Tác phẩm đạt giải khuyến khích: LỜI NÓI DỐI CỦA BA

169

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI KHUYẾN KHÍCH

———————
Tác phẩm dự thi: LỜI NÓI DỐI CỦA BA
MS 112 Văn xuôi

Cầm tách trà trên tay, mùi hương thoang thoảng theo làn gió nhẹ hòa quyện vào cơn mưa chiều nay làm cho lòng người thật dễ chịu. Húp tách trà còn ấm, tôi lang thang theo hành lang ni xá, gió càng lúc càng mạnh, tạt cả nước mưa vào người tôi. Nhìn xuống chiếc áo lem lém những bợn nước mưa vừa bám víu, ngoài kia gió vẫn thổi, mưa vẫn cứ rơi, tôi lại nghe đâu đó xuất hiện một mùi hương vô cùng thân thương và quen thuộc, nó làm cho khóe mắt tôi cay cay, cổ họng bỗng nghẹn cứng lại, hình như mùa Đông ở quê tôi len lỏi đâu đây. Tôi đứng lại nhìn tất cả những hiện tượng xung quanh, cố ý đưa mắt để tìm tòi một thứ gì đó, và tôi cảm nhận được khung cảnh nơi đây vừa rất gần gũi cũng lại vừa rất xa vời.

Rời xa Đất Quảng cũng hơn 10 năm, tôi nghĩ mình đã quên dần hương vị ngọt ngào của tình người, sự chất phát, dân dã của những người con nơi xứ Quảng. Nhưng cơn mưa chiều nay gợi cho tôi vô vàn nỗi nhớ, tôi nhớ những con người lam lũ, mỗi sáng mai họ cùng  nhau ra cánh đồng ruộng cho đến chiều tối, mặt trời lặn họ lại cùng nhau về với gia đình bé nhỏ, tuy nghèo nhưng ai ai cũng có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi nhớ những bữa cơm đạm bạc, đơn sơ, đầy tiếng cười rộn rã, nhớ những buổi chiều cùng đám trẻ chạy tung tăng trên cánh đồng xanh ngoài làng ruộng, rồi lại lội xuống dòng sông cạn để đùa giỡn với nước. Mọi thứ cứ hiện lên trong tâm trí tôi như câu chuyện vừa mới xảy ra vậy.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi nghe lạnh cả người. Ở nơi đó, chắc Người cũng lạnh lắm. Ba đã nằm trên mảnh đất ấy 13 năm, suốt 13 năm ròng rã hứng chịu những cơn mưa lớn, rồi những ngày giông bão giá rét. Thân xác ấy đã được an yên trong một ngôi mộ cạnh nhà, nhưng linh hồn Ba đã thật sự siêu thoát hay chưa? Hay Ba vẫn còn vất vưởng nơi đâu hay vẫn ở nơi xảy ra tai nạn năm ấy? Từ ngày Ba bị tai nạn đến nay, thâm tâm tôi chưa một ngày thôi không nghĩ đến. Tôi nghĩ về những ngày còn bé xíu, ngày ấy có thể tôi không biết gì nhưng tôi cảm nhận được sự bao bọc và chở che của Ba, hình ảnh Ba cõng tôi trên lưng, ngồi trên đôi vai ấy rồi đi vòng vòng trong xóm…

Ba tôi đơn giản lắm, ông không giàu, ông không có nhiều tiền nhưng chưa bao giờ để chúng tôi đói lạnh. Ba có thể nhịn miếng cơm, ba nói ba không đói để rồi chúng tôi có một bữa cơm ngon, đầy đủ. Lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ ba nói dối, nhưng ba tôi nói dối nhiều lắm, nhiều đến mức tôi không thể nhớ hết được những lần nói dối của ba. Ba nói dối mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn rất giận ông ấy đấy! Vào ngày ấy, ba bảo đi rồi ba lại về, ngày mai ba sẽ về mà… thế nhưng đã tận 13 năm, ba đi mãi vẫn chưa thấy về với chúng tôi. Thử hỏi như vậy có giận không? Tôi biết ông ấy cũng không nghĩ ngày định mệnh ấy lại đến nhanh như vậy, tôi cũng không thể ngờ được điều đó lại đến với Ba tôi. Lúc ấy, khi nghe tin ba xảy ra tai nạn, ngoài việc khóc và lo sợ, tôi chẳng biết làm gì hơn, tôi sợ ba lại bỏ chúng tôi để theo Má, tôi sợ ông ấy ngủ một giấc thật dài như Má tôi năm ấy vậy. Nghĩ đến cảnh như vậy tôi chỉ biết khóc rồi tự trấn an lòng, tự nói rằng Ba sẽ không sao… Nhưng luật vô thường đâu thể trốn tránh được, cũng chẳng ai hiểu được nỗi lòng của tôi. Thế là tôi lại mất Ba – điểm tựa duy nhất của mấy chị em tôi.

Từ khi Má rời khỏi thế gian này,  chúng tôi chính là động lực để Ba tiếp tục sống và làm việc. Ông vẫn thường hay ngồi lại nói chuyện với các con sau mỗi bữa cơm chiều, nào là dặn dò đứa lớn,  nhắc nhở đứa nhỏ. Tôi vẫn nhớ mãi lời năm ấy của Ba: “Cuộc sống bên ngoài xô bồ lắm, Ba không muốn các con phải bon chen ngoài xã hội, lòng người không phải ai cũng thật lòng với mình, nhưng các con lớn rồi, không thể theo ba cả đời được, mỗi đứa sẽ có một gia đình riêng… dù các con như thế nào, ba vẫn mãi đợi các con quay về quây quần bên ngôi nhà mà các con đã lớn lên, nơi đây ba vẫn mãi đợi mấy đứa.” Vậy mà hơn 10 năm qua, chúng con đã thật sự đối diện với bao lần vấp ngã, có những lúc muốn từ bỏ cuộc đời này để được bình yên, có những lúc muốn quay về lại ngôi nhà ấy, tựa vào vai ba, kể cho ba nghe những năm tháng xa nhà… nhưng chúng con chỉ được nghĩ đến thôi, nghĩ đến lời ba dặn dò năm ấy.Ngày trở về, con chỉ biết quỳ xuống trước ngôi mộ của hai đấng sanh thành, đốt nén tâm hương rồi bùi ngùi xúc động. Nhưng con vẫn mãi nhớ lời ba năm đó, mặc dù ba và má không còn hiện hữu trên đời này nữa nhưng hình bóng của hai người vẫn mãi sống trong tim chúng con, từng thớ thịt, từng giọt máu trong con chính là nguồn sống mà ba má để lại. Vì thế, con luôn trân trọng thân hình này, con luôn yêu quý thân hình này để một phần đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của ba má đã dành cho chúng con trong khoảng thời gian còn trên nhân thế.

Cũng đã hơn 10 năm trôi qua, cơn mưa lạnh chiều nay làm tôi lại nghĩ về quá khứ. Dẫu biết rằng “quá khứ không truy tìm”, nhưng nếu không nhìn lại quá khứ thì sao ta có một hiện tại thật an nhiên, nếu không có Ba Mẹ thì cũng không có tôi của ngày hôm nay. Trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật cũng dạy:

“Truy tìm về quá khứ
Là khi nghĩ như trên
Mà trong tâm bình thản
Không thích thú hân hoan.”

Con vẫn mãi nghĩ về Ba, về Má, con vẫn luôn nhớ mãi công sanh thành của người, đã cho con có mặt trên cuộc đời này, đầy đủ thân hình để ngày nay con được sống dưới mái chùa, được sống trong ngôi nhà tâm linh, được học giáo lý Phật và hành theo lời dạy của Ngài. Sự cố gắng tu học này là hành trình con đang tiến về mục đích ấy, đó là sự giải thoát cho ba mẹ và cho cả con.  Nguyện mong Ba Mẹ cảm được lời con và không còn vất vưởng nơi nào đó, không còn lạnh lẽo trong những cơn mưa giá rét của mùa Đông. Nếu một lần nữa làm thân người, con vẫn muốn là con của Ba Má.

“Mỗi một ngày chỉ có một hoàng hôn
Có người thấy và nhiều người không thấy
Mỗi một người chỉ có một Mẹ Cha
Có người níu giữ và nhiều người thả bay.”

Mãi thương yêu!

 ——————————

Tác giả dự thi: Thích Nữ Nhuận Hải
Địa chỉ: Chùa Bảo Vân, 33/37 Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP.HCM