Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: CHỊ ĐAN SỐNG TỐT VỚI NGƯỜI DƯNG
MS 038 Báo viết
Ông Nguyễn Văn Măng, Phó giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP Long Xuyên, tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là Trung tâm) phấn chấn hẳn lên rồi kể liền một mạch với vẻ tự hào, trân trọng về chị Lê Thị Kim Đan, 43 tuổi, nhân viên phòng chăm sóc đặc biệt : “Phòng này vất vả lắm bởi đang nuôi dưỡng các cụ già không còn khả năng hoạt động chân tay; có cụ không còn trí nhớ chỉ ăn uống theo bản năng sống, nhiều cụ tâm tính bất thường lại thường xuyên đau ốm, vậy mà chị Đan hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ, được các cụ rất thương yêu như người nhà”.
Cụ Nguyễn Thị Dừa, 94 tuổi, quê ở Bến Tre đã vào ở Trung tâm gần 20 năm xúc động kể: “nếu không có cháu Đan, chúng tôi đã “xanh cỏ” từ lâu, “cổ” quá tử tế với chúng tôi còn hơn con cháu ruột thịt, ơn nghĩa này tới chết cũng đem theo. Người đâu mà tốt quá chừng”.
Trung tâm này hiện có 17 cán bộ, nhân viên hiện đang nuôi dưỡng trên 30 cụ già neo đơn và 12 trẻ em bị bỏ rơi. Điều rất đáng trân trọng là hầu hết nhân viên tại đây đều không hưởng bất kỳ một chế độ nào của nhà nước (trừ Giám đốc Trung tâm) mà họ công tác tại đây bằng tấm lòng thiện nguyện ngày đêm. Vậy mà chưa từng có một người nào rời bỏ thiên chức cao đẹp đầy tình người từ khi trung tâm thành lập đến nay (năm 1989) trong đó có chị Đan.
Chị Đan kể thêm : “Quê tôi ở thị xã Tân Châu, An Giang, năm 1995, tình cờ trong một lần đến đây thăm người thân, thấy các cụ, các em quá thương tâm nên tôi đã tình nguyện vào đây công tác. Mới đó đã 23 năm. Muốn ở đây lâu dài thì mình phải thực sự có tâm, xem họ như người thân của mình. Nhiều lúc cực quá định “rút lui” nhưng rồi thấy các cụ, các cháu quá cô đơn, vậy là “chiến đấu tiếp tục”. Chị cười rất vui.
Mỗi ngày chị Đan phải có mặt tại đây từ 5 giờ sáng để phụ nhà bếp nấu ăn; sau đó chị làm vệ sinh cho các cụ bệnh nặng, các em bị tâm thần và khuyết tật không tự vận động được. Buổi trưa chị lại đút cơm cho họ với thái độ rất chân tình. Ban đêm chị lại có mặt từ 19 giờ để trực đêm phòng khi có chuyện bất trắc xảy ra cho các đối tượng. Khó khăn nhất là trường hợp em Dương Thị Ngọc Nhàn, 33 tuổi bị gia đình bỏ rơi do bệnh tâm thần được Trung tâm nhận nuôi lúc em còn nhỏ. Do thiểu năng trí tuệ nên chị Đan vừa làm nhiệm vụ đút cơm, vừa vệ sinh cá nhân mỗi ngày lẫn khi em có kinh nguyệt. Một trường hợp khác là em Dưỡng Thanh Dũng 34 tuổi bị khuyết tật mù mắt, câm, chị Đan cũng đã phải săn sóc rất chu đáo như người mẹ, người chị trong gia đình. Một khó khăn khác mà chị thường bắt gặp là sự cáu gắt, nổi giận, hờn mác dẫn đến thóa mạ rất nặng lời của các cụ cao tuổi nhưng họ đều nhận lấy những nụ cười cảm thông, chia sẻ, đôn hậu, bao dung của người phụ nữ nhân ái này.
Ban đầu người bạn đời của chị là anh Phạm Văn Chót hiện công tác tại Công ty công trình đô thị An Giang không đồng tình với việc làm của vợ vì mất nhiều thời gian lại rất vất vả nhưng không hưởng lương nhà nước; tuy nhiên sau nhiều lần đến đây chứng kiến việc làm nhân hậu của chị, anh đã thay đổi hoàn toàn ý định. Anh nói : “Tới đây rồi mới hiểu hết việc làm ý nghĩa của vợ, tôi ủng hộ liền dù gia đình còn rất khó khăn nhưng phải “gói ghém” để vượt qua thôi”.
Chi Đan kể thêm: có nhiều trường hợp rất xót xa vì đối tượng không có người thân, có trẻ vào đây do bị bệnh tâm thần có; mù, câm có rồi bị gia đình vứt bỏ trước trung tâm. Khổ nhất là nhiều cụ qua đời tại đây trong cô đơn, chúng tôi đã tổ chức đám tang và chôn cất chu đáo như người thân của mình. Nghĩa tử là nghĩa tận mà”.
Thắc chúng tôi có vẻ thắc mắc về các em mồ côi đều mang họ Dưỡng, chị Đan giải thích : “Trẻ mồ côi vào đây, Trung tâm đều làm khai sinh và lấy họ Dưỡng, Dưỡng có nghĩa là Trung tâm nuôi dưỡng đó”.
23 năm lặng lẽ làm việc thiện, chị Đan đã được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ Thập Đỏ Việt Nam, nhiều bằng khen của TW, tỉnh An Giang về công tác thiện nguyện.
Nhìn các cụ được chăm sóc đủ đầy, tươm tất trong những căn phòng rất ấm cúng, khang trang, sạch đẹp đầy ắp tình người, chúng tôi xúc động và trân trọng quá những tấm lòng lặng lẽ đã và đang làm vơi đi nỗi bất hạnh cho các cụ, các em có số phận không may, trong đó có chị Lê Thị Kim Đan.
——————–
Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB