Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: CHUYỆN KỂ Ở CHÙA QUAN ÂM

140

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký CHUYỆN KỂ Ở CHÙA QUAN ÂM
MS 039 Báo viết

Khá vất vả để chúng tôi tìm được chùa Quan Âm, ngôi chùa xa xôi của vùng quê sâu đầy nắng gió và khó khăn của xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nơi đang cưu mang và sưởi ấm những mảnh đời trẻ em côi cút bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa bằng sự nhẫn tâm đáng lên án.

Sư thầy Thích Khánh Bổn, người trực tiếp nuôi dưỡng các cháu cho biết : “nơi đây đang nuôi dưỡng 13 trẻ em, đa phần là con trai. Cháu lớn nhất đã học lớp 6; 7 đứa trẻ dưới 18 tháng; có cháu chỉ vài tháng tuổi. Cách nay 1 ngày (đêm 16/9/2018) có thêm một cháu chỉ vài ngày tuổi bị bỏ rơi, may nhờ thầy trụ trì phát hiện nên cứu sống kịp thời nên sức khỏe cháu đang tiến triển tốt. Chỉ mới một năm mà chùa đã tiếp nhận thêm 6 thành viên mới. Dù khó khăn nhưng chúng tôi quyết bảo bọc đến cùng”

Lúc chúng tôi đến, có rất nhiều người từ TPHCM đến thăm mang theo nhiều quần áo, tả lót, mùng mền cho các cháu với khuôn mặt đầy nước mắt vì xúc động. Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ quận 4, TPHCM cho biết: “Xem trên mạng xã hội về các cháu bị bỏ rơi ở chùa nầy, cả xóm tôi ai cũng khóc. Vậy là bảo nhau thuê xe xuống đây ngay. Của ít lòng nhiều, giúp được bao nhiêu thì giúp. Khi trở về sẽ vận động gia đình, người thân tiếp tục hỗ trợ”. Bà bật khóc nghẹn ngào.

Điều may mắn đã đến, biết được nỗi vất vả của các Sư thầy trong việc chăm sóc, vệ sinh cho các cháu tuổi đời có quá nhỏ, đã có nhiều phụ nữ quanh vùng đã tìm tới thay phiên nhau làm công tác bảo mẫu trên tinh thần tự nguyện để góp phần sưởi ấm trái tim và cuộc đời non nớt vô tội của các cháu.

Chị Nguyễn Thị Mơ, tình nguyện viên chăm sóc các cháu xúc động kể : “tôi vào đây làm đã 4 tháng rồi. Nghe tin quý thầy ở chùa là đàn ông mà phải kiêm nhiệm thiên chức phụ nữ để chăm sóc các cháu quá cảm động. Vì vậy tôi cùng 3 chị hàng xóm đến tình nguyện giúp các thầy chăm sóc các cháu. Mình là phụ nữ, đã có con nên có kinh nghiệm trong chuyện nầy. Chúng tôi làm việc ban ngày, ban đêm thì phân công 2 người trực tại chùa. Thương chúng lắm như núm ruột của mình sanh ra”.

Chị Mơ còn kể thêm : Mỗi ngày các cháu được cho ăn rất đầy đủ các chất dinh dưỡng; chỗ ngủ rất thoáng mát hợp vệ sinh cùng nhiều thiết bị làm mát, đưa võng rất tốt. Nhìn các cháu ngủ say trong những chiếc nôi xinh đẹp hay những chiếc nệm sạch đẹp cùng nụ cười rất xinh, chúng tôi đã không cầm được nước mắt.

Chỉ tay vào một cháu trai đang ngủ rất say với khuôn mặt tuấn tú, Sư thầy Thích Khánh Bổn kể : “cháu bị bỏ rơi lúc 30 ngày tuổi, đến nay đã được 10 tháng. Chùa đặt tên cháu là Nguyễn Khánh Ngân. Cháu bị hở hàm ếch bẩm sinh, chùa vừa đưa cháu đi phẫu thuật tại TPHCM về, vết khâu khá đẹp. Chúng tôi mừng lắm”

Sư thầy Bổn cho biết thêm : đa phần trẻ bị bỏ rơi chỉ ghi lại ngày, tháng, năm sinh nên chùa đã thông báo đến chính quyền địa phương từng vụ việc, sau đó mới tiến hành làm khai sinh cho các cháu và lấy họ Nguyễn (là họ của trụ trì chùa Đại đức Nguyễn Minh Bảo, pháp danh Thích Tánh Bình). Các cháu đến tuổi đến trường được chùa cho đi học tại các trường xung quanh, thời gian rảnh được lao động xung quanh, học kinh phật.

Em Nguyễn Khánh Mẫn, 11 tuổi, học sinh lớp 6 trường THCS Tích Thiện cho biết: “Con không biết cha mẹ mình là ai vì nghe kể con bị bỏ rơi hồi 2 tháng tuổi. Con sống rất đầy đủ và hạnh phúc tại đây. Con rất mang ơn các thầy. Lớn lên con sẽ làm bác sỹ để chăm sóc sức khỏe các em bị bỏ rơi như con”. Mẫn bật khóc rất vô tư.

Chúng tôi rời chùa trong tiếng chuông trầm mặc vang lên, trong cảm giác xúc động đến nghẹn lời. Trân trọng quá những tấm lòng nhân ái của các vị tu hành, của các “ bảo mẫu” không qua trường lớp nhưng đầy ắp tình người đã và đang dang tay cưu mang nuôi dưỡng những mảnh đời côi cút. Chúng tôi mong lắm sẽ không còn xảy ra những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa trong đêm lạnh từ sự chối bỏ trách nhiệm của người lớn.

Chúng tôi mong lắm.

——————–

Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB