Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Tản văn BIỂN TRỜI TÌNH CHA

121

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Tản văn BIỂN TRỜI TÌNH CHA
MS 064 Văn xuôi

Tôi sinh ra trong một gia đình có sự giao thoa của hai miền văn hóa: quê nội ở vùng biển mặn, còn quê ngoại ở nơi rừng núi xa xôi.

Trước khi cưới, mẹ tôi là một y tá khoa sản, còn ba thì công tác trong ngành mía đường. Sau khi kết hôn, vì nhiều lý do chi phối, mẹ tôi nghỉ ở nhà để quán xuyến gia đình. Lúc này, cơ quan của ba bất ngờ có đợt tinh giảm biên chế, và thật không may khi ông lại rơi vào trường hợp ấy.

Trong giai đoạn thất nghiệp khốn đốn, mấy anh chị em lại lần lượt ra đời càng đẩy thêm một gánh nặng không hề nhỏ về mặt tài chính lên vai của ba mẹ. Ở thời kì cải cách kinh tế – xã hội lúc bấy giờ, nhiều sự đổi thay chóng mặt làm ba chật vật vô cùng để tìm một hướng đi mới. Nếu không có sự hối thúc về thời gian, có lẽ ba đã sống một cuộc đời không quá bão táp. Nhưng tôi hiểu nhân sinh luôn tồn tại hai thái cực: được – mất. Và ở lần chơi này, ba đã quyết định đánh đổi cơ hội gây dựng sự nghiệp để nhanh chóng lao vào kiếm tiền lo cho các con ăn học – sự ưu tiên và cấp bách hiện thời.

Tạm xa gia đình, ba trở về quê để nối nghiệp ông nội làm một ngư dân chất phác. Từ một viên chức nhà nước tay chỉ quen cầm bút, ba gồng mình gắng gượng đương đầu với từng con sóng dữ, chỉ vì hy vọng đem về một cuộc sống an yên cho mấy chị em chúng tôi. Vốn là một chàng thanh niên trắng trẻo thư sinh từng đạt giải Nhì môn Toán toàn tỉnh Khánh Hòa, sau mấy năm ròng rã chài lưới, ba biến mình thành một người ngư dân thực thụ với làn da bánh mật cùng chút dãi dầu ẩn hiện trên từng nét chân chim nơi khóe mắt.

Ngày nhỏ, tôi rất hay mè nheo để được ba vỗ về, an ủi. Mỗi tháng, ba chỉ về nhà sum họp dịp trăng lên. Tôi vẫn nhớ như in cái đoạn đối thoại quen thuộc của hai ba con mà tháng nào trước khi ba ra khơi tôi cũng đều tái hiện:

Khi nào ba về ạ?

Tầm đầu tháng ba sẽ về.

Đầu tháng là ngày 1 đúng không ba?

Ôi con gái, dân biển chúng ta tính đầu tháng từ ngày 1 đến ngày 10 con à.

Không, con không cần biết. Ba đã hứa là đầu tháng, thì ngày đầu tiên của tháng ba nhất định phải về với con!!

Mỗi lúc tôi nhõng nhẹo như vậy, ba lại xoa đầu tôi rồi cười hiền hậu. Có lẽ nếu lúc ấy tôi lớn hơn một xíu, hẳn đã thấy chút xót xa và áy náy thấp thoáng trên gương mặt khắc khổ của ba. Tôi khi đó chỉ đơn thuần muốn có ba bên cạnh chứ chẳng hiểu rằng thực tế ba vẫn luôn dang rộng cánh tay vững chãi che chở cho chúng tôi qua những biến cố cuộc đời.

Ngày tôi tốt nghiệp Đại học, ba còn đang lênh đênh ngoài biển dã. Vì không có đủ điều kiện tài chính, tôi chẳng thể đón được ba vào Sài Gòn để dự lễ và chứng kiến con gái út bé bỏng nay đã trưởng thành trong bộ đồ cử nhân – thứ mà từ lâu ba luôn hằng tâm niệm.

Cuộc đời, có đôi khi nghiệt ngã theo một cách mà bản thân, trong lúc nhất thời, chẳng thể nào chấp nhận. Hai tháng sau ngày tốt nghiệp, trong một chuyến khơi xa, ba đã ra đi và không bao giờ quay về như lời hứa ngày nhỏ nữa. Cơn đột quỵ ập đến bất ngờ giữa muôn trùng biển dã, lúc đêm tối đã kéo đến đen kịt ngoài bầu trời lớn rộng. Tàu viên chẳng cách nào kịp quay vào bờ để đưa ba đi cấp cứu. Cứ thế, giữa màn sương lạnh lẽo và thê lương, ba ra đi trong cô độc khi không thể gặp mặt bất kì ai trong gia đình lần cuối.

Ngày di quan, bầu trời thảm đạm. Tiễn ba trên đoạn đường đất đỏ, nước mắt của tôi như hòa cùng màn mưa trắng xóa và ướt lạnh. Cái thẻ nhớ điện thoại được tôi tỉ mỉ tải rất nhiều bản nhạc trữ tình mà ba thích, vẫn chưa kịp đưa tận tay ba như lời đã hứa. Một triệu đồng trong ví được tôi bỏ ra sẵn sau khi nhận tháng lương đầu tiên, vẫn chưa kịp gửi về để ba đỡ bớt chút khó nhọc. Tất cả tạo nên một sự hối tiếc lớn lao với tôi, bởi tới tận lúc ba mất đi, tôi vẫn chưa hề làm được chút gì cho ba để báo đáp công ơn như trời biển.

Cả cuộc đời ba gần như chẳng có lấy một ngày nào êm ả. Sóng gió và bão táp luôn chực chờ quật ngã ba từng giờ, từng phút. Đôi khi tôi nghĩ, nếu không nhờ vào điểm tựa là tình yêu con vô bờ bến, hẳn rằng ba đã chẳng nỗ lực can trường đến như vậy. Ba bất chấp khó nhọc, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả sự tự do mà nguyện gò bó mình trong một vòng xoáy lao động mệt mỏi. Có lẽ với ba, mọi sự trả giá để đổi lại tiếng cười giòn tan của chúng tôi, đều xứng đáng vô cùng..

Đã hai mùa Vu Lan tôi phải cài một bông hoa màu hồng buồn bã. Tới lúc này tôi mới nhận ra, khi còn được đeo trước ngực bông hoa đỏ thắm thật là một điều may mắn đến nhường nào..

Ba ơi, đời này, con nợ ba một lời cảm ơn và xin lỗi…

—————————-

Tác giả dự thi: Nguyễn Trần Thanh Trúc
Địa chỉ: 71 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3, TP. HCM

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB