Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: GIỌT NƯỚC MẮT ĐẦU TIÊN CỦA BỐ!

199

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: GIỌT NƯỚC MẮT ĐẦU TIÊN CỦA BỐ!
MS 093 Văn xuôi

Người ta hay bảo với nhau rằng, thân là đấng nam nhi, không được để giọt nước mắt của mình tùy tiện tuôn rơi. Thế nhưng, khi nước mắt của người đàn ông rơi xuống ắt hẳn có bao nhiêu là cảm xúc vỡ òa. Từ bé đến lớn, trải qua rất nhiều chuyện, đau lòng có, hạnh phúc vỡ òa có nhưng chưa khi nào con thấy bố khóc. Ấy thế mà, lần ấy – lần đầu tiên và là duy nhất cho đến tận bây giờ con chứng kiến bố rơi lệ. Đó vẫn là ký ức khắc khoải trong tâm trí con cho đến tận bây giờ – ngày bố đưa con vào thành phố nhập học…

Thi đại học – cuộc thi trọng đại của một đời người. Năm ấy, trên khắp các mặt báo, các bài viết trên facebook, đâu đâu cũng ngập tràn hình ảnh các thí sinh đi dự thi. Đâu đó ngoài cổng trường là hình ảnh các bậc cha mẹ đứng chờ con của họ hoàn thành bài thi. Đập vào mắt con, là hình ảnh một người bố ôm lấy cô con gái bé nhỏ mà vỗ về an ủi, động viên và chúc mừng. Trong không khí yên ắng, bỗng vang lên vài tiếng nấc nghẹn ngào – của con. Tủi thân và ganh tị khi con không được nếm trải cảm giác đó. Khoảng thời gian ấy bố bận rộn với công việc. Không đưa con đi thi, không đón con trở về, và cũng ít dần đi những câu động viên con thi tốt. Những ngày thi đều là những ngày tự đến trường, hoàn thành bài thi lại một mình lủi thủi ra về trong quang cảnh xung quanh là bạn bè đồng trang lứa được bố mẹ đứng chờ và hỏi thăm động viên. Con giận bố, thật nhiều! Bố vốn là người khó tính và nghiêm ngặt. Tuổi thơ con luôn gắn liền với những trận đòn của bố. Trước kia, sợ bố bao nhiêu thì bây giờ lại càng giận bố bấy nhiêu. Khoảng cách giữa con và bố, có lẽ…xa thêm một ít! Thế là quyết định vào Sài Gòn để theo đuổi học vấn, theo đuổi một cuộc sống tự do không có bố mẹ chăm quản.

Ngày nhập học cũng đến, con thu xếp hành lý vào Sài Gòn xa xôi, có cả bố đi cùng. Sài Gòn hôm ấy nắng đẹp, trời trong xanh đầy hy vọng. Thủ tục nhập học đã xong, chỗ ở cũng đã ổn định. Bố cũng phải về quê, để tiếp tục những công việc còn dang dở. Vẫn còn chưa quên được cảm giác chơi vơi một mình trong những ngày thi đầy áp lực, bản thân vẫn giận và oán trách bố nhiều lắm. Ấy thế mà khoảnh khắc bố đi, con tiễn bố ra cửa, bao nhiêu cảm xúc trực trào. Bố ôm con vào lòng, xoa đầu con đầy dịu dàng không quên dặn dò con nhớ học tập tốt và giữ sức khỏe khi không có bố mẹ ở bên.

“ Bố Khóc! “

Khi ấy, mọi sự mạnh mẽ cứng rắn trong người đàn ông kia chính là một bức tường – đang – sụp – đổ.  Lần đầu tiên, con chứng kiến bố khóc. Có thể người đang đứng trước mặt con khi ấy đã khóc nhiều lần, nhưng đều là không để ai nhìn thấy. Còn lúc ấy, là trước mặt con, bố rơi nước mắt, vì con!

“ Giọt nước mắt đầu tiên của cha

   Giọt nước mắt vỡ òa cảm xúc

   Con thương cha biết mấy cho vừa. “

Trong giây phút ấy, cảm xúc trong con là một mớ hỗn độn. Giận hờn? Có. Tủi thân? Có. Xúc động? . Hối hận? Có. Dường như con đang trải qua tất cả các khung bậc cảm xúc. Con tự trách chính mình vì đã từng oán trách người đã sinh thành, nuôi nấng, lo lắng cho con suốt thời gian qua. Hóa ra bố cũng chỉ là người bình thường, có những lúc yếu đuối như thế. Bấy giờ con mới thấu hiểu hết, mới nhìn nhận lại những điều từ bé nhỏ đến vĩ đại nhất để biết rằng người mà mình gọi một tiếng Bố thiêng liêng kia thực ra rất vụng về trong cách thể hiện yêu thương. Kí ức của con luôn là những lời mắng la, những trận đòn của bố mỗi khi con lầm lỗi. Con sợ bố, xa cách với bố. Trong thế giới quan ấy, chưa lúc nào con nghĩ sẽ có khoảnh khắc đứng trước mặt con bố dịu dàng và rơi lệ. Phải dâng trào cảm xúc đến mức nào để bố không thể kiềm nén nước mắt tuôn rơi?

Đã hai năm rồi, kể từ ngày hôm ấy. Cuộc sống tự lập xa nhà giúp con nhận ra nhiều thứ thật quý giá và đáng trân trọng. Không còn là cô nhóc dại khờ nữa, thay vào đó là cô sinh viên 20 tuổi đầy trưởng thành. Thế giới quan của con có những sự thay đổi lớn, trong đó tình cảm của gia đình là thứ có lẽ thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ của con. Con trân quý gia đình hơn, yêu bố nhiều hơn, chịu thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn. Khoảnh khắc ngày hôm ấy có lẽ là bước ngoặt lớn, thay đổi cách nhìn trong con rất nhiều. Hình ảnh giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bố luôn luôn khắc khoải trong tâm trí con, đánh vào tim can con những nhận thức khác hẳn đi. Sau này, trong những cuộc gọi hỏi thăm con hay được bố gọi một cách trìu mến “ con gái yêu “ càng khiến con thêm thương bố nhiều. Khoảng cách năm xưa, tự bao giờ đã được rút ngắn…

——————————–

Tác giả dự thi: Liên Nga – Trần Huyền Linh
Địa chỉ: 434/28A Bình Quới phường 25 quận Bình Thạnh Tp HCM

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB