Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký NHỮNG CON ĐÒ LẶNG LẼ
MS 028 Văn xuôi
(Tặng bà Thái Thị Sáng và con trai Lê Văn Duyên,
ngụ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ )
Nước đã lớn đầy con rạch Thị Đội. Những giề lục bình xanh ngắt từ mé huyện Giồng Riềng trôi ào ào về phía chợ Thới Lai. Chiếc phà nhỏ chòng chành trên con sông rộng. Phía sau lái là một người cao dong dõng, nước da đen kịn vì nắng gió đang dõi mắt vào đám học trò lần lượt xuống phà với đôi mắt thật rạng ngời.
-Tụi con ngồi cho đàng hoàng nghe, chạy tới, chạy lui “lu xu bu” lắm, bác tư “canh me” hổng kịp. Nhớ chưa ?
-Dạ…dạ. Tiếng mấy đứa nhỏ lao nhao rồi cười rần rần thiệt lí lắc hết biết.
Trên bờ sông, một cụ bà tóc phơ phơ bạc nhưng đi đứng coi bộ còn lẹ làng lắm. Bà tiến đến mé sông nói vọng xuống phà :
-Duyên ơi. Bây nói mấy đứa nhỏ ngồi cho ngay ngắn, đừng “giỡn hớt” hổng nên. Ừa mà tao quên nói, bây nói con The với thằng Lóng chừng nào dìa học “dìa” nhớ ghé má, má gởi cho nải chuối già hương với mấy trái xoài Thanh Ca. Tội nghiệp. Nhà nó nghèo quá lấy đâu có tiền mua cho tụi nó ăn. Nhớ nghe.
-Dạ. Con nhớ rồi má. Má “dìa” nhà nghỉ ngơi với uống thuốc đi. Lúc nầy con thấy má ốm quá. Ừa mà gần tới đám giỗ cha con rồi đó. Má ráng giữ sức để “chơi” với bà con, lối xóm. Tiếng ông Duyên nói rất lớn dưới chiếc “chẹt”.
Nhìn dáng mẹ liêu xiêu trong làn gió đông lành lạnh đang ầm ập tràn về trên sông, ông thấy thương mẹ mình nhiều quá. Lắm lúc ông nghĩ, có lẽ mẹ mình sinh ra để chèo đò qua sông đến suốt cả cuộc đời. Những năm chiến tranh ác liệt bà đã từng chèo đò đưa bộ đội qua sông bất kể nắng, mưa, lũ, bão. Con tới chín đứa “ bề bề” chớ đâu phải ít ỏi gì đâu, vậy mà nghe có “ lệnh” của mấy chú, mấy anh “ cộng sản” là bà đội nón lá đi liền. Vậy là đứa lớn phải coi chừng đứa nhỏ từ cái chuyện nấu cơm bằng lá dừa đến “tắm em”; cho em ăn, em ngủ…Có nhiều lần bà đi chở súng đạn; đưa “ thơ mật”; truyền đơn cũng trên chiếc xuồng bảy lá của nhà. Cực vậy chớ lần nào “dìa” tới nhà bà cũng cười hề hề rồi phân phát cho đám con mấy cái bánh lá dừa nhưn chuối, mấy trái bắp hay một rỗ khoai lang rồi kể cho các con nghe mấy câu chuyện cổ tích hấp dẫn như “Thạch Sạch chém chằn”; “Trương Chi – Mỵ Nương”; “ Mục Liên – Thanh Đề”… dù một chữ bẻ đôi bà không không biết đến.
Nhiều lần mấy đứa con cử hỏi “miết” cái chuyện sao không thấy ba về thăm, bà lại im lặng rồi hướng đôi mắt đăm đăm về phía sông Thị Đội cùng nhiều tiếng thở dài nghe não nuột. Mấy đứa con lớn trong đó có ông Duyên mang máng hiểu rằng : ba chúng đang đi theo Việt Cộng, Việt Minh gì đó, bởi vậy lâu lắm ông mới về thăm bà và các con một lần mà thăm toàn vào lúc nửa đêm những ngày không có trăng tối đen như mực.
Ông Duyên nhớ có lần hồi sắp tới ngày giải phóng miền Nam, nửa đêm ông nghe tiếng súng nổ ngoài mé sông liên hồi kèm tiếng tàu tuần tra của địch chạy phà phà trên sông, những bóng đèn pha sáng rực màn đêm cứ xoay vòng vòng trên cái “ ụ” tàu cao lưng lững cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ to tướng. Ông Chột dạ. Chết rồi. Chắc nó đang lùng sục kiếm tìm Việt Cộng trên sông đây. Nguy rồi. Mẹ ông bơi xuồng đi hồi “ chạng vạng” tới giờ sao chưa thấy về. Liệu bà có làm sao không ?
-Chị hai, chị ba ơi! Đi với tui ra ngoài mé sông kiếm má mình coi. Súng nổ lớn quá mà má mất biệt. Tui lo quá. Lỡ có “ bề” gì chị em mình hổng biết sẽ ra sao nữa. Nói tới ông bật khóc “ ngọt xớt”, mũi dãi chảy lòng thòng xuống miệng thật thảm thương.
-Mầy “khùng” rồi hả Duyên. Cái miệng “ thúi quắc” nói bậy, nói bạ hoài. Chắc má sắp “ dìa” tới rồi. Nín đi. Lém – chị hai của ông nạt ngang.
-Chị hai nói phải đa. Mầy la “om xòm” ấy đứa nhỏ thức dậy bây giờ. Đen, chị ba của ông Duyên chen vô.
Bỗng tất cả đều im re, bà rè. Sáu con mắt mở trừng lo lắng nhìn nhau. Phía sau nhà có tiếng róc rách, róc rách ngày càng lớn dần. Ông Duyên đưa mắt nhìn ra khe cửa lá nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của mẹ mình đang cố bơi xuồng vào cái “ xẻo” sau nhà. Ba bóng người nhanh chóng lao ra. Chiếc xuồng đã bị trúng đạn loang lỗ đang chìm dần vì bị “phá” nước. May mà bà Sáng – mẹ ông chỉ bị thương ở bắp chân. Đêm đó cả bốn mẹ con thức trắng đêm không ngủ. Sau đó ông mới biết chuyện bà chở vũ khí và mấy chú bộ đội tiểu đoàn Tây Đô qua sông thì bị địch phục kích tấn công.
-Lỡ lúc đó…lúc đó…con Lém bật khóc.
-Con người ta ai cũng có số mạng. Trời kêu ai nấy dạ. “ Dí” lại lúc đó hổng hiểu sao tao hổng ngán gì hết ráo. Tao nghĩ chết là hết, là theo Đảng, theo cụ Hồ có gì là sợ. Ai mà hổng chết. Chết mà làm tụi địch ngán sợ, hoảng kinh hồn vía cũng đáng chết lắm chứ…” Bà lại cười hề hề, cái cười thiệt “hai lúa” rất lạ lùng.
Ông Duyên nhớ cái ngày giải phóng miền Nam, bà Sáng cứ khóc hoài vì xúc động, vì được đoàn tụ với chồng hổng còn cái cảnh len la, lén lút bơi xuồng rước chồng qua sông. Không còn cảnh đêm hôm khuya khoắc, mưa lạnh thấu xương mà vẫn đi tiếp lương tải đạn sau khi “lùa” xấp nhỏ vô cái mùng “tập thể” bự chà bá và vá víu tứ tung đủ loại vải.
Vậy mà niềm vui đến với gia đình ông Duyên thật ngắn ngủi, ngắn ngủi như con nước mới lớn đó lại ròng, thấy ròng đó rồi chợt lớn. Trước lúc nhắm mắt vì vết thương cũ tái phát, ông gọi bà và các con tới gần nói thật khó nhọc:
-Tui đi trước, mình ở lại lo cho “ xấp nhỏ”. Tui có lỗi với mình quá. Hồi chiến tranh tui đi “miết” mình khổ cực nuôi con. Giờ hòa bình rồi mà tui không sống được để tiếp giúp mình…tui…tui….
-Sao ông nói vậy. Ông đi theo cách mạng để giải phóng quê hương chớ có sung sướng gì đâu. Tui ở nhà vừa nuôi con vừa nuôi chứa Việt Cộng, đó cũng là nhiệm vụ, ông có lỗi gì với mẹ con tui đâu. Bà khóc xướt mướt.
-Mình ơi! Tui thấy tụi nhỏ xứ nầy qua sông đi học khó khăn lắm bởi đâu có ai đưa đón. Mà có đưa tụi nhỏ cũng hổng có tiền đâu mà trả. Nghèo rớt mồng tơi, cơm còn hổng đủ ăn nói chi…nói chi…Ông nói thât mệt nhọc, đứt quãng liên tục.
-Tui hiểu ông muốn nói gì rồi. Tui…tui …sẽ lấy chiếc xuồng cũ nhà mình để đưa xấp nhỏ qua sông hổng lấy tiền….ông yên tâm đi… .Tui “ dí” ông mù chữ từ nhỏ tới giờ, thì nay phải cố gắng đưa đò để tụi nhỏ được tới trường, tới lớp, trong đó có mấy đứa con của mình nữa. Tui hứa với ông mà…
Chỉ trăn trối được có bấy nhiêu lời rồi ông nhắm mắt đi xuôi với nụ cười mãn nguyện. Sau đám tang vài hôm, ấp nầy bất ngờ khi thấy bà Sáng cùng các con đẩy chiếc xuồng bảy lá đã được sửa chữa ngon lành xuống mé sông với tấm bảng lạ lùng “Bến đò miễn phí cho thầy cô giáo và học trò qua sông”. Hàng xóm kéo tới đây đông nghẹt vui như gánh hát trên tỉnh về đây biểu diễn. Người khen cũng nhiều, người chê bai cũng không ít. Nhiều người ác ý còn đón già, đón non rằng : gia đình bà Sáng làm để “lấy le” cùng thiên hạ. Có điên mới làm cái chuyện “bá láp”; “ruồi bu” nầy. Hơi đâu mà bỏ công đưa đón người dưng; rồi còn phải tốn tiền làm bến lên xuống; tiền mua xăng dầu chạy máy; tiền bảo trì, sửa chữa máy móc ghe xuồng…đổi lại được cái gì? Cùng lắm là lời khen như gió thổi mây bay thôi. Rồi bến đò “ từ thiện” cũng dẹp thôi. Hổng dẹp mới là chuyện lạ.
Mặc. Gia đình bà Sáng cứ bỏ ngoài tai những lời dèm pha ác cảm ấy. Bà và đám con, chủ yếu là thằng Duyên vẫn âm thầm thay nhau đưa đón miễn phí những người khách “đặc biệt” của mình với nụ cười hào sảng, bao dung. Tội nghiệp thằng Duyên, hồi nhỏ nó cực nhất nhà từ chuyện bắt ốc, mò cua đồng, hái lục bình, rau muống đồng đi bán nuôi em ăn học. Lớn “chồng ngồng” mà nó mới học hết lớp 7 rồi “ mắc cỡ” trốn học luôn. Năm 1982, xóm nầy giật mình khi hay tin, nó tình nguyện đi nghĩa vụ. Lạ. Trong khi những gia đình có con trúng tuyển nghĩa vụ khóc lóc, bịn rịn thì gia đình bà Sáng lại vui mừng ra mặt. Ờ. Ít ra thằng Duyên cũng ngon lành quá đi chớ. Nó đi bộ đội để tiếp bước ba má nó chớ đâu.
Rồi Duyên cũng về sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Mỗi ngày anh lại cùng mẹ làm cái chuyện “tào lao” như nhiều người mia mỉa để đưa đón thầy cô giáo và học trò qua sông. Mới đó đã hơn ba mươi năm. Người thanh niên ngày nào đã là một người trung niên tóc bạc hoa râm, vẫn chung thủy với cái nghiệp đưa đò muôn thuở. Chỉ có khác là những chiếc xuồng bảy lá năm xưa đã được thay bằng những chiếc “chẹt” kiên cố, an toàn qua sông.
-Duyên… Duyên… Bây làm cái gì mà như ông “thần thừ” vậy. Tụi nhỏ xuống đầy “chẹt” rồi kìa, sao hổng chạy đi, “lớ quớ” trễ học xấp nhỏ bây giờ. Lẹ lên đi. Tiếng bà Sáng khào khào gọi lớn.
-Dạ. Con nghe rồi má. Con “đề pa” liền đây. Nãy giờ suy nghĩ “làm xàm” quá nên quên. Ông Duyên cười khà khà. Cái cười rất lính “rặc ri”.
Chiếc “chẹt” bắt đầu rời bến hướng về phía bên kia sông. Trên bờ, một cánh tay cứ vẫy theo trong làn gió đông se lạnh với mái tóc bạc phơ bay bay trong nắng sớm và đôi mắt ươn ướt những giọt nước mắt hạnh phúc.
Bà Sáng đó mà.
—–
Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB