Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI NHÌ
———————
Tác phẩm dự thi: LÁ THƯ GỬI CHA
MS 124 Văn xuôi
Gửi cha thân yêu của con…
Con không nghĩ mình sẽ có thể viết nên mấy dòng thư này để gửi cho cha trong giai đoạn gấp rút cho những ngày cuối cùng con sắp bước vào kì thi quan trọng – kì thi THPT Quốc gia 2020. Con gái của cha, đến bây giờ là cô thiếu nữ 18 tuổi mới có đủ dũng cảm để viết nên những dòng tâm tư này bỏ lại sau lưng là bước tường vô hình bấy lâu nay chia cắt cha con ta. Con thực sự xin lỗi…
Cha à, thực sự con rất giận cha, thậm chí có đôi lúc rất ghét cha nữa. Có lẽ cha là người cảm nhận rõ rệt nhất những cảm xúc cay đắng mà đứa con này đã đối xử với cha, phải không ạ? Cha có biết vì sao con giận cha không?
Con giận cha ngay từ những ngày khi con còn học mẫu giáo, giận từ khi con lên tiểu học cho đến những ngày học cấp ba. Cha biết vì sao không ạ? Vì những lần cha làm khổ mẹ, cha không kìm chế được những cơn giận dữ, cơn hành hung mà ma men sai khiến cha, cha cứ đánh rồi tỉnh rồi lại uống. Nhiều lần như vậy cứ hiển hiện lên tâm trí của một đứa trẻ còn ngây thơ như thế, sao con chịu được hả cha, sao con không giận cha được dù tình cảm thưở ban sơ con dành cho mẹ cha đều quan trọng như nhau…Nhưng điều đó con tạm đổ lỗi cho ma men ấy-cái thứ đã tước đi bao nhiêu hạnh phúc của một gia đình, một mái ấm tình thương mà con luôn nâng niu gìn giữ.
Có thể nói con gái thân yêu của cha là một đứa trẻ vô cùng nhạy cảm. Là một đứa con út trong gia đình, con nhận được rất nhiều sự quan tâm, săn sóc của mẹ, của anh chị, thế nhưng, người mà con luôn trông mong ngóng đợi lại là người mang đến cho con nhiều sự thất vọng nhất đó chính là cha, cha à…Cha có biết con thèm cái cảm giác mỗi khi tan học, dưới cái nắng nóng oi bức của những ngày hạ khắc nghiệt, trên đường đi học về con tưởng tưởng rằng khi mình về đến nhà chào cha lễ phép, cha sẽ hỏi thăm con” Hôm nay con đi học có mệt không, con gái của cha? Chỉ một lời hỏi ấy thôi cũng đủ dịu êm như dòng suối mát thanh lọc tâm hồn con sau một ngày u buồn bão tố. Nhưng cuối cùng con lại nhận được gì vậy cha. Chỉ là ánh mắt dửng dưng mà cha dành cho con. Có nhiều đêm con gác tay lên trán suy nghĩ tự hỏi chính mình:” Ủa Hằng à, mày đã làm gì sai hay có lỗi với cha mà cha lại như thế….”
Rồi thời gian cứ trôi, con cảm nhận như có một bức tường thành vững chắc khó mà đập vỡ được dựng nên bởi sự vô cảm của cha và cả chính con. Con trở nên vô cảm với những gì cha nói, xem cha như một sự tồn tại tất yếu trong cuộc sống của con. Nhiều khi, trong những lúc đi chơi với bạn bè, nghe chúng bạn kể về cha của mình với ánh mắt đầy tự hào, con cũng chỉ ngậm ngùi nén một tiếng thở trong lòng bao xúc cảm. Lúc trước con mong muốn ở cha nhiều, nhưng lớn dần lên con nhận ra rằng:” Khi ta càng hy vọng, càng mong ước, càng khát khao mà tiếng nói hiện thực lại trái ngược thì ta chỉ càng rơi vào bi kịch, khổ đau mà thôi” Chính vì vậy, con cứ sống cuộc sống của mình, cha cứ sống cuộc sống mà cha đã chọn.
Rồi đến khi con chuẩn bị vào lớp 10, con quyết tâm thi vào trường chuyên với hy vọng mình sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, tập sống tự lập và cũng muốn.. xa cha…Cha thì tất nhiên quyết liệt phản đối dù tất cả mọi người trong nhà đều đồng ý. Lại là cha luôn trái ý với tất cả mọi người. Nhưng con – đứa con gái ngang bướng của cha sao chấp nhận từ bỏ ước muốn này của mình chỉ vì lời phản đối của cha được ạ… Thế là con đã thi và đậu vào ngôi trường đó trong niềm vui sướng của tất cả mọi người nhưng với cha thì con lại không biết…
Thời gian thấm thoát qua đi, ba năm thanh xuân của con dưới ngôi trường đó cũng sắp đến hồi kết. Trong suốt ba năm đó, tình cảm của con dành cho cha có lẽ đã có chuyến biến tốt hơn trước rất nhiều. Cha biết vì sao không ạ? Đó chính là nhờ khoảng cách thực, cuộc sống tự lập, những lời dạy và thời gian nhẹ trôi…
Đến khi đi học xa nhà rồi, con mới thấm thía câu nói của một người anh:” gần nhau thì cách lòng, nhưng xa nhau thì nhớ nhau vô ngần”. Nó thật đúng trong trường hợp này của cả cha và con. Xa cha rồi, không được gặp cha quả thực lúc đầu con sung sướng lắm, con như những chú chim dược giải phóng ra khỏi cái lồng chật hẹp, được sải những đôi cánh đầu tiên dưới bầu trời của tự do, của hạnh phúc. Thế nhưng bay hoài bay mãi, chú chim đó cũng đã đến lúc rã rời đôi cánh ấy mà ngậm ngùi nhớ lại cái tổ thân yêu của mình-cái tổ luôn ở đấy để chờ đợi con về, chờ con hót ríu rít những bài ca của tuổi trẻ còn đôi lần khờ dại. Xa cha con lại nhớ về cha, nhớ về những tháng ngày cha cần cù làm lụng ở ngoài đồng nắng non,”bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cùng mẹ phụ giúp tiền chi tiêu cho con ăn học. Tuy cha là người phản đối con đi học xa nhưng lại là người vẫn âm thầm làm việc phụ mẹ lo cho con ăn học. Sau này con mới biết cha phản đối con đi học xa bởi sợ con còn nhỏ, mới 15 tuổi đã phải xa vòng tay của gia đình, tự mình sống tự lập nơi đất khách quê người…
Rồi đến tối hôm ấy, cái đêm sáng nhất trong cuộc đời của con, sau biết bao năm ngóng hoài chờ đợi như một kẻ khát nước đang vật vã bò trên sa mạc nóng rực, tìm thấy được nguồn nước mát rượi thỏa mát cơn khát…Cha đã gọi cho con.. một cuộc gọi con không thể tin đó là sự thật. Cha biết không ? Con hạnh phúc vô cùng khi trên điện thoại đề hai chữ “ Cha yêu..is calling”. Nhưng lúc đó con cũng kịp nén dòng xúc cảm thiêng liêng để bắt máy của cha… Bầu trời trong con như sụp đổ như nguồn nước trên sa mạc kia chỉ là ảo ảnh bởi bên kia đầu giây là giọng của một ông đang say xỉn, còn hỏi “ đấy có phải là số bé Hằng không”, chắc cha biết là ai rồi ạ? Là một người bạn rượu của cha. Sau đó đến lượt cha cầm điện thoại nhưng với giọng say xỉn nên những gì cha nói con cũng nghe chữ được chữ mất. Cuộc nói chuyện vẻn vẹn trong 15 giây…Cảm giác trong con như hụt hẫng, con lặng im một lát rồi lại quay về với nhịp sống hối hả của học tập, của công việc….
Thật không may khi cả nước ta cùng thế giới phải đối mặt với nạn dịch COVID 19. Đối với con, khoảng thời gian phải ở nhà cách ly xã hội tuy khó khăn trong việc học tập nhưng lại là một dịp may mắn khi con có thể được gần gũi bên gia đình hơn, có thời gian để hiểu cha hơn. Con còn nhớ trong một bài giảng online của cô giáo con về tác phẩm” Chiếc thuyền ngoài xa” về người đàn ông hàng chài – người đàn ông cũng hành hung bạo lực vợ làm khổ vợ khổ con. Quả thật lúc đó con ghét người đàn ông ấy lắm cha à. Thế nhưng khi nghe cô giảng con mới hiểu cái gốc rễ đằng sau sự việc ấy. Người đàn ông hàng chài kia tuy đáng trách vì bạo hành vợ nhưng lại vô cùng đáng thương. Bởi ông ta là nạn nhân của hoàn cảnh nghèo đói, ông ta đánh vợ bởi đó là cách để ông ta có thể giảm stress, những căng thẳng của một người trụ cột trong gia đình. Ông ta không biết uống rượu do vậy đánh vợ là cách để ông ta giải tỏa. Học về lão đàn ông ấy con lại nghĩ về cha, con thấy bóng hình cha hiển hiện rõ trên từng câu chữ con cảm nhận. Cha ơi bấy lâu nay cái vẻ mặt đăm chiêu ấy, cái vẻ mặt nghiêm nghị vô cảm, những hành động không được đẹp ấy là do cha áp lực bởi cuộc sống xô bồ ngoài kia, phải không cha? Cha không cho con đi học xa, bởi cha sợ con sống xa nhà bỡ ngỡ, dại khờ, phải không ạ? Còn cú điện thoại hôm ấy nữa, khi men rượu vào là lúc người ta nhớ đến người mình thương, mình yêu, nên cha mới có thể gọi cho con, đúng không ạ?. Tất cả những điều này, tất cả tấm lòng của cha sao đứa con nhỏ dại khờ như thế này rồi mới cảm nhận được, cha ơi. Con gái thực sự xin lỗi cha…Con gái đã sai, đã trách nhầm cha, đã không chịu thử một lần nhìn lại, soi xét quán chiếu, đặt mình vào hoàn cảnh của cha, để hiểu cho cha, để cảm thông, bao dung cho người cha già ngày đêm dãi nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng lo cha đàn con nhỏ dại khờ. Con thực sự xin lỗi…
Thời gian COVID này, con được hiểu cha hơn, yêu cha nhiều hơn, và được trải nghiệm cùng cha trên đồng ruộng hoa màu. Nhìn dáng cha vất vả đập từng cây đậu-thành quả lao động của cha mà sao con thấy thương cho người nông dân và cha quá. Cha gắng lên nghe cha…À, cha còn nhớ cái tấm hình con hì hục năn nỉ hoài và tấm hình con chụp lén cha (cha chưa được xem đâu nhỉ)
Để con nêu cảm nhận về tấm hình ấy nha. Quả thực đó là một người đàn ông đã ngoài 50, dáng gầy yếu từng ngày, nhưng nổi bật trong ấy chính là nụ cười tỏa nắng của cha- nụ cười đã xóa tan bao nhiêu mùa đông u tối trong con. Cha biết không, cha con cười đẹp lắm, nụ cười ấy là vô giá trong cuộc đời con. Nên cha hãy cứ cười vậy nha cha, hãy bỏ cái mặt nạ nghiêm nghị mà cha cố gắng mang vào để chia cắt cha con ta, cha hãy cứ là cha, hãy cứ cười tươi như vậy, hãy để nụ cười ấy xóa tan khoảng cách vô hình mà bấy lây nay cha con ta phải cùng nhau chịu đựng, cha nhé!
Thời gian trôi qua, con mong cha tha lỗi cho đứa trẻ này vì những sự vô cảm mà trước đây con nỡ đối xử với cha. Cảm ơn cha luôn bao dung cho con, luôn bơm xe mỗi khi con đi học xa nhà – những hành động nhỏ này thôi nhưng con thật tâm biết ơn vô ngần. Cảm ơn cha vì đã cùng mẹ sinh con ra, cho con biết ánh nắng mặt trời mỗi sớm mai thức dậy, cho con khờ dại và từng ngày trưởng thành để giờ đây khi sắp bước vào ngưỡng cửa đại học con có đủ tự tin, bản lĩnh, hành trang là tình cảm đong đầy của cả cha và mẹ nâng đôi cánh con vững bước tương lai. Con cảm ơn cha mẹ rất nhiều….
Có thể viết được những dòng này ra thật con đã rất đắn đo nhưng một điều tuyệt vời con không thể ngờ đó là khúc mắc trong lòng con đã được gỡ bỏ, con có khóc đó, nhưng cũng mỉm cười đó, vì sau những ngày bão giông con cũng đã tìm thấy được ánh sáng của tình thương nơi cha. Giờ đây, con chỉ hy vọng, cha vẫn luôn giữ nụ cười ấy trên đôi môi vẫn còn nức nẻ, cha hãy mở lòng, tâm sự với con gái nhiều hơn cha nhé. Con mong cha con luôn giữ sức khỏe của mình, có thể làm ít việc lại, bởi giờ đây con gái cha đã lớn, đã có thể tự xoay xở bằng chính đôi bàn tay của mình, con mong cha luôn ở đấy để khi mệt mỏi con có thể nằm trọn trong vòng tay âu yếm của cha, để cảm nhận, để yêu thương và đong đầy hạnh phúc. Mong bình an sẽ đến với người cha thân yêu của con.
Xin lỗi cha và cảm ơn cha vô ngần…
Gửi cha ngàn nụ hôn….
Con gái út của cha
———————————–
Tác giả dự thi: Đoàn Thị Diễm Hằng – Pháp danh: Quảng Nghiêm
Địa chỉ: Thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB