của kinh sớ càng rõ ràng dễ hiểu.

[15] Môn ngộ 悟門: Con đường lãnh ngộ thiền pháp.

[16] Năm chúng 五眾: Chúng tại gia, chúng xuất gia, chúng tịnh tín, chúng tà ác, chúng xử trung.

[17] Sơ tâm 初心: Người mới phát tâm cầu đạo bồ-đề.

[18] Thập tín tâm 十信心: Mười tâm, tức mười giai vị đầu tiên trong năm mươi hai giai vị bồ-tát tu hành. Mười tâm này thuộc về Tín vị, có công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh. Đó là: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Định tâm, Tuệ tâm, Giới tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Xả tâm, Nguyện tâm.

[19] Phát tâm trụ 發心住: Giai vị thứ nhất trong mười trụ vị của bồ-tát. Hàng bồ-tát Thượng tiến phần thiện căn dùng chân phương tiện phát khởi tâm Thập tín, tin thờ Tam bảo, thường trụ nơi 84.000 Bát-nhã ba-la-mật, thụ trì tu tập tất cả hạnh, tất cả pháp môn, thường khởi tín tâm, không sinh tà kiến, thập trọng, ngũ nghịch, bát đảo, không sinh chỗ có nạn, thường gặp Phật pháp, học rộng, nhiều trí tuệ, thường cầu phương tiện, mới nhập không giới, trụ trong giai vị không tính; đồng thời dùng không lí, trí tâm để tu tập giáo pháp của cổ Phật, trong tâm sinh ra tất cả công đức.

[20] Diệu phong 妙高峯 (S: Sumeru): Núi Tu-di. Theo vũ trụ quan Phật giáo thì núi này là một ngọn núi cao ở trên Kim luân, chính giữa một tiểu thế giới.

[21] Nước Hải Môn 海門國: Trú xứ của tì-kheo Hải Vân (S: Sāgara-megha), vị thiện tri thức thứ hai trong năm mươi ba vị thiện tri thức mà đồng tử Thiện Tài tham vấn được ghi trong phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa nghiêm. Vì nước này ở gần Nam Hải, cửa thành hướng ra biển, nên gọi là Hải Môn Quốc.

[22] Trị địa trụ 治地住: Trụ thứ hai trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này thường tùy theo tâm không, làm thanh tịnh 84.000 pháp môn, tâm trong sáng, giống như từ lưu li hiện ra vàng ròng. Vì lấy việc tu tập diệu tâm mới phát làm Địa nên gọi là Trị địa trụ.

[23] Tu hành trụ 修行住: Trụ vị thứ ba trong mười Trụ vị của bồ-tát. Trí tuệ của bồ-tát Phát tâm trụ và Trị địa trụ ở trước đều đã sáng tỏ, cho nên dạo khắp mười phương mà không chướng ngại.

[24] Vũ môn 禹門: Tức Long môn, nơi hiểm yếu, do hai núi cao đối ngọn nhau tạo thành hình dáng cái vòm, nằm ở hai bờ Hoàng Hà giữa huyện Hàn Thành, Tây An, Thiểm Tây và huyện Hà Tân, Bình Dương tỉnh Sơn Tây. Tương truyền, ông Hạ Vũ trong lúc trị thủy, đã đào giữa núi này để sông Hoàng Hà lưu thông. Lại theo truyền thuyết từ xưa, các loại tôm cá trong sông, nếu có thể vượt qua chỗ này thì hóa thành rồng, cho nên từ ngữ này chỉ cho cửa ngõ lập thân xuất thế hoặc tỉ dụ cho danh vọng cao tột. Trong Thiền lâm dùng từ ngữ này để chỉ cho bậc thầy danh tiếng lừng lẫy với cơ pháp tuyệt vời, nếu kẻ học đạo có thể vào được cửa của bậc thầy này, tương lai chắc chắn sẽ thành Phật, làm Tổ.

[25] Tự luân 字輪 (S: Akṣara-cakra): Từ một chữ Phạn mà lần lượt chuyển sinh ra nhiều chữ; tức là từ một chữ chủng tử hay chân ngôn của chư tôn mà chuyển sinh ra nhiều chữ.

[26] Sinh quí trụ 生貴住: Trụ thứ tư trong mười Trụ vị của bồ-tát. Nhờ diệu hạnh ở trước khế hợp với diệu lí, nên bồ-tát này sinh vào nhà Phật làm pháp vương tử; tức hạnh đồng với Phật, thụ khí phần của Phật, vào chúng tính Như Lai, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ, cả hai thầm thông đạt.

[27] Cụ túc trụ 具足住: Trụ thứ năm trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát này tu tập vô lượng thiện căn, tự lợi lợi tha, đầy đủ phương tiện, tướng mạo viên mãn.

[28] Quang âm: Thời gian.

[29] Tam-muội 三昧 (S: samādhi): An trụ tâm vào một chỗ, một cảnh; tức chỉ cho trạng thái thiền định.  

[30] Chính tâm trụ 正心住: Trụ thứ sáu trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát này đã nhập vào cảnh giới vô sinh tất cánh không, tâm thường thực hành không, vô tướng, vô nguyện, thân tâm hòa hợp, mỗi ngày một tăng trưởng.

[31] Ưu-bà-di 優婆夷 (S: Upāsikā): Nguời chúng gần gũi Tam bảo, thụ Tam qui, giữ năm giới, thực hành thiện pháp, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng đệ tử Phật.

[32] Cứu cánh nguyện 究竟願: Nguyện tâm không lui sụt, nên thành tựu rốt ráo.

[33] Bất thoái trụ 不退住: Trụ thứ bảy trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát này đã nhập vào cảnh giới vô sinh tất cánh không, tâm thường thực hành không, vô tướng, vô nguyện, thân tâm hòa hợp, mỗi ngày một tăng trưởng.

[34] Đồng chân trụ 童真住: Trụ vị thứ tám trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát này từ khi phát tâm trở đi, trước sau không lui sụt, không khởi tà ma phá hoại tâm bồ-đề, linh tướng mười thân Phật cùng lúc đầy đủ.

[35] Linh quang 靈光: Phật tính vốn có của chúng sinh. Phật tính này thanh tịnh vô nhiễm, chiếu soi mầu nhiệm.

[36] Đoan đích 端的: Xác thật, chân thật.

[37] Tụ lạc 聚落 (S: Grāma): Nơi mọi người tụ tập sinh sống, tức làng mạc, phố phương, thành thị.

[38] Vương tử trụ 王子住: Trụ vị thứ chín trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát từ Sơ phát tâm trụ cho đến Sinh quí trụ gọi là Nhập thánh thai. Từ Phương tiện cụ túc trụ đến Đồng chân trụ thứ tám gọi là Trưởng dưỡng thánh thai. Còn Pháp vương tử trụ này thì tướng mạo đầy đủ, liền xuất thai, giống như từ trong giáo pháp của Phật phát sinh hiểu biết, thì mới nối tiếp được giai vị Phật.

[39] Sáu trời 六天: Sáu tầng trời cõi Dục: Tứ Thiên Vương thiên, Tam Thập Tam thiên, Diêm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên.

[40] Ngũ nhiệt 五熱: Hơi lửa bốn phía và sức nóng mặt trời phía trên. Pháp tu khổ hạnh bằng cách phơi mình dưới ánh nắng mặt trời và đốt lửa bốn phía của ngoại đạo Ấn Độ thời xưa. Ngoại đạo thực hành khổ hạnh này được gọi là Ngũ nhiệt chích thân ngoại đạo.

[41] Thiên y 天衣: Áo của chư thiên.

[42] Long Thắng 龍勝: Bồ-tát Long Thọ.

[43] Cảnh trí 境智: Cảnh giới và trí tuệ. Cảnh trí hợp nhất gọi là Cảnh trí minh hợp.

[44] Quán đỉnh trụ 灌頂住: Trụ vị thứ mười  trong mười Trụ vị của bồ-tát. Bồ-tát đã là Phật tử, làm được Phật sự, cho nên Phật dùng nước trí quán đỉnh cho vị ấy. Giống như việc quán đỉnh lên ngôi của vương tử giòng Sát-đế lợi. Vị bồ-tát đã đến Quán đỉnh trụ sẽ có ba biệt tướng: độ chúng sinh, được cảnh giới sở nhập sâu xa, học rộng mười trí, biết rõ tất cả pháp.

[45] Đế hương 帝鄉: Chỉ cho cung trời, kinh thành, nơi tiên nhân cư ngụ hoặc quê hương của hoàng đế.

[46] Chân cảnh 真境: Cảnh chân lí, hay cảnh giới chân thật.

[47] Toan nghê 狻猊: Tức sư tử.

[48] Viên quang 圓光: Vầng ánh sáng hình tròn phóng ra từ đỉnh của Phật, bồ-tát.

[49] Một tầm 一尋: Khoảng cách dài bằng hai tay dang rộng ra, tức khoảng một mét tám đến hai mét tư.

[50] Kim luân 金輪: Tức Kim cang luân. Ở đây muốn nói đến các đường vân tạo thành hình bánh xe nghìn căm trong lòng bàn tay, bàn chân của Đức Phật. Là một trong những tướng quí của Ngài.

[51] Hoan hỉ hạnh 歡喜行: Hạnh thứ nhất trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát này  dùng vô lượng diệu đức của Như Lai để tùy thuận mười phương.

[52] Triều âm 潮音: Âm thanh của thủy triều. Cũng chỉ cho tiếng tụng kinh của chúng tăng.

[53] Nhiêu ích hạnh 饒益行: Hạnh thứ hai trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát này làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

[54] Chuyển chuyển 轉轉: Chỉ cho con số cùng cực.

[55] A-dữu-đa 阿庾多 (S: ayuta): Tức một triệu.

[56] Lạc xoa 洛叉(S:Lakṣa): Đơn vị số lượng thời xưa ở Ấn Độ, tức mười vạn.

[57] Vô vi nghịch hạnh 無違逆行: Tức Vô sân hận hạnh. Hạnh thứ ba trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát tu nhẫn nhục, lìa sân hận, khiêm hạ cung kính, không hại tự tha, nhẫn nhục đối với kẻ gây oán.

[58] Vô khuất nạo hạnh 無屈撓行: Tức Vô tận hạnh. Hạnh thứ tư trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát thực hành đại tinh tấn, phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh, đến đại niết-bàn, không lười biếng, xao lãng.

[59] Li si loạn hạnh 離癡亂行: Hạnh thứ năm trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát thường trụ nơi chính niệm không tán loạn, đối với tất cả pháp không si loạn.

[60] Nam san vạn tuế đằng 南山萬歲藤: Chỉ cho cây gậy.

[61] Thiện hiện hạnh 善現行: Hạnh thứ sáu trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát biết không có pháp, ba nghiệp vắng lặng, không trói buộc, không đắm trước, cũng không bỏ việc giáo hóa chúng sinh.

[62] Thiền duyệt 禪悅: Trạng thái vui vẻ thoải mái phát sinh nơi tâm khi người tu hành nhập thiền định.

[63] Sinh Phật 生佛: Chúng sinh và Phật.

[64] Ba-la: Tức ba-la-mật

[65] Phúc nghiệp 福業 (S: Puṇya-karma): Thiện nghiệp hữu lậu có công năng chiêu cảm quả báo phúc lợi cõi người, cõi trời.

[66] Vô trước hạnh 無著行: Hạnh thứ bảy trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát trải qua các cõi nhiều như số hại bụi, cúng dường Phật, cầu pháp mà tâm không nhàm chán, vì vắng lặng quán sát các pháp, cho nên không đắm trước tất cả.

[67] Kim luân 金輪: Chỉ cho Kim Luân vương, một trong bốn vị Chuyển luân vương.

[68] Nghiêu phong 堯風: Ngọn gió nhà Nghiêu, chỉ cho sự trị quốc của vua Nghiêu.

[69] Tam muội 三昧: An trụ tâm vào một chỗ, một cảnh; tức chỉ cho trạng thái thiền định.

[70] Nhất thiết trí 一切智 (S: Sarvajña): Trí biết tất cả pháp tướng trong ngoài, là một trong ba trí.

[71] Chủng tính 種性 (S: Gotra): Tính có khả năng chứng được bồ-đề của Phật và hàng Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát). Bản tính này có hai loại: tiên thiên vốn đầy đủ bất biến, là Tính trụ chủng tính hay Tính chủng tính và hậu thiên do tu hành mà được, là Tập sở thành chủng tính hay Tập chủng tính.

[72] Nan đắc hạnh 難得行: Tức Tôn trọng hạnh. Là Hạnh thứ tám trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát tôn quí tu tập các pháp như thiện căn, trí tuệ, v.v… nên thảy đều thành tựu, nhờ đó càng tiến tu hạnh tự lợi và lợi tha.

[73] Thiện pháp hạnh 善法行: là Hạnh thứ chín trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát được các pháp như bốn vô ngại, đà-la-ni môn v.v… thành tựu các thiện pháp giáo hóa, giữ gìn chính pháp, không làm dứt tuyệt hạt giống Phật.

[74] Chân thật hạnh 真實行: Hạnh thứ mười trong mười Hạnh vị của bồ-tát. Bồ-tát thành tựu ngôn ngữ Đệ nhất nghĩa đế, như lời nói mà thực hành, thực hành như lời nói, lời nói đi đôi với việc làm, sắc tâm đều thuận.

[75] Đương cơ 當機: Có hai nghĩa: 1. Thích ứng với căn cơ trình độ của chúng sinh. 2. Người đại diện chúng hội đứng ra thưa hỏi.

[76]Li chúng sinh tướng hồi hướng 離眾生相回向: Giai vị Hồi hướng thứ nhất của bồ-tát. Bồ-tát ở giai vị này thực hành lục độ, tứ nhiếp, cứu hộ tất cả chúng sinh, oán thân bình đẳng.

[77] Linh đài 靈臺: Tức Phật tính thanh tịnh.

[78] Chín cai 九垓: Chín châu, chỉ cho toàn bộ Trung Quốc thời xưa.

[79] Bất hoại hồi hướng 不壞回向: Giai vị Hồi hướng thứ hai của bồ-tát. Bồ-tát đối với Phật pháp đạt được lòng tin bất hoại, thâm nhập thật nghĩa, tích tập công đức tạng, thực hành đại huệ thí, tâm không bị hủy hoại nên gọi là Bất hoại hồi hướng.

[80] Âu, lộ 鷗鷺: Chim âu và con cò. Chỉ người ở ẩn sống nhàn, giống như con âu con cò thơ thẩn ven sông.

[81] Liêu 蓼: Thuộc loại rau nghể, rau răm.

[82] Yến, hồng 鷰鴻: Con chim én và con chim hồng. Chim hồng là một loài chim ở ven nước, to hơn con mòng, lưng và cổ màu tro, cánh đen bụng trắng, mỏ dẹp, chân ngắn, khi bay sắp thành hàng. Hồng là con nhạn lớn.

[83] Bạch tần 白蘋: Cỏ tần, một loài cỏ nổi trên nước.

[84] Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng 等一切佛回向: Giai vị Hồi hướng thứ ba của bồ-tát. Bồ-tát đồng với sự hồi hướng của chư Phật ba đời, tu hành không đắm sinh tử, không lìa bồ-đề.

[85] Lao sinh 勞生: Chúng sinh lao khổ.

[86] Nhất thiết xứ hồi hướng 一切處回向: Giai vị Hồi hướng thứ tư của bồ-tát. Bồ-tát hồi hướng thiện căn tu được đến khắp tát cả, từ Tam bảo cho đến chúng sinh, để cúng dường làm lợi ích.

[87] Sư thân 師身: Thân của tì-kheo ni Sư Tử Tần Thân.

[88] Ý sinh thân 意生身 (S: Mano-maya-kāya): Thân do các bồ-tát từ Sơ địa trở lên nương vào ‘ý’ mà hóa sinh để tế độ chúng sinh. Ngoài ra, thân trung hữu, người ở kiếp sơ, cõi Sắc, cõi Vô Sắc, thân biến hóa, thân biến dịch ở giới ngoại đều thuộc về ý sinh thân.

[89] Sư tử hống 師子吼 (S: Siṃhanāda):  Tiếng gầm của con sư tử. Đức Phật dùng âm thanh vô úy để thuyết pháp, như sư tử gầm rống mà không sợ hãi một loài thú nào khác. Sư tử là vua trăm thú; Phật cũng là bậc Chí tôn trong loài người nên gọi là Nhân trung sư tử. Khi Phật thuyết pháp, hàng bồ-tát đều phát khởi tâm dũng mãnh để cầu đạo bồ-đề, còn ngoại đạo và ác ma sinh tâm sợ hãi.

[90] Tần thân 嚬呻: Tiếng của sư tử, voi chúa.

[91] Tính dục 性欲: Dục tích tập thành tính.

[92] Công đức tạng hồi hướng 功德藏回向Giai vị Hồi hướng thứ năm của bồ-tát. Bồ-tát tùy hỉ tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng làm Phật sự, để được vô tận công đức thiện căn.

[93] Trăng tâm 心月: Chân tâm, vì chân tâm sáng suốt thanh tịnh, giống như vầng trăng tròn sáng. Cũng chỉ cho tâm bồ-đề, vì tâm bồ-đề viên mãn thanh tịnh như vầng trăng.

[94] Giới châu 戒珠: Giới luật thanh tịnh như viên minh châu trong sáng không tì vết, có thể trang nghiêm thân người, cho nên đệ tử Phật phải tinh tấn tu trì tịnh giới giống như gìn giữ hạt minh châu trong người.

[95] Nhân, phi nhân 人非人: Nhân là loài người. Phi nhân là thiên long bát bộ, dạ-xoa, ác quỉ vương v.v…

[96] Ba đức 三德: Ba đức tướng của Đại niết-bàn: pháp thân, bát-nhã, giải thoát.

[97] Thiện căn hồi hướng 善根回向: Giai vị Hồi hướng thứ sáu của bồ-tát. Bồ-tát hồi hướng thiện căn đã tu, được Phật che chở, thành tựu tất cả thiện căn kiên cố.

[98] Tùy thuận chúng sinh hồi hướng 隨順眾生回向: Giai vị Hồi hướng thứ bảy của bồ-tát. Bồ-tát tăng trưởng tất cả thiện căn, hồi hướng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

[99] Chân như tướng hồi hướng真如相回向: Giai vị Hồi hướng thứ tám của bồ-tát. Bồ-tát thuận theo tướng chân như mà hồi hướng thiện căn đã thành tựu.

[100] Phúc đức tạng  hồi hướng 福德藏回向: Giai vị Hồi hướng thứ chín của bồ-tát. Bồ-tát đối với tất cả pháp không chấp trước, dính mắc, được tâm giải thoát, hồi hướng thiện pháp, thực hành hạnh Phổ Hiền, đầy đủ tất cả công đức.

[101] Diện mục 面目 (gđ: bản lai diện mục): Mặt mũi xưa nay, là dụng ngữ Thiền. Từ ngữ này dụ cho tâm tính, bản tính vốn có trong mỗi chúng sinh. Diện mục chẳng mê chẳng ngộ mà mọi người đều sẵn đủ, tức là tâm tính sẵn có của mọi người, khi thân tâm rỗng rang một cách tự nhiên thì nói hiện tiền. Bản lai diện mục đồng nghĩa với bản giác của Hiển giáo, bản sơ của Mật giáo.

[102] Xuẩn động hàm linh 蠢動含靈: Chỉ tất cả các loài chúng sinh.

[103] Pháp giới vô lượng hồi hướng 法界無量回向: Giai vị Hồi hướng thứ mười của bồ-tát. Bồ-tát tu tập tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng các thiện căn này nguyện cầu vô lượng công đức trong pháp giới sai biệt.

[104] Hoan hỉ địa 歡喜地: Địa thứ nhất trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này mới thành bậc thánh liền sinh tâm rất hoan hỉ.

[105] Li cấu địa 離垢地: Địa thứ hai trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này đã lìa bỏ tâm sai lầm, phá giới, phiền não cấu.

[106] Thân vân 身雲: Dụ cho thân Phật trùm khắp vô lượng, vô số, vô biên tế hoặc dụ cho thị hiện các thứ ấm thân nhiều như mây để che chở chúng sinh. Lại dụ cho các tôn vị nhiều như mây.

[107] Tha tâm trí 他心智 (S: Para-citta-jñāna): Trí biết rõ tâm niệm người khác, một trong mười trí. Người đã lìa dục và chứng thiền định căn bản cõi Sắc trở lên thì phát được trí này; trong sáu thông thì Tha tâm trí được gọi là Tha tâm thông.

[108] Phát quang địa 發光地: Địa thứ ba trong mười địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này nhờ thiền định mà được ánh sáng trí tuệ, tu tam tuệ: văn, tư, tu, khiến cho chân lí dần dần sáng tỏ.

[109] Đại dụng 大用: Việc thực hành Thiền pháp, vận dụng Thiền pháp, trao và nhận Thiền pháp.

[110] Diệm tuệ địa 焰慧地: Địa thứ tư trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này đã lìa bỏ kiến giải phân biệt của ba Địa trước, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ.

[111] Hiện tiền địa 現前地: Địa thứ năm trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này nghe Bát-nhã ba-la-mật, hiện tiền sinh khởi đại trí.

[112] Nan thắng địa 難勝地: Địa thứ sáu trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này đã được chính trí nên khó có thể siêu xuất được nữa. Có thuyết cho rằng giác vị này đã được trí xuất thế gian, nương vào năng lực phương tiện tự tại mà cứu độ các chúng sinh khó cứu độ.

[113] Hồ gia 胡家: Những dân tộc phía tây Trung Quốc.

[114] Khúc Dương Xuân Tuyết 陽春雪曲: Một khúc nhạc cổ của Trung Quốc. Khúc nhạc này có âm điệu cực cao, ít có người xướng được, dù có người xướng, nhưng cũng hiếm có người họa.

[115] Viễn hành địa 遠行地: Địa thứ bảy trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này tu hạnh vô tướng, tâm tác dụng xa lìa thế gian. Giai vị này, trên không còn bồ-đề để cầu, dưới không còn chúng sinh được cứu độ. Do đó, mà chìm đắm trong lí vô tướng tịch diệt, có cái lo không thể tu hành, đây gọi là nạn Thất địa trầm không. Lúc bấy giờ, chư Phật trong mười phương dùng bảy pháp khuyến phát, sách tấn, kích khởi dũng khí tu hành, để tiến lên Đệ bát địa, đó gọi là Thất khuyến.

[116] Tâm nhãn 心眼: Mắt tâm, chỉ cho sự thấy biết nhờ vào năng lực thiền định. Tức không nhờ nhục nhãn, cũng không nhờ thiên nhãn mà nhờ năng lực thiền định soi thấy được chư Phật và sự trang nghiêm của các cõi Phật, hoặc biết được các chất bất tịnh trong thân mình.

[117] Bất động địa 不動地: Địa thứ tám trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này không ngừng sinh khởi trí tuệ vô tướng, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.

[118] Tín sĩ 信士 (S: Upāsaka): Cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ Tam bảo, thụ trì năm giới, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng đệ tử  Phật.

[119] Na-do 那由 (S: Nayuta,Niyuta): Tức na-do-tha, là danh từ chỉ số lượng của Ấn Độ. Trong kinh Phật thường dùng từ ngữ na-do-đa để nói về số lượng cực lớn.

[120] Thiện tuệ địa善慧地: là giai vị thứ chín trong mười địa của bồ-tát. Bồ-tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hoàn thành hạnh lợi tha, là giác vị mà tác dụng trí tuệ được tự tại.

[121] Trần số 塵數: chỉ số nhiều dụ như bụi.

[122] Pháp nhĩ 法爾: Mọi hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên của các pháp, không phải qua bất kì một trạng thái tạo tác nào. Tức chỉ cho tướng trạng xưa nay của sự vật.

[123] Pháp vân địa 法雲地: Địa thứ mười trong mười Địa của bồ-tát. Bồ-tát giai vị này đã được đại pháp thân, có năng lực tự tại.

[124] Thiên chủ 天主: Trời Đại Tự Tại; là vị thần đứng đầu ngoại đạo Đại Tự Tại Thiên. Cũng chỉ cho Trời Đế Thích, vì trời Đế Thích đứng đầu cõi trời Đao-lợi.

[125] Cõi Thanh Liên Hoa 青蓮花界: Tức thế giới Liên Hoa, chỉ cho cõi Phật. Phật giáo gọi là thế giới Cực Lạc ở phương tây.

[126] Tự mẫu 字母: Ma-đa (S: mātṛkā, Hd: Mẫu, vận) và Thể văn (S: Vyañjana) của Tất-đàm (S: Siddhāṃ). Vì đây là mẹ sinh ra các chữ nên gọi là Tự mẫu, giống như các chữ cái trong tiếng Việt.

[127] Công đức tụ 功德聚: Tích tụ công đức. Đức hiệu của Phật. Chư Phật do nhân vị tu hành nhiều kiếp, chứa nhóm vô lượng công đức mà được chứng đắc.

[128] Môn đình 門庭: Tông phái, hoặc chùa viện, đạo tràng tu tập của Thiền tông, hoặc là am cốc, trụ xứ của Thiền sư.

[129] Nhận 仞: Đơn vị đo chiều dài. Đời Chu 8 thước là một nhận, khoảng 6. 48m bây giờ.

[130] Lục sa  綠莎: Cỏ gấu mầu xanh hơi vàng.

[131] Chư phương 諸方: Nhiều nơi. Tức chỉ Thiền sư ở các nơi, hoặc chỉ cho các Thiền viện.

[132] Tiêu tức 消息: Tín tức sắp kiến tính.

[133] Vô tận tạng 無盡藏: Công đức hàm chứa vô cùng tận. Tức biển trí chân như pháp tính rộng lớn vô biên, gồm chứa tất cả vạn tượng.

[134] Trình 程: Tên một đơn vị chiều dài rất nhỏ thời xưa, bằng một phần trăm của tấc ta.

[135] Thu mộng 秋夢: Giấc mộng dài.

[136] Chá cô 鷓鴣: Chim chá cô, chim ngói, gà gô. Ngày xưa bảo nó bao giờ bay cũng bay về hướng nam.

[137] Tì-lô 毘盧 (S: Vairocana): Gọi đủ là Tì-lô-xá-na, tức Pháp thân Phật.

[138] Phật đức 佛德 (S: Buddha-guṇa): Công đức viên mãn của Phật, có ba: 1. Nhân viên đức; 2. Quả viên đức; 3. Ân viên đức.

[139] Quả hải 果海: Biển quả, tức trí tuệ và công đức của Phật sâu rộng như biển.

Thích Thọ Phước

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB