Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: CHA LÀ THẦN TƯỢNG LỚN NHẤT ĐỜI CON
MS 018 Văn xuôi
“Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương
Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan,
Ân tình đậm sâu bao nhiêu,
Cha hỡi Cha già dấu yêu…”
(Tình cha – Ngọc Sơn)
Lời bài hát sao đằm thắm mượt mà chợt vọng về từ âm thanh nhà bên cạnh làm lòng con xao xuyến bồi hồi. Bao ký ức chợt ùa về, dìu tuổi thơ con về bên cha. Con nhớ cha vô cùng cha ơi!
Nhớ về cha con nhớ dáng người cao gầy, đôi mắt sâu, nước da ngăm đen bởi gió bụi của thời gian. Tuổi thơ con gắn với nhọc nhằn một nắng hai sương cùng cha. Bao vất vả khổ cực của cha và gia đình con đều chứng kiến, không thể nào quên được. Mỗi lần nghĩ về nó có chút gì đó làm con xao xuyến, nỗi nhớ về cha tăng lên gấp bội. Con ước chi có mặt cha bên cạnh để sà vào lòng cha, ôn lại ký ức xưa, hôn lên vầng trán rộng, nắm lấy đôi bàn tay chai sạn rám nắng ngày nào. Đôi bàn tay ấy đã dìu dắt cuộc đời con và mấy anh chị em con trưởng thành như ngày hôm nay. Nhưng đó chỉ là giấc mơ thôi, bởi cha đã về cõi vĩnh hằng. Trong con cha mãi mãi là thần tượng lớn nhất đời con.
Ngày đó cha nhỉ, khi tiếng súng giữa hai miền Nam Bắc vẫn chưa dứt. Đặc biệt là vào năm 1972, một cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt tại Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Làng Bích Khê cách Thành Cổ Quảng Trị không xa, khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tiếng súng giao tranh nổ ra rất ác liệt, dân trong làng ai cũng lo sợ và họ đã tìm cách sơ tán. Lúc đó con mới 3 tuổi sau này được cha kể lại rằng: để ra khỏi làn đạn của chiến tranh cả làng Bích Khê phải chạy giặc, di tản vào Đà Nẵng. Mẹ gánh con và em gái ở hai đầu quang gánh. Còn các anh chị em lớn tuổi hơn thì chạy bộ.
Trong thời điểm chiến tranh loạn lạc đó ai cũng hoảng hốt lo sợ bởi cái chết đang rình rập. Nhưng cha vẫn bình tĩnh, trấn an mọi người, động viên mẹ và chúng con rằng: đừng sợ, đến Huế là an toàn rồi. Đúng vậy khi đến Huế tiếng súng có phần chấm dứt. Vừa chạy giặc, cha vừa cầu khẩn trời phật phù hộ cho mọi người và gia đình chúng ta tai qua nạn khỏi. Thật may mắn gia đình mình đều bình an vô sự. Mỗi lần nhớ lại chuyện này đó là nỗi kinh hoàng với cha về chiến tranh. Ngày đó, đoạn Quốc lộ 1A đi từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh còn được gọi là “Đại lộ kinh hoàng” với rất nhiều người.
Vài ngày sau gia đình ta lại vào Đà nẵng. Khi vào đây cuộc sống gia đình mình gặp rất nhiều khó khăn, cực khổ. Lúc đó Đà nẵng chưa giải phóng, cha làm đủ mọi nghề từ làm thuê cuốc mướn miễn sao có tiền về nuôi chúng con. Ngày Đà Nẵng được giải phóng mọi người hân hoan ngập tràn hạnh phúc, nhưng nỗi nhớ về quê hương cứ day dứt trong lòng cha. Thế là cha quyết định chuyển cả nhà về về quê hương Quảng Trị. Trở về quê hương sau ba năm sơ tán, làng Bích Khê không còn nguyên vẹn như trước nữa, giờ đã trở thành đống hoang tàn đổ nát bởi nhiều vết tích của chiến tranh. Nhà của gia đình mình cũng không còn nữa, phải dựng lại căn nhà bằng tre ở gần bờ sông Thạch Hãn. Nhưng ở đó không được lâu, năm nào mưa lụt cũng gây sạt lở nên cuối cùng cũng bị cuốn trôi, lại phải chuyển đi nơi khác.
Cuộc sống gia đình mình cũng như nhiều người khác trong làng sau chiến tranh gặp rất nhiều khó khăn. Làm đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà cũng không đủ sống. Trong gia đình cha là người đàn ông trụ cột nên mọi gánh nặng cuộc sống đều đè lên đôi vai gầy guộc của cha. Lúc đó anh chị em con còn nhỏ, chưa phụ giúp gì cho cha mẹ được. Cha và mẹ làm một mẫu ruộng, chăn nuôi thêm gia súc gia cầm mà nghèo khó vẫn cứ dai dẳng, không thoát ra được. Đó như là cảnh ngộ chung của xã hội ta thời bao cấp. Con còn nhớ gia đình mình ăn cơm độn sắn, sắn nhiều hơn cơm. Khi ăn cha mẹ gắp sắn ra dĩa riêng để ăn, còn phần cơm để lại cho chúng con. Chúng con vô tư ăn một cách ngon lành vì đói quá mà quên đi sự hy sinh của cha mẹ. Lớn lên tý nữa con mới thấu hiểu sự hy sinh của cha mẹ, thương chúng con đến nhường nào làm lụng vất vả cả ngày nhưng rồi vẫn phải ăn sắn.
Tuy nhiên trong khó khăn cực khổ đó, con thấy ở cha toát lên một vẻ đẹp trong sáng như người ta nói ” đói cho sạch, rách cho thơm“. Và đây là bài học làm người mà cha đã dạy chúng con đến bây giờ con cứ nhớ mãi. Ngày đó khi mẹ vừa nấu một nồi khoai xong, đang còn nóng hổi, khói bốc lên nghi ngút. Vì đói quá chúng con sà vào nồi ăn mà quên đi người lớn. Cha kêu chúng con lại và nói: ” miếng ăn là nhỏ, cách ăn mới lớn. Thứ nhất các con phải để nguội đã, lúc đó ăn mới ngon. Thứ hai các con phải gắp ra mời người lớn trước. Nếu không lần khác người ta khinh thường các con và cho cha mẹ không biết dạy con“. Từ lần ấy chúng con đã hiểu hơn lời dạy của cha rất giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa.
Lớn lên một tý nữa con trở thành một cậu bé thiếu niên rất tinh nghịch, quậy phá. Tuổi thơ chúng con gắn với những rặng tre, bụi chuối, những tiếng ầu ơ ru con của mẹ và những buổi trưa hè trốn ngủ để chơi trốn tìm. Những ngày mưa, lụt chúng con xắn quần ngang đầu gối lội nước lụt chơi… Kỷ niệm bờ đê với những buổi chăn trâu cùng đám bạn, thả diều, bắt cá…vì thế mà đứa nào đứa nấy đen thui. Ôi thật vui và đáng nhớ biết bao!. Mùa hè nước sông Thạch Hãn quê mình trong xanh mát lạnh, buổi chiều cha dẫn chúng con ra sông để tập bơi, cha nói ” biết bơi là biện pháp hữu hiệu cho mình mỗi khi mùa mưa bão về hoặc cứu người khi gặp nạn“. Chúng con tha hồ bơi lội, quẫy đạp lung tung tiếng cười đùa lanh lảnh giữa làn nước xanh khấy động cả một khúc sông chiều.
Con cứ nhớ dáng hình cha dầm mưa dãi nắng lam lũ trên cánh đồng, khi hoàng hôn tím sẫm bầu trời mới về. Thân hình gầy gò bởi gánh nặng của cuộc sống đã làm cha già hơn trước tuổi. Nhìn sâu vào đôi mắt ấy con cảm nhận được nỗi vất vả mà cha phải trải qua. Hay những ngày hè oi ả, cái nắng và gió Lào ở Quảng Trị rát bỏng cả da mặt, cha gánh từng gánh lúa về mồ hôi nhễ nhại, con vội bưng bát nước và cái khăn lau mát cho cha. Nhìn con cha nở nụ cười thật hiền hậu vì cha nghĩ mình có vất vả nhưng đem lại cuộc sống ấm no cho chúng con đó là niềm hạnh phúc của cha rồi.
Rồi mỗi mùa mưa bão về bàn tay cha là lá chắn che chở cho chúng con. Cha và anh trai leo lên mái tôn chèn thêm bao cát để đằn tôn lại khỏi bay mất, rồi chặt thêm mấy cây tre, chằng chéo dọc ngang ở trong nhà phòng khi có bão. Còn con phụ giúp mẹ chuẩn bị ít củi khô chất cao trên chạn bếp, mua đèn, dầu vì bão thường hay mất điện; rồi gom giày dép, áo quần sách vở và những vật dụng trong nhà cho sẵn vào bao nilông vì sợ khuya nước lớn đồ đạc trôi mất. Lụt đến cha kết bè chuối đưa cơm cho bà ngoại, thả lưới để bắt cá…Những hình ảnh ấy con không thể nào quên được và thấy được lòng bao dung, hy sinh của cha quá lớn. Tất cả vì chúng con.
Thêm một kỷ nệm nữa làm con nhớ mãi, hồi đó chúng con rất tinh nghịch. Có lần cả bọn vào vườn nhà bà Chắt vặt hết ổi, ăn thì ít mà phá thì nhiều. Bị bà bắt được cả bọn chạy tán loạn. Bà lên nhà từng đứa bắt vạ. Thằng Tèo bị cha nó đánh cho một trận nhừ tử. Còn riêng con, thấy cha con sợ đến tái xanh da mặt. Nhìn cha rất nghiêm nghị cứ tưởng rằng mình cũng bị ăn một trận đòn như thằng Tèo. Nhưng cha đã bảo ban nhẹ nhàng; ” con có biết, trồng cây người ta mong mỏi điều gì nhất không?“. Con sợ quá không nói được, cha nói tiếp ” đó là hái quả, mà bây giờ các con hái sạch rồi thì lấy gì mà họ hái, và đó là nguồn thu nhập của họ. Lần sau các con có muốn ăn thì vào xin cho đàng hoàng, đừng đi ăn trộm đó là tính xấu. Con ” dạ” rồi lầm lũi bước đi trong đầu vẫn in lời cha dặn. Đúng là tuổi thơ bồng bột và nông nổi. Cha không đánh bằng roi nhưng những lời dạy của cha làm con đau hơn cả roi.
Theo thời gian con trở thành một thanh niên. Tuổi của cha lúc đó cũng đã lớn, tóc điểm bạc. sức khỏe cha ngày càng yếu đi. Nhiều lúc ngồi bên cha nghe cha kể chuyện ngày xưa, những câu chuyện mang triết lý giáo dục con học được rất nhiều điều. Cha còn dạy chúng con bài học yêu lao động, tính tự lập, không chịu khổ cực. Làm con trai việc gì cũng phải biết và làm được như bổ củi, gặt lúa, làm mộc…cho dù sau này cuộc sống có sung sướng hơn thì những việc vặt ấy người đàn ông phải biết. Vì đàn ông là trụ cột của gia đình. Những bài học cha dạy con còn nhớ mãi, vì vậy sau này khi học đại học con tạo cho mình tính tự lập vừa học vừa làm thêm để có tiền nộp học phí.
Nói về cha biết bao kỷ niệm đẹp đầy ắp trong con. Với con cha là người đáng kính, thần tượng lớn nhất đời con. Người cho con cuộc đời hôm nay. Con nhớ trước khi trút hơi thở cuối cùng (cha bị bệnh đường ruột điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế), cha đã cầm tay con căn dặn: “ trong nhà con là người học được cái chữ hơn hẳn mấy anh chị em, cố gắng mà học nghe con đừng bao giờ từ bỏ con đường học vấn cho dù khó khăn đến đâu”. Con rưng rưng hai hàng nước mắt, nhớ mãi lời cha dặn và quyết tâm làm được điều gì đó như cha đã kỳ vọng vào con. Và rồi con đã đậu vào trường Đại học Y khoa Huế. Ngày đó con vui mừng biết bao, ước mơ của con và cha đã thành hiện thực. Con đã trở thành thầy thuốc của nhân dân hằng ngày khám chữa bệnh cho mọi người. Nếu có một điều ước con mong thời gian quay trở lại để con được gần cha, chữa bệnh cho cha.
Giờ đây con là bố của hai đứa con. Các cháu rất tinh nghịch và hiếu động. Mỗi lần như thế con cũng rất bực tức nhưng học theo cách giáo dục của cha là kiềm chế cơn giận, dạy dỗ con bằng phương pháp thích hợp, phân tích cho con hiểu cái sai, cái đúng từ đó giúp con cái nhận ra lỗi lầm của mình. Con thường nói với vợ: dạy trẻ có nhiều cách không nhất thiết là dùng roi vọt. Người ta thường nói: con cái thường sợ cha hơn sợ mẹ, nhưng con cái của con thì ngược lại. Không phải vì con chiều chuộng chúng mà con có cách dạy bảo chúng. Vì thế hai đứa lúc nào cũng quấn lấy con. Con cảm thấy niềm hạnh phúc ngập tràn như ngày xưa con ở bên cha. Con cố gắng trở thành người cha tốt để trong mắt bọn trẻ con là thần tượng của chúng giống như cha là thần tượng lớn nhất đời con.
—————–
Tác giả dự thi: Hoàng Hữu Hóa
Địa chỉ: Trung tâm y tế thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị
*Tôi xin cam đoan đây là bài viết của riêng tôi. Những tình tiết trong câu chuyện là có thật đó là kỷ niệm của tôi với người cha của tôi.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB