Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018
Vòng chung khảo
———————-
Tác phẩm dự thi: TẾT NÀY, CON CÒN CÓ MẸ BÊN CẠNH (Truyện ngắn)
Tác giả: Thích Giác Đạt (Lữ Khách Quê)
Mưa Sài Gòn ngày càng nặng hạt hơn trong màn đêm hiu hắt của thành phố phồn hoa, Hải lượn vòng thành phố để kiếm khách cho những ngày cuối năm, anh chạy lòng vòng về phía phường tám quận Tân Bình rẽ vào đường Thành Mỹ. Anh dừng lại chờ khách đặt xe.
Cơn mưa làm con đường vắng hơn mọi hôm, lưa thưa mới có vài chiếc xe chạy ngang, trong sự im lìm của không gian và thời gian Hải chìm đắm trong tiếng gáy của dế của ếch. Anh nghĩ: “Cũng kì lạ nhỉ ở cái thành phố đất chật người đông này ấy thế mà lại có tiếng ếch ộp ộp, tiếng dế gáy”. Tiếng ếch kêu, tiếng dế gáy hòa nguyện với bầu không khí u tịch của màn đêm Sài Gòn khiến Hải nhớ về nơi mà cậu không bao giờ muốn về. Anh nhớ về khoảng thời gian của bốn năm trước, khi anh còn là học sinh cấp ba của miền quê đất Quảng, nơi chôn dấu một ký ức dường như anh không muốn nhớ đến. Ký ức của anh còn chứa nỗi niềm dấu kín nào đó mà khiến anh không muốn nhắc đến quê hương của anh.
Lâu rồi, Hải mới trầm tư như vậy. Hải cảm giác được một nỗi cô đơn lạnh buốt, sạch sẽ, hoang vắng và cùng kiệt của đêm Sài Gòn. Anh dần bị lôi vào một mớ hỗn độn của ký ức bỗng anh nghe có tiếng của ai đó:
-Cậu trai! Con có chạy xe không?
Hải giật mình. Hải mở mắt ra nhìn xung quanh thấy một cụ bà dáng vấp ngoài bảy mươi nhìn anh với nụ cười hiền lành, Hải thưa:
-Dạ, có thưa cụ!
-Vậy cậu chở cụ về hẻm bảy lăm đường Cách Mạng Tháng Tám.
-Dạ!
Hải nổ máy. Anh chở cụ đi nhưng trong lòng vẫn không sau quên đi ký ức của ngày xưa, nó cứ ám ảnh, cứ níu lấy chân, chập chờn trong suy nghĩ của Hải. Đến nơi, cụ mời Hải vào trong nhà dùng cốc nước chè nóng cụ nấu lúc chiều cho ấm bụng rồi chạy tiếp. Anh nâng cốc chè nóng húp một ngụm nhỏ, ngụm chè chảy đến đâu nỗi nhớ về căn nhà cũ dường như đang dần hiện rõ trước mặt anh. Hải bần thần nhìn ra đầu hẻm một màu đen ơi là đen không một bóng người hay tiếng xe nó giống như trong một bộ phim câm, không biết lòng có buồn không chớ nghe chừng điều gì xa xăm lắm đang khẽ cựa quậy. Bà cụ thấy Hải thẩn thờ trước cốc chè nóng, bà hỏi:
-Cậu trai! Cậu tên gì?
-Dạ cụ! Con tên Hải
-Cậu năm nay bao nhiêu rồi?
-Dạ! con năm nay hai mươi hai.
-Sao mới hai mươi hai mà đã chạy xe ôm không học hành gì hả con. Rồi gia đình con ở mô?
Hải thờ người ra nhìn về phía màn đêm rồi nói:
-Gia đình con ở Quảng Nam. Nhà con có hai mẹ con. Con giận mẹ con bỏ nhà đi được bốn năm nay rồi.
Hải thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi rồi nói tiếp: “Lúc con còn học cấp ba một bữa mãi chơi game bị mẹ phát hiện và đánh đuổi con đi, con giận, con bỏ đi từ đó”. Cụ lại vỗ vai Hải và bảo: “Sao con dại vậy! Dù có sao thì mẹ con cũng đánh rồi la lúc đó thôi, không người mẹ nào đành để con mình một thân một mình ngoài cái xã hội đầy cạm bẫy mà không có mẹ bên cạnh”. Hải nhìn cụ hỏi: “Sao cụ biết”. Bà cười hiền từ đáp: “Vì ta cũng là phụ nữ, cũng từng làm mẹ mà con”. Nghe cụ đáp như vậy trong đôi mắt đen của thằng bé tuổi mới lớn nhường như đang hy vọng điều gì đó xảy ra. Cụ lại bảo: “Con về đi cũng gần tết rồi chắc mẹ con đang rất trông con đấy. Con xa bà ấy khá lâu rồi chắc nhớ lắm đó”. Hải buồn bã thưa: “Dạ”, rồi xin phép cụ ra về.
Hải dầm dề dưới mưa, anh chạy qua từng cơn phố Sài Gòn trong đêm mà không biết mình đi đâu và về đâu rồi thấy mình đứng trước cửa phòng trọ khi nào không hay. Hải bừng tỉnh, anh vuốt những giọt nước mưa nhưng sao thấy ướt hoài có lẽ anh đang khóc. Anh nhìn xung quanh dãy trọ. Dãy trọ lạnh buốt trong đêm cuối năm, không một bóng người. Thế đó, anh mới biết cái lẽ loi, cô đơn khi tết về ở xứ người mà bao lâu nay anh không để ý nó có sức mạnh vô hình đến mức nào.
Hải mang niềm thao thức về mẹ không ngủ được mặc dù ngoài trời đã im lìm trong giấc ngủ không còn nghe tiếng tí tách của mưa rơi. Khoảng không gian ấy thầm lặng trong nỗi buồn nhớ nhà nhớ quê, nhớ mẹ của anh. Bỗng anh thoáng nghe một giọng nói hiền từ của phòng bên cạnh: “Tất cả chúng ta mang hình hài, bóng dáng của hai đấng sinh thành. Mẹ cho ta dòng sữa thơm ngát, nồng nàn, cho ta con tim biết yêu thương và chia sẻ với tha nhân. Mẹ mang nặng đẻ đau, chín tháng mười ngày, mẹ dành tất cả bùi ngọt cho con, dành mọi khổ nhọc, đắng cay phận mình. Cha lo lắng cho ta từng manh áo, miếng cơm, lăn lộn giữa chợ đời muôn lối, bất chấp mọi gian khổ khó khăn, để cho ta cuộc sống ấm no đủ đầy. Này các con! Các con đã bao lâu chưa về nhà thăm cha mẹ mình, nếu các con chưa về hãy thu xếp về đi. Các con hãy thử suy nghĩ lỡ như đến lúc các con về được đến nhà, mở cửa ra không thấy cha mẹ đâu trước mặt các con là một bàn thờ với di ảnh hai đấng sanh thành khói hương còn nghi ngút…”. Hải nghe đến đó lòng nghẹn lại mắt cay lắm.
Hải vật vờ với đêm khuya trong cái tâm trạng rối bời, anh vừa thương vừa nhớ lại vừa không muốn nhớ đến không muốn nghĩ về quá khứ đó. Anh nhớ lại lời khuyên của cụ bà lúc tối. Hải trầm tư. Anh suy nghĩ rồi chậc miệng tự nhủ: “Cũng muốn về lắm chớ nhưng sao khó vậy kìa. Thôi kệ! Mình về đi chớ chắc ở nhà bả cũng buồn lắm.” Nhưng anh khựng lại rồi tự nói: “Ấy chết! Mai ba mươi rồi giờ này còn vé để về hay không?” Nghĩ đến đấy Hải vực mình dậy thu xếp vài bộ quần áo ra bến để còn kịp về với mẹ.
Hải đứng đấy gần nửa tiếng đồng hồ nhưng vẫn không có chuyến xe nào cả. Anh buồn rầu quay lưng. Anh bỗng nghe tiếng ai đó gọi: “Anh gì ơi! Có đi xe không”, không kịp quay đầu anh trả lời ngay: “Có…Có…” Suốt cả chặng đường anh mong mỏi được về lại chốn cũ ấy. Hải nằm trên xe trong đầu anh suy diễn đủ điều, anh nghĩ: “Không biết về đến nhà còn mẹ ở nhà chờ mình hay không hay là như lời Sư thầy trong cái đoạn video ấy nói mẹ đã…”, nghĩ đến đó Hải không dám nghĩ nữa, một nỗi lo sợ trổi dậy trong suy nghĩ của Hải. Hải sợ.
Chiếc xe lăn bánh qua từng tỉnh lị, qua từng cái chợ Hải lại thấy nôn nao mong lắm cái cảnh lại trở về bên mẹ, anh mong được sà vào lòng mẹ để khóc, ôm lấy thân mẹ như ngày còn nhỏ. Hải xuống xe lúc 11 giờ 30 phút đêm ba mươi. Anh bước vội bước vội để về đến nhà kịp lúc giao thừa. Anh vừa bước vừa nhìn xung quanh anh thấy nhà nhà con cháu xung vầy. Anh thấy nào là cây mai, cây đào, chậu quất hay vài cặp bông vạn thọ được trưng bày ở mỗi nhà anh đi ngang qua, anh cảm giác được hơi ấm của gia đình mà bấy lâu nay anh đã thiếu. Hải về đến đầu con hẻm vào nhà nửa muốn vào nửa muốn không, anh cố gắng bước thêm vài bước để thấy căn nhà ngày xưa nay ra sao, anh nhìn thấy ánh sáng lem luốc trong căn nhà, anh vừa mừng vừa lo không biết khi bước vào sẽ ra sao.
Anh tiến gần hơn nữa bỗng thấy bóng dáng của một người phụ nữ gần năm mươi đi ra đi vào rồi nhìn về phía trước nhà như đang ngóng trông ai đó về. Hải tiến gần đến ngõ. Bà trông thấy anh, miệng lắp bắp: “Hải…Hải…phải con đó không?” Hải chỉ biết đứng khóc, lòng anh nghẹn lại không nói lên lời. Hải chạy lạy quỳ gối ôm lấy thân hình gầy gò của mẹ chỉ khóc và khóc. Bà nhìn Hải rưng rưng nước mắt rón rén sờ lên con mình, bà chạm đến từng bộ phạn trên khuôn mặt rồi nói: “Sao con tôi gầy hốc hác vậy? Bấy lâu nay con sống sao? Con đã làm gì để sống..? Bà hỏi rất nhiều. Hải không kịp trả lời. Cả hai ôm lấy nhau rồi khóc. Ngoài kia, thời gian thì điểm giao thừa, ông trời bỗng rơi vài giọt lệ chào đón xuân về và cũng như mừng cho mẹ con họ, bên ngoài xóm làng ai cũng chúc nhau câu “chúc mừng năm mới”. Còn căn nhà nhỏ cuối xóm bây giờ đong đầy cảm xúc vừa buồn lại vừa vui. Buồn thằng bé Hải bỏ nhà đi năm ấy bất hiếu bỏ mẹ một mình chốn quê nhà mà bao cái tết rồi không có Hải bên cạnh; vui bởi tết nay thằng bé Hải nó lại về, nét mặt của người mẹ lại rạng ngời như ngày mới sinh Hải ra đời.
Cuối cùng, thằng bé Hải đã trở về bên mẹ sau bốn năm trốn nhà phiêu bạt xứ người. Hải quỳ bên mẹ nhìn về phía cuối chân trời thầm nói: “Tết này, con còn có mẹ ở bên.”./.
Thích Giác Đạt (Lữ Khách Quê)
Năm sinh: 1994
Chùa Quang Minh, Tân Vinh, Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB