Tác phẩm đạt giải nhì (không có giải nhất): “Con ước đóa hồng mãi thắm” của tác giả Nguyễn Xuân Lĩnh

469

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

GIẢI NHÌ

(không có giải nhất)

———————-

Tác phẩm dự thi: CON ƯỚC ĐÓA HỒNG MÃI THẮM (Hồi ký)

Tác giả: Nguyễn Xuân Lĩnh

Sáng nay, cũng như mọi hôm tôi lên nhà trên đảnh lễ mẹ quan âm trước khi đi làm. Cơn gió đầu thu nhẹ nhàng thổi qua khe cửa làm đong đưa những đóa hồng bên hiên nhà và rơi một đóa hồng nhựa trên bàn thờ phật xuống đất. Nơi đây là nơi cất giữ những đóa hồng mà mỗi mùa vu lan tôi đã trải qua. Một mùa Vu Lan nữa lại về trong lòng những người con Phật. Từ tốn nhặt đóa hoa ấy lên, nó nhẹ thôi nhưng sao lòng tôi nặng trĩu. Nâng niu đóa hoa trên tay mà khóe mắt tôi cay cay vừa mừng vừa tủi. Mừng vì nhận ra rằng mình còn hạnh phúc rất nhiều khi còn được cài lên ngực màu hoa thắm mỗi độ thu về, còn tủi là vì nhớ lại khoảng trời ấu thơ đầy biến cố mà tôi đã trải qua trong chính ngôi nhà này.

Đã rất nhiều, phải nói rất nhiều lần tôi từng ngậm ngùi trong nước mắt mà nói rằng sẽ không bao giờ trở lại chính ngôi nhà này nữa. Với nhiều người có lẽ nhà là nơi thiêng liêng, là nơi mà khi mỏi gối chùn chân thì ta quay về để tìm lấy bến đổ bình yên của cuộc đời. Nhưng với tôi, dường như điều đó hoàn toàn ngược lại. Ngôi nhà này thiêng liêng gấp vạn lần vì nó chứa cả buồn vui, tủi hờn và hạnh phúc.

Sinh ra trên một vùng quê nghèo, căn nhà cũ xiêu vẹo bên bờ kênh lớn là chốn nương nấu của gia đình tôi. Sẽ không có gì đáng nói ở đây nếu như ba tôi không nghiện rượu. Tuổi thơ anh em ngập tràn trong những trận đòn roi và đập phá mỗi khi ba say về. Thời gian đầu thì còn chịu được nhưng dần dần ba tôi ngập chìm bê tha trong rượu chè, nhà có gì cũng đem bán, bao nhiêu của cải trong nhà không cánh mà bay vì mấy cuộc nhậu. Đến nỗi túng quẫn quá Ba bán luôn bộ bàn độc nhà trên – tài sản duy nhất ông bà nội để lại sau khi qua đời. Rượu vào là lời ra, ba không kiểm soát được bản thân, ba đánh mẹ – đánh rất nhiều. Có lẽ đây cũng nghịch cảnh thường thấy ở các làng quê thời ấy, khi cái nghèo, cái khổ cộng với tệ nạn rượu chè đè lên những mái tranh nghèo để rồi không ai khác, những người vợ và những đứa con thơ là nạn nhân gánh chịu hoàn toàn. Và tôi lớn lên trong nghịch cảnh triền miên ấy.

Thật tâm mà nói rằng, hồi đó trong cái đầu non nớt của một đứa trẻ thơ ngây ấy nó giận ba vô cùng, tận mắt chứng kiến những trận đòn roi, những lần rượt đuổi của Ba khi chiều chiều mẹ không có tiền đưa cho ba mua rượi. Tôi thương Mẹ nhiều lắm, cái dáng người đàn bà gầy nhom đạp chiếc xe trên con kênh khi trời nắng đổ lửa. Hình bóng in hằn trong tâm thức tôi không bao giờ phai.

Lên lớp 5, gia đình càng khốn khó khi ba không đi làm, không có tiền ba bắt tôi nghỉ học. Lúc đó tôi tức lắm, từng tuổi ấy nhưng tôi đã hiểu được mẹ phải chịu đựng chừng nào. Mẹ làm tất cả mọi việc có thể để chèo chống cái gia đình nghèo khó này. Đôi bàn tay Mẹ không lúc nào ngơi nghỉ, từ cấy mướn gặt thuê cho đến buôn lá chuối để kiếm đồng tiền bát gạo cho những đứa con thơ. Thương Mẹ, tôi bấm bụng nghỉ học để giúp gia đình dẫu rằng hồi đó học rất giỏi. Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu nhận thức được những việc làm đúng sai của Ba và nhiều khi phản kháng lại bằng những lời nói hành động theo bản tính một đứa trẻ đang lớn. Thấy vậy, Mẹ tôi vô cùng lo lắng. Có lần trong cơn say ba rượt bốn mẹ con chạy đi trong những đêm mưa gió. Vừa đói vừa lạnh mẹ con tôi chui đại vào một cái chòi nuôi cá ở bìa sông. Trời về khuya mưa xối xả, ướt đầm, mẹ ngồi ôm 3 anh em tôi vào lòng mà khóc, tôi bực quá vùng dậy nói với mẹ:

“Sao Mẹ cứ chạy, ổng say rồi thì mẹ quay lại đánh ổng đi, nhịn hoài ổng quen”

Má tôi ngồi nức nở nói: “thằng Hai không được hổn với Ba, dù có say sỉn bao nhiêu thì cũng là ba con, con không được mất dạy mà có tội với trời Phật nghe không. Con phải làm gương cho hai em nữa”

Ở tuổi ấy tôi đâu biết như thế nào là tội với trời với Phật. Chỉ biết vì Ba mà mấy mẹ con tôi khổ như thế này. Bây giờ ngẫm lại thì mới thấy, lớn lên trong môi trường khi chữ hạnh phúc gia đình bị bẻ đôi  nhưng mấy an hem tôi đều không hư hỏng là nhờ cách dạy dỗ khôn khéo của mẹ. Về phần Ba trong thâm tâm tôi lúc đó chẳng hề có một chút tình thương gì cả. Ông hiện lên với vẻ mặt đỏ tía đáng sợ kèm theo những lời chửi mắn và mấy trận đòn. Mái tóc dài ngang chóm lưng của mẹ ngày đó là yếu điểm để Ba nắm lấy mà đánh.Những lần thấy ba đánh mẹ quá tôi liều mình xông vào xô ra, thì bị ba túm lấy mà cho ăn đòn nhừ tử. Khi đó Mẹ nhảy vào ôm tôi ra, vì không kìm chế được mà có nhiều lần tôi cầm cây định đánh lại nhưng tiếng hét lớn của Mẹ làm tôi khựng lại. Hiện ra trước mắt tôi là gương mặt của một người đàn bà tóc tai bù xù, hai dòng nước mắt ngân dài dưới gò má gầy khô: “Không được mất dạy nghe không”. Tôi thụt lại, nhìn quanh gian nhà nghèo túng, nhìn mẹ ngồi bệt xuống đất, ba tôi thì say mềm nằm ngữa trên cái chõng tre ngoài hiên mà ngày sau một trận xô xát với mẹ. Mâm cơm chiều bị hất văng tung tóe, thằng ba với con út em tôi thì ngồi khóc tèm nhem vì sợ và đói. Đó là bức tranh toàn cảnh thời ấu thơ mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rùng mình.

Ngay đêm đó, khi Ba đã đi theo “tiếng gọi” của mấy ông bạn nhậu trong xóm, hai đứa em đều ngủ thiếp đi vì một ngày mệt mõi chứng kiến cảnh ba mẹ gây lộn. Mẹ gọi tôi lên nhà trên, trong tay bà xách một cái giỏ.

“Nhà mình chừ cực quá, ba con thì say sỉn không cho con đi học nên mẹ quyết định cho con về ở với ngoại. Có như thế thì con mới được tiếp tục đi học

“Không, con không muốn đi đâu cả, con ở nhà với mẹ với em, con không sợ ba đâu, con sẽ nghỉ học để ở giữ bò cho mẹ, nấu cơm cho mẹ, mẹ đừng đuổi con đi mà”

Hai mẹ con tôi ôm nhau mà khóc

Con phải đi, nếu ở đây thì con sẽ hư trong môi trường này, mẹ không muốn sau này con lớn lên bất hiếu với ba con, một mình mẹ chịu là được rồi. Con phải tiếp tục đi học, phải học cho thật giỏi để sau này không khổ như mẹ, và không nghèo như ba con, nếu thương mẹ thương em thì con phải đi”

Nghe lời mẹ tôi đi, 10 tuổi đầu tôi bước đi khỏi căn nhà này, cái đêm hôm đó mẹ dẫn tôi đi men dọc bờ kênh để Ba không bắt gặp. Vài bộ áo quần cũ và một ít tiền là những gì tôi mang theo trong hành trình tìm con chữ. Hình bóng ngôi nhà với ánh đèn le lói khuất dần, khuất dần trong màn đêm tối. Sau đêm đó tôi thề rằng phải cố học thật giỏi để sau này làm thật nhiều tiền rồi trả hiếu cho Mẹ và cho Ba tôi phải hối hận.

Quê ngoại tôi cách nhà khoảng nữa ngày đi xe đò. Thấy mẹ tôi lấy ba tôi cực, lại say sỉn nên ngoại buồn, khóc miết. Ngoại hay nói chắc có lẻ kiếp trước mẹ nợ ba nên kiếp này phải trả, tôi cũng lấy đó làm lý do ép buộc suy nghĩ trong đầu mình cho đở ghét ba thôi, chứ thật lòng mà nói hồi đó tôi chẳng tin.

Bây giờ tôi mới thấu hiểu vì sao mẹ lại để tôi về ở với ngoại. Về đây tôi được học hành tốt hơn, được sống trong môi trường không có những trận đòn roi, cảnh nhậu nhẹt và những lời nói không hay của người cha. Tất cả mọi thứ đó sẽ không tốt cho việc định hình suy nghĩ của một đứa con nít đang tuổi ăn tuổi học. Ở với ngoại tuy không được như con nhà người ta nhưng ít ra tôi cũng được sống trong những ngày tháng êm đềm và học hành yên ổn. Tôi nhớ mẹ và thương hai đứa em khờ phải ở nhà chịu trận nhưng lại không muốn về nhà. Vì đơn giản nó ám ảnh và làm tôi gợi nhớ lại những ngày tháng cơ cực trong một mái ấm không hề “ấm” chút nào.

Thời gian trôi qua, tôi lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của ngoại. Vài lần Mẹ về thăm tôi trong lén lút vì sợ Ba, mẹ bòn mót đưa thêm cho ngoại ít tiền để đóng tiền học. Hồi đó ngoại hay dẫn tôi đi chùa, chắc có lẽ may mắn nhất của đời tôi khi gặp được Phật pháp từ nhỏ. Những ngày rằm mùng một tôi hay theo ngoại lên chùa để tụng kinh, tham gia sinh hoạt cùng với gia đình Phật tử. Chính môi trường tốt đẹp này khiến cho một đứa trẻ cộc cằn và nóng tính như tôi thay đổi đi rất nhiều. Dần dần được tiếp xúc với quý thầy, tiếp xúc với giáo lý của nhà phật giúp tôi bớt nóng nảy hơn, không hành xử như trước. Và đơn giản nhất là tôi bớt ghét ba hơn, bắt đầu hiểu về lời ngoại nói, về duyên số, về nghiệp duyên, về nợ nần trong kiếp này mà ba mẹ phải trả cho nhau. Dần dần đứa con bắt đầu biết thông cảm cho người ba của nó. Tôi hiều được nhiều lý do vì sao ba ra như thế, cũng vì môi trường xung quanh, ban bè rủ rê nên dễ sa ngã. Đó cũng là mùa Vu Lan đầu tiên tôi cài trên ngực bông hoa hồng màu đỏ và hiểu được giá trị của nó to lớn đến nhường nào.

Một đêm cuối đông năm 2009, tôi đạp xe đi học thêm về trong cái giá rét và mưa phùn. Đó là năm thi chuyển cấp, ở quê ngày đó cả làng đứa nào thi đậu vào trường chuyên trên phố là niềm tự hào của cả gia đình. Điều duy nhất tôi có thể làm vì gia đình lúc này thi đậu vào ngôi trường ấy. Vừa về tới nhà ngoại thì thấy cậu Bốn tôi hớt hải bảo:

“Thằng hai mày lên tao chở tới bệnh viện đa khoa. Mẹ mày bị ba mày đánh gãy giò nằm trên nớ”

Mẹ tôi bị ba tôi rượt đánh rồi lấy cây ném trúng chân, gãy đôi phải phẩu thuật. Trên giường bệnh, mẹ tôi nằm đó. Cuộc phẩu thuật bắt vít để nối xương ống chân diễn ra hai giờ đồng. Mẹ nằm chèo queo gần như kiệt sức. Nhẹ nhàng cầm tay mẹ, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi có dịp ngắm nghía đôi bàn tay gầy guộc ấy. Đôi bàn tay đã chịu đựng biết bao nhiêu cực khổ, bao tủi nhục vì chồng vì con. Khẽ áp đôi bàn tay ấy vào má, tôi mới giật mình nhận ra, nó khô cứng chai sần, những vết chai ấy rát bỏng khi tôi áp sát vào má mình. Đau lắm, rát lắm, cảm giác rát ấy chỉ một thôi mà trong tim tôi lúc ấy đau gấp mười. Bàn tay chi chít những vết nứt dài – dài như con đường dọc bờ kênh bên nhà. Ngày mai tôi đi thi chuyển cấp, mà giờ mẹ nằm đây chưa tỉnh, đôi chân từng chạy đôn chạy đáo để kiếm từng đồng bạc cho anh em tôi mà giờ đây lại bị chính ba tôi đánh gãy. Lòng tôi lúc ấy khó tả lắm, vừa lo cho mẹ, thương cho em mà lại hận ba mình.

Nếu lúc ấy ba tôi ở đó thì không biết tôi hành xử như thế nào, tôi sợ mình đi quá giới hạn của một người con, sợ không làm chủ được bản thân mà có những hành động lỗi đạo với ba như lúc nhỏ. Trời đã khuya, đâu đó bên khoa nhi bên cạnh vang lên một câu hát ru nao lòng:

“Ầu… ơ…….. Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha mất gót con đen sì”

Mẹ tỉnh dậy, hơi thở yếu ớt, đôi khỏe mắt sâu cay lưng tròng nước mắt. Hai mẹ con nhìn nhau nghẹn ngào. Còn cha mà sao gia đình tôi không được như bao mái nhà khác, mẹ con tôi không được một ngày bình yên. Thử hỏi phận làm con như anh em chúng tôi có còn kính trọng người cha này nữa không. Mẹ tôi cố gắng thỏ thẻ từng lời, từng lời răn dạy tôi: “Thôi đừng hận ổng nghe con, dù sao cũng là ba của con. Đừng bất kính mà mang tội con ơi”. Bỏ ra hành lang tôi khóc, khóc to lắm, có lẽ đó là lần đầu tiên từ lúc nhận thức được cuộc đời tôi khóc như thế. Khóc vì căn nhà ấy chưa một ngày bình yên trọn vẹn. Ngoài ban công bệnh viện một nụ hồng vẫn thắm nở tỏa hương ngào ngạt trong đêm. Đóa hồng ấy làm tôi liên tưởng đến những lời Sư phụ dạy tôi “làm con chữ hiếu đi đầu, hiếu hạnh là điều trước tiên của người Phật tử” hoa còn màu hồng là hạnh phúc rồi ai ơi!

“Còn cha còn mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây”.

Vì muốn cho mẹ vui nên ngày mai tôi vẫn lên đường đi thi chuyển cấp. Mẹ tôi nằm viện hàng mấy tháng trời, đó là khoảng thời gian cơ cực vô cùng. Vừa chăm sóc mẹ ở bệnh viện vừa lo lắng cho hai đứa em khờ. Trong những lúc đó bên tôi còn có ngoại, bà con và mấy mạnh thường quân ở chùa giúp đỡ nên mẹ cũng có tiền chi trả viện phí và nhanh chóng hồi phục.

Sau vụ đó ba mẹ tôi ly thân, mẹ cùng tôi về nhà thu dọn đồ đạt. Bước chân ra đi nhưng lần này có cái gì đó nếu kéo tôi đến lạ thường.  Không phải mày luôn muốn đi lắm mà. Sao chừ lại thấy hối hận. Nhiều câu hỏi và nhiều lo lắng cứ hiện lên trong đầu óc của một thằng bé. Ruột gan nó quặn lại. Bóng hình căn nhà ấy, người cha say sỉn bước thấp bước cao hiện lên tự dưng nước mắt tôi chực trào ra. Mẹ tôi không ở với ba nữa nhưng không ly dị, cũng không cắt đứt hoàn toàn vì ra đi là để hy vọng ba tôi thay đổi. “Vợ chồng cái duyên nợ, sống còn cái tình thì cũng rán vì cái nghĩa con ơi”. Câu nói này ngày ngày mẹ vẫn đem ra giải thích cho các con nghe. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi biết sống có đạo lý, có nhân cách con người và đặc biệt là biết khoan dung tha thứ cho nhau.

Tôi đậu điểm cao tốp đầu trường cấp ba trên phố, Mẹ mừng lắm, lần đầu tôi thấy mẹ tôi khóc mà sao lần này khác mọi khi. Giọt nước trong ánh mắt của người mẹ sáng lên một niềm hy vọng rạng ngời. Lúc đó bỗng dưng tự nhiên sao tội lại nghĩ đến Ba. Giá như Ba tôi đừng say sỉn, đừng đánh đập để gia đình phải ly tán thì niềm vui lúc này được nhân lên nhiều lần. Đột nhiên lúc đó một tình thương nho nhỏ lóe lên trong tâm thức tôi. Đã lâu rồi mẹ con tôi không về thăm Ba. Nghe những người ở dưới nhà đi chợ trên này nói, ba tôi từ lúc mẹ tôi bỏ về ngoại thì bê bếch hơn, bữa đói bữa no. Nghĩ tới tự dưng tôi chạnh lòng nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ để có thể thay đổi được gia đình này.

Thấm thoát ba năm cấp 3 trên thành phố cũng trôi qua, hồi đó không có tiền thuê trọ,  Sư phụ thương tình gởi tôi ở nhờ trong ngôi chùa gần trường. Đôi chân của người mẹ đã yếu ớt nay lại bị tật sau lần đó. Một mình gánh gồng  nuôi 3 đứa con ăn học thì đâu dể dàng. Nhiều lần tôi suy nghĩ tiêu cực, than trách vì sao lại sinh ra trong cái gia đình này, sao lại có người ba như vậy. Nhưng cũng nhớ những lời động viên từ mọi người, những chia sẽ của quý thầy khiên tôi ngộ ra mình còn hạnh phúc hơn nhiều người khác. Đã bao lần tự nhủ, tôi thật may mắn có duyên lành khi được biết đến Phật pháp, ba năm ở chùa trọ học, sống trong môi trường tu tập đã hun đúc trong tôi bao điều quý giá. Nhìn nhận được nhân quả, về sự vô thường của cuộc đời, tự nhiên lòng ghét bỏ về người cha ngược đãi trong tôi không còn nữa mà ngược lại thấy thương ông hơn.

Hiếu hạnh không phải gì cao xa, to lớn, với tôi chỉ đơn thuần là kính trọng và không làm những điều có sai trái với cha mẹ, dù cho họ gây ra bao nhiêu lỗi lầm. Cha mẹ là Phật sống đang hiện hữu trên cõi trần, phải hết mực tôn kính, yêu thương. Làm được những điều đó trước đi rồi mới nói đến những việc làm lớn lao khác để đáp trả ơn đức sinh thành.

Trước ngày thi đại học, tôi về quê ngoại thăm má, thăm em và không quên đón xe về căn nhà cũ thăm ba tôi. Bước về mái tranh xưa, từ ngày mẹ bỏ đi nó xơ xát, điều hiu, nhà trên bếp dưới lạnh tanh. Khuất sau chái bếp là ba tôi, ông ngồi đó, vẻ mặt đăm chiêu nhìn ra xa. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhìn ông lâu như vậy. Ba tôi ngồi tựa lưng vô cột nhìn ra bờ kênh bên nhà, chiều tím dần xuống một góc trời mang theo một nỗi buồn vô định. Tự nhiên lúc ấy tôi thấy thương Ba vô cùng. Cuộc sống của một người đàn ông sẽ ra sao nếu không có bàn tay chăm sóc của vợ, căn nhà sẽ buồn tẻ lắm nếu không có tiếng cười của mấy đứa em. Tôi khẽ gọi :

-Ba ….!

-Thằng Hai hả con, con về thăm ba hả, lớn dữ bây

Lần đầu tiên trong đời Ba tôi nói những lời ngọt ngào như thế, lần này ba tôi không say. Một thứ tình cảm cha con hiện hữu trong căn nhà ấy, tôi ăn cùng ba bữa cơm chiều đạm bạc với dĩa rau lang luộc, lâu rồi mới thấy Ba ăn ngon như thế, ông cười thật hiền  nét mặt ấy quyện trong màu khói lam chiều khiến tôi rưng rưng nước mắt. Chia tay Ba tôi đón xe lên lại thành phố để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của đời mình. Lần này ra đi, cảm xúc hoàn toàn khác, cái cảm giác ấm cúng của hạnh phúc lóe lên trong chính căn nhà này. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng phấn đấu hết mình vì gia đình yêu dấu của tôi, tôi bắt đầu mường tượng ra không khí gia đình sum vầy bên mâm cơm ấm nồng.

Tôi đậu đại học, ngày tôi lên đường cũng là ngày mẹ và hai em dọn về sống cùng ba trong căn nhà xưa. Tôi mừng lắm, mừng vì sau bao năm mẹ tôi vẫn vậy, vẫn tràn đầy đức hy sinh và lòng vị tha. Có lẽ cái “nghĩa” đã được thăng hoa để con người ta bỏ qua cho nhau và xây đắp lại chữ “tình”. Mừng vì dù khó khăn là thế, cực khổ là thế nhưng thằng Ba và con út vẫn yêu thương và tôn trọng Ba. Ba tôi dần dần cũng bỏ bớt được thói rượu chè, tuy có uống nhưng ít hơn và ông không còn đánh đập như trước đây nữa, thằng Ba với con Út đều chăm ngoan học giỏi nên mẹ tôi cũng vui lòng. Hình như sau bao nhiêu cay đắng gian truân đầy đọa xuống cái gia đình rồi cũng có ngày hạnh phúc nở hoa.  Ra trường, tôi may mắn tìm được công việc với mức lương khá ổn, cuộc sống gia đình cũng bớt nhọc nhằn hơn xưa. Căn nhà xưa bây giờ được thay bằng một ngôi nhà ngói khang trang và lúc nào cũng thấm đượm tình cảm, là nơi mà anh em tôi rất muốn quay về để tạm lánh xa những bon chen ngoài cuộc sống.

Nhạc sĩ Trần Tiến được mọi người mến mộ khi khắc họa thành công khung cảnh mái ấm gia đình trong bài hát “ Mẹ Tôi”. Bài hát nổi tiếng này đã từng nổi đình nổi đám trên làn sóng Việt qua sự thể hiện truyền cảm của khá nhiều ca sĩ. Với lời ca mộc mạc, giản dị mà gần gũi, bài hát đã đánh thức hàng triệu trái tim những người con khi nhớ đến hai đấng sinh thành. Tôi thích bài hát này, có một câu trong bài hát mà chắc hẳn ai nghe qua cũng để trong tim.

“Mẹ ơi thế giới mênh mông

Mênh mông không bằng nhà mình

Mẹ ơi phú quý vinh quang

Vinh quang không bằng có Mẹ”

Với tôi, cuộc sống ngoài kia có tươi đẹp, mênh mông  bao nhiêu, thì cũng bằng tình cảm mênh mông nơi gia đình này, với tôi còn cha còn mẹ là thứ vinh quang, cao quý nhất trong cuộc đời – mà sự vinh quang này không bao giờ đong đếm được.

Sáng nào cũng thế, tôi vẫn dậy sớm để tưới luống hoa hồng trồng trước hiên nhà. Với tôi nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, hoa hồng đỏ là hiện thân của hạnh phúc gia đình tôi, mỗi lần ngắm những sắc thắm ấy tội lại vui sướng vì biết rằng mình rất may mắn khi còn cha còn mẹ hiện hữu trên cõi đời.  Mùa Vu Lan này, tôi lại cài trên mình đóa hoa hồng thắm, tôi sẽ thêm nó vào bộ sưu tập những bông hồng yêu thương trên bàn thờ Mẹ Quan Âm. Tôi cất giữ chúng như những báu vật thiêng liêng của đời mình. Để hiểu, để thương, và để giữ trọn hiếu hạnh của một người con Phật. Cầu mong cho ba mẹ thật nhiều sức khỏe để màu hồng ấy sẽ luôn còn, còn mãi với chúng tôi.

Hạnh phúc của một mái ấm không hề xa xôi. Nó chỉ đơn giản là một buổi sáng đầu thu. Mẹ tôi nhóm lửa nấu ấm nước chè trong chòi bếp, Ba tôi đứng bên sân cho gà ăn và ngoài hiên nhà những nụ hồng vẫn đua nhau khoe sắc thắm.

Nguyễn Xuân Lĩnh

Năm sinh: 1994

Hà Đông – Điện Hòa – Điện Bàn – Quảng Nam

——————

“Đây là bài viết tự đáy lòng của con dành cho ba mẹ mình, các tình tiết trong câu chuyện hoàn toàn có thật. Cảm ơn Ban tổ chức đã có một cuộc thi đầy ý nghĩa như thế này để các bạn trẻ như con có thể hiểu và thương cha mẹ mình nhiều hơn”

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB