Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI NHÌ
———————
Tác phẩm dự thi: HAI ĐÓA HOA HIẾU HẠNH NGÁT HƯƠNG
MS 115 Báo viết
Đến đầu thôn Trung Đông (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), hỏi người dân địa phương về gia đình chú Trần Kim Huệ và cô Nguyễn Thị Ngọc Hiền thì không ai mà không biết. Với bà con nơi đây, gia đình của chú Huệ và cô Hiền vốn nổi tiếng là gia đình hạnh phúc, vợ chồng mẫu mực, con cái chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo.
Chị “xuất sắc”, em “toàn năng”
Sau hai mươi ba năm về chung một nhà, đến nay, khối tài sản “khổng lồ” mà chú Huệ và cô Hiền có được chính là hai đứa con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Con gái lớn là Trần Nguyên Ngọc (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) và cậu con trai út tên Trần Nguyên Hạo (17 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Nhắc về hai đứa con của mình, chú Huệ nói bằng giọng rưng rưng xúc động, xen lẫn niềm tự hào: “Cuộc đời chú đến nay chẳng có chi quý giá bằng hai đứa con, tụi hắn lúc mô cũng làm chú hãnh diện. Từ nhỏ đã lo học, ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ, không đua đòi với bạn bè, không làm cho cha mẹ phải buồn lòng hay xấu hổ”.
Chú Huệ vốn là thợ cắt tóc, nhưng cách đây hai năm không may gặp phải tai nạn giao thông, vì vết thương nặng, cộng với nhiều căn bệnh có sẵn trong người như đau đại tràng, rối loạn tiền đình, gai cột sống… nên chú Huệ phải tạm ngưng công việc mưu sinh để tập trung phục hồi sức khỏe. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, từ tiền ăn cho đến tiền học của các con phải trông chờ vào tiệm may nhỏ của cô Hiền.
Thương ba mẹ vất vả sớm hôm, hai chị em Ngọc và Hạo luôn hòa thuận, động viên lẫn nhau phải cố gắng học tập thật tốt để ba mẹ vui lòng, dùng thành tích học tập của mình để động viên, xoa dịu đi những vất vả, khổ cực mà ba mẹ phải trải qua. Với Trần Nguyên Ngọc, trong suốt mười hai năm liền em luôn đạt học sinh khá, giỏi; đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong bốn năm học đại học, năm nào em cũng đạt danh hiệu Sinh viên Giỏi và Xuất sắc, được nhà trường trao tặng học bổng. Đặc biệt, Ngọc vừa hoàn thành Chương trình đào tạo đại học tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) với tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc.
Còn em Hạo, tuy chỉ mới học lớp 11 nhưng cũng sở hữu nhiều thành tích học tập “khủng” khiến bạn bè nể phục, thầy cô yêu quý và cha mẹ tự hào: mười một năm liền đều là học sinh khá, giỏi; đạt Huy chương Vàng môn Địa lí kì thi Olympic; đạt giải Nhất môn Địa lí Kì thi Học sinh giỏi cấp tỉnh; đạt giải Nhì – Học sinh Toàn năng tại “Hội thi Học sinh Tài năng tỉnh Quảng Nam”…
Ngoài thời gian trên giảng đường, em Ngọc còn đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần chi phí ăn học cho ba mẹ. Trong suốt bốn năm qua, cô bé với vóc dáng nhỏ nhắn đã trải qua nhiều việc khác nhau như gia sư, bán hàng, phụ việc tại Trung tâm tiếng Trung… Mặc dù bận rộn làm thêm nhưng Ngọc vẫn luôn đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu, luôn duy trì được thành tích học tập cao.
Trong những ngày giáp Tết, khi các bạn sinh viên cùng trang lứa lần lượt về quê đoàn tụ bên gia đình sau một thời gian dài xa nhà, thì em Ngọc chọn ở lại Huế để đi làm các công việc thời vụ, buôn bán vài mặt hàng để có tiền đóng học phí cho kỳ sau. Cô sinh viên mọi ngày vốn nhút nhát, rụt rè, chỉ quen với sách vở nhưng Tết đến cũng lăn lộn giữa chợ để bán từng gói mứt gừng, từng bịch bánh lọc, rồi một thân một mình chạy xe máy vượt đèo Hải Vân để về quê với những thùng hàng to trên xe. Ngọc kể: “Dù em có cực bao nhiêu thì cũng không bằng nỗi cực nhọc của ba mẹ. Số tiền em kiếm được đối với người khác thì không nhiều, nhưng đối với em, đỡ đần cho ba mẹ được chừng nào thì em vui chừng đó”.
Chị đi học xa nhà, em Hạo ở nhà thay chị chăm sóc ba mẹ. Hằng ngày, Hạo đi học trên trường, rồi về nhà phụ ba mẹ nấu cơm, làm việc nhà. Vì điều kiện gia đình không cho phép nên Hạo không đi học thêm như bạn bè, em tự mày mò, học tập qua sách vở và tham khảo thêm ở trên mạng. Dù điều kiện học tập không được như bạn bè cùng trang lứa, nhưng với sự nỗ lực vươn lên của mình, Hạo luôn đạt được thành tích học tập tốt, gặt hái được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cả nhà học Phật, ăn chay trường
Gia đình chú Huệ và cô Hiền vốn có truyền thống theo đạo Phật. Thấm nhuần những tư tưởng giáo lý của nhà Phật, năm 2008, gia đình chú quyết định ăn chay trường, đến nay ngót nghét cũng đã hơn 10 năm.
Theo chú Huệ, thời gian đầu cả nhà tập ăn chay cũng gặp nhiều trở ngại. Chú kể: “Từ đời nào đến giờ mình ăn mặn, rồi đột ngột chuyển sang ăn chay, lúc đầu cơ thể chưa thích nghi được nên cũng khó khăn, nhưng tập dần rồi quen”.
Cả nhà chú Huệ cũng thường xuyên đọc kinh sách, tìm hiểu về giáo lý của Đức Phật, duy trì việc tụng kinh, niệm Phật mỗi ngày. Vâng lời Phật dạy, chú Huệ và cô Hiền luôn dạy dỗ các con mình phải biết sống thiện, biết hiếu thảo, làm điều có ích cho xã hội, biết giúp đỡ mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn, phải để chuyện tốt luôn được lan rộng.
Trong căn nhà nhỏ của mình, gia đình chú Huệ dành vị trí trang trọng nhất để thờ Tam bảo. Hàng ngày đi ra đi vào, nhìn thấy tôn tượng các vị Phật, Bồ tát đang hiền từ mỉm cười với vầng hào quang lấp lánh, mỗi thành viên trong gia đình tự nhắc bản thân mình phải biết sống hòa thuận, yêu thương nhau, chăm làm những điều thiện, cha mẹ nuôi dạy con cái thành người tử tế, con cái thì chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ.
Hơn 10 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, dù bận rộn hay thảnh thơi, gia đình chú Huệ đều đặn mỗi ngày tụng 2 thời kinh, vào lúc 4 giờ sáng và 7 giờ tối. Chú Huệ chia sẻ: “Kể từ ngày gia đình chú ăn chay trường, thường xuyên thực hành theo lời Đức Phật dạy mà chú thấy vợ chồng con cái ngày càng được mở mang trí tuệ, trưởng thành, gia đình hạnh phúc”.
Không để phiền muộn lên đôi mắt đấng sinh thành
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, cô Hiền đã có chuyến đi Huế với thật nhiều niềm vui, xen lẫn xúc động. Cô đã nhiều lần đến với vùng đất Cố đô, nhưng lần ghé thăm này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt hơn cả – đi dự Lễ tốt nghiệp của con gái mình – em Trần Nguyên Ngọc.
Với thành tích tốt nghiệp đại học loại Xuất sắc của em Ngọc, cô Hiền được đích thân Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) mời tham dự lễ tốt nghiệp. Giây phút nhìn con gái của mình khoác lên bộ đồ cử nhân, bước lên bục vinh dự nhận tấm bằng đỏ, cô Hiền chỉ biết lặng im. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, đôi mắt với nhiều nếp nhăn và đầy nỗi lo toan, vất vả của cô Hiền bừng sáng lên niềm hạnh phúc, tự hào và long lanh những giọt nước mắt xúc động. Cô Hiền chia sẻ: “Vui lắm, mừng lắm, tự hào lắm. Bất cứ người mẹ nào cũng vậy, thấy con mình khôn lớn, trưởng thành thì mình chỉ biết mừng cho con”.
Nhớ về khoảng thời gian 4 năm trước, chú Huệ rơm rớm nước mắt: “Lúc mà bé Ngọc nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, nhà chú không có lấy một khoảng dư để cho con bé đi học. Nhưng khó mấy cũng phải cố lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Hồi nớ cô chú phải đi vay mượn bà con hàng xóm để có tiền cho con bé đi học. Mới đó mà cũng 4 năm rồi, con cái nó tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc, bậc làm cha làm mẹ như cô chú đây vui lắm”.
Còn cô tân cử nhân thì nghẹn ngào: “Hai mươi hai năm qua, ba mẹ đã cực khổ vì em nhiều rồi, ba mẹ làm ngày làm đêm, thức khuya dậy sớm để hai chị em được học hành bằng bạn bằng bè. Em chỉ biết cố gắng sống và học tập thật tốt, luôn tự nhắc nhở mình phải biết tự chăm sóc bản thân – vì thân thể mình là cha mẹ cho”. Ngọc suy nghĩ, công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là bao la vô bờ bến mà chẳng thể nào báo đáp hết được, em luôn hứa với lòng mình là phải trở thành người lương thiện, tử tế, sống có ích cho xã hội, sống theo lời dạy của Phật, không để phiền muộn lên đôi mắt đấng sinh thành.
Em Ngọc, em Hạo chính là những tấm gương hiếu thảo giữa đời thường. Trên nền tảng của Phật Pháp, cộng với sự dạy dỗ chu đáo của ba mẹ mà hai em đã, đang và sẽ tiếp tục là những người con hiếu thảo, sống tử tế với cuộc đời. Hai chị em Ngọc và Hạo chính là hai bông hoa thật đẹp, thật sặc sỡ và ngát hương thơm giữa vườn hoa hiếu hạnh.
————————–
Tác giả dự thi: Lê Vĩnh
Đ/c: Thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB