Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: LẶNG
MS 092 Văn xuôi
Nắng lùa qua khe cửa, rọi thẳng vào cái lư hương đang nghi ngút mùi trầm hương. Bất giác tôi thấy nhớ ba quá. Có những nỗi nhớ thương cứ dâng đầy ở khối cơ mềm oặt nơi ngực trái mà chưa một phút giây nguôi ngoai. Tôi nhớ cả khoảng thời gian ấy. Khoảng thời gian ba chống chọi với căn bệnh mà nghe cái tên thôi đã phải rùng mình vì sợ hãi – Ung thư.
Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: “Khoảnh khắc nào khiến bản thân mình thay đổi?”. Tôi sẽ trả lời ngay đó là giây phút ba nhắm mắt xuôi tay mà không một câu chào tạm biệt. Ba đi trong vô thức với khối u cứng ngắc ở bụng. Sau những chuỗi ngày gắng gượng chiến đấu, cuối cùng, ba cũng không thể thắng nổi số phận. Tôi chênh vênh giữa cuộc đời. Ngày hôm là một ngày cuối tháng Sáu đầy nắng. Năm ấy, tôi 18 tuổi.
Ngày ba bắt đầu có những triệu chứng của bệnh, ba không dám đi khám. Vì ba sợ, ba sợ mình bị bệnh rồi khiến cho cả nhà phải lo lắng. Ba sợ chúng tôi sẽ mất đi chỗ dựa vững chắc nhất, sợ các con của mình sẽ suy sụp. Ba mặc cho gia đình khuyên răn, mặc cho chúng tôi có nói ba như thế nào ba vẫn nhất quyết không chịu đi. Rồi đến một ngày, những cơn đau hành hạ ba ngày một nhiều hơn, ba đành bỏ mặc đằng sau những lo sợ kia. Ngày phát hiện bệnh, cả gia đình giấu ba, và giấu luôn cả tôi. Vì lúc ấy, tôi đang ở năm cuối cấp, đang chuẩn bị đối mặt với kỳ thi đại học. Phác đồ điều trị của ba đã sẵn sàng đâu vào đấy. Dường như không có việc gì qua mắt được ba. Còn tôi thì vẫn ngây thơ tin lời gia đình nói rằng ba chỉ đang ở giai đoạn 1, chỉ cần chữa là sẽ kéo dài, ít nhất là được 5 năm. 5 năm, ít ra tôi còn có thời gian để chuẩn bị một phần nào tâm lý trước cú sốc lớn như vậy. Ba biết mình đang mang trong mình “bản án tử hình”, nhưng ba vẫn hy vọng rằng ngày mai, “bản án” đó biết đâu lại được Đấng thượng đế tối cao xét xử và xóa bỏ thì sao. Ba luôn đón chào ngày mới bằng một nụ cười sảng khoái nhất. Và mỗi lúc như vậy, đứa con gái út này của ba lại thấy nghẹn ở trong lòng.
Ba là một Kỹ sư giỏi, chinh chiến mấy chục năm trên thương trường, nay lại phải ở một chỗ, quanh quẩn chỉ có thuốc men, ống kim, dây nhợ làm bạn. Tôi biết ba rất mệt. Ven ba dần dần khó lấy hơn vì những lần vô thuốc. Có đôi lúc tôi thấy bác sĩ phải lấy ven ở trên đầu, rồi ở cổ,… Mỗi lúc như thế tôi chỉ biết nhắm nghiền mắt. Ba nhìn con rồi cười: “Có sao đâu mà sợ, như kiến cắn thôi con.” Rồi cũng nụ cười đó, làm tôi suýt nữa không cầm được nước mắt trước mặt ba. Tôi còn nhớ ngày ba ở Sài Gòn về sau đợt hóa trị lần 1, lúc thấy ba tôi đã phải chựng lại đôi ba giây. Ba nhỏ con, nay lại gầy đi nhiều quá. Mái tóc xoăn của ba cũng không còn nữa. Thay vào đó là mấy cọng tóc còn sót lại dưới cái mũ lưỡi trai kia. Vô thuốc đợt 2, đợt 3, ba kiệt sức… Ba chỉ còn lại vỏn vẹn 37kg. Bác sĩ bảo nếu không đủ 40kg thì thôi không cần vô thuốc đợt 4 vì không đủ sức. Nghe vậy ba sợ, mỗi sáng ngủ dậy việc đầu tiên ba làm là bước lên bàn cân. Ba lên được 2 lạng, 3 lạng, rồi lại sụt 0,5kg. Ba hụt hẫng. Tôi sợ ba nản, nhiều khi phải len lén nhích chiếc kim qua một tí. Những lúc như vậy tôi chỉ biết an ủi ba: “Ba cố ăn vô ba, ăn để mà còn có sức để còn dẫn con đi thi Đại học nữa.” 3 tháng nằm trên giường bệnh, ba sắp xếp những việc còn dở đâu vào đấy. Ngày tôi đi thi Đại học, ba không dẫn tôi đi thi được, nhưng ba không quên điện chúc tôi làm bài tốt.
Rồi cũng phải tới lúc bệnh viện cho ba về nhà… Dây oxy gắn vòng qua mũi ba. Đôi lúc dây lệch ra, ba lấy tay chỉnh lại. Có như thế mới biết, giây phút đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ba của tôi mới kiên cường như thế nào. Ba còn tỉnh táo đến nỗi dặn dò mọi thứ. Ba dùng chút sức lực cuối cùng khẽ giơ cao 4 ngón tay là 4 chị em tôi. Ba dặn 4 chị em phải sống thật tốt, phải chăm sóc mẹ thật tốt. Ba nói: “Đến bây giờ ba vẫn không hối tiếc điều gì. Ba luôn cố gắng đến giây phút cuối cùng. Nhưng trời kêu ai nấy dạ, ba chỉ đi cùng tụi con tới đây thôi. Nhớ là, ba mất thì không được khóc, để ba còn ra đi thanh thản.”
Rồi từ đó ba rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Ba hôn mê được mấy ngày, rồi mất. Đó là lần cuối cùng tôi được ở bên cạnh, nhìn thấy ba. Ba mất sau 4 tháng kể từ ngày phát hiện bệnh. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước, nhưng 4 tháng, thực sự quá ngắn ngủi để chúng tôi chấp nhận và đối diện với nỗi mất mát quá lớn ấy. Tôi chẳng thể nhớ chị em tôi lúc đó như thế nào, tôi chỉ nhớ lúc ấy chúng tôi như mất đi một nửa linh hồn. Cũng không còn đủ sức để khóc…
Chiếc lá sau vài ngày gắng gượng trước bão giông cuộc đời, chỉ cần một cơn gió thổi nhẹ thôi cũng rơi tõm. Cuộc đời dù rất thật, vẫn mong manh như úp lật bàn tay. Dù có níu giữ thật chặt, ba cũng vuột khỏi tay mẹ con tôi như thế. Ba đi, đi xa lắm. Đi đến một nơi mà chúng tôi không thể nhìn thấy được nữa. Ở nơi đó, không biết ba có nhìn thấy chị em tôi không. Ngày ba đi, là ngày tôi biết mình chẳng thể nghe tiếng đáp khi gọi hai tiếng: “ba ơi”. Là ngày tôi biết mình sẽ phải cứng cỏi và rắn rỏi hơn nữa.
Cuộc sống vẫn trôi, có nhiều lúc tôi thấy bất lực trước cuộc sống, gặp phải những khó khăn cũng như rất nhiều điều khiến tôi mỏi gối chùn chân, những lúc như thế tôi cần lắm một lời khuyên hay động viên từ ba. Hay những lúc bế tắc, những lần phải chịu những uất ức trong cuộc sống, tôi chỉ ước giá như còn có ba bên cạnh. Nhất định, ba sẽ không bao giờ để ai khiến con gái ba phải chịu thiệt thòi.
Đã gần bốn năm, giờ nhìn lại thực sự không biết tháng ngày đó tôi đã vượt qua bằng cách nào. Tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều, từ suy nghĩ cho tới hành động. Làm việc gì cũng để ý trước sau. Có lẽ đứa con gái út lúc nào cũng dựa dẫm vào ba biết rằng từ hôm nay trở đi sẽ không còn ba nắm tay bước trên con đường đời nữa. Rồi tôi cũng phải học dần cách phải tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, tự đi trên đôi chân của chính mình. Tôi luôn tự động viên bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa, và cũng bởi chính sự kiên cường chiến đấu của ba, tôi không cho phép bản thân mình yếu đuối.
Tôi của bây giờ, trưởng thành qua năm tháng mà không có ba bên cạnh. Giá mà cuộc sống này có cơ hội để tôi được ở bên ba lâu hơn một chút nữa. Giá mà ba được nhìn thấy tôi của bây giờ và sau này. Giá như ba sống lâu hơn, để chị em tôi được báo hiếu như những người con khác. Nhưng cuộc sống này phù phiếm lắm. Làm gì có thể tồn tại hai chữ “giá như”.
Cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi được là con của ba. Cảm ơn ba mẹ vì tất cả những gì ba mẹ đã đem đến, hành trang ấy thực sự quá chắc để chúng tôi đủ vững vàng bước vào đời. Trên mỗi chặng đường mà tôi sắp đi qua, tôi tin, ba vẫn luôn ở đằng sau theo dõi và ủng hộ. Với chị em tôi, ba luôn là chiến binh dũng cảm nhất, là niềm tự hào lớn lao nhất, là người ba vĩ đại nhất trên thế giới này! Nếu có kiếp sau, tôi vẫn nguyện làm con của của ba, một lần nữa!
Cuộc đời này vốn dĩ có những điều không thể đoán định trước được. Có những giây phút tưởng chừng như chúng ta là người hạnh phúc nhất, nhưng rồi cũng sẽ có những khoảnh khắc mà chúng ta phải trải qua những nỗi đau, những mất mát không nguôi. Dẫu có như thế nào, chúng ta hãy học cách chấp nhận và bình tâm đối diện. Tất cả mọi thứ, rồi sẽ về đúng theo quỹ đạo của nó.
“Hãy cảm ơn tất cả những gì đã diễn ra xung quanh cuộc sống này. Hãy cảm ơn ngay cả số phận đen đủi nhất, hãy cảm ơn tất cả mọi thứ và hãy cảm ơn tất cả những giọt nước mắt đau khổ của bạn. Bởi vì khi bạn còn khóc tức là bạn còn sống. Bạn đang sống tức là bạn đang hạnh phúc. Bởi vì rất đơn giản, con người ta sinh ra không phải để chết.”
——————————–
Tác giả dự thi: Phan Thị Thanh Thúy
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB