Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Tùy bút NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẰM NÓN

125

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Tùy bút NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẰM NÓN
MS 055 Văn xuôi

Từ lúc lên thành phố công tác, vài tháng tôi mới có dịp về thăm nhà. Mỗi lần về thăm nhà đối với tôi là niềm vui, niềm háo hức đến lạ, mẹ tôi thì càng vui hơn. Đang là mùa hè, tôi bỗng nghĩ ngay đến việc chạy vội ra sông tắm táp dưới làn nước mát cho thỏa thích và sống lại ký ức tuổi thơ. Làng Giảng Hòa quê tôi nằm ven sông Thu Bồn, sông lặng lẽ chảy giữa đôi bờ êm ả, bờ phía bên kia sông rợn mát bóng tre, nước sâu xanh thẳm. Phía bên này, từ nhà tôi đi ra bờ sông phải qua bãi cát dài, bến sông nước cạn, ra đến giữa thì có một đụn cát nhô lên thành gò trông thật thơ mộng, nếu đi tắm ban trưa thì thật thích nhưng khi tắm xong đi qua bãi cát nóng bỏng lại muốn trở lại trầm mình dưới làn nước mát. Cũng bởi lẽ đó mà lúc còn nhỏ tôi thường bị mẹ rầy la đến đánh đòn vì cái tội tắm gì mà nằm lì ngoài sống ấy.

Vào mùa hè con sông quê tôi hiền hòa, êm dịu nhưng nó cũng đã gây ra bao nỗi đau thương mất mát cho dân làng qua những cơn lũ lụt kinh hoàng, trận lũ lịch sử năm 1964 làng tôi có hơn 150 người chết, hai người anh trai của tôi đã vĩnh viễn ra đi dưới làn nước lũ. Cũng vì lẽ ấy mà mẹ tôi cho rằng nhà mình “có noi sông nước” nên không muốn tôi tắm sông nhiều. Đang háo hức và chuẩn bị chạy ù ra sông thì mẹ tôi gọi: Con mau ra giếng rửa ráy rồi xuống nhà cậu Mười ngay. Có chuyện gì vậy mẹ – Tôi vội hỏi. Tội cái thân con Năm quá, mới chết tối qua, nhà cậu con mới hơn một tháng đã mất hai đứa con, thật tội nghiệp, không biết cậu con tuổi đã cao có trụ qua nỗi đau này không. Nghe mẹ nói mà tôi bàng hoàng, mới hơn một tháng trước tôi về thì gặp đám tang anh Chín, giờ đến lượt chị Năm ra đi, thật không thể ngờ được điều gì. Quẳng vội chiếc gàu tôi chạy xe xuống nhà cậu Mười. Từ lối dẫn vào nhà, bà con họ hàng, lối xóm đến viếng thật đông, một nhóm người đang tất bật chặt tre, làm rạp, chuẩn bị hậu sự cho chị Năm, tiếng khóc than gào xé, tiếng thút thít, xí xoa thật não lòng. Tôi rẽ vội dòng người vào gian nhà giữa – nơi cậu tôi đang ngồi bất động, vừa thấy tôi ông vội với tay rồi khóc thét lên: Tội quá con ơi! Tôi đỡ lấy ông và bỗng nghe môi mình mặn chát. Phía bên trái gian giữa là bàn thờ anh Chín vẫn nghi ngút khói hương, anh mất chưa kịp làm tuần 49 ngày để lại người vợ trẻ với bốn đứa con thơ, đứa nhỏ mới hơn một tuổi. Phía bên trái bàn thờ anh là thi hài Chị Năm đang nằm lặng lẽ, đứa con gái duy nhất của chị đang ngồi bất động cạnh chiếc gường chị nằm trông thật tội nghiệp.

Gia đình cậu Mười trước thuộc hàng khá giả trong làng, ông chẳng buôn bán gì nhưng được cái làm nông rất giỏi, trong nhà bao giờ cũng khoai, ngô, đậu, mè thuốc lá để đầy, không có chỗ chen chân . Lúc còn nhỏ tôi rất thích đến nhà cậu chơi nhất là vào tháng ba, khi bắt đầu vụ dưa hấu, khoai lang, đậu phộng…Khoái nhất là được ăn đậu phộng nấu, khoai lang nướng. Cậu Mười sinh hạ được chín người con, cũng vì muốn có con trai nên cứ cố, cuối cùng cũng được anh Chín, trước anh Chín chỉ toàn các chị gái, chiến tranh đã lấy đi của cậu năm người con, còn lại ba gái, một trai. Mẹ chị mất sớm trong chiến tranh để lại cậu Mười cảnh gà trống nuôi con, thương cha và các em còn nhỏ chị thay mẹ chăm non việc gia đình, đỡ đần giúp cha nuôi dạy các em, hai người em gái của chị đến tuổi lập gia đình ở xa, anh Chín tuy đã lập gia đình nhưng vẫn ở cùng cậu và chị Năm. Cuộc đời chị Năm từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi là chuỗi ngày buồn, khổ, chỉ lo toan, hi sinh cho gia đình chứ chưa bao giờ nghỉ cho riêng mình. Suốt tuổi thơ và cả thời xuân thì, chị chưa một lần được bước chân ra khỏi lũy tre làng, chưa từng được hưởng hạnh phúc nhỏ nhoi là mặc áo cưới cô dâu. Người hiền như đếm, nếu không phải đi chợ thì suốt ngày chị chỉ tựa lưng vào cột nhà làm nghề chằm nón- cái nghề truyền thống của các mẹ, các chị làng tôi. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi vẫn thường chằm nón để lấy tiền chợ, giải quyết thời gian nông nhàn. Thường thì ba, bốn người cùng xóm rủ nhau đến nhà một người để vừa chằm nón, vừa nói chuyện hàn huyên và hát dân ca bài chòi cho nhau nghe. Để có được chiếc nón đẹp, thật công phu, người làm nón phải bắt đầu từ khâu chọn lá, chiếc lá phải giữ được màu xanh nhẹ và phải ủi lá nhiều lần cho phẳng và láng. Tre vót vành phải là tre già, không bị mọt. Khi xây và lợp lá, người làm nón phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng, đường kim phải sắc sảo, đều đặn nón mới đẹp. Tôi còn nhớ câu thơ rất nỗi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Sao anh không về thăm quê em- Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên- Bàn tay xây lá, tay xuyên nón-Mười sáu vành, mười sáu trăng tròn”. Không biết theo thời gian nghề làm nón lá có còn không nhưng chắc rằng những câu thơ kia sẽ còn mãi khi người ta còn nhắc đến nghề làm nón lá.

Dường như chị Năm chỉ có niềm vui với nghề chằm nón, có lẽ thế mà chị là người giỏi nghề, cứ nhìn đôi bàn tay chị lột lá, vót tre, thoăn thoắt đưa kim lên xuống, mắt đăm đăm nhìn từng mũi kim thì biết. Tuổi thanh xuân của chị trôi tụt theo đường kim, mũi cước, mỗi ngày tần tảo kiếm ít tiền nuôi thân và lo việc nội trợ gia đình. Lúc chị hơn ba mươi tuổi, mẹ tôi có ý giới thiệu cho chị anh Một ở đầu làng, người hiền lành chất phác, hơn bốn mươi tuổi mà chưa lập gia đình, nhiều người đồng tình vun vào nhưng thật lạ chị không đồng tình, chị chê anh ấy người gì mà gầy đét, lùn tịt cao chưa đến mét tư, răng cỏ thì không còn, trông hom hem quá, thà ở vậy chứ không lấy chồng như thế. Với lại lấy chồng rồi thì ai lo cho cha già, ai lo chuyện gia đình giúp các em. Thật ra, chỉ tội anh Một hơi nhỏ con chứ không phải già, số là khi làm công nhân tại xí nghiệp mỏ than Nông Sơn, trong một lần phát hiện kẻ trộm lấy vật tư của xí nghiệp anh hô hoán, ngăn cản thì bị bọn xấu lấy gạch đập vào mặt, làm gãy cả hàm răng cửa của anh nên trông anh hom hem thật. Sau vụ bị nạn ngớ ngẩn đó, anh xin nghỉ hẳn việc ở xí nghiệp, về nhà làm nông. Chuyện tình duyên của chị sau lần đó cứ tuồn tuột đi qua cho đến lúc chị quá tuổi bốn mươi. Còn anh Một ngày nào thì đã có vợ, con đề huề. Có lẽ chị an phận ở vậy lo cho cha và các em, nhưng trời không cho chị cái an phận đó, người chị luôn ốm đau bệnh tật, cậu tôi lo lắng thuốc thang khắp nơi nhưng bệnh tình chẳng khá hơn. Có người bảo, Chị Năm bị người âm bắt, khó lấy chồng, cậu tôi lại đi mời thầy cúng khắp nơi. Có người mách ở xã bên có thầy cúng chuyên trị tà ma hay lắm, cậu tôi sai anh Chín sang mời về chữa bệnh cho chị. Thầy phán chị bị con ma bắt, phải đuổi con ma ấy ra khỏi người chị. Thầy tận tình ở lại ngay nhà cậu tôi để chữa bệnh cho chị, sau gần một tháng chữa trị thầy bảo đã đuổi được tà ma trong người chị và ra về. Trông chị khỏe và tươi tỉnh hơn lúc trước, biết chăm sóc cho mình nhiều hơn, cả nhà ai cũng mừng. Nhưng vài tháng sau, chị lại có biểu hiện lạ, người xanh xao và hay nôn ọe. Anh Chín chở chị lên bệnh viện khám, bác sĩ bảo chị có thai ba tháng rồi. Nghe tin dữ ai cũng bàng hoàng, cậu tôi gầm lên: quân lừa đảo, mất dạy! Trong cơn giận dữ ông định đuổi chị Năm ra khỏi nhà. Gia đình, người thân phải năn nỉ khuyên giải mãi ông mới nguôi ngoai phần nào. Chị Năm lại sống những ngày tủi nhục, bị tiếng dèm pha của bà con lối xóm vì cái tội “không chồng mà chửa”, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa…thời gian mang thai là những tháng ngày buồn đau của chị, gã thầy cúng thì lặng mất tăm. Chị tự an ủi, có khi thế mà hay, mình có điều kiện làm mẹ, được có con, nghỉ vậy chị thấy vui và đợi ngày sinh nở. Cuối cùng một bé gái cũng chào đời, chị có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của người mẹ. Khi con bé đến tuổi đi học, bao nhiêu thứ phải lo toan, chị nhận thấy cái nghề chằm nón của mình không thể nuôi sống và lo cho hai mẹ con được, bây giờ người ta ít đội nón hơn thì phải, chỉ còn mấy ông, bà già ở quê dùng thôi, cứ ra đường là người ta đội mũ bảo hiểm cả, mấy ai dùng nón lá, bỏ bao công sức mới được chiếc nón nhưng đem bán giá chỉ được vài chục ngàn đồng… phải tìm thêm việc khác mà làm. Nhưng ở quê biết việc chi mà làm. Đang lúc loay hoay nghĩ cách thì em gái chị đang lập nghiệp ở Tây Nguyên điện về nhờ chị lên giúp thu hoạch cà phê tại trang trại gia đình. Sau hơn ba tháng làm lụm vất vả, cũng là lần đầu tiên chị đi xa nhà ra khỏi lũy tre làng, chị thấy rất vui vì giúp được việc nhà cho em, lại được khoản tiền công gấp nhiều lần ngồi chằm nón, chị thấy nhớ nhà, nhớ con da diết, chị nói với vợ chồng em gái về lại quê, khi nào trang trại bận việc thu hoạch chị lại lên. Ngày chị về lại quê, chưa hưởng được niềm vui thì nỗi đau lại ập đến với chị. Hôm lên xe khách chị thấy nôn nao, mong sớm được về nhà, nhưng từ chỗ xuống xe về đến nhà còn những hơn 40 cây số, trời lại nhá nhem tối mà chị thì chưa đi xa bao giờ nên rất lo, trước khi lên xe chị nhờ em gái điện cho anh Chín xuống quốc lộ đón chị. Mãi hơn 5 giờ chiều xe mới về đến thị trấn Vĩnh Điện, chị xuống xe nhưng chẳng thấy anh Chín đâu, trời mỗi lúc sẩm tối hơn, chị đâm lo. Cánh xe ôm vây quanh bảo chị xuống xe sai chỗ, phải xuống xe tại điểm dừng của đường tránh thị trấn, chị lại xuống điểm dừng cũ, biết đâu em chị đang đợi ở điểm dừng xe chỗ khác. Nghe cũng có lý, chị nghe theo mấy anh xe ôm, vừa đến điểm dừng xe tại nơi đường quốc lộ tránh qua thị trấn, trước mặt chị rất đông người đang vây quanh một vụ tai nạn giao thông. Tò mò chị chen chân lách đám đông vào xem. Chị như không dám tin vào mắt mình khi dưới lòng đường là anh Chín đang nằm sóng soài trên vũng máu, có tiếng ai đó hét lên: nhanh gọi xe cấp cứu, có ai đó lại nói rằng: anh ta chết rồi, điện cảnh sát giao thông đến xử lý vụ tai nạn. Chị Năm không còn hay biết gì nữa cho đến khi tỉnh lại thấy mình đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Cái chết quá đột ngột của anh Chín gieo một nỗi tang thương lên gia đình cậu Mười, người con trai duy nhất của gia đình mất khi mới hơn bốn mươi tuổi, để lại bốn đứa con thơ thật tội nghiệp. Thì ra, hôm đi đón chị Năm, anh Chín đến điểm dừng xe mới, chờ mãi không thấy chị, anh dựng xe bên này đường và đi bộ sang bên kia đường, không may anh bị xe khách lấn đường gây tai nạn. Cậu Mười nói, sau khi đưa tang anh Chín, Chị Năm chẳng thiết ăn uống gì, nằm lì mấy ngày liền, chị cứ day dứt mãi vì đi đón chị mà anh Chín phải chết oan, những ngày sau đó, gia đình động viên mãi, có bữa chị mới ăn được chén cơm, người chị suy kiệt hẳn, cậu Mười phải gọi y tá đến nhà truyền dịch, nhưng thuốc men có nghĩa lý gì khi tinh thần chị Năm đã suy sụp hoàn toàn, cơ thể suy nhược. Cả cuộc đời chị luôn sống vì cha, vì em, nay em ra đi quá đột ngột làm chị day dứt không nguôi. Tối qua, nửa đêm con gái chị tỉnh dậy không thấy mẹ đâu cả, hô hoán cả nhà đi tìm thì thấy chị đang nằm sấp bên cạnh ảng nước, người lạnh cứng. Có lẽ Chị đã bị ngã khi dậy ra ngoài và mất trước khi được người nhà phát hiện.

Tôi ngồi lặng lẽ nhìn bàn thờ anh Chín đang nghi ngút khói hương và chợt nghĩ ngày mai lại thêm một cái bàn thờ nữa, không biết cậu Mười sẽ bố trí ở đâu, tôi chợt hình dung hai cái bàn thờ cùng nghi ngút khói hương trong căn nhà nhỏ mà người thấy lạnh toát. Có ai đó nói bâng quơ: sao nó lại nghĩ quẫn thế, đằng nào thì thằng Chín cũng mất rồi. Giờ chết rồi để con bé ai nuôi. Tôi cảm thấy buồn thương cho cuộc đời chị, nhưng tôi chắc rằng người khác làm sao hiểu được tấm lòng và đức hi sinh vì gia đình của chị, làm sao hiểu được tình cảm chị dành cho đứa em trai duy nhất, đứa em mà cha, mẹ chị đã phải cố mới có được đã ra đi quá đột ngột. Cả cuộc đời chị đâu có toan tính, nghĩ ngợi gì, chỉ biết an phận và cam chịu. Tấm lòng của chị thẳm sâu tình chị, em mà đâu phải ai trên đời này cũng có được, chỉ thương cho con gái chị, thương cho cậu Mười phải hai lần khóc thương con trẻ. Tôi chỉ cầu mong cho con gái chị vượt qua nỗi đau này để sống và cuộc đời nó không phải dẫm lên nỗi buồn của mẹ. Tôi bước vội ra sân, có ai đó vừa đi vào, tiếng mọi người xì xầm: gã thầy cúng! ông ta bước vội đến bên gường đặt thi hài chị Năm và qùy sụp xuống….

——-

P/s: Chị Năm trong tùy bút là người thực tên là Đoàn Thị Năm, người làng Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

 ——————————-

Tác giả dự thi: Lê Văn Ri
Địa chỉ: số 226 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB