Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ký ĂN TẾT NHÀ QUÊ

158

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020

Vòng chung khảo

———————

Tác phẩm dự thi: Truyện ký ĂN TẾT NHÀ QUÊ

MS 022 Văn xuôi

“ Xuân, xuân ơi xuân đã về…”. Tiếng nam ca sỹ đang hát rất rộn ràng trên chiếc ti vi to đùng, cũ kỹ đặt ở một góc nhà cứ rè rè, ồm ồm như một ông già bị mắc bệnh lao thời kỳ cuối. Còn đến hai giờ đồng hồ nữa là đến thời khắc giao thừa. Ông Hai Qui chắp tay sau lưng đi đi lại lại dòm lom lom ra ngoài mé sông. Thỉnh thoảng ông dừng lại ngắm nghía cây gừa dưới bến. Dọc theo hai bờ kinh đèn đuốc sáng choang. Bà Hai Qui lục đục với cái nồi bánh tét nhân đậu mỡ, ba rọi để cúng kiến ông bà mùng một tết rồi còn để cho bà con chòm xóm ăn lấy thảo. Cái lệ nầy có hồi nào bà không nhớ nhưng cũng đã trên năm mươi năm, hồi cái thời bà con con gái son giá tới giờ.

-Ba ơi! Ăn tết dưới nầy buồn muốn chết. Muỗi cắn từa lưa hột dưa. Thôi năm sau mình đừng về nội ăn tết nữa nghe ba.Tiếng thằng Thao, con Thanh chì chiết, dãy nãy.

– Nói nhỏ thôi con để nội nghe được nội buồn. Cả chục năm rồi nhà mình mới ăn tết dưới quê. Thanh nói khẽ.

-Chút nữa tới giao thừa ở đây có bắn pháo hoa hôn ba ? Chán muốn chết. Ở đây hổng có “ quay phai” gì hết. Đã vậy cái ti vi gì mà rồ rồ rẹt rẹt, hình ảnh gì tái lét, xanh chành coi có thấy gì đâu. Sao nội hổng mua cái khác cho rồi. Cái đó bán ve chai cho xong.

-Ờ. Ba nói nhiều lần mà nội chưa chịu. Cái ti vi đó lớn tuổi hơn ba nữa đó. Nội để dành làm kỷ niệm.

-Con thấy dưới quê nầy “ hai lúa” muốn chết, cái gì cũng hổng có, sao ba hổng kêu nội lên ở với mình. Ở “ trễn” rộng mênh mông bình địa, nhà có tới bốn tầng lầu, ông bà nội muốn ở tầng nào mà hổng được.

-Có chớ. Ba nói hoài mà ông bà nội có chịu đâu. Vả lại…

– Vả lại gì? anh tính nói tại tui hổng vui chớ gì. Tiếng Thu, vợ Thanh xen vào với nét mặt đằng đằng sát khí.

– Thôi em. Ngày tết mà. Đừng nặng nhẹ nhau làm chi để cha mẹ buồn. Sáng mùng hai là mình đã về thành phố rồi. Cả chục năm mới về đón tết với cha mẹ. Năm nay anh thấy cha mẹ “ yếu” hơn trước nhiều.

-Yếu với mạnh. Anh thì hồi nào cũng bô bô cái miệng nào là: về quê đón tết để cha mẹ vui, để bà con dòng tộc không nói xiên, nói xỏ là quên cội nguồn, dòng tộc, ông bà. Mệt. Tui cho anh biết, năm tới anh có về thì về một mình vậy, mẹ con tui hổng về cái xứ nước mặn, đồng chua nầy nữa đâu. Còn cái chuyện rước “ ổng, bả” lên trễn thì có mà mơ. Lên để tui “ độn thổ” với bạn bè hả ? Mỗi tháng gởi tiền về nuôi “ổng, bả” là may phước lắm rồi. Xí…

Nãy giờ ngồi “ canh” nồi bánh tét sau bếp bà hai Qui đã nghe hết mọi chuyện. Bà lặng im mà nghe đau xót ngập tràn. Bà thương thằng Thanh quá đỗi. Hiếu thảo vậy mà có phải người vợ chì chiết, hung hăng, ăn nói hỗn xược. Lắm lúc bà tự nghĩ con dâu mình cũng học cao, hiểu rộng, cũng làm ông nầy, bà nọ với người ta nhưng sao nó lại xem thường, khinh miệt cha mẹ chồng đến vậy. Mà nói cho cùng, có lẽ ông bà quá quê mùa, dốt nát, quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn, củ khoai, con cá, con tép, mớ rau.

-Bà làm gì mà thất thần như vậy? lại còn khóc nữa. Chuyện gì vậy?

-Tui…tui…tui…

– Tui biết rồi. Nãy giờ tui ở ngoài sân đã nghe vợ chồng thằng Thanh nói chuyện. Thôi buồn để làm chi. Tại mình nghèo, mình nhà quê nên mới vậy. Tết nhứt rồi. Bà nín đi để xấp nhỏ thấy thì kỳ cục lắm. Ăn tết hổng vui. Chuyện đó từ từ tính sau.

Nói để trấn an, để động viên vợ mình chớ ông cũng đứt từng đoạn ruột. Ông nhớ cái thời mần thuê, mần mướn cho người ta để lấy tiền gởi lên thành phố cho thằng Thanh học Đại Học; ông nhớ những ngày vợ mình ngồi đan từng cái võng lác để giành dụm tiền đóng học phí cho con. Lắm lúc nhớ con, vợ chồng ông đã nhiều lần định lên thành phố thăm con nhưng rồi suy đi, nghĩ lại, vợ chồng ông lại thôi. Lên đó có biết đường đi, nước bước gì đâu; vả lại đi thăm thì tốn tiền lắm, thôi thì nén nỗi nhớ con để gởi tiền cho nó xoay sở.

Thằng Thanh ra trường nhưng năn nỉ cha mẹ nó ở lại thành phố làm ăn. Nó nói về quê kỷ sư như nó khó kiếm việc làm lắm. Muốn có việc, muốn có chỗ làm “ngon cơm” thì phải tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng để “chạy lo” mà vợ chồng ông thì quá nghèo. Thôi đành chịu.

Một năm sau nó về quê dẫn theo một cô gái sang trọng cứ mở miệng là “ dét, nô, ô kê” đi kèm với những câu nói tiếng Mỹ, tiếng Tàu gì đó mà vợ chồng ông không hiểu được. Sợ con buồn, ông bà cố gượng làm vui, cợt cười ra chìu phấn chấn nhưng bụng dạ thì “ héo queo”

-Ba. Đây là người yêu của con tên Thu. Nầy Thu lại đây chào hỏi ba anh đi.

-Hê lô bác.

-Cháu làm nghề gì?

-Dạ làm giám đốc công ty mỹ phẩm. Thanh đỡ lời.

Nhìn bước đi nhún nhẩy, kênh kiệu, mắt và tay lúc nào cũng đăm đăm vào cái “ điện thoại”, ông hai Qui thở dài thườn thượt. Ông hiểu và ông lo cái ngày ông bà sẽ mất đi đứa con hiếu thảo ở chốn đô thành.

Nỗi lo ấy đã đến. Thằng Thanh điện về báo tin chuẩn bị cưới vợ. Cưới cô gái mà ông bà nươm nướp lo sợ sẽ biến thằng Thanh trở nên lạc lõng, bơ vơ, thậm chí trở nên gian xảo, điêu ngoa chốn thành đô.

-Thanh ơi! Cha mẹ nghèo quá lấy tiền đâu mà làm đám cưới cho con. Thủng thẳng có được hôn con? Ông trả lời ngập ngừng qua điện thoại với con mình.

-Không có gì đâu cha. Bên đàng gái người ta lo hết. Kể cả chuyện họ “lòn” vàng vòng qua bên mình để làm lễ vật. Đám cưới tổ chức tại nhà hàng trên đây, tiền bạc người ta lo hết. Dưới mình lên vài người là xong. Thanh cười phấn chấn.

-Làm vậy đàng gái họ coi mình ra gì? Rồi…rồi…

-Cha mẹ đừng lo. Từ từ tính sau. Cưới xong con ở rể trên nầy và có chỗ làm ngay. Hàng tháng con sẽ gởi tiền về lo cho cha mẹ. Vậy đi. Mình nghèo nên phải vậy thôi cha. Thanh phân bua.

Đám cưới quá linh đình, quá hoành tráng. Đàng trai đi lên dự tiệc đúng 4 người. Đi bằng xe buýt. Sau khi làm lễ, ông bà hai Qui cùng hai người thân vội vã ra về trong sự ngạc nhiên của đàng gái. Mà ở lại để làm chi trong sự dè bỉu, xem thường, ngạc nhiên của họ hàng đàng gái bởi họ quá sang trọng còn vợ chồng ông thì “ hai lúa” vô chừng.

Mười năm trôi qua, chưa lần nào vợ chồng ông đặt chân lên thành phố để thăm sui gia, thăm vợ chồng thằng Thanh. Mà nói cho cùng có ai mời đâu mà đi. Năm nay nghe tụi nhỏ báo tin sẽ về quê đón tết với vợ chồng ông, bà hai Qui mừng rơi nước mắt. Có lẽ “ông trời có mắt nên khiến xui vợ chồng thằng Thanh nghĩ lại rồi. Ngày nào gần tết bà cũng “bơi” ghe ra ngoài bến xe để trông, để ngóng cháu con dù biết rằng sáng 30 tết chúng nó mới về. Bà hối chồng mau mau tát mương để bắt mấy con cá lóc, cá rô làm khô; đốn mấy buồng chuối xiêm để ép chuối; làm mấy hủ dưa kiệu để đãi xấp nhỏ. Vậy mà đêm nay, đêm giao thừa đôi vợ chồng già lại được nghe những lời nói rất thật của thằng cháu nội “đích tôn”; được nghe những lời ta thán, cằn nhằn, chì chiết chồng của đứa con dâu sang cả.

-Mời đồng bào cả nước nghe thư chúc tết của chủ tịch nước. Tiếng người phát thanh viên trên truyền hình nói rạch ròi và trịnh trọng đưa ông bà hai Huy trở về thực tại.

Ngoài mé sông đèn đuốc sáng choang. Những chiếc chiếu được trải ngay ngắn trước bàn ông Thiên. Người người thắp hương khấn vái Phật trời. Khói nhang bay nghi ngút đỏ rực hai bên dòng kênh xanh thăm thẳm. Xa xa người người bảo nhau đến chùa đầu kinh lễ phật và hái lộc đầu năm. Trên bộ ván cũ kỹ giữa nhà, Thu và thằng Thao đang ngủ ngon lành. Bên cạnh là chiếc quạt máy cũ mèm đang cố gắng quay phát ra những tiếng kêu rè rè khó nhọc.

Đêm ba mươi vẫn tối đen như mực. Không có những quần sáng pháo bông đẹp rực rỡ trên bầu trời cao trong đêm trừ tịch.Thanh sẽ không có những buổi tiệc sang trọng, đắt tiền với bè bạn trong giờ chào mừng năm mới. Thằng Thao sẽ ăn tết nhà quê với nội nó lạ lẫm nững kém vui. Bưc dọc nhất có lẽ là Thu, cô con dâu đã quen mùi đô hội từ nếp nghĩ đến hành vi. Mặc. Với Thanh đây có lẽ là cái tết vui nhất, hạnh phúc nhất của mình từ trước đến nay. Mà chắc gì năm sau mình lại có dịp về quê đón tết.

Bà Hai Qui chụm thêm củi vào lò bánh, chốc chốc lại nhìn sang con trai ngồi cạnh bên với lời an ủi:

-Có gì phải buồn đâu con. Từ từ con Thu sẽ nghĩ lại thôi mà. Còn thằng Thao con nít quá, nghĩ sao nói vậy. Ai lại đi giận con nít bao giờ.

Bên khung cửa sổ đang rung lên vì gió lạnh. Ông hai Qui ngồi yên như pho tượng dù ấm trà đã được pha sẵn từ lâu rồi. Mắt ông đăm đăm nhìn ra con kênh đầy nước kèm theo những tiếng thở dài thườn thượt.

Ba con người. Ba dòng suy nghĩ miên man trong giây phút giao thừa.

———

Tác giả dự thi: Phan Thị Anh Thư
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB