Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn CHIẾC XE ĐẠP
MS 073 Văn xuôi
Những tán phượng già xanh um vẫn không đủ che mát cho hơn năm trăm lũ học trò chúng tôi. Đứa nào đứa nấy bắt đầu than thở: “Trời ơi, đến khi mô mới đến lượt lớp mình!” Thằng Khoa kính cận nổi tiếng ngoan hiền nhất lớp vẫn không dấu nỗi nét khó chịu vì phải chờ lâu. Chả là năm nay chúng tôi là anh đầu chị cả trong trường. Phải chờ đến mấy trăm em lớp dưới mới đến lượt bọn khối Năm chúng tôi. Đứa nào đứa nấy, áo ướt đẫm mồ hôi. Cái nôn nao, hồi hộp khi tưởng tượng đến phút thầy giáo gọi tên mình cũng phai theo cái nắng của những ngày đầu hạ.
Tiếng tích tích quen thuộc của chiếc đồng hồ reo lên, tôi liếc nhìn xuống: “Ui chao, 10 giờ rồi. Chắc mẹ ngồi đợi mỏi lắm rồi đây. Tội nghiệp mẹ”. Năm nào cũng vậy, dù bận thế nào, ngày tổng kết, mẹ cũng theo tôi, đợi tôi từ đầu đến cuối buổi. Hễ tôi vừa lệ khệ ôm chồng vở phát thưởng đi xuống là mẹ đã xuất hiện trước mặt, ánh mắt sáng rực chứa cả một bầu trời hạnh phúc: “Con trai mẹ giỏi quá luôn.” Nói rồi mẹ không quên ôm vai tôi vỗ về. Tôi cười tủm tỉm như mọi khi: “Về nhanh mẹ ơi, con khát nước quá!”.
Ngồi sau lưng mẹ, tôi tu một hơi dài hết nửa chai nước mẹ mới đưa. Mẹ tôi chu đáo vậy đó. Lúc nào cũng lo lắng cho tôi đủ điều. Cốp xe của mẹ như chiếc túi thần kì của chú mèo rô bốt Doremon. Tôi cần gì, mẹ cứ mở cốp là có ngay. Đang nghĩ vẩn vơ về chai nước, tiếng mẹ làm tôi giật mình:
Thắng nì, con hết mệt chưa?
Dạ rồi mẹ!
Rứa là con trai đã học xong Tiểu học rồi nghe, không còn bé nữa mô hỉ. Con chuẩn bị làm người lớn rồi, sắp trở thành học sinh Trung học, coi mà tập tính tự lập nghe con!
Nghe mẹ nói, tôi phì cười không đáp. Tôi vẫn muốn làm trẻ con thôi. Tôi vẫn muốn được mẹ chiều chuộng, được mẹ giặt giũ quần áo, được mẹ lo cho cái ăn, cái mặc. Tôi chưa muốn phải tự lập gì cả. Cứ được ngủ nướng, được vòi vĩnh là tôi khoái thôi. Làm người lớn làm gì cho oải. Như mẹ đó thôi. Người lớn gì… cứ thấy mẹ bận bịu suốt ngày. Chẳng có thời gian chăm chút cho bản thân. Bụng nghĩ vậy nhưng không muốn mẹ buồn, tôi vẫn lí nhí vâng vâng dạ dạ.
Về đến nhà, đã quá mười một giờ trưa. Tôi thay bộ quần áo vứt vào thau giặt, nửa trong nửa ngoài. Biết thế nào rồi mẹ cũng càm ràm, nhưng lười tôi vẫn để vậy vào mở tivi xem. Mặc cho mẹ lúi húi một mình dưới bếp.
Ngày hôm sau, cuộc sống của tôi vẫn thế. Mẹ lục đục dậy từ sớm, làm hết bao việc. Tôi ngủ cho đã con mắt mới ì ạch ra khỏi phòng. Trên bàn, tô bún giò tôi yêu thích đã có sẵn ở đó. Mãi đến hai tuần sau. Trước khi đi ngủ, mẹ nằm cạnh tôi thủ thỉ:
Thắng nì, con nhớ lời mẹ nói hôm đi tổng kết về không?
Dạ mẹ nói chi con quên rồi ạ!
Trời đất, cái thằng chỉ biết ăn ngủ thôi hỉ!
Dạ, con còn bé mà mẹ. Bữa ni đang hè nữa mẹ nà.
Ừ, mẹ biết. Nhưng chừ con đã lớn. Hết hè năm ni, con vào cấp Hai rồi đó. Ngoài học, con cần tập làm việc nhà là vừa con nghe. Mẹ đã lên kế hoạch hết rồi. Con cứ theo đó đọc mà thực hành.
Dạ. con biết rồi.
Dạ dạ vậy thôi chứ nghe mẹ nói tôi thấy hiện lên cả một trời uể oải. Lại tập làm người lớn. Tôi chả thích chút nào. Mọi kế hoạch mẹ lập ra, tôi đều ì à ì ạch. Lúc nào tôi cũng dạ dạ vâng vâng, rồi việc đâu cũng còn nằm đó. Cuối cùng, để nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, một tay mẹ cũng phải tự lo mọi việc. Tính mẹ vốn sạch sẽ mà. Chỉ cần sờ tay vào đâu thấy bụi là mẹ lại lau lau, chùi chùi. Hết chùi bàn, chùi ghế mẹ lại chùi giường chùi tủ. Một vài tháng, mẹ lại loay hoay tháo quạt ra lau chùi sạch tưng. Nhà cửa mẹ con tôi lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Nhưng mẹ vừa làm vừa càm ràm tôi. Mẹ tôi mà ràm thì hết chê, có khi đến ba mươi phút cũng chưa xong chuyện. Thế nhưng, tôi vẫn chứng nào tật nấy, lại còn nhe răng cười trừ: “Con còn bé lắm, chưa làm được mô. Chờ thêm vài năm nữa con lớn, con làm hết cho mẹ. Mẹ cứ yên tâm”. Mẹ thương tôi, cũng chỉ nói mà chưa cho tôi roi nào.
Cái nắng xứ Huế luôn làm con người ta trở nên mệt nhọc, khó chịu. Những năm gần đây, nền nhiệt càng lúc càng cao. Những tia nắng như thêu như đốt, bỏng rát cả da thịt. Ít khi người ta ra đường, trừ người lớn phải ngược xuôi với chuyện mưu sinh. Không có việc gì thì ai cũng trốn trong nhà để tránh cái oi bức của cái nắng mùa hạ. Ấy vậy mà, mỗi ngày lũ trẻ bọn tôi vẫn chường cái mặt ra đường. Sân vận động của trường tiểu học Hương Hồ nằm trước mặt nhà tôi. Một ngày hai vác, chúng tôi lại gặp nhau hét hò vang cả một góc sân trường. Có khi bác bảo vệ phàn nàn, hù dọa mà chúng tôi vẫn cố nài nỉ, van xin cho bằng được. Thế nên, ngày nào chúng tôi cũng có mặt tại sân đá bóng. Mới nghỉ hè có mấy hôm mà mặt đứa nào đứa nấy đen thủi đen thui. Cứ thế, tôi mãi miết những tháng ngày rong ruổi với đám bạn trong xóm. Việc nhà mẹ giao tôi vẫn vô tâm không hề đụng đến mặc cho tiếng thở dài của mẹ mỗi đêm càng trở nên nặng nhọc.
Thắng ơi, Thắng! Mở cửa cho cô con ơi!
Tiếng nói quen thuộc của cô Kim Hoa vọng từ ngoài cổng. Cô ấy là bạn thân của mẹ tôi. Tôi biết cô Kim Hoa cũng gần cả chục năm nay. Mẹ tôi luôn xem cô như chị gái nên tôi cũng kính trọng cô lắm.Tôi vội tắt tivi, chạy ra.
– Mẹ con bị ngất. Cô đưa mẹ từ trạm y tế về đây. Bác sĩ bảo mẹ lao lực quá nên kiệt sức. Con mở cửa nhanh, đưa mẹ vào nghỉ.
Tôi luýnh quýnh mở khóa. Sau khi nấu cho mẹ tôi nồi cháo thịt bò, cô Kim Hoa ra về, không quên dặn tôi chăm lo mẹ và dọn vén nhà cửa. Mẹ nằm liền hai ngày hai đêm. Hai ngày liền mẹ tôi nằm trong một đống bề bộn, ngổn ngang. Tôi cố gắng lắm cũng không thể làm cho nhà cửa tươm tất như mẹ được. Tôi lại càng chán ghét phải làm người lớn. Tối tối, tôi thắp nhang khấn nguyện Mẹ Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho mẹ tôi sớm khỏe lại. Những tiếng reo hò bên sân vận động trường Tiểu học cứ luẩn quẩn trong đầu tôi…
Một ngày nọ, thằng Tiến xuất hiện trước cổng nhà tôi. Từ trong nhà, tôi nghe tiếng nó rõ to như mọi khi:
Thắng ơi! Thắng! Thắng ơi! Thắng!
Tiến là thằng bạn chí thân của tôi. Chúng tôi học cùng lớp suốt năm năm Tiểu học. Nhưng nó nhỉnh hơn tôi một tí. Cao, to và trông rất lì lợm. Nhìn vậy chứ nó hiền như cục đất. Mẹ tôi thường khen nó ra mặt: “Bạn Tiến rất lễ phép. Lúc mô đến cũng thưa hỏi mẹ rất tử tế. Con chọn bạn chơi rứa là mẹ ưng lắm”. Mỗi tối hai đứa lại rủ nhau học bài chung. Chiều chiều tan học, chúng tôi lại rủ nhau ra sân vận động đá bóng. Hai đứa không phải anh em ruột thịt mà thân với nhau như cá với nước. Chỉ trừ giờ ăn, giờ ngủ còn hình như chúng tôi cứ kè kè với nhau như hình với bóng. Nghe nó gọi, tôi ới một tiếng rồi chạy ra ngay.Vừa thấy tôi, nó hất hàm, cười cười có vẻ đắc ý lắm. Tôi lấy làm lạ, không biết hôm nay nó có chuyện gì mà vui vậy. Nó vẫn im lặng, cứ cười cười, nheo mắt nhìn tôi. Tôi định thần nhìn kỹ lại. Ui, nó đang ngồi trên một chiếc xe đạp mới toanh. Oách quá! Chiếc xe dáng thể thao thiệt ngầu. Màu đỏ sáng rực với những dòng chữ đen bắt mắt. Nước sơn bóng loáng. Hai chiếc bánh nhỏ tí xíu, không vành, không ghế. Mới nhìn thôi, tôi đã mê rồi. Nó ngồi trên yên xe, cầm hai tay lái. Thân nó như nằm dài trên chiếc xe. Nhìn nó, tôi tưởng tượng đến các vận động viên đua xe mà tôi thường thấy trên tivi. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao nó cứ cười cười, nheo nheo ra vẻ đắc ý vậy. Thì ra, nó đến khoe chiếc xe đạp mới với tôi. Tự dưng tôi cũng thấy vui lây với nó. Tôi ngắm tới ngắm lui, không ngớt lời khen ngợi. Nghe vậy, nó càng khoái. Đứng với tôi một lúc, nó về. Trước khi chia tay, nó không quên nhắc tôi:
Bạn ni cũng kiếm một chiếc đi. Năm tới, bọn mình cùng đạp xe đi học. Lớn rồi, đừng để mẹ chở nữa. Nhớ hí!
Tôi ậm ừ rồi nặng nề đóng cổng bước vào nhà. “Lớn rồi! Lớn rồi!” Câu nói của thằng Tiến cứ ám ảnh trong đầu tôi. Mặt mũi nào tôi dám mở miệng xin mẹ mua xe đạp. Khi nào tôi cũng bảo với mẹ con còn bé để tránh việc nhà. Bây giờ vì muốn mua xe, đùng một cái tự bảo mình lớn rồi. Chỉ nghĩ đến đó thôi tôi đã tự thấy xấu hổ. Mặt mũi nào tôi dám ngỏ lời với mẹ. Vả lại, suốt năm năm Tiểu học, mẹ luôn đèo tôi đến trường. Chưa bao giờ mẹ thả tôi đi một mình. Tôi nghĩ đời nào mẹ cho tôi tự đi xe. Tôi lại lười biếng không nghe lời nữa. Bụng nghĩ vậy nên tôi không dám nói gì về chuyện mua xe với mẹ. Những ngày tiếp theo trôi qua nặng nề. Chiếc xe đạp mới toanh của Tiến cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Tôi ao ước cũng có một chiếc như nó. Tưởng tượng, một ngày không xa, tôi cũng chễm chệ ngồi trên chiếc xe hất hàm nhìn nó, cười cười, nheo nheo…Thiệt khoái làm sao! Nhưng thật sự, tôi không biết bắt đầu từ đâu để nói với mẹ. Giá mà bấy lâu nay, tôi chăm chỉ một chút, tập làm việc nhà đỡ đần cho mẹ ra dáng đàn ông con trai trong nhà (như lời mẹ thường nói) thì bây giờ tôi đã không phải do dự như thế này.
Tôi quyết định thay đổi.
Mẹ để báo thức cho con năm giờ mẹ nghe!
Ủa, mai có việc chi rứa con?
Dạ không, mẹ cứ để đồng hồ năm giờ nghe mẹ !
Tôi mở mắt. Nhìn ra cửa sổ, trời vẫn còn tối đen. Tiếng chuông chùa Huyền Không từ xa vọng lại. Về sống gần chùa đã ngót nghét gần bốn năm mà đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng chuông sớm của chùa. Tiếng chuông ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng, tan loãng, dần xa, dần xa giữa không gian còn tĩnh mịch của xóm làng. Tôi nghe không gian như chìm xuống. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Có một điều gì đó làm lòng tôi chùng lại. Một điều gì đó mà một đứa trẻ mới mười hai tuổi như tôi không thể lí giải nổi. Chỉ có một điều mà tôi thấy thấm thía đó là lời mẹ từng nói: “ Nếu con dậy từ bốn giờ sáng, con sẽ nghe được tiếng chuống sớm của chùa Huyền Không. Lòng con sẽ thấy nhẹ nhàng. Tâm con tĩnh lặng, mọi ưu phiền mệt nhọc như tan biến.” Thật vậy, bây giờ trong tôi nghe khoan khoái lạ thường, một cảm giác bình an lạ lùng mà tôi chưa từng gặp trước đây. Tôi nằm vậy thật lâu, miên man nghĩ về những chuyện đã qua. Chuyện ba tôi mất khi tôi mới lên năm tuổi, chuyện mẹ một mình lăn lộn nuôi tôi khôn lớn,… Tất cả cũng chìm dần, chìm dần trong cái suy nghĩ vốn còn non nớt của tôi, chỉ có nụ cười hiền hậu của mẹ cứ luẩn quẩn trong tôi. Liếc nhìn qua bên phải chiếc giường, chỗ mẹ vẫn thường nằm, không thấy mẹ nữa. Chắc mẹ đã dậy rồi. Tôi quờ tay lấy chiếc đồng hồ. Mới hơn bốn giờ sáng. Cả đêm qua, tôi nằm thao thức cứ sợ ngủ quên. Tôi dậy nhưng chưa dám ra khỏi giường. Tôi sợ mẹ lại hỏi linh tinh. Nằm im lặng. Tôi nghe tiếng xì xào của những bà đi thể dục ngoài đường vọng vào. Có lẽ mẹ cũng chuẩn bị ra đường đi bộ. Nhà tôi ở sát đường chính. Con đường đẹp nhất Hương Hồ, tôi nghe mẹ bảo vậy. Đường được rải nhựa khoảng hơn một năm nay. Có cả vỉa hè, đèn đường không khác gì đường phố. Thế nên, cứ mối tối, mỗi sáng, bà con trong làng cứ kéo nhau đến con đường này, đi bộ, hít thở không khí trong lành. Nhiều lần, mẹ cũng gọi tôi dậy sớm đi cùng nhưng cái tật mê ngủ nướng của tôi nặng quá. Mẹ đành bó tay, đi một mình.
Tiếng lẹt kẹt vọng vào. Tôi biết mẹ đã khóa cổng ngoài. Vùng dậy thật nhanh, tôi thấy người tỉnh táo lạ thường. Tôi vén màn, xếp chăn, xếp gối cẩn thận như mẹ vẫn thường làm. Chờ trời sáng hẳn, tôi tìm chổi quét nhà, quét sân sạch sẽ. Không mấy khi làm nhưng tôi cũng không lóng ngóng gì cho lắm. Chắc là tôi thừa hưởng sự khéo léo của mẹ. Đến gần trưa, không chờ mẹ nhờ, tôi đi lau nhà, nấu cơm,…Tiếng hò hét của đám bạn bên sân vận động vọng đến. Tôi dửng dưng, lấy mấy quyển sách nằm đọc. Buổi tối, tôi hí hửng rủ mẹ ra đường thể dục. Mẹ trố mắt ngạc nhiên:
Ui, hôm nay, ti vi không phát chương trình nữa à cưng?
Tôi cười bẽn lẽn, giục mẹ khóa cửa đi nhanh. Cứ thế tôi làm đứa con ngoan mấy ngày liền. Mẹ nhìn tôi bằng con mắt dò xét. Nhưng trông mẹ vui lắm, cứ tủm tỉm cười mãi. Tôi vẫn im lặng tập làm đứa con ngoan. Đến ngày thứ năm, mẹ bảo tôi:
Chiều nay mẹ nghỉ. Ta đi phố nghe con!
Tôi ngoan ngoãn dạ lí nhí như một con nai ngơ ngác.
Chiều đến. Mặt trời đã ngả về phía tây. Những tia nắng vàng yếu ớt còn nuối tiếc vương nhẹ trên cành cây ngọn cỏ. Tôi ngồi êm ái sau lưng mẹ. Mẹ tôi vừa chạy xe vừa kể chuyện với tôi. Mẹ tôi mà kể chuyện thì đầu đuôi lắm. Một thằng bé mới lớn như tôi cũng không hứng nghe lắm. Nhưng để cho mẹ vui, tôi luôn tỏ ra chăm chú. Ngồi sau lưng thỉnh thoảng tôi lại dạ dạ cho mẹ yên lòng. Cứ thế mẹ dừng lại trước một cửa hàng. Tôi nhìn vào trong. Một dòng chữ đập vào mắt: “Cửa hàng xe đạp Phúc Sinh” Tôi ngờ ngờ, không lẽ mẹ muốn mua xe cho tôi. Tôi chưa kịp hỏi thì mẹ đã giục:
Xuống xe đi con, tới rồi đó!
Tôi tụt xuống xe mà lòng ngổn ngang trăm mối: “Răng mẹ biết mình muốn xe hè? Răng không nghe mẹ nói chi cả hè? Đã qúa! Mẹ luôn hiểu mình. Mình sắp có xe mới rồi.” Nghĩ vậy, lòng tôi lại trào dâng một niềm xúc động. Thương mẹ quá! Mẹ cầm tay tôi kéo vào trong rồi đi tới đi lui, ngắm nghía. Tôi cũng lẽo đẽo theo sau như một con mèo ngoan ngoãn. Đi vài vòng, mẹ quay lại, hỏi tôi:
Con thích chiếc mô?
Đến lúc này tôi mới dám lên tiếng:
Mẹ mua cho con thiệt à? Mẹ cho con tự đi xe đạp mẹ há?
Như hiểu tâm trạng tôi, mẹ dõng dạc:
Tất nhiên! Con chọn đi!
Thế là tôi chỉ ngay chiếc màu xanh mà nãy giờ tôi đã khoái. Mẹ cũng nhất trí và tính tiền ngay với bà chủ cửa hàng. Nhân viên cửa hàng chỉnh sửa vài thứ rồi dắt xe ra tận ngoài cửa cho tôi. Tôi cầm ghi đông lòng cứ ngờ ngợ. Thực sự tôi vẫn chưa tin đậy là sự thật. Tôi đã có một chiếc xe đạp mới kít. Chiếc xe của tôi cũng oách không kém gì xe thằng Tiến. Tôi sẽ tự đạp xe đi học, tự đạp xe đi chơi …Ôi, thích quá! Tôi cứ tưởng như mình đang ở trong mơ. Tôi cầm xe lòng cứ miên man như vậy. Mẹ tôi giục:
– Ngồi lên đạp về nhà đi con. Mẹ sẽ đi bên cạnh. Lúc mô con thấy mỏi chân, hai mẹ con mình dừng lại nghỉ. Hết mệt rồi ta đi tiếp.
Như một cái máy, tôi dạ nhẹ như bông. Thế là tôi hí hửng đạp bon bon thẳng tiến về nhà. Chả lả, ở nhà tôi đã từng đạp xe từ trước. Chiếc xe đạp cũ kĩ của bà nội hay dùng đi chợ. Tôi thường đạp loanh quanh trước đường nhà nội. Nên bây giờ tôi đạp ngon ơ. Từ cửa hàng Phúc Sinh ở đường Trần Hưng Đạo lên nhà tôi tầm mười hai cây số, vậy mà tôi chỉ nghỉ có một lần. Đó là vì mẹ nói mãi tôi mới chịu nghỉ chớ tôi có thấy mệt chút nào đâu. Có xe mới làm tinh thần tôi phấn chấn. Tôi sung sướng quên cả cái mệt của đoạn đường dài. Còn mẹ cứ chầm chậm chạy xe cạnh tôi, có lúc đi sau tôi. Hình như thấy tôi vui, mẹ cũng vui lắm. Mẹ cứ cười mãi. Thỉnh thoảng, mẹ lại hỏi tôi mệt không, cần nghỉ không,…Tôi lắc đầu, chân đạp ào ào. Hai bên đường ánh đèn từ các ngôi nhà đã rực sáng.
Mẹ con tôi về đến nhà đúng bảy giờ tối. Vào nhà, không chờ đợi được, tôi hỏi mẹ:
Răng mẹ biết con muốn mua xe? Mẹ làm con bất ngờ quá ạ! Con thích lắm!
Mẹ cười nói:
Mẹ mà, con muốn chi mẹ biết hết. Bữa ni lớn rồi, phải ngoan hơn nghe chưa!
Dạ, con biết rồi, Con sẽ tập sống tự lập. Sống biết yêu thương chia sẻ. Mẹ cứ giao nhiệm vụ cho con đi. Con làm hết.
Mẹ tôi cười hạnh phúc. Tôi ôm mẹ một cái thật chặt. Tối hôm đó, tôi đánh một giấc thật ngon. Hôm sau, tôi thức dậy sớm. Nằm lắng nghe tiếng chuông chùa sớm, lòng tôi tưởng tưởng đến một ngày mai tươi sáng. Tôi cầm bàn tay sần sùi của mẹ, giục mẹ dậy đi thể dục sáng.
Sau khi lăng xăng dọn nhà cửa cùng mẹ, tôi nhảy lên chiếc xe đạp mới, quay mạnh vòng chân tới đỗ ngay cổng nhà thằng Tiến. Nó đang đứng ở đó. Tôi nhìn nó cười cười không nói gì. Nó hiểu ý cũng cười tít mắt. Trong đầu tôi hiện lên cảnh hai thằng lon ton trên chiếc xe đạp đến trường, cùng đi cùng trò chuyện. Tôi thấy mình thật hạnh phúc. Trong trí óc non nớt của tôi, tôi tự nghĩ tôi đã thực sự trưởng thành. Làm người lớn cũng có gì khó lắm đâu. Chỉ là ngoan thêm một tí, dậy sớm một tí, đỡ đần chút việc nhà giúp mẹ, biết cân đối giữa giờ chơi và giờ học, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh,… Tiếng chuông chùa Huyền Không tự dưng ngân vang lanh lảnh trong đầu tôi…
————————-
Tác giả dự thi: Nguyễn Thị Thanh Túy
Địa chỉ: Lê Đức Toàn, Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB