Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: VỀ VỚI MẸ HIỀN

628

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: VỀ VỚI MẸ HIỀN
MS 110 Văn xuôi

Mẹ tôi tuổi đã về chiều. Sau cơn tai biến, mẹ đã không tự chăm sóc được bản thân. Nhờ ơn Trời Phật, người được phục hồi trí nhớ, nên vẫn còn minh mẫn. Niềm vui giản dị của mẹ tôi, là mỗi ngày được con về thăm, được con chăm sóc. Bởi vậy, dù mưa hay nắng, dù bận rộn chuyện công việc và con cái, tôi cũng dành thời gian nhất định của một tuần để về bên mẹ.

Về với mẹ. Chỉ cần nảy lên trong đầu ý nghĩ đó, là bất kỳ người con nào cũng cảm thấy vui và ấm áp.  Nhìn ánh mắt mẹ tươi vui, bao nỗi buồn lo và vất vả chợt tan biến trong con. Tôi cũng đã làm mẹ, đã có tổ ấm gia đình riêng. Vậy mà mỗi lần về bên mẹ, nắm bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ, tôi trở thành đứa con bé bỏng, muốn được nũng nịu, yêu chiều. Bàn tay ấy thường nắm tay tôi mỗi lần tôi thưa mẹ đi về, thường nắm chặt và vuốt ve đứa con tuổi đã heo may mỗi lần tôi xa mẹ mấy ngày công tác. Bàn tay ấy thường giữ rất kỹ từng đồng tiền con cháu về cho, nhưng cũng thật hào phóng khi thành viên nào trong gia đình đi học hoặc đi xa. Bàn tay ấy từng viết cho tôi những lá thư thấm đẫm âu lo, nhung nhớ và cả niềm tự hào khi tôi đi học xa nhà. Ôi, những lá thư với nét chữ vụng về của mẹ một đời chỉ quen cày cuốc, mới dạt dào tình mẹ làm sao. Rồi mỗi lần tắm cho mẹ, tôi thích kỳ cọ thật kỹ đôi bàn tay, dù cho nửa cơ thể bên phải của mẹ đã bị liệt sau cơn bạo bệnh khiến cho tay phải ngày càng khó co duỗi. Tôi chạm vào da thịt mềm mại của mẹ mà trong lòng dâng lên vô hạn yêu thương. Cơ thể này đây, đôi tay này đây đã chịu bao nhọc nhằn để sáu anh em tôi khôn lớn, nên người. Tôi được tắm cho mẹ, tắm tuổi xế chiều của mẹ hay được đắm mình trong nguồn suối yêu thương? Tôi thầm cám ơn cuộc đời đã cho tôi niềm hạnh phúc bình dị mà thiêng liêng ấy.

Về nấu món ăn mẹ thích, đút cho mẹ từng muỗng cơm, dỗ mẹ uống từng ly sữa, lòng tôi thầm vui theo từng bữa ăn của mẹ. Người ta thường nói “già ra con nít”, tuổi già dễ hờn giận, thích được dỗ dành. Mẹ tôi cũng thế. Giận đó rồi hết đó, dễ khóc mà cũng dễ cười. Cho ăn mà không ưng ý là mẹ hờn ngay. Mẹ không ưa những món cầu kỳ mà chỉ ăn canh chuối nấu cá đồng, rau muống luộc, cá chuồn kho đầu thơm… Những món ăn dân dã nhưng đậm đà là cả một trời quê hương trong tôi, trong tâm khảm nhiều người nhà quê, cũng là những món mẹ thường nấu ngày xưa. Nhớ thời tôi còn nhỏ xíu, nhà nghèo con đông, mẹ tôi thường làm tối mắt tối mũi ngoài đồng. Thế nhưng, bữa cơm nào mẹ cũng lo cho cả nhà đủ đầy nhất có thể, lúc nào mẹ cũng nhường phần cơm ít ghế sắn cho bé út và ba tôi, lúc ấy hay đau bao tử. Giờ lớn lên, tôi mới hiểu rằng xưa mẹ đã vất vả mà vui như thế nào khi chăm chút, vỗ về những đứa con thơ dại. Mới hiểu rằng mẹ đã cùng ba nhọc nhằn ra sao khi sáu đứa con của mẹ phải có miếng ăn, có cái mặc trong những năm khốn khó sau giải phóng. Và đàn con ấy còn phải đi học, vì chỉ có cái chữ mới mong vươn ra khỏi lũy tre làng. Hình ảnh thân quen của mẹ tôi trong ký ức là gương mặt đỏ hồng lầm tấm mồ hôi bên luống mạ non, bên đồng lúa vàng hay đám khoai đám sắn. Giờ mường tượng lại, tôi thấy mẹ đẹp lạ lùng. Tôi không thể nào bày tỏ hết niềm tự hào về gốc gác nhà quê của mình, tự hào được lớn lên từ ruộng đồng quê kiểng, tự hào là con của người mẹ nông dân.

Ai đó đã viết những dòng thơ đầy xúc cảm rằng:

Mẹ có nghĩa là ánh sáng.

                              Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim.

                              Mẹ có nghĩa là mãi mãi.

                              Là cho đi không đòi lại bao giờ.

Tình mẹ như nguồn suối mát trong ngọt lành, có bao giờ vơi cạn? Tình mẹ là “đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Tôi đã uống bao nước ngọt nước lành từ suối nguồn yêu thương của mẹ? Tôi làm sao trả hết ơn nghĩa sinh thành?

Tôi vẫn nâng niu từng ngày được về bên mẹ, nâng niu trong nỗi âu lo về lẽ vô thường, về mong manh kiếp người.

Viết những dòng này tôi lại rưng rưng…

——————————–

Tác giả dự thi: Nguyễn Thị Diệu Hiền
Địa chỉ: Giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB