Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: CHỮ HIẾU THỜI @
MS 065 Văn xuôi
Mẹ độc thân một mình nuôi tôi không quản khó nhọc. Cuối tuần đối với tôi là tập hợp bạn bè giải trí cho sướng cái thân, còn được tám đủ chuyện trên trời dưới đất. Nếu mẹ có càu nhàu sao con gái lớn suốt ngày chỉ lo chơi, không giúp mẹ việc nhà, vậy là tôi cười hí hí trả lời lại rằng: “Đời người con gái được sướng bao nhiêu lắm đâu, phải tận hưởng chứ mẹ…”. Mẹ tôi chỉ còn nước nhìn tôi thở ngắn, thở dài, không thấy than, lại càng không thấy ca cẩm gì. Tôi mà ở nhà thì điện thoại rồi tin nhắn cứ đến như mưa. Rồi lại hẹn hò, sửa soạn váy áo để đi chơi. Rồi tôi lấy chồng xa, lúc gần sinh mẹ không ngại đường xa đến chăm con cháu. Đây là lần đầu tiên mẹ đi xa. Trước đây tôi thường rủ mẹ đi du lịch nhưng chưa bao giờ mẹ đồng ý. Mẹ bảo sau này sẽ đi khi có cuộc sống tốt hơn, lúc đó hưởng thụ cũng chưa muộn. Lúc nào mẹ cũng lo tiền cho tôi ăn học. Tôi tốt nghiệp đại học thì mẹ lại lo tiền cho tôi cưới chồng. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy an tâm để mà đi du lịch. Đón mẹ ở sân bay là một đống những túi lỉnh kỉnh. Trong những túi đó toàn là những thứ tôi thích ăn. Nước mắt tôi cứ thế trào ra khi thấy mẹ mang cái áo sơ mi của tôi thảy ra từ cái đời nào. Có mẹ nào mặc lại áo của con như mẹ tôi không nhỉ?. Những cái áo mà tôi mua nhưng chỉ diện có vài bận đã chán. Mẹ cứ mặc, kệ ai bảo cưa sừng làm nghé gì đó. Áo quần không mặc của tôi, mẹ thường giặt sạch đem cho, nhưng một số thứ thì mẹ giữ lại mặc. Mẹ mặc đồ của con thấy sao sao ý. Tôi thấy mẹ mặc lại áo cũ thì nói thế. Mẹ ôm chặt lấy tôi rồi bảo: Không phải mẹ tiếc hay tiết kiệm quá. Vì quần áo bây giờ sẵn và rất rẻ. Nhưng cảm giác khi mặc lại đồ của con là rất thân thương, nôn nao khó tả. Giống như vòng tay của con đang ôm lấy mẹ. Mẹ như thấy mùi mồ hôi, mùi da thịt, mùi tóc của con đượm trên tấm áo. Mẹ còn bảo, tại con lười về thăm nên mẹ mới mặc áo con đấy!. Mẹ nuôi con cháu đến khi cứng cáp thì đòi về nhà mình.
Tôi tham gia chuyến đi từ thiện do công đoàn công ty tổ chức. Ấn tượng mạnh nhất khi bước chân vào Trung tâm dưỡng lão là niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười méo mó của các cụ già. Khi có một chị trong đoàn đưa ra một câu hỏi: “Ông bà cần gì chúng con sẽ giúp…”. Đó là những ước mơ rất giản dị như: Được sống cùng con cháu. Thậm chí có cụ chưa bao giờ được nhìn thấy mặt con cái từ ngày vào trung tâm dưỡng lão. Hoặc: lâu lắm rồi chẳng thấy đứa con nào vào thăm. Câu hỏi thoạt nghe thì thật đơn giản nhưng cuộc sống đã cướp mất đi những ước mơ tưởng chừng như là rất nhỏ nhoi ấy… Tôi giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó và sực nhớ ra “Mình về thăm mẹ lần cuối cùng là khi nào nhỉ?. Hình như lâu lắm rồi mình cũng chưa gọi điện thoại cho mẹ, mắc cỡ ghê. Tại sao mình lại…”. Các cụ ở đây chẳng bao giờ hờn trách con cái đem mình vào trung tâm dưỡng lão, bởi đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Họ chỉ buồn khi con cái không đoái hoài, quan tâm, họ cần lắm những chuyến viếng thăm, một cái ôm ngọt ngào, một cái hôn triều mến, hay một câu hỏi đầy quan tâm đã khiến trái tim họ mềm nhũn, mọi mệt mỏi đều tan biến.
Trở về từ sau chuyến đi, đã có những chuyển biến cảm xúc nơi những người con tham gia chương trình từ thiện. Họ nghĩ đến bố mẹ, nét bồi hồi thể hiện trên khuôn mặt. Tôi cũng thấy lúng túng khi nghĩ về mẹ. Mẹ đã một mình nuôi tôi từ khi còn nhỏ xíu, biết bao nhiêu là khổ cực mà nhiều khi lại còn làm cho mẹ buồn nữa?. Mẹ đã một mình nuôi tôi khôn lớn. Vậy mà tôi chưa bao giờ hiểu được nỗi tủi cực của việc làm người mẹ độc thân. Mẹ chưa bao giờ được tận hưởng cuộc sống nhàn hạ, bởi lúc nào mẹ cũng lo mình chưa hoàn thành trách nhiệm với con cháu. Hàng ngày chúng ta luôn tìm đủ mọi cách để bày tỏ tình cảm với mọi người qua mạng xã hội, qua FB, qua điện thoại. Vậy mà có bao giờ thốt lên những câu yêu thương và ôm hôn người mẹ sinh ra mình. Trong tôi tự nhiên xuất hiện một ý nghĩ tiêu cực rằng cuộc sống đầy rủi ro bất ngờ, biết đâu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì tôi sẽ rất hối tiếc và ân hận vì đã quên về thăm mẹ.
Nghĩ vậy thôi nhưng rồi công việc và gia đình cứ cuốn tôi đi. Một ngày đối với tôi thì quá ngắn nhưng đối với mẹ thì quá dài. Đùng một cái bác sỹ bảo mẹ bị bệnh nan y, vậy là tôi đón mẹ về sống cùng mình để dễ bề chữa bệnh. Chưa được một tháng, mẹ đã la tù túng muốn trở về nhà nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Biết là mẹ buồn nhưng tôi không thể chia sẻ nỗi cô đơn cùng mẹ khi mà ngày nào vợ chồng tôi không thể về nhà sớm hơn 7h tối. Một ngày đối với mẹ dài đằng đẵng và kết thúc trong sự đợi chờ căng thẳng. Hôm mẹ phẫu thuật tôi cũng chỉ xin nghỉ phép được có vài ngày, thời gian còn lại phải thuê người chăm sóc cho đến khi mẹ xuất viện. Khi sức khỏe đã hơi ổn ổn, mẹ nhất quyết trở về nhà mình bởi ở đó dù có sống một mình nhưng vẫn vui hơn vì còn bà con, họ hàng, làng xóm.
Từ đó, tôi bắt đầu ý thức về việc thường xuyên về thăm mẹ. Tôi lên lịch hàng tuần gọi điện trò chuyện với mẹ một lần, ôm hôn mẹ mỗi khi trở về nhà. …Ôm hôn mẹ mỗi khi về thăm được lập trình trong tôi và tôi vẫn giữ nguyên thói quen ấm áp này. Không biết mẹ có đọc được suy nghĩ của tôi không mà mẹ luôn rưng rưng nước mắt mỗi khi tôi ôm hôn mẹ. Tôi muốn giữ hơi ấm của mẹ, giữ cảm giác về tình yêu thương không bờ bến mẹ dành cho con. Liệu có mấy người trong chúng ta biết nghĩ đến cha mẹ theo đúng nghĩa chữ hiếu, cho dù đó là chữ hiếu thời @…
—————————————
Tác giả dự thi: Nguyễn Thị Thu Hiền
Địa chỉ: 114 đường Thái Thị Bôi, Thành phố Đà Nẵng
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB