Tàm quý

1777

Chúng ta đang sống trong cõi dục, sinh ra từ tham ái nên mọi người, mọi loài trên thế gian này đều chịu kiềm tỏa và chi phối của dục vọng. Sự khác nhau giữa các chúng sanh là dục vọng nhiều hay ít tùy theo biệt nghiệp của mỗi người. Có không ít trường hợp vì nghiệp lực, dục vọng quá nặng nề đã che lấp tâm trí biến họ thành loại chẳng phải người, mất hết lương tri và nhân tính.

suy nghiem loi phat.jpgTự hổ thẹn với chính mình gọi là tàm, đối với người sinh tâm hổ thẹn gọi là quý – Ảnh minh họa

Khi phần “con” trong mỗi con người được bảo hộ, nâng đỡ và soi sáng thì chúng ta là người tốt, lương thiện. Các giá trị đạo đức phổ quát được nhân loại thiết lập từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay cũng không ngoài mục đích này. Phật giáo ngoài thiết chế đạo đức và giới luật, có hai pháp lành rất tuyệt diệu để bảo hộ thế gian ổn định với tôn ti, trật tự, giúp chúng ta làm chủ được phần “con” để thành người, đó là tàm và quý.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã từng biết, thậm chí biết quá nhiều đến những hành vi dã man, suy đồi đến tận đáy của con người hiện nay. Họ, có thể nói, là hiện thân của ác quỷ, dã thú đội lốt người. Vì đâu mà nên nỗi? Bởi họ đã đánh mất tàm quý, không còn hổ thẹn. Thế Tôn từng khuyến cáo, nếu trần gian này không có tàm quý thì chỉ có “con” mà không có “người”, “sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v… đồng một loại”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai diệu pháp ủng hộ thế gian. Thế nào là hai? Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v… đồng một loại. Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tập có tàm, có quý. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.259)

Tàm, quý đều là tâm hổ thẹn với các điều tội lỗi, xấu xa mà mình đã tạo ra. Tự hổ thẹn với chính mình gọi là tàm, đối với người sinh tâm hổ thẹn gọi là quý. Có những tội lỗi chỉ một mình mình biết, ngược lại có những tội lỗi mọi người đều biết. Dĩ nhiên khi điều xấu của mình được phơi bày, không giấu giếm được thì ai cũng thấy xấu hổ (quý). Người lâm vào tình cảnh này mà không biết xấu nữa (vô quý) thì bó tay, hết thuốc chữa.

Nhưng nếu mình có tội lỗi mà mọi người chưa biết thì liệu chúng ta có hổ thẹn (tàm), thức tỉnh, ăn năn để tự chừa bỏ hay không? Đây mới là vấn đề. Phật từng dạy “Chiến thắng ngàn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Liệu mình có chiến thắng được chính mình không? Không ít người nhờ khéo che giấu tội lỗi của mình, hạ cánh an toàn rồi nghĩ rằng mình rất sáng sạch, thậm chí còn lên mặt dạy đời (vô tàm). Thực ra, đối với pháp luật thế gian thì họ chưa bị khép tội nhưng với lương tâm, với nghiệp lực của chính họ thì tội lỗi vẫn nặng nề.

Người có tàm, lương tâm luôn bị cắn rứt. Người có quý thì sợ hãi tội lỗi. Nhờ tàm quý mà chúng ta chùn tay, kịp dừng lại trước sự u mê của tâm trí và sai khiến của dục vọng. Cũng nhờ đó mà thế gian được bảo hộ, gia phong được duy trì, mỗi người đều sống xứng đáng là con người. Mới hay, một nền pháp trị nghiêm minh với hệ thống pháp luật đầy đủ nhất cũng mới thực thi được phần nổi của việc duy trì đạo đức. Còn phần chìm, nội tâm thì rất cần sự soi sáng của lương tri, tự ý thức và làm chủ mình để tự thân mỗi người chủ động tránh xa cái xấu ác.

Thế gian ngày càng điên đảo, loạn lạc vì người không còn hổ thẹn ngày càng nhiều. Vậy nên người con Phật chúng ta hãy phát huy tàm, quý để tự cứu mình và cứu đời.

Quảng Tánh

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB