Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: GIA ĐÌNH TÔI!
MS 116 Văn xuôi
Có những điều dường như chỉ được giải thích bằng tâm linh. Một khi đã cho đi, sớm hay muộn, người ta cũng nhận lại được những điều quý giá…”. Đó là quan điểm của gia đình tôi!
Ba tôi mồ côi cha từ trong bụng mẹ, được ba tuổi lại mồ côi mẹ, chỉ có hai anh em côi cút nương tựa vào nhau. Sớm giác ngộ cách mạng, từ tháng 8/1954, hai anh em Phan Thanh Hiền và Phan Thanh Quyền được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho đoàn cán bộ nằm vùng do đồng chí Hoàng Thành Lê làm trưởng đoàn. Trong quá trình hoạt động với lòng quả cảm, không ngại hy sinh gian khổ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi bị địch bắt đã tra tấn hết sức dã man, nhưng hai anh em cương quyết không khai báo và giữ vững cơ sở để bảo vệ cán bộ nằm vùng tại địa phương, trọn khí tiết người cách mạng.
Để tránh sự truy lùng của địch, chàng thanh niên Phan Thanh Hiền xung phong vào bộ đội, bị thương nặng, được đưa ra miền Bắc điều trị vết thương. Má tôi – Mai Thị Thanh Lan, cũng là bộ đội, là thương bệnh binh, cùng cảnh ngộ mồ côi, là đồng hương, nên thấu hiểu rồi cùng nhau nên vợ, nên chồng. Hòa bình lập lại, hai vợ chồng trở về quê hương, tiếp tục tham gia cống hiến cho đất nước. Dù mang trong mình nhiều vết thương đòn roi tra tấn của kẻ thù, bom đạn của chiến tranh, ông nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, trong chính quyền của xã Quế Bình. Ông được nhân dân, tin yêu, quý trọng. Một điều đặc biệt, những người của chế độ cũ từng tra tấn ông, giờ trở thành đối tượng được ông quản lý, nhưng ông không cậy quyền thế để trả thù, với trách nhiệm của người đảng viên, cái tâm của người cách mạng, ông đã giải tỏa mặc cảm của những người đã từng gây nợ máu cho nhân dân, làm sáng tỏ chính sách khoan hồng, nhân đạo khi kết thúc chiến tranh, trở về cuộc sống bình thường của một người dân trong một đất nước thống nhất.
Anh Hai tôi hy sinh, bác về ở với gia đình tôi. Bác thường kể cho chúng tôi nghe, những năm tháng đau thương, sự mất mát to lớn của gia đình, quê hương, về đứa con trai đi bộ đội 17 tuổi và mãi mãi không trở về. Anh được giao nhiệm vụ giao liên, một mảnh bom trúng đôi chân anh, mất máu nhiều, đơn vị chôn cất anh bên dòng sông Tiên. Sau này, gia đình đã đi dọc bờ sông Tiên, đã bới từng gốc cây, ngọn cỏ nhưng hài cốt anh vẫn không tìm thấy.
Lúc bấy giờ, căn nhà của gia đình tôi giống như một bệnh xá nhỏ, đầy đủ thuốc men để cấp cứu kịp thời. Bác bị di chứng của những trận đòn, cộng với nỗi đau mất con, những năm cuối đời ông sống nửa thực, nửa hư. Đêm đêm, bác ngồi nói chuyện một mình, huơ tay làm ám hiệu, rồi nói chuyện với đứa con trai đã mất; khi lên cơn đau, bác chỉ biết ôm đầu, rồi la “đừng đánh, đừng đánh”. Người ta gọi đó là hậu quả của những lần tra tấn của địch. Những năm cuối đời, bác tôi thường bỏ nhà đi, đi như người mộng du, đi như những năm tháng thời trai trẻ, đôi chân đưa bác đi đến những căn hầm còn sót lại, bác bảo, bác thích sống ở đó… Rồi sau một cơn đau tim, bác tôi mãi mãi đi xa.
Ai cũng bảo, ba tôi có một trái tim nhân hậu, còn ông bảo rằng “ngày xưa là kẻ thù, bây giờ cùng nắm tay nhau để xây dựng quê hương giàu mạnh”.
Là đảng viên 55 năm tuổi Đảng, từng là người lính, một cựu chiến binh, một chiến sĩ bị địch bắt tù đày, là thương binh nhưng ông không muốn lệ thuộc bất cứ ai, đến con cái cũng vậy. Vợ chồng có 5 người con, nhưng đứa con trai duy nhất lại bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau của chất độc da cam, không chỉ hành hạ hai ông bà, mà dai dẳng đến thế hệ con, cháu. Nhưng với trái tim nhân hậu và sự đồng cảm những mảnh đời bất hạnh đã giúp hai vợ chồng ông vượt qua nỗi đau, cùng đồng cảm với người nghèo. Ông luôn dạy con lấy nhân nghĩa làm đầu, giúp cho đời, dù là việc nhỏ nhất.
Rồi, một lần nữa nỗi đau đến với gia đình tôi, má tôi do ảnh hưởng chất độc da cam, vết thương cũ tái phát, bà không còn nhìn thấy ánh sáng, các con lại ở xa, mình ông cáng đáng. Thương vợ sống cảnh mù lòa, ông chăm sóc, yêu thương bà gấp vạn lần, động viên người bạn đời, sống vui, sống khỏe!
Tôi là con gái đầu lòng của ba mẹ, chứng kiến nỗi đau của hậu chiến, nỗi đau của chính cha mẹ, những đứa em của mình, nên thấu hiểu nỗi đau của hậu quả chiến tranh. Là nhà báo, được công tác lĩnh vực báo chí, văn học – nghệ thuật, nên tôi đặc biệt quan tâm về đề tài người lính sau chiến tranh, trẻ em vùng cao và những mảnh đời bất hạnh. Thành công của tôi không phải giải thưởng, bằng khen, giấy khen mà hơn thế nữa là với lòng bao dung nhân hậu và sự thương cảm sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh. Tôi đã dùng ngòi bút của mình, góp thêm một tiếng nói để vơi bớt đi những khó khăn, bất hạnh mà họ đang phải gánh chịu. Rất nhiều trường hợp tôi kêu gọi và được mọi người đồng lòng, như bé Hồ Thị Luyến, dân tộc Ca Dong ở Sông Trà 2 ngón áp út dính liền vào nhau nên cả hai bàn tay chỉ còn có tám ngón, hai vợ chồng lại nghèo khổ, khuyết tật. Tôi đã viết bài, bạn đọc đã chung tay hỗ trợ em gần 10 triệu đồng. Hai tháng sau, em đã được phẫu thuật và được đến trường với hai bàn tay lành lặn. Kêu gọi tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ học phí cho em Hồ Nhật Linh (Quế Lưu), mỗi tháng là 600.000đ cho đến khi em học xong cấp 3, em Trần Thị Mỹ Lệ (Quế Thọ) sinh viên Đại học Y – Dược Huế; hỗ trợ hằng tháng anh Huỳnh Văn Sỹ (Bình Sơn) bị tai nạn lao động nằm bất động trên giường bệnh… Mừng nhất là trường hợp bé Hồ Thị Bích Phượng, người dân tộc Cadong ở xã vùng cao Phước Gia lúc nhỏ bị rớt vào bếp lửa, cháy chân, nhiễm trùng và cụt gần sát háng, mẹ mất, gia đình có đến bảy miệng ăn. Khi hình ảnh bé Phượng xuất hiện trên truyền thông và được nhiều tấm lòng hảo tâm đồng cảm, chia sẻ đã giúp cho em có bữa cơm hằng ngày, có sách vở, quần áo, xe đạp… để được đến trường. Và niềm vui đặc biệt hơn nữa, bé được làm chiếc chân giả, được tung tăng nô đùa cùng các bạn, và cuốn sổ tiết kiệm hơn hai mươi triệu đồng để duy trì việc học. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động…cũng được chị quan tâm và được mọi người ủng hộ.
Các chị em trong gia đình cùng tham gia với công việc thiện nguyện, dù hoàn cảnh gia đình của các chị em còn rất nhiều khó khăn. Các em tôi, nhiều lần lượm được của rơi, trả lại người mất; tiết kiệm trong chi tiêu để hỗ trợ những phần quà đến với những mảnh đời bất hạnh. Người em út của tôi là thầy thuốc đông y Phan Mai Huy, bị nhiễm chất độc da cam từ bố mẹ, bị liệt nửa người bên trái, bằng nghị lực của chính mình, em tôi đã vượt qua mặc cảm, tìm đến với nghề bốc thuốc cứu người. Em tôi luôn coi nỗi đau của bệnh nhân như chính nỗi đau của chính mình, thấy người bệnh nhất là trẻ em bị bại liệt, không đi lại được, em tôi dùng sức lực của bàn tay còn lại, bấm huyệt, châm cứu chữa trị hàng năm trời, nhiều người đã lành bệnh. Giá thuốc lên cao, tôi tìm kiếm những cây thuốc nam có sẵn, để đỡ bớt tiền của những người bệnh, mà đa phần họ là những người nông dân nghèo. Là một trong ba chàng trai khuyết tật đại diện cho hơn 40.000 người khuyết tật của tỉnh Quảng Nam được vinh dự có mặt tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Và được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Khuyết tật, Hội Đông y các cấp… nhưng quý giá hơn cả đó là người bệnh luôn tin tưởng người thầy thuốc đông y, giao phó tính mệnh cho em tôi.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng ba má tôi vẫn một lòng trung kiên với Đảng, giữ trọn lòng trung trinh với đất nước, cho dù những bất hạnh từ trong chiến tranh hành hạ, đeo đẳng suốt cuộc đời ông bà. Ông chưa một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn, hết lòng yêu thương các con, các cháu của mình, luôn làm tròn đạo nghĩa với người vợ mù lòa, bất hạnh.
————————————
Tác giả dự thi: Phan Thị Quế Hà
Địa chỉ: Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam (Số 5, Nguyễn Chí Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB