Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: “Nhật ký của con” của tác giả Nguyễn Thị Ngọ

49

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi :  NHẬT KÝ CỦA CON

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọ (Nhuận Thời)

Mẹ ơi !

Đó là tiếng gọi mà ngày qua ngày miệng tôi luôn gọi từng giờ, từng phút rồi từng giây. Ngay cả trong giấc mơ tôi vẫn mơ thấy mình gọi mẹ. Cuộc sống của tôi đều là bàn tay mẹ chăm lo từ nhỏ đến lớn.

Mẹ tôi chỉ là người làm công quả ở chùa nhưng những đồng tiền mẹ và cậu đều lo cho tôi học hành, cho cuộc sống của tôi. Mẹ cũng chạy ngược chạy xuôi vất vả, đổ mồ hôi để kiếm thêm nhiều việc làm với mong muốn lo cho con mình đầy đủ hơn.

Nhà tôi nghèo, mẹ và tôi đều nương nhờ cửa chùa và được sư thầy lo cho ăn học, có được một cuộc sống ấm no đong đầy tình yêu thương của mọi người xung quanh.

Hồi cấp 1 có lần cô giáo cho bài tập về nhà, đó là bài kiểm tra “Em hãy kể một kỉ niệm về cha mà em nhớ nhất” . Bài làm của tôi chỉ duy nhất có 4 chữ: “Em không có cha”. Với khả năng của tôi, tôi hoàn toàn có thể bịa ra một bài văn có điểm số cao, với những kỉ niệm, những hồi ức đẹp đẽ. Nhưng làm như thế để làm gì, khi kỉ niệm về cha trong trái tim tôi chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Tôi là một đứa trẻ không cha và tôi biết điều này từ khi còn bé xíu, khi trong những cuộc tranh cãi, lũ bạn đều trêu chọc tôi bằng một câu “Đồ con hoang”. Khi tôi nói vài câu hỗn láo hay làm gì không vừa mắt người lớn, họ đều nói: “Đúng là con không cha có khác”. Với suy nghĩ của tôi lúc đó, không có cha là một điều xấu xa, đáng khinh bỉ. Ai cũng có thể lấy điều đó ra để chọc ghẹo tôi, để trêu tức tôi, để chửi mắng tôi.

Tôi đã thèm biết bao khi thấy đứa trẻ hàng xóm mỗi chiều chạy ào ra cổng đón cha, rồi được cha nhấc bổng lên ngồi chễm chệ trên vai. Tôi thèm được cha cõng đi chơi, thèm có người để vòi vĩnh mua bóng bay, mua kẹo. Cảm giác đó, tôi chưa bao giờ có được.

Và mọi thèm khát hờn dỗi trẻ con ấy tôi đem trút cả lên mẹ. Tôi làm mình làm mẩy, tôi giận mẹ. Tại sao những đứa trẻ khác có cha, mà tôi không có? Tôi nhớ năm tôi lên bảy tuổi, mẹ tôi hỏi “Sinh nhật con thích mẹ mua cho con cái gì?”. Tôi trả lời: “Con muốn có cha”. Mẹ trân trối nhìn tôi, rồi ôm tôi vừa khóc vừa nghẹn ngào xin lỗi. Sau này, khi lớn lên, tôi nhận ra có rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh giống tôi và thậm chí là đáng thương hơn tôi, luôn thèm khát được gọi một tiếng “cha”, luôn muốn được ôm ấp vỗ về bởi một vòng tay rộng chắc nhưng đó chỉ là ước mơ mà không bao giờ thành hiện thực.

Nhưng mà may mắn thay, duyên số đã cho tôi có người cha thứ 2 chính là Sư phụ – là người dạy bảo, quan tâm lo lắng cho tôi những lúc tôi khó khăn hay thiếu thốn.

Có lẽ là cả mẹ và tôi đều không may mắn vì sống trong thời mà những quan niệm về trai gái và hôn nhân còn rất khắt khe. Thời mà việc một người phụ nữ “không chồng mà chửa” là một chuyện tày đình. Thời mà một đứa trẻ chào đời không có tên cha trong giấy khai sinh là một điều đáng hỗ thẹn. Tôi đã không biết mẹ tôi đã phải quỳ gối suốt đêm dưới nền đất lạnh để xin bà ngoại tha thứ. Mỗi khi ra đường phải dùng nón che kín mặt để bớt nghe những tiếng dị nghị dèm pha. Tôi đã không biết mẹ phải chịu đựng bao nhiêu tủi cực để có thể sinh ra tôi và một mình nuôi tôi khôn lớn. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ biết hờn trách mẹ, giận dỗi mẹ và làm nỗi đau trong lòng mẹ như bị khoét sâu hơn.

Vậy nên với tôi, người đàn ông ấy không bao giờ xứng đáng được tôi nhắc đến, không bao giờ để tôi có thể cất một tiếng  gọi “Cha” thật lòng. Cuộc sống, rất đáng buồn lại có rất nhiều những người cha như thế. Những con người không hề nghĩ đến trách nhiệm, không hề nghĩ đến những những đứa trẻ khi ra đời sẽ sống ra sao, rồi gia đình họ sẽ như thế nào…

Có lẽ do những ám ảnh từ thuở bé thơ nên tôi rất nhạy cảm với cụm từ “làm mẹ đơn thân”. Có những người làm mẹ đơn thân vì bất đắc dĩ, cũng có người là do lựa chọn của bản thân. Và phụ nữ ngày nay đã đủ mạnh mẽ, giỏi giang để có thể một mình nuôi con mà không cần có người đàn ông bên cạnh. Nhưng tôi vẫn nghĩ không ai có thể thay thế vai trò của một người cha thực thụ trong trái tim của những đứa con.

Như ngày tôi còn bé thơ thì bây giờ, dù cuộc sống vẫn còn rất nhiều thiếu thốn nhưng tôi chẳng thèm gì cả mà chỉ muốn có một người cha thực thụ. Thậm chí tôi đã nghĩ sẽ đánh đổi hết tất cả những gì tôi có chỉ để có cha dù chỉ một ngày.

Nguyễn Thị Ngọ (Nhuận Thời)

Năm sinh : 2003

Nghề Nghiệp : Học sinh

Chùa Tiên Mỹ, thôn 5, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB