Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn LÒNG HIẾU ĐẠO
MS 047 Văn xuôi
Hồi nhỏ, tôi ở với nội và cô Bảy. Bà nội bán đậu phộng ở ga Tân Hiệp, cô bán kim chỉ trong chợ. Mỗi chiều, bà đi chùa tụng Kinh, bà tôi là phật tử chùa Linh Phong Cổ Tự gần nhà. Đi chùa về, nói chuyện buôn bán xong thế nào bà và cô cũng nói chuyện về “Má con thằng Tường”, còn tôi thì ngồi nghe.
*
– Con Tư nó cảm nóng!
– Vậy hả má? có uống thuốc gì chưa?
– Có, con Út mua thuốc tán cho uống rồi , mai kiếm cho nó nồi xông nha Bảy! Thằng Tường ngồi đắp khăn lên trán má nó thấy thương
– Ai dạy nó vậy má?
– Có biết đâu, con nít mà được vậy là có hiếu lắm đó!
– Có Hiếu là sao nội?
– Là biết chăm sóc cha mẹ lúc đau bệnh
***
– Chị Tư đỡ chưa má?
– Mười phần hết bảy rồi!
– Mừng cho chỉ quá!
– Ừ! Đáng mừng nữa là thằng Tường mới bây lớn mà có hiếu thấy thương.
– Sao má?
– Hồi chiều tao có để dành gói đậu phọng cho nó, tụng kinh xong thấy nó còn cầm, hỏi sao con không ăn? nó nói “chút đem về cho má với dì Út ăn luôn” ai cũng khen!.
– Vậy là Có Hiếu đó hả nội?
– Chứ sao! Biết dành cho cha mẹ món ngon vật lạ
***
– Bảy, con Tư dọn về nhà má nó ở Bến Chùa rồi. Thằng Tường học trong trường Tiểu học Trung An, nghe nói đang học mà nó muốn đi tu.
– Mới tám, chin tuồi mà! Còn nhỏ quá.
– Thì vậy! má nó không vui, nên nó chưa đi tu, cái thằng! thiệt là có hiếu!
– Vậy là Có Hiếu đó hả nội?
– Chứ sao! Biết làm cho cha mẹ vui lòng, không làm cho cha mẹ buồn giận, lo lắng.
***
– Má, chị Tư còn ở Bến Chùa không má?
– Mẹ con nó ra riêng rồi, bởi vậy có bữa thằng Tường thương má nó đi bán về không có cơm ăn, nó bắt chước nấu cơm, cơm sôi leo lên bếp chắt nước cơm phỏng ngực đó!
– Ý trời! rồi có sao không?
– Nhờ Trời Phật thương rồi cũng qua. cái thằng! thiệt là có hiếu!
– Vậy là Có Hiếu đó hả nội?
– Chứ sao! Biết giúp đỡ và gánh vác công việc với cha mẹ .
***
– Bảy! Bảy qua dọn đồ, tao đi đám ma!
– Ai chết vậy má?
– Má thằng Tường!
– Trời Đất! sao chết vậy má?
– Nghe nói con Tư đi bán về bị đau bụng, thằng Tường đạp xe xuống ông thầy “Sáu Thấy” hốt thuốc về sắc cho má nó uống. Không bớt, Cậu Ba nó kêu đưa đi nhà thương, giữa đường thì chết. Trong chùa Linh Phong nghe tin ai cũng khóc, cũng kêu Trời!
– Chị Tư chỉ hiền khô mà còn giỏi giang nữa, thương chỉ quá má!
– Ừ! Tao thương nó một, thương thằng Tường tới mười. Nói rồi bà nội khóc tức tưởi, cô Bảy khóc, tôi cũng khóc theo.
– Con nít con nôi biết gì mà khóc! Bà nội vừa hỉ mũi vừa nạt tôi.
***
– Má, thằng Tường xuất gia hả má? chùa nào vậy?
– Ừ! Bà ngoại nó cho ở tịnh xá Mỹ Đức – Mỹ Tho với Sư cả Từ Huệ.
***
Thơm, nhỏ bạn thân ở gần nhà đã quy y ở tịnh xá Ngọc Hiệp, học chung lớp đệ tứ (lớp 9) với tôi, nó rủ tôi đi nghe thuyết pháp do Sư Giác Toàn ở Sài Gòn về giảng, nó nói.
– Sư giảng hay và dễ hiểu.
Hôm đó tôi đến trễ ,Sư đã giảng xong đang ngồi nói chuyện với rất đông phật tử vây quanh, cách nói chuyện thật giản dị, chân tình và rất gần gũi với mọi người.
Tôi nói nhỏ với bạn.
– Sư là người Sài Gòn mà bình dị quá hả Thơm?
– Đâu phải, Sư là người Tiền Giang mình mà, hồi nhỏ Sư ở chùa Linh Phong với má và dì Út của Sư đó!
– Má của Sư là ai vậy?
– Tao đâu có biết! mầy về hỏi bà nội mầy đi, nội mầy là phật tử “lâu đời” của Linh Phong chắc rành lắm!.
***
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Sư Giác Toàn, Sư có dáng người thấp đậm nhưng rất hoạt bát và nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, ánh mắt nhân hậu ẩn dưới đôi chân mày rậm và nụ cười thân thiện trên gương mặt giống chữ điền, làm nổi bật vầng trán cao rộng luôn trăn trở về chí nguyện “ Tác Như Lai xứ hành Như Lai sự” cho đạo cho đời.
– Sư Giác Toàn là ai vậy nội?
Nội tôi vừa nhai trầu bõm bẽm vừa nói.
– Là Lê Phước Tường ở chùa Linh Phong hồi đó đó, bây giờ là sư Giác Toàn là đệ tử lớn cùa Thượng toạ Thích Giác Nhiên ở Tịnh xá Trung Tâm trên Sài Gòn, con gặp thì phải lễ bái Sư đó đa!.
***
Khi ra về Sư tặng cho tôi hai quyển thơ “Suối về Hoa Nghiêm” và “Tặng Phẩm Dâng Đời” của tác giả Trần Quê Hương (bút danh của sư Giác Toàn)
Một danh nhân đã nói:” Thơ, Văn là Người- Là sự tuôn tràn, bộc phát những tình cảm mãnh liệt đã từng ấp ủ chất chứa trong tim”. Quả đúng như vậy, các tác phẩm của nhà thơ Trần Quê Hương đã cho ta thấy Thượng Toạ Thích Giác Toàn là một nhà Sư khất sĩ Trung – Hiếu vẹn toàn trong đời trong đạo.
MẸ mãi muôn đời MẸ của con
Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn
Trái tim in bóng THỜI mơ MỘNG
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ SON
(Ngủ Trên Quê Hương, trang 78)
Tâm Hiếu Hạnh tuôn trào, hoà quyện vào bài thơ nói về Mẹ của sư Giác Toàn như viên ngọc lưu ly toả sáng khắp trần gian.
——————————-
Tác giả dự thi: Nguyễn Thị Phượng (Pháp danh: Phước Bảo)
Địa chỉ: 108/4 Ấp Rẩy,Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB