Tác phẩm đạt giải ba: “Mẹ ơi…” của tác giả Phạm Thị Cẩm Ly

556

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

GIẢI BA

———————-

Tác phẩm: MẸ ƠI…

Tác giả: Phạm Thị Cẩm Ly (Đức Như)

Tháng bảy, bầu trời âm u xám xịt; những cơn mưa ngâu có vẻ như nặng hạt hơn, càng làm lòng người thêm nặng trĩu. Nó lững thững lê từng bước chân nặng nề về phía cổng. Hôm nay, nó được ra tù!

Cũng giữa tháng này cách dây mười lăm năm nó bị tòa tuyên án tù giam về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Có lẽ đây là khoảng thời gian u tối nhất trong cuộc đời nó. Cái tuổi hai mươi, ai cũng nói là rất đẹp của đời người, ấy vậy mà cả thanh xuân nó bị chôn chặt quanh bốn bức tường đá. Với bản tính liều lĩnh, dám làm dám chịu nó không tỏ ra yếu đuối hay suy sụp nhưng cả đời này chắc nó vẫn không quên được ánh mắt buồn tủi, thương con của mẹ nó ngày ấy_ cái ngày đôi tay nằm trong còng số 8 và bị giải vào nhà lao. Nó liếc nhìn đôi mắt đỏ hoe của mẹ như muốn nói lời xin lỗi. Nhưng tất cả cũng đã muộn! Nó bị ám ảnh bởi ánh mắt ấy suốt mười lăm năm qua và giờ đây cái ngày nó được mặc bộ đồ thường dân để về với gia đình thì mẹ nó đã nằm sâu dưới ba thước đất.

Mẹ nó ngã bệnh và qua đời lúc nó ngồi tù xấp xỉ năm thứ mười; nó đau và oán hận bản thân mình nhiều lắm. Nó khóc như mưa trước mặt chị ba nó, lúc con bé vào thăm nuôi kể lại. Con bé có động viên đôi câu rồi sau này nó lấy chồng xa cũng không có thời gian vào thăm nó nữa. Còn anh hai nó thì từ lâu đã có ác cảm, không ưa gì nó rồi; nếu thấy nó khóc hay tin mẹ mất thì chắc toàn là những câu từ đay nghiến đại loại như: “mày vừa lòng rồi chứ gì?”, “nước mắt cá sấu” dành cho nó.

Nó đi nhanh trong mưa để về nhà. Gương mặt người đàn ông ở độ tuổi gần bốn mươi hằn vài nếp nhăn và tóc cũng điểm vài sợi bạc. Chắc có lẽ nó suy nghĩ nhiều; suy nghĩ về cuộc đời, về số phận, về tương lai…Đã mười lăm năm qua, không một ngày nó thôi nghĩ về mẹ. Ngày mẹ qua đời nó cũng không có mặt để thọ tang. Nó nợ mẹ nhiều lắm…

Nghe kể lại rằng, ba nó qua đời lúc bé Ba chưa đầy hai tuổi. Một mình mẹ nó phải gồng gánh nuôi hai con nhỏ với bao nỗi gian truân; ngày gánh rau ra chợ bán, đêm về tranh thủ ra đồng bắt cá, bắt cua. Nó đến bên hai mẹ con nhà bà góa bụa như duyên trời định. Có lẽ sự xuất hiện của nó trên cõi đời này là một nghịch cảnh, là sự đớn đau dằn vặt của một bà mẹ trẻ nào đó. Cho nên vào cái đêm trời quang, trăng mười ba đã lên đỉnh ngọn tre; hớn hở xách chiếc giỏ lưng chừng cá trở về, mẹ nó như lạnh sống lưng khi nghe tiếng trẻ con khóc bên bụi tre đầu làng. Ánh trăng không rực rỡ nhưng đủ để nhìn thấy một em bé còn đỏ hỏn được quấn khăn cẩn thận đang khóc vì đói sữa.

“Trời ơi! Sao lại thế này?”

Như vô thức, bà thả ngay giỏ cá trên tay và bế em ôm vào lòng. Nhìn trước nhìn sau không một bóng người, chỉ có tiếng dế, tiếng nhái, cộng thêm tiếng cót két của thân tre va vào nhau. Không cần suy nghĩ, bà ôm em chạy nhanh về nhà, thằng Hai và con bé Ba thì ngủ ngon như chó con no sữa. Cả đêm hôm ấy bà thức trắng để lo dỗ dành đứa trẻ đáng thương. Bế nó trên tay bà khóc, khóc vì thương cảm cho số phận của cuộc đời nó và khóc vì hạnh phúc; một thiên thần bé nhỏ, gương mặt sáng sủa trời ban cho gia đình bà. Bà đặt tên cho nó là Thiên Bảo, là báu vật, là bảo bối của trời. Thầm nghĩ từ nay cuộc sống sẽ vất vả hơn nhiều; bà phải gồng gánh hết phần trăm sức lực để lo cho các con. Chòm xóm ai cũng không khỏi bất ngờ và giúp đỡ bà nhiều lắm.

Thời gian thấm thoát trôi đi, thằng bé nay đã vào lớp Một. Càng lớn nó càng khôi ngô nhưng đặc biệt bản tính khác hẳn anh Hai và chị Ba nó. Nó hiếu động, thích phám phá, thích làm những điều mà người khác không cho làm. Nhà ba anh chị em nhưng nó được mẹ cưng chiều nhất; bao nhiêu miếng ngon miếng ngọt bà cũng dành cho nó, có lẽ bà sợ nó thiệt thòi, bà sợ nó thiếu vắng tình thương. Cả cuộc đời bà hi sinh tuổi thanh xuân, nhìn già trước tuổi cũng vì ba anh em nó, trong thâm tâm lúc nào bà cũng mong muốn chúng nó thương yêu, đùm bọc nhau. Nhưng cái cách bà dành tình thương cho nó khiến tình cảm anh em nó ngày càng xa hơn. Tuổi nhỏ chưa ý thức  được gì nên lúc nào thằng anh nó cũng ganh tỵ tranh giành với em. Bởi trong đầu anh hai nó luôn nghĩ rằng, nó chỉ là một thằng con nuôi, nó không xứng đáng được mẹ dành nhiều tình yêu thương, không xứng đáng có nhiều tốt đẹp hơn anh nó. Nó nào hay, nó nào biết về thân phận bản thân mình. Nó vô tư hồn nhiên ăn, ngủ, học hành. Không nghĩ gì đến nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ.

Suốt những năm học cấp Hai là khoảng thời gian mà mẹ nó buồn rầu nhiều nhất. Nó ngỗ nghịch, không chịu học hành, suốt ngày theo lũ bạn tụ tập tại các quán game… Bảo ban bao nhiêu nó cũng không chịu nghe. Mẹ nó vừa lao lực lại vừa lao tâm. Bà suy nghĩ nhiều và suy sụp hẳn. Bà luôn mong sẽ dạy dỗ nó nên người dẫu bản thân mình có khổ cực bao nhiêu đi chăng nữa. Nhìn mẹ tiều tụy thằng Hai không khỏi lo lắng:

– “Mẹ thấy chưa, Mẹ nhặt nó về nuôi, bao nhiêu yêu thương, hi sinh mẹ dành cho nó mà nó có nghĩ đến mẹ đâu!”

– “Con đừng có nói vậy! Mẹ luôn xem thằng Bảo như con ruột, và cả ba đứa mẹ đều thương yêu như nhau, mẹ luôn mong ba đứa con đoàn kết, đùm bọc là mẹ vui rồi; con đừng nói vậy kẻo em nó nghe nó buồn!”

– “Nó mà biết buồn à mẹ? Nó xuất hiện trong nhà mình chỉ thêm gánh nặng cho mẹ con mình thôi”

Cái tát như trời giáng xuống mặt thằng Hai, từ nhỏ đến giờ bà chưa hề đánh con. Nhưng hôm nay đứa con trai của bà lại phải ăn cái tát đau đớn.

“Mẹ cấm con suy nghĩ vậy!”

Thằng Hai ấm ức bỏ chạy trong khi nó thì chết lặng phía sau hè. Nó đã nghe toàn bộ câu chuyện, nó lẳng lặng đi ra phía bờ đê ngồi trầm tư suy nghĩ như ông cụ non. Từ nay nó đã biết thân phận thật sự của mình. Nó là “Một đứa con nuôi” chỉ là một đứa con nuôi mà thôi. Đêm hôm ấy nó không về nhà. Nó ngủ lại nhà đứa bạn. Mẹ nó thức suốt đêm đi tìm nó nhưng vô ích. Hôm sau nó về, bị mẹ đánh đòn nhưng bản tính liều lĩnh nó không sợ và tỏ ra như chưa biết chuyện hôm qua. Nó đòi mẹ mua giày dép, quần áo mới, nó đòi hỏi còn nhiều hơn xưa. Thương con mẹ nó không để thiếu thốn thứ gì . Nhà khó khăn nhưng đi ra nó chẳng thua con nhà khá giả. Cứ nghĩ thương con, chiều con coi như phần thưởng để con lo học hành. Bà quyết tâm dạy dỗ nó nên người, sợ nó hư hỏng nhưng nó đâu thấu được điều đó. Giữa lớp 10, nó bỏ học! Nó theo tụi bạn lên huyện làm thêm. Bà khổ tâm vì nó lắm, khóc cạn nước mắt, bà khuyên nó đi học lại nhưng nó vẫn khăng khăng là muốn đi làm, đi học tốn tiền của mẹ. Bà như van xin yêu cầu nó đi học nhưng nó không mảy may quan tâm đến càm giác, suy nghĩ của mẹ. Nó lên huyện và lâu lâu mới về nhà. Mỗi lần về là bà nấu những món ngon, những món mà nó thích ăn. Giờ bà chỉ biết bảo ban nó ăn ở, giữ gìn sức khỏe chứ bà thừa biết  nó chả muốn ở nhà.

Nó đi làm cũng hơn ba năm rồi. Lần đầu tiên nó về mang theo cái hộp rất lớn . Nó mua cho nhà cái tivi màn hình phẳng, nó còn cho bà hẳn mấy triệu mua thuốc men. Bà không nhận, nó lại la. Nó còn bảo là tiền dành dụm được, bà đâu hay số tiền nó đưa là con số rất nhỏ so với số tiền mỗi lần nó chuyển hàng xong. Nó bốc xếp hoa quả trong chợ đầu mối, lượng ba cọc ba đồng, nó nhìn tụi bán vé số sống dưới chân cầu gần đó có vẻ rủng rỉnh, thích ăn gì là ăn đó. Nó lân la xin ở chung và hay rằng tụi này bán vé số chỉ là hình thức, lâu lâu nhận nhiệm vụ “chuyển hàng” cho các đại ca . Nó xin tham gia và được đàn anh chấp nhận. Nó lanh lợi và xử lý tình huống khá tốt nên tụi giang hồ tin tưởng và giao trọng trách cho nó nhiều hơn. Nhiều chuyến hàng trắng giao xong đêm về hàng tỉ đồng bằng tiền đô nhưng nó vẫn thực hiện trót lọt. Tiền đối với nó giờ đây không thiếu, nó tham vọng và lao vào vòng lao lý lúc nào không hay. Nó không nghĩ gì đến gia đình, đến mẹ già ở nhà đang mong nhớ. Hoàn thành xong nhiệm vụ là hàng trăm triệu có trong tay; nó cảm thấy cuộc sống bây giờ rất thoải mái, không còn gò bó, xin xỏ, không thèm thuồng như ngày nó ở với mẹ. Có những đêm chạy trốn công an, nó nghĩ rằng làm thêm vài năm nữa nó trốn đến nơi khác lập nghiệp, cưới vợ, sinh con. Nó đã 20 tuổi rồi mà, nó cũng muốn có một gia đình, một tổ ấm.

Nhưng điều gì cần đến cũng đã đến, công an đã hành động và triệt phá đường dây buôn bán trái phép chất ma túy lớn nhất khu vực phía Nam. Nó và đồng bọn bị công an bắt quả tang khi đang giao dịch “hàng trắng”. Đôi tay nằm gọn trong chiếc còng số Tám, nó như thấy trước mắt mình là một màn đen. Hết rồi, hết tất cả rồi. Bây giờ chỉ còn chờ ngày xét xử.

Mẹ nó sốc và ngã bệnh. Vào thăm con trong khi người mệt lả, bà rơm rớm nước mắt: “ Sao khờ dại vậy hả con”. Nó cúi đầu không nói một lời nào cả. Bà khóc cạn nước mắt, bà ân hận vì không dạy dỗ con nên người, bà đau và trách mình. Để con lao vào vòng lao lý là điều mà không bậc cha mẹ nào muốn cả.

Còn về phần nó, mức án 15 năm tù là thích đáng cho tội danh nguy hiểm ấy. Nhìn con đứng trước vành móng ngựa tiều tụy, bà ngất lên ngất xuống. Lúc này nó mới thấy có lỗi với gia đình, với mẹ. Nó không khóc mà nó đau, nó bất hiếu quá!

Cả một đời  mẹ nặng gánh hi sinh, nuôi dưỡng nó từ lúc còn đỏ hỏn, ấy vậy mà cách nó đáp đền lại cho mẹ là đây sao. Ngày đầu tiên ngồi tù, nó không ngủ được, nhớ nhà , nhớ mẹ, nhớ những món ngon mẹ nấu; nó bật khóc, khóc như một đứa trẻ. Mẹ ơi con xin lỗi mẹ, con nợ mẹ nhiều quá. Tuy trong người không mang dòng máu của ba mẹ nhưng tình yêu thương mẹ dành cho con to lớn như trời biển. Con ngỗ nghịch, con đua đòi, ham chơi, con ganh ghét đố kị với anh chị…. Con hư quá phải không mẹ? Sao ngày trước cha mẹ sinh ra không giết con luôn cho rồi, để con lại trên cõi đời này con gieo nỗi đau buồn cho người khác, nhất là mẹ của con. Nó cứ dằn vặt lương tâm mãi như thế. Con người trên thế gian lúc nào cũng vậy, khi làm điều sai trái luôn cho rằng mình đúng, cho đến khi hiểu ra thì đã quá muộn…

Giờ ra tù, nó còn buồn hơn khi mẹ đã đi xa. Nó đã trở về tổ ấm ngày ấy, lúc mấy mẹ con rau cháo mà hạnh phúc. Gian nhà quạnh vắng, không một bóng người, anh Hai đi làm ăn xa, chị Ba theo chồng, nghe nói thỉnh thoảng mới về lo hương khói. Mở cửa bước vào nhà, đập vào mắt nó là bàn thờ đặt di ảnh của mẹ. Nó rưng rưng chạy lại quỳ gục xuống đất:  “Mẹ ơi! Đứa con bất hiếu của mẹ đã về rồi đây! Mẹ hãy trừng phạt con đi, mẹ mang con theo với, con không xứng đáng làm người kiếp này nữa mẹ ơi.” Nó lại khóc rất nhiều…

Nó lang thang, đêm trăng rằm tháng Bảy soi bước chân nó, nó không biết mình đi về đâu. Hình như tiếng chuông chùa vang vọng đâu đây. Như vô định, nó bước vào cửa chùa. Ngày còn nhỏ, anh em nó hay được mẹ dắt vào chùa lắm! Nó còn nhớ, cũng mấy lần nó được người ta cài hoa hồng lên áo. Lúc ấy, anh em nó đâu hiểu được ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Cứ chạy nhảy lon ton rồi săm se đóa hoa hồng trước ngực. Giờ lại xuất hiện nghi thức ấy tại chùa này. Nó chen vào đoàn người phía trước, nghe một vị nào đó thông báo “Quý vị nào con mẹ xin đứng sang một bên và mất mẹ đứng sang một bên”. Nó tủi thân bước sang bên phía những người đã mất mẹ.

Cài bông hoa trắng trên ngực áo nó khóc nức nở, nó ước gì bông hoa kia không phải là bông  trắng

“Mẹ hiền ơi ! Mùa Vu Lan đã về rồi

Người ta đang vui cùng đời

Hoa hồng đỏ thắm trên môi

Còn mình con, lang thang nhặt cành hoa trắng

Nghe cay đắng tìm về trong hồn

Đời mất vui khi mẹ chẳng còn…”

Lời bài hát như cứa vào tim can nó, con chỉ biết đời con có mỗi mẹ là người mẹ duy nhất. Mẹ là hơi thở, là mạch sống của đời con. Con lỗi đạo, con xin chịu tội, mẹ hãy yên lòng mẹ nhé, đứa con bé bỏng của mẹ bây giờ đã biết suy nghĩ, đã trưởng thành rồi… Đêm hôm đó, nó trở về nhà nằm suy nghĩ, trằn trọc cả đêm. Hình như nó đã có một quyết định quan trọng cho cả đời mình.

Nó trở lại chùa ngay sáng sớm.

“Con đang muốn chạy trốn cuộc đời thực của mình? Thầy đã hiểu hoàn cảnh của con, nhưng con phải suy nghĩ cho chín chắn; không phải ai cũng muốn trốn đau khổ, dằn vặt bằng con đường này con à”

“Bạch thầy! Con muốn dành cuộc đời còn lại của mình cho việc giải thoát bản thân khỏi khổ đau, phiền não. Biết rằng đó là một chặng đường dài và đầy thử thách nhưng đứng trước Phật Đài con mới thấy tâm mình thanh tịnh, con muốn phát tâm bồ đề và phát nguyện từ bỏ tất cả để trở thành một con người hoàn thiện. Con đã từng nghĩ đến cái chết nhưng chết đi vẫn chưa kết thúc được số kiếp của con. Con mong Thầy đồng ý chấp thuận tâm nguyện của mình”

Nó được ở lại chùa thử thách trong vòng sáu tháng. Có lẽ đây là những tháng ngày nó có  giấc ngủ ngon. Hằng ngày đọc kinh Phật tâm trí nó thông tuệ hẳn, nó học cách xuất hết phiền não trong đầu, một lòng một dạ hướng đến giáo lý đạo Phật. Một khi duyên đã đến, tâm hướng Phật đã trọn, một tâm lý vững vàng, nó đã vận vào mình ba tấc áo nâu sòng nơi cửa chùa. Nó mãn nguyện nhiều lắm. Ngày đưa ra quyết định, nó đã quỳ gối xin phép mẹ và cũng nói lời tạm biệt chị, anh. Chỉ có con đường này mới tịnh yên tâm can nó mà thôi.

Vứt bỏ hồng trần, nó trở thành một nhà sư từ năm ấy. Thật sự không ai nghĩ rằng nó chọn lựa con đường đó. Một cách để gọt giũa, để tẩy rửa, để tìm kiếm đạo hạnh cho số phận của mình quả thật không mấy ai làm được. Năm nay, mùa Vu lan nữa lại về, phố phường rực rỡ đèn hoa. Quá bước về chùa mà nó tu hành để dự lễ cùng các Phật tử, tôi vô cùng ngỡ ngàng khi nhìn thấy nó. Một con người khác hẳn mười mấy năm về trước; gương mặt nhìn phúc hậu, hiền từ, dáng đi thong thả, nó từ tốn bước lên sân khấu để tham gia tiết mục văn nghệ mà nhà chùa tổ chúc trong Đại Lễ Vu Lan

“Tôi trở về đây thành phố đang sang mùa,

Khung trời đầy mây, ngày tháng đang vào thu.

Bâng khuâng tôi đứng ngắm nhìn mây bay,

Thương cho con nước vơi đầy,

Tình quê lưu luyến bao ngày,

Tháng năm dài con mãi trắng tay.

 

Bấy giờ mùa thu vàng lá bay bay nhiều,

Khung trời từ ly mẹ đã một lần đi.

Bao nhiêu đau xót nát lòng con thơ,

Me ơi! yêu mến vô bờ,

Trần gian sương khói bơ thờ,

Mất mẹ rồi đời hết ngây thơ..

 

Mẹ hiền ơi mùa Vu Lan đã về rồi…”

Bài hát như mang nhiều tâm sự, mà đúng là tâm sự của “Người cài hoa trắng” mà! Đi bộ trên vỉa hè trở về nhà, lòng tôi gợn một chút buồn; không hiểu buồn vì thương nó hay buồn vì mẹ già ngày một già yếu. Nâng niu đóa hồng trước ngực, thầm cảm ơn đời vì bản thân vẫn còn mẹ, để hằng ngày gọi hai tiếng “mẹ ơi”…

Thầm nghĩ dù sao thì tình mẫu tử cao sang vẫn không nằm ở hoa hồng hay hoa trắng, mà tình mẹ vẫn ở bên ta đến hết cả cuộc đời. Nếu ai cài đóa hoa hồng còn mẹ thì phải sống thật trọn với trái tim yêu của mẹ, nếu ai chưa kịp báo đáp dưỡng sanh thì có cài triệu đóa hoa hồng cũng chỉ là hư ảo, còn những ai không diễm phúc được còn có mẹ mà trọn đời hình ảnh mẹ mãi trong tâm thì đóa hoa trắng đơn côi vẫn đẹp mãi trong hồn thiên của mẹ. Bạn và tôi đừng đau buồn hay sung sướng khi cài hoa hồng hay hoa trắng mà miễn sao ta luôn có mẹ trong đời.Tiếng chuông chùa thúc giục báo Vu Lan, con tỉnh thức hồn lân lân nhớ mẹ, cho dù hoa trắng áo phải cài nhưng hồn của mẹ muôn đời vẫn trong con. Đêm nay, nó lại nhớ mẹ rồi…

Phạm Thị Cẩm Ly (Đức Như)

Nghề nghiệp: Học sinh

Sinh năm: 06/11/2001

Thạch Tân, Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB