Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký CHA
MS 034 Văn xuôi
Không hiểu sao ở quê tôi (Bến Tre) lũ trẻ con như tôi thường gọi hai đấng sanh thành là cha với má. Tuổi thơ của tôi không được may mắn vì má tôi mất sớm khi tôi lên mười tuổi. Vậy là cha tôi trở thành “gà trống nuôi con”. Nhiều lần hai họ bên nội lẫn bên ngoại gợi ý ông đi thêm bước nữa để đỡ vất vả chuyện nhà và có người chăm sóc cả hai cha con nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông nói “…thôi để con nhỏ lớn lên “ hẳn” tính, tui sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng lắm, lỡ gặp người hung ác thì tội cho con nhỏ lắm…”.
Tôi nhớ lắm những ngày cận tết, một mình cha tôi tất bật lo toan cho gia đình tươm tất đón xuân.Ngoài thời gian lam lũ trên đồng ruộng, lúc đêm về, ông lại thức rất khuya để làm dưa kiệu, quết bánh phồng, xẻ cá để làm khô. Có năm cha tôi tự “ngào” mứt chuối với gừng cùng đậu phộng hay làm mứt dừa vốn là đặc sản quê tôi. Dù là con gái nhưng tôi khá thoải mái chăm chút việc học hành, vui chơi cùng bè bạn, mọi chuyện nấu nướng, mua sắm, đến cả việc quét dọn, ủi quần áo…đều do cha tôi thực hiện với nụ cười thật độ lượng, yêu thương.
Cha tôi thường nói “…con không may mất má, số trời đã định vậy rồi, cha sẽ “ở vậy” nuôi con đến ngày có chồng. Mọi chuyện chuẩn bị tết để cha lo…”.
Lối hăm ba tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời, hai cha con tôi lại đi “dẩy mã” cho má tôi và ông bà trong thân tộc. Mỗi khi thắp hương cho má tôi, tôi thấy đôi mắt ông thật buồn, trống vắng, xa xôi. Còn tôi chỉ biết nắm chặt tay ông mà khóc nức nở vì nhớ mẹ.
Có lần đi học về, tôi dùng dằng khóc thét lên đòi mua cho bằng được một bộ đồ tây đắt tiền để tết nầy đi chơi xa cùng cả lớp. “ …Con gái gì đi học mà chỉ bận toàn đồ cũ…” Tôi hét toáng lên trong sự ngỡ ngàng bất lực của ông.
Hai hôm sau, cha tôi thực hiện đúng ước mơ của tôi trong sự vui mừng khôn xiết. Tết năm ấy tôi sung sướng vui chơi thỏa thích cùng bè bạn trong sự vô tư của mình. Mùng 4 tết, cha tôi nhập viện vì mất sức. Sau đó tôi mới biết ông đã đi bán máu của mình và vay mượn thêm ít tiền của hàng xóm để mua quần áo cho tôi. Tôi khóc như mưa bấc như hối hận chạy vội vàng vào bệnh viện. Cha tôi nằm trên giường bệnh với thân hình tiều tụy xanh xao nhưng đôi mắt ông sáng lên niềm hạnh phúc vì đã mang lại niềm hạnh phúc cho đứa con gái bất hạnh của mình.
Cả hai cha con bật khóc. Mấy tháng sau ông mất đột ngột. Bên cạnh ông chỉ có tôi. Ngoài tôi không còn bóng dáng một người phụ nữ nào khác bên ông lúc ra đi. Vậy là tôi lại mồ côi cha khi tuổi mười sáu.
Tôi bây giờ đã bước sang tuổi trên năm mươi, đã có một mái ấm hạnh phúc con cháu đủ đầy. Mỗi lần tết đến tôi thường đem câu chuyện xưa về ông ngoại của chúng để kể cho cả nhà nghe với niềm ray rức khôn nguôi.
Với nhiều người khác, nhất là đối với đội ngũ văn nghệ sỹ thì hình tượng người mẹ có vẻ như được chú trọng nhiều hơn, được đưa vào thơ, ca, nhạc, họa, điện ảnh, kiến trúc… nhiều hơn so với hình tượng người cha.
Với tôi, mỗi khi tết đến, ngoài ký ức về má, tôi luôn giành nhiều tình cảm, lòng biết ơn, sự trân trọng pha lẫn sự ân hận muộn màng cho cha tôi, một người vừa làm cha, vừa làm mẹ, luôn lặng im, nhẫn nhục để con mình được hạnh phúc, đủ đầy.
Cha ơi!
—–—–
Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB