Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018
Vòng chung khảo
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
———————-
Tác phẩm đạt giải khuyến khích : NHỚ !
Tác giả: Trần Thị Kim Chung (Đức Thọ Kim)
Chiều mưa, vừa để cặp sách xuống bàn học sau khi chạy vội từ trường về.
Ring…Ring…Ring. Mẹ tôi gọi điện thoại vô.
“ Con ơi, sắp đến Đại Lễ Vu Lan rồi. Chùa ở quê mình có tổ chức một cuộc thi viết về Đạo Hiếu đó con. Con tham gia được không? ”
“ Con bận lắm mẹ ơi. Con vừa đi học, vừa đi làm thì sao có thời gian mà viết được.”
“ Rứa hả con… Thôi cũng được, mà con nhớ ăn uống đầy đủ vô, đừng làm gì quá sức, không thì đau nghe hông.”
“ Dạ. Con nhớ rồi mẹ.”
Đó là một trong số rất nhiều những cuộc nói chuyện ngắn ngủi, kéo dài chỉ vỏn vẹn vài phút giữa tôi và Mẹ trong suốt ba năm tôi sống nơi Sài Gòn – xa quê nhà Quảng Nam hàng trăm cây số. Nhưng hôm nay sao khác ngày thường, tôi thấy lạ quá, có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ sau khi gác máy. Đại Lễ Vu Lan sắp đến rồi ư, thật nhanh quá. Là một người con Phật, tôi hiểu rất rõ ý nghĩa thiêng liêng của Đại Lễ này – Đại Lễ Báo Hiếu Cha Mẹ. Đó là dịp mà mỗi người con sống lại trong mình hai chữ Hiếu Đạo đối với Cha Mẹ hiện tiền và Cha Mẹ đã qua nhiều đời nhiều kiếp trước.
Tôi sực nhớ lại giọng mẹ trầm buồn hẳn xuống trong cuộc điện thoại vừa rồi. Tôi vội vàng quá, sao chưa hỏi gì về cuộc thi ấy mà lại từ chối Mẹ một cách thẳng thừng như thế kia. Tôi gọi lại Mẹ và sau cùng tôi quyết định tham gia cuộc thi đó, không phải vì Mẹ tôi yêu cầu như thế mà đối với tôi, Hiếu Đạo với Cha Mẹ luôn là một điều thiêng liêng cao quý mà tôi mãi khắc ghi khi còn sống trong cuộc đời này.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
(Thơ – Sưu tầm)
Những câu thơ ấy không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in kể từ lần đầu tiên được đọc trong một ngôi chùa dịp Đại Lễ Vu Lan. Cha Mẹ – hai tiếng sao mà quá đỗi thiêng liêng khiến tôi không thể ngừng rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến. Tôi khóc vì Ba Mẹ tôi đã cực khổ quá nhiều rồi, cả một đời làm lụng chỉ để mong cho con cái một bữa cơm ngon, một giấc ngủ lành.
Gia đình tôi không khá giả, tài sản lớn nhất có lẽ là sào ruộng và mảnh đất vườn nhỏ khô cằn. Ấy vậy mà năm nào cũng thế, Ba Mẹ vẫn cứ làm việc quần quật “Bán mặt cho Đất, Bán lưng cho Trời” nuôi dưỡng ba chị em tôi ăn học, lớn khôn từng ngày. Hồi đó tôi còn nhỏ dại, cứ mãi so sánh bản thân với chúng bạn, so sánh Ba Mẹ mình với Bố Mẹ bạn. Tôi giận Ba Mẹ tại sao lại không mua cho tôi những món ăn ngon, không đưa đón tôi đi học và cả không nộp học phí đúng hạn nữa. Giờ đây nghĩ lại, tôi ân hận quá. Lúc ấy, tôi đâu biết rằng, Ba Mẹ không mua những món ngon đắt tiền bởi vì phải dành dụm mua gạo cho mấy tháng tới chứ năm đó mất mùa lắm; Ba Mẹ không đưa đón tôi đi học vào những ngày hè nắng gắt hay những ngày đông lạnh buốt xương vì giờ khắc ấy Ba Mẹ còn đang ở ngoài đồng cắm từng bó mạ, gieo từng hạt đậu; và, Ba Mẹ sợ rằng tôi xấu hổ với bạn bè vì muộn học phí, nên đã gặp Cô giáo để Cô không nhắc chuyện này trước mặt cả lớp. Vậy đấy, tôi ơi tôi thấy không? Ba Mẹ đã làm hết những điều gì là có thể và cả những điều tưởng chừng như là không thể. Vì các con, Ba Mẹ sẵn sàng.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả thân gầy Cha che chở cho con
(Thơ – Sưu tầm)
Và rằng sau tất cả, Ba Mẹ mỗi khi về nhà, trước mặt chúng tôi vẫn luôn nở một nụ cười thật tươi trên gương mặt rám nắng, nhễ nhại mồ hôi – hình ảnh ấy sẽ mãi ghi dấu trong tim, là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời này.
Rồi đến khi lớn hơn, hiểu chuyện hơn, tôi cảm nhận sâu sắc những nỗi vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền đã và đang đè nặng trên đôi vai gầy yếu của Ba Mẹ lớn đến nhường nào. Có những đêm giật mình thức giấc, tôi thấy mắt Mẹ đỏ hoe, Mẹ khóc. Nước mắt tôi cứ thế mà giàn giụa. Tôi hiểu rằng, cuộc sống này đã quá khắc nghiệt, những nỗi vất vả giờ đây không thể thốt thành lời nữa rồi. Ngày ngày Mẹ chịu đựng tất cả để rồi khi đêm về, khi mọi thứ đi vào yên ắng, tĩnh mịch nhất thì lòng mẹ lại như dậy sóng, lo lắng và suy tư nhiều hơn, những giọt nước mắt cũng bởi vì thế mà cứ trực trào dâng lên. Tôi chỉ quay sang ôm thật chặt Mẹ mà không nói gì cả, tôi sợ Mẹ thấy tôi khóc thì càng thêm lo.
Nhớ lại bài học “Giá trị cuộc sống” sáng nay, Thầy bảo:
“ Khi các con thực tập hít đất, cảm giác của các con như thế nào? ”
“ Dạ con quá mệt đến không thể thở nổi. Cả cơ thể con nặng ì như một khối sắt. Sức ì đó đè nặng cả thể xác và tâm trí, làm con bỏ cuộc ngay lập tức chỉ sau ba lần lên xuống. Từ giờ, con không muốn tập nữa Thầy ạ.” – một bạn trong lớp vội phát biểu.
“ Các con thân mến. Đau đớn, mệt mỏi và bỏ cuộc là những cảm giác mà không ít trò gặp phải. Các con hãy nhìn ra cuộc sống ngoài kia. Các con có nhận ra, ở đó có những người vì để các con không phải chịu những cảm giác như thế, đã tình nguyện hứng chịu bao nhiêu là cái hít đất khắc nghiệt của cuộc đời không.
Nhưng họ khác các con ở điểm là không bao giờ để lộ ra những lời nói than vãn, dù chỉ là ý nghĩ bỏ cuộc cũng không một lần xuất hiện trong tâm trí. Và đôi lúc, sự hi sinh vĩ đại ấy – họ giấu cho riêng mình, còn các con nếu không thực sự chú tâm sẽ không thể nào hiện hữu được đức hi sinh đó. Họ là ai vậy, các con?”
Hơn ai hết, tôi thấu hiểu từng chữ, từng câu trong lời Thầy nói. Với vô vàn những cái hít đất đau đến nghẹt thở mà cuộc sống mang đến, Ba tôi Mẹ tôi vẫn đứng ở đó, vẫn trụ vững dang hai tay bảo vệ những đứa con vàng ngọc với nụ cười hạnh phúc mãn nguyện.
Cha nhẫn nhục trăm điều mệt mỏi
Mẹ khiêm nhường vạn nỗi buồn đau
Dù cực khổ, chẳng u sầu
Dâng trào tình cảm, thấm sâu dặm trường
(Thơ Ơn Cha Mẹ – Việt Cường)
Khi xưa, nghe người ta hay nói, con cái thêm tuổi trưởng thành thì Ba Mẹ thêm nếp nhăn và tóc sẽ thêm bạc màu. Câu nói ấy cứ ám ảnh trong đầu, làm tôi trăn trở mãi. Tôi quyết tâm từ lúc đó sẽ làm mọi cách để Ba Mẹ mãi luôn tươi trẻ và luôn hạnh phúc. Từng ngày trôi qua, tôi cố gắng học tập thật chăm chỉ, đạt thành tích thật cao tại trường để Ba Mẹ luôn cảm thấy tự hào về con gái. Tôi biết rằng, niềm vui thực sự của Ba Mẹ là khi nhìn thấy con chăm ngoan, học giỏi. Được như thế thì dù có vất vả, nhọc nhằn đến đâu đi chăng nữa, Ba Mẹ cũng chịu đựng được.
Có lẽ rằng, cột mốc đáng nhớ nhất trong quãng thời gian Phổ thông là chặng cuối cùng – Kỳ thi Đại Học. Thời điểm ấy, tôi lo lắng một phần thì Ba Mẹ là mười phần. Nhưng không phải vì thế mà Người tạo áp lực, bù lại vẫn luôn động viên và là chỗ dựa tinh thần vô cùng vững chắc cho tôi.
Nhớ…mỗi sáng đều đặn, mẹ đạp chiếc xe cũ ra hàng thịt mua về nấu lấy nước để tôi uống ngày hôm đó. Mẹ sợ tối đi học về muộn, cơm canh lại nguội nên vừa nghe tiếng chân chống xe tôi bật xuống thì dù muộn như thế nào mẹ cũng bật dậy, hâm nóng thức ăn, mang sẵn vào bàn học cho tôi. Và cả khi tôi bị chảy máu ở mũi, Mẹ cứ thế quên cả nón mũ, chạy vội sang kia đường mua thuốc, mua cam dù trời như đang đổ lửa. Tình yêu của Mẹ thật bao la biết nhường nào.
Cảm ơn Mẹ đã cho con cuộc sống
Cả cuộc đời Mẹ đã khổ vì con
Ơn sinh thành con chẳng thể nào quên
Suốt đời này con mãi luôn ghi nhớ
(Thơ – Sưu tầm)
Nhìn ra khung cửa sổ, những hạt mưa long lanh đuổi theo nhau lộp bộp đáp nhẹ trên cỏ. Giai điệu bài hát Tháng Bảy Mùa Vu Lan Về cứ văng vẳng đâu đây, nghe sao mà thân thương, mà quen thuộc đến nao lòng.
Hôm nay Vu Lan đã về
Hôm nay, trời sụt sùi mưa
Hôm nay những kỷ niệm xưa ùa về trong tâm trí
Một thời cha mẹ, tảo tần khổ nhọc, cố gắng nuôi con.
(Nhạc – Phương Nhã Ka)
Nhớ khi xưa… Khi Ba tiễn Mẹ và tôi vô Sài Gòn nhập học cũng vào một chiều mưa như thế này, nhưng lúc ấy có kèm theo cả sấm chớp nữa. Lần đầu tiên tôi thấy Ba khóc. Trước đây, có đôi lúc Ba hay to tiếng trong gia đình, mỗi khi như vậy tôi cảm thấy buồn vô cùng, nghĩ rằng Ba không thương Mẹ, không thương các con. Nhưng chúng tôi càng lớn, Ba đã dần không còn như thế nữa, mỗi đứa chúng tôi bây giờ đều hiểu Ba yêu gia đình mình nhiều lắm và rằng chính hoàn cảnh, cuộc sống quá khó khăn lúc đó đã vượt qua khỏi ngưỡng chịu đựng của Ba rồi. Chỉ có điều cách mà Ba bộc lộ ra ngoài sự quá mức ấy khác với Mẹ – người chọn những giọt nước mắt thầm lặng để cho lòng an yên hơn. Ba khóc hôm đó làm lòng tôi như thắt lại, nước mắt cứ tự nhiên mà chảy. Rồi Mẹ tôi cũng rơm rớm, cả nhà cứ thế mà khóc theo.
“ Ba yên tâm nhé. Con gái chắc chắn sẽ sống thật tốt, sẽ mãi luôn cố gắng để trở thành niềm tự hào lớn nhất của gia đình mình. Ba nha!”
Cha là bóng cả ngã che con
Là cả tình thương chẳng xoáy mòn
Là cả cuộc đời vô biên quá
Nặng nghĩa tình cha như nước non
(Thơ – Sưu tầm)
Nhớ… Cũng là một chiều mưa nặng hạt, tôi đưa Mẹ ra Ga tàu Sài Gòn về lại quê sau một tuần Mẹ ở cùng tôi nơi đất khách. Tôi cố dằn lòng không khóc trong suốt quãng đường đi để Mẹ tôi có thể yên tâm. Nhưng đến khi tàu chuyển bánh thì tôi không thể kiềm được nữa rồi, tôi mếu máo nhìn Mẹ. Ý nghĩ duy nhất trong đầu lúc đó là tàu dừng lại để tôi chạy lên về cùng Mẹ. Mẹ khóc nhiều lắm, đưa tay ra hiệu:
“ Trời mưa to, quay về phòng trọ nghỉ đi con.”
Đôi chân không còn trụ vững nữa rồi, tôi khuỵu xuống nhìn theo hướng tàu chạy, mọi thứ khuất dần rồi mất hút chỉ sau đó vài giây.
Đạp xe về nhà trọ dưới cơn mưa tầm tã, tôi như một đứa trẻ lạc lõng không biết lối đi, nước mắt cứ tuôn không ngừng cùng những hạt mưa lã chã trên khuôn mặt. Bản thân cố đạp xe thật chậm, hòa mình cùng mưa giữa dòng xe cộ hối hả. Tôi sợ về lại phòng trọ, ở đó cô đơn quá, tôi sẽ càng nhớ Mẹ lắm.
Và cũng từ phút giây ấy, là thời khắc tôi nhận ra rằng đã đến lúc đôi chân này không thể và không được mềm yếu nữa, phải vững chãi hơn bao giờ hết đối diện với cuộc sống tự lập và hướng về ngày mai với tất cả niềm tin, niềm hi vọng Ba Mẹ, gia đình dành cho tôi. Thời gian sau đó, dù cho cuộc sống có khó khăn như thế nào thì khi tìm về với góc gia đình trong tim, lòng tôi lại được yên bình, lại được tiếp thêm nguồn năng lượng vô biên đến lạ.
Lại càng nhớ về… Một lần nữa cũng vào chiều mưa rào tháng 11, tôi nhận kết quả trúng tuyển Thực tập sinh tại một Tập Đoàn Tài Chính Đa Quốc Gia – nơi làm việc lý tưởng của bao thế hệ sinh viên. Nhấc máy gọi ngay về nhà, Ba Mẹ tôi mừng vui khôn xiết, lần này Ba Mẹ cũng khóc. Mẹ khóc vì con gái đã vượt qua được bản thân, vượt qua cả những điều gì là khó khăn nhất trong cuộc sống tự lập nơi Sài Thành xa xôi; Ba khóc khi con đã có được thành công đầu tiên bằng chính công sức của con – những gì con đã tạo dựng và tích lũy.
Là sự trùng hợp vô ý hay là ngẫu nhiên hữu ý, cả ba mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự khởi đầu và tiếp nối cho cuộc sống tự lập của tôi khi rời vòng tay yêu thương gia đình đều gắn liền với những cơn mưa chiều và những giọt nước mắt quý giá của Ba, của Mẹ – những giọt nước mắt của sự chia xa, niềm hi vọng và sự vỡ òa hạnh phúc.
Nhìn lại khoảng thời gian sống xa nhà, xa Ba Mẹ, tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng hai tiếng Đạo Hiếu. Hiếu Đạo ai ai cũng đã từng nghe, từng biết nhưng không phải người nào cũng hiểu trọn và có được sự thực hành áp dụng đối với hai đấng sinh thành. Đối với tôi, Hiếu Đạo dù học nhiều bao nhiêu, hiểu sâu bao nhiêu, thực hành nhiều như thế nào đi nữa thì mãi mãi vẫn là chưa đủ. Bởi rằng dù có nói biết bao điều cũng không thể nào tả hết công ơn và dẫu đánh đổi cả cuộc đời cũng không thể nào đền đáp hết ơn đức của Ba Mẹ.
Ơn cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng trọn một đời
Cũng không trả hết ân người sinh ta
Dù con theo trọn kiếp người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
(Thơ – Sưu tầm)
Cuộc đời này, tôi có duyên lớn khi được học chữ Hiếu từ trong Đạo Phật – Đạo mà từ xưa đến nay vẫn được coi là Đạo Hiếu của dân tộc Việt Nam chúng ta. Vẫn nhớ mãi khi xưa khai mở trong tôi về đạo làm con đối với Ba Mẹ là Kinh điển Phật và dẫn dắt tôi đi trên con đường tu tập Đạo Hiếu là Giáo lý Phật. Tôi trân quý vô cùng và tự hứa với lòng từ nay cho đến muôn đời sau, những lời dạy của Đức Phật tôi xin ghi lòng tạc dạ, lấy đó là ánh sáng, là chân lý cho cuộc sống để tôi ngày một cố gắng và hoàn thiện bản thân trên con đường tu tập.
Tâm hiếu là tâm Phật
Hạnh hiếu là hạnh Phật
(Lời Phật dạy)
Dù cho cuộc sống có hối hả, chỉ cần mỗi chúng ta dừng lại ở một khoảng không nào đó, lắng lòng, tĩnh tâm và ngẫm nghĩ về công ơn song thân, nghĩ đến những lời Đức Phật dạy về đạo làm con thì tôi tin rằng, ánh sáng Hiếu Đạo sẽ ngập tràn không gian, để lại đây là sự an yên và tình yêu vô bờ lan tỏa rộng khắp.
Tôi cảm thấy bản thân thật sự may mắn khi được biết, được học những lời Phật dạy về Đạo Hiếu. Nhờ đó, từ từng ý nghĩ đến mỗi hành động, tôi luôn ý thức về sự hiện hữu của Ba Mẹ – Người sẽ mãi soi sáng cho từng bước chân tôi đi.
Giờ đây, dù sống xa Ba Mẹ về khoảng cách địa lý nhưng tôi sẽ vẫn mãi cười thật tươi vì tôi tin rằng tôi đang ở bên cạnh Ba Mẹ đây mà, cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau nhủ thầm “ Cùng cố lên nào! ”
“ Này các Tỳ Kheo, nếu một người biết ơn và đền ơn, thì dù sống xa Ta ngàn dặm vẫn như đang ở bên cạnh Ta. Còn người không biết ơn và không đền ơn, thì dù ở bên cạnh Ta cũng giống như cách xa Ta ngàn dặm.”
(Trích Kinh Phật)
“ Ba Mẹ ơi! Công ơn sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ, con xin được ghi tạc trong tim cho kiếp này và mãi mãi về sau. Giờ đây con gái đã trưởng thành, đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Hơn ai hết, con cảm nhận được tình yêu thương bao la mà Ba Mẹ dành cho con qua từng nốt chai sần nơi bàn tay Ba, hay vô số những nếp nhăn nơi vầng trán của Mẹ. Từ lúc này, con gái sẽ không khóc một mình dưới mưa nữa và Ba Mẹ cũng đừng khóc khi đêm về nữa nhé. Nếu phải rơi nước mắt, thì gia đình chúng ta sẽ cùng khóc với nhau và đó sẽ là những giọt nước mắt an yên nhất, hạnh phúc nhất Ba Mẹ nha. Con yêu Ba Mẹ.”
Suốt 21 năm qua, tôi chưa một lần nói với Ba Mẹ những lời như thế. Và bây giờ, khi đã thấu hiểu, tôi xin gửi lời nhắn này đến Ba, đến Mẹ – những người vĩ đại nhất cuộc đời tôi
Ai còn Cha Mẹ
Xin đừng xin đừng
Đừng làm Người khóc
Đừng để buồn lên mắt Người ai ơi
(Thơ Ai còn Cha Mẹ xin đừng làm Người khóc – Khuyết danh)
Đó là lời nhắn nhủ tôi chân thành kính gửi đến tất cả mọi người, dù là người tôi biết hay không biết, người tôi quen hay không quen thì mong rằng “ai ơi” mãi ghi nhớ công đức trời bể của song thân.
“Cha Mẹ tại tiền như Phật tại thế. Gặp thời không có Phật, khéo thờ Cha Mẹ tức là thờ Phật vậy”
(Trích Kinh Phật)
Trần Thị Kim Chung (Đức Thọ Kim)
Ngày sinh: 12/7/1997
Nghề nghiệp: Sinh viên Trường Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh
Thường trú: Thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Tạm trú: 269/11, Vĩnh Viễn, Phường 5, Quận 10, Thành Phố Hồ Chí Minh
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB