Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018
Vòng chung khảo
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
———————-
Tác phẩm dự thi: TẬN TỤY CHĂM MẸ GIÀ
Tác giả: Lưu Đình Long (Mạnh Khôi)
——————
Tận tụy chăm mẹ già
Người mẹ ấy là bà Nguyễn Thị Nà (90 tuổi) ở thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Còn người con là cô Trần Thị Sanh (56 tuổi) – cũng là ngần ấy năm cô sống, cùng mẹ mình vượt qua bao nhiêu khó khăn, đến giờ vẫn còn nghèo, dù vậy cô vẫn chu đáo chăm mẹ…
“Còn mẹ là hạnh phúc”
Đến thăm cô nhiều lần, lần nào cô Sanh cũng ân cần tiếp chuyện. Thi thoảng, cô dừng lại, nhìn qua mẹ mình ngồi ở góc nhà, rồi hỏi: “Mẹ nói chi đó?”. Đó là khi, cô nghe bà Na “tham gia” cùng câu chuyện trong khi bà nói không được rõ lời và nhớ nhớ quên quên kể từ sau lần bị té hồi mùa lụt năm ngoái (2017).
Cô Sanh kể: “Dù lớn tuổi nhưng trước khi té, bà cũng còn minh mẫn lắm, nói năng lớn giọng chứ không phải như chừ”. Cô rưng rưng nhớ lại hồi bà Nà bị té, nước lụt giăng khắp đường đi, bà bị ngã khi đi từ nhà dưới lên nhà trên. Trong trận lụt gần như lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, cô đành ôm bà ở nhà sơ cứu, sau vài ngày mới đi bệnh viện được nên khi đó, bác sĩ cho nhập viện nhưng việc cấp cứu đã muộn nhiều. Bà bị gãy xương và phải nằm một chỗ dù được chữa trị tích cực, do tai biến nhẹ nên bà vẫn nói được nhưng ú ớ, rồi có biểu hiện nhớ nhớ quên quên, đãng trí dần…
Là con gái trong nhà (còn hai người con trai nữa) nhưng do cô Sanh không lập gia đình và có “tự túc” một người con gái (đang là sinh viên ngành Dược tại Đại học Đà Nẵng) nên đã gắn bó với cha mẹ mình suốt. “Nhiều kỷ niệm lắm…”, cô Sanh bộc bạch!
Cha cô mất trên 10 năm do tuổi già, mẹ lớn tuổi ra vô cùng con cháu nên lúc bà chưa bệnh liệt nửa người như giờ thì có thể phụ giúp đôi phần việc để cô thu vén đi làm, trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
Tất nhiên, cũng chỉ là công việc làm thuê làm mướn, khi đi phát chồi lúc lột vỏ cây keo, hồi thì đi cuốc chân cỏ đậu… “ai kêu chi làm nấy”, bên cạnh 3 sào ruộng lúa nước phụ thuộc trời. Cảnh nghèo nhưng theo bà con hàng xóm: “Con Sanh không để mẹ mình thiếu hụt, luôn chăm sóc ân cần, nhẹ nhàng. Có lẽ nhờ rứa mà con hắn cũng có hiếu lắm, học giỏi có tiếng và chừ cũng sắp ra trường giúp được mẹ rồi”.
Nói về con gái, cô ánh lên hi vọng rằng, sau này đời con mình đỡ khổ hơn cô. “Con bé cũng là niềm tự hào của ngoại hắn đó chớ”, cô nói rồi nhìn qua bà Nà cười hiền hậu. Cô bày tỏ: “Ở quê nghèo, ăn uống thiếu thốn, đời sống cực khổ mà bà sống thọ 90 là mừng rồi, đó cũng là phước của cô nên hạnh phúc chớ không thấy cực chi hết”.
Mỗi ngày chăm sóc một ngày báo ơn…
Hỏi cô ước mong chi không? Cô nói đời mình rứa là đủ rồi, tuổi này còn mẹ, có đứa con ngoan là đã được “trời Phật thương”. Tuy không phải là Phật tử quy y nhưng cô mến đạo Phật, rằm vẫn đi chùa và từng bước bỏ chuyện mò cua bắt ốc. Nhất là khi, có lần đi mò ốc về (vì mưu sinh), tối nằm ngủ mơ thấy ai đó nói vẳng bên tai là đừng có sát sanh nữa. Thế là cô bỏ! Rồi dần dà, có cô Hà Thị Nuôi (pháp danh Chúc Dưỡng) thường xuyên vào ra hướng dẫn chuyện ăn chay, làm lành, lánh dữ, cô cũng bắt đầu nghe theo, đi chùa thường hơn. Khi mẹ mình đổ bệnh, cô Sanh còn biết khuyên bà niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.
Hồi tưởng lại lúc bà bị té, nằm một tháng, cô và bà con hàng xóm không khỏi “sợ” khi lưng bà bị đen một chòm như bàn tay. Lúc đó, con cô Sanh về thăm ngoại mới tá hỏa vì nhận ra đây là dấu hiệu bên trong đã bị hoại tử. Cô và con gái mua các dụng cụ y tế cần thiết về tự cắt miếng da đen đó và “ôi thôi, cả một mớ mủ và máu hôi thối chảy ra, không ai chịu nổi”. Hai má con cô vệ sinh cho ra hết phần bị hoại đó rồi mua mật ong thật về rửa vết thương, chăm sóc hàng ngày, sau mấy tháng thì vết lở loét bằng bàn tay, sâu hóm ấy dần lành lặn lại, giờ không còn hôi thối nữa.
“Chị Sanh chăm mẹ kỹ lắm, sạch sẽ, chu đáo. Ít thấy ai làm được như chỉ”, đó là lời tán thán của cô Hà Thị Nuôi, một người thường vào ra giúp đỡ cô Sanh. Hỏi bà con hàng xóm, ai cũng cảm phục việc chăm sóc người mẹ già, bị bệnh của cô Sanh. “Nếu không có cô Sanh chăm thì bà chắc không ngồi dậy được, không nói được, vết loét chắc lan ra cả lưng, không chừng bà cũng mất lâu rồi”, chị Sáu Vi ở gần nhà cho biết.
Chăm sóc cha mẹ già là trách nhiệm và cũng là việc làm thể hiện hiếu hạnh đối với song đường, tất nhiên xuất phát từ trái tim mỗi người con. Không may, cha yếu, mẹ già, thậm chí bị liệt một chỗ, việc chăm sóc bền bỉ nhiều tháng năm, không khó chịu khi phải dọn đồ hôi thối, không thấy ghê thấy gớm khi vệ sinh vết thương lở loét cho thấy tình thương đủ lớn mới làm được.
Người xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” – để nói lên thực trạng về việc con cái thường luôn bất hiếu, như chân lý “nước mắt chảy xuôi” – chỉ có cha mẹ là hi sinh vô điều kiện. Nên, có người con nào chọn việc chăm cha, lo cho mẹ khi tuổi xế lại bị bệnh không tự chủ được nhiều thứ và xem đó là điều hạnh phúc để báo ơn sâu (sanh thành, dưỡng dục) là tấm gương sáng, đánh động trái tim nhiều người…
Chia tay cô Sanh, chào bà Nà trong buổi chiều nhá nhem, trong căn nhà hiu quạnh của hai người đàn bà (một già, một trẻ) tôi vẫn nghe người mẹ nói gì đó không rõ, người con cứ ân cần trò chuyện như thể ngày xưa mẹ mình vẫn ầu ơ “nói chuyện” với con trong buổi đầu tập nói, bập bẹ…
Vâng, già ra con nít, và người già cần biết bao sự kiên nhẫn của con mình, những đứa con đã mang nặng chín tháng mười ngày, đẻ đau trong huyết sản, nuôi lớn từng ngày. Đến đây, tôi cũng rưng rưng nhớ mấy câu thơ của Thanh Nguyên trong “Ngày xưa có mẹ”:
“Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc…”.
Mong “bầu trời yêu thương dịu ngọt của cô Sanh sẽ ở bên cô lâu thêm, mong con của cô sẽ luôn hiếu đễ như cô đã từng…
Lưu Đình Long (Mạnh Khôi)
Thôn Trung Yên, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB