Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: TÂM THƯ GỬI ĐỘC GIẢ

136

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: TÂM THƯ GỬI ĐỘC GIẢ
MS 100 Văn xuôi

Quảng Nam, sinh nhật lần thứ 18.

Ba nén nhang trầm con nguyện thành tâm

Tôn kính những ngày ước mẹ hiền ở đời bên con

Và cầu cho cha của con không lo không phiền dù cho

Trần gian sóng gió đời bao giông tố mẹ cha vẫn an lành”

(Trích lời bài hát: Phận Xa Cha Mẹ)

Ba, mẹ hai đấng sinh thành nuôi chúng ta khôn lớn mỗi ngày, là niềm tự hào của mỗi người con khi ta nhắc đến. Thế mà đấng thiêng liêng tự hào ấy với riêng con lại được gói gọn trong chữ “ba” là tiếng gọi từ khi ấu thơ con bập bẹ và theo suốt cuộc đời con. Ba là vầng trăng, ba là bóng mát, ba là con đò, ba là rặng tre, ba là mái nhà,… và với con “ba cũng chính là mẹ”. Ba, mẹ, tiếng gọi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, ta có thể dễ dàng gọi nên. Nhưng để cảm nhận thì mấy ai hiểu hết được công ơn sinh thành dưỡng dục, chiều sâu và bến bờ của tiếng gọi đó.

Ba à!

Với cô con gái nhỏ của ba. Ba là ánh bình minh, mỗi sớm thức dậy con luôn thấy khuôn mặt và nụ cười rạng rỡ của ba, luôn giúp con cảm nhận được năng lượng tươi tốt của một ngày mới. Làm về mặt ba đỏ rực như ông mặt trời giữa trưa, khắp người toàn là mồ hôi. Nhưng ôi sao, yêu ông mặt trời này quá, ông luôn mang đến sự bình yên và ấm áp. Ba cũng là hoàng hôn rực rỡ trên quê nhà và con chính là hoàng hôn trên lưng ba, băng qua những ngọn cỏ mây dọc con đê về ngôi nhà nhỏ đầy ắp tình thương của ba dành cho con. Con thương ba lắm, con nhớ ba vất vả cả ngày ngoài đồng thế mà tối về vẫn cặm cụi dán chiếc diều bằng giấy báo để con thả cùng mấy bọn tụi nhỏ chăn trâu. Mới tối vui mừng đó mà hôm sau con lại hờn dỗi ba rồi. Trách ba vì con diều của ba không bay được, không sịn sò, đẹp đẽ, đầy màu sắc như tụi kia,… bị tụi nó treo ghẹo cười khanh khách, khiến con khóc lóc lôi con diều cụt đuôi về mắc với ba. Ba còn nhớ?  Búp bê con thích ba mua cho con chơi, ba tỉ mỉ may từng chiếc váy nhỏ xinh xinh cho búp bê dưới ánh sáng của bóng đèn trái ớt mập mờ xuyên qua vách tranh. Ba nhớ không ba ơi!… Ba khéo tay vô cùng, mọi chuyện trong nhà một tay ba quán xuyến tất cả, với con, ba như một vị siêu nhân, một vị anh hùng. Mọi thứ từ nấu ăn, giặc giũ, dọn dẹp, trồng rau nuôi cá,…ba đều làm tất và việc của con chỉ cần làm một cô công chúa ngoan ngoãn của ba thôi.

Lớn lên một tí, khi con bắt đầu hiểu chuyện hơn, ba bày con làm mọi việc trong nhà và dẫn con theo ba ra đồng. Cứ nghĩ ba hết thương con, ba không muốn con làm công chúa của ba nữa, nhưng không vì ba thương con và ba muốn con tự lập sau này dù ở bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào. Những việc đó con làm rất nhanh và giỏi vì luôn có ba chỉ con tận tay từng li, từng tí. Ba thương mến, người mang màu hồng đến với cuộc sống của con. Lớn thêm một chút nữa ba thường xuyên dẫn con đến chùa chơi và gửi con lại nơi đây. Lúc đầu con vui lắm ba ạ, con thích vô cùng ở chùa rất mát, rất đẹp, có rất nhiều cây, hoa, lá và đặc biệt có rất nhiều tượng Phật rất to, đẹp. Nơi đây con còn được các cô bày hát, bày đọc kinh, lạy Phật, trồng hoa quét lá, con thích lắm. Nhưng thời gian càng về sau con ở chùa càng nhiều, lúc này con ít có gặp được ba, con buồn lắm, con nhớ ba. Con thích về nhà, con không thích ở chùa nữa, con khóc nức nở nhiều ngày trong sự thương yêu, dỗ dành của các Sư cô. “Ba đến đón con về đi, con chỉ muốn ở với ba, con không thích nơi đây nữa”. Biết nỗi niềm của cô con gái nhỏ, ba đến dắt tay con ra khỏi chùa, con chào các Sư cô về trong niềm vui và hạnh phúc ngập tràn, ba con thương con lại rồi, con sẽ được về bên ba. Bàn tay bé nhỏ của con lại được ba nắm chặt trên từng bước, theo lối nhỏ đi qua những con đê. Nhưng lần này ba không dắt con theo lối cũ về nhà nữa, mà ba dắt con ra mộ mẹ. Ngồi nơi đây con cũng thấy bình thường như bao lần khác viếng mộ mẹ mà ba hay dẫn con đi. Lần này ba ngồi thỏ thẻ với mẹ một hồi lâu rồi gọi con sang hỏi: “Con biết mộ mẹ con chứ ?”, “Dạ vâng ạ, ba bảo mẹ đã về Tây Phương rồi cơ mà”. Ba ôm chầm lấy con kiểu sao con bé nó vẫn cứ ngu ngốc như đứa trẻ lên ba thế nhỉ. Rồi ba kể: “Ba và mẹ có một tình yêu gọi là trường tồn vĩnh cửu, chỉ là không thể hiện và chăm sóc nhau suốt đời được. Khi sinh con khó chỉ có thể giữ lại một mẹ hoặc một con, lúc ba chưa kịp quyết định vì ba không thể chấp nhận được, cứ nghĩ không có mẹ làm sao mà ba có thể sống tiếp. Nhưng mẹ con đã quyết định thay ba và chính nhờ con, nhờ tiếng khóc “a- oa- e- oe” của con mà ba đủ dũng cảm sống những ngày không có mẹ. Và con hiện tại chính là động lực của ba. Ba nói trong sự đau đớn, thương nhớ mẹ. Ba muốn con vào chùa vì đó là mong ước của mẹ con, nhưng chính sự ích kỹ của bản thân ba, mà ba giữ con lại riêng bên cạnh mình để làm động lực sống. Nhưng con biết đó, mẹ đang đợi ba ở bên kia, và ba không thể sống mãi với con được. Giống như mẹ đã không cùng chúng ta sống đến bây giờ. Nhưng trong lòng ba có mẹ và trong lòng con có mẹ. Và mãi sau này trong lòng chúng ta có nhau. Sức khỏe ba hện tại không tốt, ba không chắc mình sẽ chăm sóc con được bao lâu, và không biết ở cùng con bao nhiêu năm nữa nhưng chắc chắn tình yêu ba dành cho con vĩnh cửu như tình yêu ba dành cho mẹ vậy”.  Vì vậy con nghe lời ba nhé: “Về chùa đi con- đó là môi trường tốt, ở đó các Sư cô sẽ dạy con cách làm người mà ba sợ mình đang dạy dở dang, các cô sẽ giúp con, bày con cách vượt qua các nỗi đau, sợ hãi mà ta đang đối mặt. Ba tin chỉ nơi đó con mới có thể sống tốt và trưởng thành một cách bình an trong tâm nhất”. Con gái ngoan nghe lời ba con nhé: “Về chùa đi con” một lần nữa ba nhấn mạnh đầy kiên quyết. Liên tục lắc đầu đáp trả: “Con không muốn về chùa, con muốn sống với ba, ở ngoài mọi người vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc đấy thôi. Con sẽ học thật tốt con sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho ba, để ba khỏe mạnh sống mãi với con,.. con chỉ muốn sống với ba”  mỗi tiếng nói càng ngày càng to, con càng nức nở nghẹn lời. Con òa khóc xòa vào lòng ba như một lực hút không có gì ngăn cản nổi và không gì có thể tách ra được. Con cảm nhận được cái ôm của ba dành cho con càng lúc càng chặt. Ba lau nước mắt, dỗ con nín rồi cõng con trên lưng về lại nhà. Mặc dù ba không từ bỏ ý định khuyên con đến chùa mỗi ngày.

Ba à!

Con không hỏi mẹ, không nhắc về mẹ không phải con không nhớ mẹ, không yêu mẹ, không phải con mãi trẻ con không hiểu chuyện. Mà thật sự, tất cả con đã được biết hết rồi, tụi nhỏ chăn trâu ngoài đồng ngày nào gặp con mà không nói thẳng vào mặt con: “Mày là đứa không có mẹ, tại mày mà bố mày không có thêm vợ, tại mày mà mẹ mày chết,…” nhiều lần giận dữ chạy về muốn hỏi ba nhưng chưa kịp hỏi thì lại thấy ba cầm ảnh mẹ thỏ thẻ rồi rơi lệ, con thấy nỗi đau này đau hơn nỗi đau ngoài kia. Không muốn ba buồn nên con tiếp tục trở lại đứa trẻ ngay thơ, hồn nhiên, là cô công chúa đáng yêu, ngô nghê của ba. Nhưng càng lớn nỗi đau càng thấm thía và sâu hơn ba ạ. Hồi ức về ba, con còn nhớ như in, từ sau cái ngày ba để lại con để về với mẹ. Hồi ức đó nó cứ ùa về khiến cho đôi chân của một đứa trẻ đang chập chững trưởng thành bước vào đời sắp không trụ vững. Một nửa nhìn lại phía sau không một người thân, một nửa đẩy cánh cửa cuộc đời bằng chính đôi bàn tay nhỏ bé đón bao sóng gió phía trước. Đấy là ba mất mẹ, mẹ cũng gửi con lại cho ba. Giờ ba cũng đi theo mẹ, một mình con giữa cuộc đời này sao con bước tiếp nỗi ạ. Một bước con nhớ ba, một bước con nhớ mẹ, một bước con lại thấy mình lạc lõng vô cùng, cuộc sống này phải chăng quá bất công với con. Nỗi đau này đã nhiều năm mà cứ ngỡ như vừa hôm qua.

Ba ơi!…

Theo như mong ước của ba mẹ trước lúc về cạnh nhau thì giờ đã thành hiện thực rồi, hiên giờ con cũng ở chùa được bốn năm. Với mọi người một giây có thể làm quen với tiếng kinh, hai giây làm quen với tiếng mỏ, nhưng con lại mất gần bốn năm để làm quen với tiếng chuông chùa ba ạ.

“Nghe tiếng chuông chùa, vang vọng chiều nay, con nhớ cha già nhớ mẹ hiền ở tận quê xa”

(Trích lời bài hát: Phận Xa Cha Mẹ)

Mỗi lần tiếng chuông rung lên con như đau đến tận tâm can, mọi người có thể về thăm ba, thăm mẹ một năm một lần, hai năm một lần hay vài năm một lần,… khoảng cách có thể xa 10km, 100km, 1000km,… nhưng chắc chắn mọi người vẫn có thể gặp được ba mẹ. Còn gia đình mình, chỉ cách nhau mỗi một vách ngăn gọi là vô thường vậy mà mãi mãi chẳng thể nào gặp lại.

Con ở chùa ban đầu có khó hơn các Sư tỷ muội rất nhiều nhưng dần thời gian cũng giúp con giác ngộ được nhiều điều hay. Ở đây các Sư phụ và huynh đệ luôn dạy dỗ, thương yêu, chăm sóc con rất nhiều. Các Sư bảo, sau này con có thể tự quyết định tương lai của mình. Bốn năm qua, thời gian không quá ngắn cũng không quá dài, nhưng đủ để con có thể tập làm quen, tìm hiểu và học tập mọi thứ. Và kinh kệ con cũng học được rất nhiều nhờ những bài dạy của các Sư truyền dạy theo Kinh Đức Phật. Con hiểu rằng, con chỉ có thể về nương tựa Phật – Pháp – Tăng, ba ngôi Tam Bảo vững chải, niềm tin không bao giờ lung lay dù có biến cố gì xảy ra với cuộc đời của con đi nữa. Con cũng dần hiểu được vô thường của cuộc đời, những nỗi khổ con trải qua chỉ là những nỗi khổ của thể xác, tinh thần nó chợt đến rồi chợt đi, không có gì có thể làm con đau khổ suốt cả cuộc đời được. Con yêu màu hồng mẹ ba đã dành tặng cho con, nhưng rồi nó cũng ngã màu rồi lụi tàn theo năm tháng. Vì vậy con sẽ tìm đến màu vàng vĩnh cửu của Phật Pháp, là ánh hào quang xoá tan đi mọi phiền não và u mê của đời mình.

Con sẽ mạnh mẽ theo như cách của mẹ đã đưa con đến thế giới này, và kiên quyết theo cách của ba đã dạy dỗ con từ những ngày lọt lòng đầy khó khăn, gian khổ. Và chính con sẽ viết tiếp cuộc đời của mình ở những năm tháng còn lại. Thời gian qua con đã cố gắng mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đủ. Đây là lúc con đưa ra quyết định đúng đắn. Con không muốn đi vào vòng luân hồi khổ đau của cuộc đời này nữa, với mong muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người đó là điều rất tốt là động lực giúp con học tập xuất sắc trong cả thời học sinh của mình, nhưng mãi mãi con chẳng thể nào chữa được bệnh từ sâu trong tâm mình. Vì vậy con sẽ gác lại mong muốn đó để thực hiện ước mơ tìm lại chính bản thân mình, và giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn về mặt tinh thần. Ba, mẹ yên tâm nhé con gái ba mẹ đã trưởng thành rồi, con sẽ không vì nhớ ba mẹ mà khóc ầm lên như thuở xưa, con sẽ nhớ ba, mẹ theo cách riêng của con. Tinh cha, huyết mẹ giúp con có hình hài này và ít nhiều gieo cho con hạt bồ đề Tâm, Tâm hướng chùa, Phật Pháp,… và con đủ duyên đã là đệ tử của Phật của Sư. Con sẽ mãi khắc ghi công ơn này. Con xin hứa với ba mẹ ở tuổi thứ 18 này, con sẽ tinh tấn tu tập, công phu, công quả,… học theo Tứ Vô Lượng Tâm của Đức Phật, và nhiều Đức hạnh cao quý của Ngài trước để giúp mình, sau giúp đời.

“Có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Cha Mẹ”

Tinh cha, huyết mẹ 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau còn điều gì ý nghĩa và thiêng liêng hơn thế. Chỉ xin rằng nếu còn ba, còn mẹ xin đừng làm ba mẹ buồn, ba mẹ khóc. Hãy yêu thương ba mẹ khi còn có thể, cuộc sống là vô thường nên ta đừng hứa và đừng đợi báo hiếu ba mẹ ở tuổi xế chiều. Đừng để đến lúc mất hai đấng sinh thành mới biết mình mất cả thế giới, hối hận cũng muộn màng. Xin nhớ rằng: “Cha mẹ tại tiền như chư Phật tại thế”.

                                                                                         ——————————–

Tác giả dự thi: Phạm Thị Yến Bưởi
Địa chỉ: Xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB