Tháng Bảy – mùa hiếu, không phải tháng cô hồn

492

Chẳng biết từ bao giờ, dân gian lại gọi tháng Bảy là tháng-cô-hồn, trong ý nghĩa đây là tháng xui rủi, đầy những tai ương chờ đón… Rất tiếc, với người được quy y Tam bảo cũng gọi như thế, nghĩ như thế.

Theo đó, cứ đến tháng Bảy âm lịch là mọi người lại để ý xem, mình sắp bị gì và bị gì là bị gì? Mới qua nay – dạo quanh quanh đã thấy một số người không nhỏ than thở: mới đầu tháng đã bị… (điền vào ba chấm chính là bất như ý gặp phải trên đường, nơi văn phòng hay chỉ là chuyện bực mình trên mạng).

Rất nhiều những nỗi sợ kiểu như thế đã che lấp mất ý nghĩa tốt đẹp của tháng Bảy trong tinh thần nhà Phật – là tháng có ngày Vu lan – được gọi quen thuộc là mùa Vu lan Báo hiếu.

Ấm áp bên thầy – trong ảnh, các chú tiểu hạnh phúc bên Thiền sư Thanh Từ – Ảnh: Thường Chiếu

Trong mùa Vu lan Báo hiếu, đạo Phật xiển dương tinh thần tri ân, báo ân – cốt lõi đạo đức để làm người – phù hợp với đạo lý dân tộc là “uống nước nhớ nguồn”. Thêm vào đó, đạo Phật cũng biểu dương hạnh Hiếu – là hạnh Phật, tâm Hiếu – là tâm Phật.

Hẳn vì sự tương thích của đạo với tinh thần dân tộc như vậy cho nên ngay từ khi du nhập vào đất Việt cách đây 2.000 năm, Phật giáo nhanh chóng được tiếp thu, có nhiều thời kỳ trở thành nếp sống của toàn dân, đạo Phật là quốc giáo như triều đại Lý-Trần.

Cũng vì hiếu hạnh là hạnh Phật nên dân gian mới nói “thờ cha kính mẹ chính là chân tu”. Thiền sư Thanh Từ trên báo Giác Ngộ số 1010 nhân mùa Vu lan năm nay, Phật lịch 2563 có bài “Vu lan – mùa Báo hiếu”. Trong đó ngài khẳng định: “Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ”.

Và Thiền sư dạy: “Đạo đức phát nguồn từ lòng hiếu thảo, người không hiếu thảo khó có đạo đức”. Lời của chơn nhân chắc chắn không thể sai và hẳn ai cũng thấu tận nguồn cơn của điều đó. Do vậy, tháng Bảy giống như những ngày tháng ôn nhắc mỗi người kỹ hơn về đạo hiếu chứ thực ra ngày tháng nào không phải là tháng ngày để tri và báo ân, nhất là ân cha mẹ?

Nếu nghĩ rằng tháng Bảy là tháng-cô-hồn, là tháng xui rủi thì ta đã quên mất định luật Nhân-quả. Nếu nghĩ về tháng Bảy là mùa hiếu thì càng cần tu tập để củng cố niềm tin nhân quả, chánh tín trong đời sống hằng ngày, nỗ lực làm thiện sự, báo đáp các ân trọng mà mình đã thọ.

Vì vậy, đừng quên mất ý nghĩa đẹp-nhân văn và thâm sâu của tháng Bảy Vu lan, cứ lẩn quẩn trong chuyện tháng cô hồn rồi lo lắng, sợ hãi, để lòng lăn tăn mỏi mệt thì thật uổng phí, thật phụ ơn Tam bảo quá luôn…

Lưu Đình Long (GNO)

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB