Phong trào Phật giáo miền nam Việt Nam (1954-1975)

2474

Du nhập nước ta khoảng thế kỷ III TCN, Phật giáo (PG) đã có sự giao thoa, kết hợp với một số tín ngưỡng bản địa, để rồi từ đó, PG ăn sâu, bám rễ vào đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt, trở thành Phật giáo Việt Nam (PGVN). Cùng với sự biến động của lịch sử, PGVN cũng trải qua những thăng trầm : từ chỗ phát triển cực thịnh và là quốc giáo dưới các triều đại Lý – Trần, PG dần suy thoái dưới thời Hậu Lê khi nhà nước phong kiến độc tôn Nho học, và những hoạt động nhằm chấn hưng PG sau đó cũng không đạt được kết quả… Cho đến đầu thế kỷ XX, cùng với trào lưu chấn hưng ở Sri Lanka, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… PGVN lại bắt đầu khởi sắc, mà nơi bắt đầu là các đô thị miền Nam với sự đóng góp của các Thiền sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu… Và cũng chính tại nơi đây, PGVN lại tiếp tục đấu tranh để bảo vệ đạo pháp và dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 2.562 năm ngày Đản sanh của Đức Thích Ca và 55 năm Pháp nạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam (1963-2018), chúng ta hãy cùng nhìn lại những ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam qua ba thời kỳ : Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), quân đội cầm quyền (1963-1967) và Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975).

DƯỚI THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA (1955-1963)

      Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chế độ phong kiến Việt Nam (VN) sụp đổ, Nho giáo vì thế cũng không còn địa vị như trước nữa, và đây chính là cơ hội thuận lợi để PGVN phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết (7-1954), PGVN lại đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc đấu tranh mới để bảo vệ chánh pháp trước sự đàn áp của chính quyền miền Nam.

Từ năm 1950,  Quốc trưởng Bảo Đại đã ban hành Đạo dụ số 10 sắp xếp các tổ chức tôn giáo (trừ Kito giáo) ngang hàng với các tổ chức, đoàn thể phi tôn giáo (như Hội thể thao, Hội đua ngựa…) và bị hạn chế nhiều quyền lợi chính đáng. Nhưng nhờ sự tác động của Thượng tọa Trí Quang với bà Từ Cung (mẹ của Bảo Đại) cùng với bối cảnh xã hội lúc đó cũng như sự linh hoạt của giới cầm quyền mà đạo dụ này chưa được thực thi triệt để. Tuy nhiên, sau cuộc “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại, thiết lập nền Đệ nhất Cộng hòa, cũng là lúc đạo dụ này được tái sử dụng và triệt để hơn hẳn với tên gọi Chỉ thị số 10. Người ban hành chỉ thị này không ai khác chính là Ngô Đình Diệm – một nhân vật được lựa chọn vì hội đủ hai yếu tố “Công giáo nồng nhiệt”“Chống cộng điên cuồng” theo yêu cầu của Mỹ và Vatican. Mặc dù Điều 17 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (VNCH) 1956 xác nhận “mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do hành giáo và tự do truyền giáo”, nhưng trong lời mở đầu lại yêu cầu “dân tộc ta” phải “hoàn thành sứ mệnh trước Đấng tạo hóa”, điều mà theo ông Vũ Văn Mẫu – cựu Ngoại trưởng Đệ nhất Cộng hòa, cựu Thủ tướng Đệ nhị Cộng hòa – “đã đượm sắc thái thiên vị Thiên Chúa giáo. Vô tình hay cố ý đã tạo cho Thiên Chúa giáo một vị thế ưu đãi đặc biệt tại Việt Nam”[1].

Song song với việc ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa cộng sản vào miền Nam, Ngô Đình Diệm còn hạ quyết tâm thực hiện mục tiêu “Công giáo hóa” với âm mưu vô cùng thâm độc là loại bỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của người dân miền Nam. Những ai muốn được thăng tiến phải gia nhập Đảng Cần Lao và cải sang đạo Thiên Chúa với lời tuyên thệ “đem hết thể xác và linh hồn chống cộng sản vô thần và chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phải quốc gia”[2]. Ngày 9-1-1956, lễ Phật đản bị loại bỏ khỏi danh sách nghỉ lễ của học đường, viên chức và binh sĩ. Phải nói đây là một đòn đánh lớn vào tín đồ PG, bởi với họ lễ Phật đản chẳng khác gì lễ Noel của Công giáo, nhưng lễ Noel lại được tôn vinh, trong khi lễ Phật đản lại bị nhà cầm quyền hạn chế. Hành động này cho thấy mức độ chèn ép ngày càng nghiêm trọng của chính quyền đối với PG, tạo nên sự bất bình sâu sắc trong giới tăng ni, Phật tử miền Nam. Ngoài ra, Ngô Đình Diệm còn cho bắt giam và tra tấn các nhà tư sản theo PG như ông Vĩnh Cơ, nhà buôn gạo, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Quảng Nam – Đà Nẵng hay Nguyễn Văn Yến, chủ khách sạn Morin (Huế)… Nghiêm trọng hơn, năm 1959, Ngô Đình Diệm tuyên bố “dâng hiến” Việt Nam cho Bà Maria dưới sự chứng giám của Agagianian – Bộ trưởng Tuyên truyền của Tòa thánh Vatican… Sự “dâng hiến” của Ngô Đình Diệm không đơn thuần là sự thiên vị Thiên Chúa giáo với các tôn giáo khác mà còn báng bổ những tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đưa miền Nam đi vào quỹ đạo của Tòa thánh, tạo điều kiện cho Vatican thò bàn tay vào chi phối tình hình chính trị miền Nam, ngăn cản nước Việt Nam thống nhất. Các nhà lãnh đạo PG cực lực phản đối những hành động trên đây của chính quyền, họ buộc tội nhà thờ và các quan chức chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền lực ép các Phật tử trong vùng cải sang đạo Thiên Chúa.

Sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với PG lên đến đỉnh điểm khi Công điện 5.159 được ban hành (6-5-1963) yêu cầu triệt hạ cờ PG ngay trước thềm Đại lễ Phật đản 2.507. Công điện 5.159 của Diệm đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh vốn đang âm ĩ của tăng ni, phật tử toàn miền Nam chống độc tài và kỳ thị tôn giáo, đặc biệt là ở Huế – cái nôi của PG miền Nam. Đêm 6-5, lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam (THPGVN) tại Huế đã họp khẩn tại chùa Từ Đàm và ra ba văn bản gửi Phủ Tổng thống, Hội Phật giáo Thế giới và THPGVN tại Sài Gòn để phản đối. Lãnh đạo THPG miền Trung khẳng định chính quyền Sài Gòn vẫn chưa chịu từ bỏ chính sách kỳ thị tôn giáo, mà sẽ có những biện pháp khác để đàn áp và trả thù… nên tiếp tục chủ trương đấu tranh ôn hòa và bất bạo động theo tinh thần của nhà Phật. Đêm 8-5, 6.000 Phật tử tụ tập trước đài phát thanh Huế cùng với các Thượng tọa Trí Quang, Mật Hiển, Mật Nguyện để yêu cầu chính quyền giải thích lý do đình chỉ chương trình phát thanh của PG, quân đội nhà Ngô bắt đầu nổ súng vào những người con Phật không tấc sắt trong tay, làm 8 người chết, và bắt đầu ban hành lệnh giới nghiêm để phòng “Việt Cộng sẽ xâm nhập phá hoại một vài cơ quan công quyền trong thành phố”. Vài ngày sau đó, lễ cầu siêu và rước linh vị nạn nhân ở Huế diễn ra ở khắp miền Nam cùng với các cuộc biểu tình và tuyệt thực có đông đảo tăng ni và quần chúng tham dự. Phong trào đấu tranh của tăng ni, phật tử Thừa Thiên – Huế nhanh chóng lan rộng, và một cuộc đấu tranh ôn hòa chống kỳ thị tôn giáo đã biến thành một phong trào đấu tranh chính trị chống độc tài rộng khắp miền Nam.

Để cứu nguy khỏi nạn diệt vong, ngày 25-5-1963, các giáo phái PG ở miền Nam đã họp tại chùa Xá Lợi và quyết định thành lập Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam (UBLP) do Thượng tọa Thích Tâm Châu làm Chủ tịch dưới sự chứng minh tối cao của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng thì ngoài việc bảo vệ đạo pháp, Ủy ban này còn đảm nhiệm nhiệm vụ cao cả hơn là bảo vệ đất nước và dân tộc. Phong trào đấu tranh lên đến đỉnh điểm vào ngày 11-6, Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt trong tiếng niệm Phật trầm hùng của tăng ni, Phật tử. Hình ảnh một thiền sư ngồi kiết già trong ngọn lửa bốc cao, bức tâm thư mang tên Lời thỉnh nguyện tâm huyết cùng với quả tim đã hóa thành xá lợi của Ngài Thích Quảng Đức đã nhanh chóng lan rộng, gây xúc động mạnh mẽ ở VN và nhiều quốc gia trên thế giới. Sự xả thân của Hòa thượng Quảng Đức như tạo ra một bước ngoặt mạnh mẽ. Chính phủ Diệm buộc phải thành lập Ủy ban Liên bộ gồm Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và các Bộ trưởng Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Nội vụ họp với UBLP của Thượng tọa Thiện Minh. Sau 3 ngày họp, một bản Thông cáo chung đã được công bố. Song do bản chất ngoan cố, chính quyền Sài Gòn vẫn không thực thi những cam kết của mình, ngược lại còn ra sức đàn áp đối với PG miền Nam. Noi gương Bồ tát Thích Quảng Đức, nhiều tăng ni khác trên toàn miền Nam cũng đã tự thiêu để phản đối.

Ngọn lửa vị pháp của các cao tăng đã đưa phong trào đấu tranh bước sang một trang mới. Hầu hết các nhà lãnh đạo PG đều tin rằng chính quyền đang chuẩn bị tiến hành một làn sóng đàn áp mới. Thượng tọa Trí Quang tuyên bố không thỏa hiệp và lên kế hoạch tiếp tục đấu tranh cho đến khi Diệm bị bãi chức; Thượng tọa Tâm Châu cũng từ bỏ hy vọng hòa giải. Phong trào PG đã thu hút sự quan tâm của học sinh – sinh viên, giáo sư đại học, nhân sĩ trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân khác ở miền Nam VN khi tham gia biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị… theo lời kêu gọi của THPG. Linh mục Cao Văn Luận bị cách chức Viện trưởng vì ủng hộ phong trào, sau đó hơn 30 giáo sư thuộc Viện Đại học Huế cùng toàn bộ giảng viên Viện Hán học cũng đệ đơn từ chức để phản đối sự đàn áp của chính quyền Ngô… Tình hình đó đã tạo ra một tiếng vang lớn trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Vì cùng mục tiêu chống chế độ Mỹ – Diệm, phong trào PGVN đã được sự hậu thuẫn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nên nhanh chóng vận động được hàng chục nghìn quần chúng tham gia bảo vệ Phật giáo cũng như bảo vệ đất nước.

Ngày 16-8-1963, UBLP khẩn cấp gửi thư cầu cứu đến cộng đồng quốc tế : “Chúng tôi gửi đến Thế giới Tự Do, các tổ chức Phật giáo ngoại quốc lời kêu cứu thiết tha này và thành thật tri ân mọi sự can thiệp, nhân danh nhân quyền để chấm dứt sự ngược đãi đã trở thành dã man này”[3]. Ngày 20-8, chính quyền Diệm đẩy mạnh trấn áp PG bằng “kế hoạch nước lũ”, cho cảnh sát dã chiến và lực lượng đặc biệt của Nhu được quân đội hỗ trợ tấn công, bao vây tất cả các chùa chiền trên toàn miền Nam, bắt giam Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Tâm Châu và nhiều nhà lãnh đạo của Tổng hội. Hơn 1.400 tăng ni, Phật tử, hơn 2.000 luật sư, giáo sư, học sinh ở Huế và Sài Gòn bị bắt đưa về các trại thẩm vấn… Trong hồi ký của mình, Tướng Trần Văn Đôn đã viết : “Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đã từ chức và cạo trọc đầu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của anh em ông Diệm” và ông Trần Văn Chương (cha của Trần Lệ Xuân) lúc đó đang làm Đại sứ tại Mỹ, bà Chương là quan sát viên tại Liên hiệp quốc “nhận thấy anh em họ Ngô đàn áp Phật giáo, mà con gái mình (Trần Lệ Xuân) lại tiếp tay phát ngôn hỗn xược mà mình không thể can ngăn” nên cả hai ông bà đều từ chức. Sự từ chức của ông Vũ Văn Mẫu và ông bà Trần Văn Chương là một sự chấn động lớn trên chính trường Sài Gòn, làm “thế giới xôn xao và Phật tử xúc động” đồng thời “là những đòn đau đớn cho anh em họ Ngô”[4].

Vụ bố ráp chùa chiền 20-8 đã đánh dấu thời khắc chính quyền Diệm tự ấn định vận mệnh của mình[5]. Sự tàn bạo của gia đình họ Ngô đã khiến phong trào nhanh chóng phát triển thành một “cơn lốc ngoại giao” và làn sóng chỉ trích quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ buộc phải lên án các hành động tàn bạo của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Các nước theo PG như Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Campuchia… đã lên tiếng yêu cầu Liên hiệp quốc can thiệp. Các đồng minh ngoại giao của Sài Gòn như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… đều bày tỏ quan ngại về các chính sách đàn áp của Diệm đối với PG. Tờ New York Times dẫn lời Tổng thống Mỹ J.Kenedy : “Sự động chạm giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo rất có hại cho công cuộc chống cộng tại Nam Việt Nam”. Tổng thư ký LHQ Uthan tuyên bố : “Thúc giục bởi những ý tưởng nhân đạo mà toàn thể chúng tôi đều tôn trọng, nhân danh thành phần của đại gia đình nhân loại, tôi thấy có bổn phận gửi tới Ngài, cùng với những lời kêu gọi tha thiết của cá nhân tôi”[6]. Ngày 24-10, LHQ đã cử một phái đoàn đến miền Nam VN để điều tra vụ PG. Đây được xem là điểm cuối cùng “buộc Mỹ gấp rút thủ tiêu bị cáo, tức chính quyền Ngô Đình Diệm, mà phải thủ tiêu trước lúc Liên hiệp quốc tái nhóm họp để xét về tờ trình của phái đoàn điều tra, khiến cho cuộc đảo chính của Ngô Đình Diệm diễn ra nhanh chóng[7].

Sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, cũng như sự bất ổn của nền chính trị – xã hội Sài Gòn lúc này càng cho thấy rõ vị thế và sức mạnh của PG miền Nam. Chính vì thế, Phong trào PG đã trở thành chiêu bài chống độc tài của các chính khách đối lập với nhà Ngô là Bùi Diễm và Phan Huy Quát đang muốn “tạo một thế liên minh tức khắc với Phật giáo”. Đồng thời, sự đàn áp của chính quyền đối với PG cũng làm giảm sút ý chí và năng lực chiến đấu của những binh lính theo đạo Phật trong quân đội VNCH trước Quân giải phóng cũng như sự bất bình trong Hội đồng tướng lĩnh quân lực Sài Gòn. Như một giọt nước làm tràn ly, ngày 1-11-1963, nhóm các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim – là những tín đồ Phật giáo trong hàng ngũ tướng lĩnh Sài Gòn – đã tiến hành đảo chính giết chết anh em Diệm – Nhu để chấm dứt chế độ độc tài.

Ngay khi khởi đầu cuộc tranh đấu, các nhà lãnh đạo THPG đã tuyên bố rõ rằng : “Phương pháp tranh đấu của chúng tôi áp dụng là bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc tranh của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cực độ và lấy sự hy sinh đó làm sức mạnh để rung chuyển cả lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển một chính sách. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng : những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi – vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”[8]. Và thực sự như vậy, thế giới đã thấy được thế nào là sức mạnh bất bạo động, sức mạnh của đại lực, đại hùng, đại từ bi của ngọn lửa Quảng Đức. Từ phong trào đấu tranh bất bạo động chống kỳ thị tôn giáo dần phát triển thành một phong trào chính trị chống độc tài của chính quyền họ Ngô, phong trào đã châm ngòi nổ cho các cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại áp bức và bạo tàn, đồng thời làm rạn nứt liên minh giữa Hoa Kỳ và Ngô Đình Diệm, để từ đó Mỹ hậu thuẫn cho các tướng lĩnh Phật giáo đồ thực hiện cuộc đảo chính giết chết anh em Diệm – Nhu nhằm trấn an dư luận. Mặc dù các nhà lãnh đạo PG tuyên bố mục đích đấu tranh của họ không nhằm lật đổ chính quyền, nhưng nó lại là một cây đinh đóng vào cỗ quan tài của Ngô Đình Diệm, gián tiếp dẫn tới sự cáo chung của nền Đệ nhất Cộng hòa (1955 – 1963). Từ đây, phong trào PG miền Nam bước sang một trang mới.

THỜI KỲ QUÂN ĐỘI CẦM QUYỀN (1963-1967)

      Kể từ sau cuộc đảo chính 1963, vị thế của PG không ngừng lớn mạnh và có tác động to lớn tới tình hình kinh tế – chính trị – xã hội miền Nam. Noi gương PG, phong trào đô thị miền Nam tiếp tục phát triển sôi nổi cùng với phong trào nổi dậy ở vùng nông thôn và rừng núi, đã làm cho “VNCH còn tồi tệ hơn cả thời chính quyền Diệm : kinh tế suy sụp, vật giá leo thang, tiền sụt giá so với Mỹ kim, nạn thất nghiệp, đầu cơ tích trữ…”[9]. Trong thời gian này, PG và quân đội là hai thế lực có tầm ảnh hưởng quan trọng trên chính trường VNCH. Tướng Nguyễn Khánh đã tìm đến sự ủng hộ của PG nhưng không thành vì ông ta vừa cầm đầu một cuộc chỉnh lý lật đổ các tướng thân PG cuối tháng 1-1964. Đầu năm 1964 đến giữa năm 1965, ở miền Nam đã diễn ra 5 cuộc chỉnh lý và đảo chính của các tướng lĩnh Quân lực Cộng hòa, nhưng tình hình vẫn không tiến triển, các Chính phủ quân sự liên tiếp thay nhau cầm quyền. Trong bối cảnh đó, PG miền Nam VN lại một lần nữa xuống đường đấu tranh đòi chính phủ quân sự nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự. Đêm 20-8-1964, PG hậu thuẫn cho Tổng hội Sinh viên Huế biểu tình tưởng niệm 1 năm “kế hoạch nước lũ” nhưng thực chất là phản đối Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh, chống độc tài, quân phiệt, đồng thời phản đối Mỹ oanh tạc miền Bắc. Đó được xem là sự kiện phát khởi cho phong trào PG thời hậu Ngô Đình Diệm. Phong trào chỉ dừng lại khi bác sĩ Phan Huy Quát – một nhân vật “quá thân” PG – đứng ra thành lập chính phủ mới. Phan Huy Quát bắt đầu thi hành những yêu cầu của PG như là dần loại bỏ ảnh hưởng chính trị của các tướng lĩnh quân đội và đỉnh cao là thực hiện bầu cử Hội đồng Tỉnh Thị toàn quốc (1965) làm bước đầu tiến lên Quốc hội Lập hiến. Trong cuộc bầu cử này, liên danh Bông Sen và thành phần thân PG đã thắng thế khắp nơi, thế lực chính trị của PG đang ngày càng phát triển. Thêm vào đó, PG miền Nam lại tuyên bố mạnh mẽ tố cáo “sự can thiệp thô bạo của Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho các chính phủ tay sai… phản lại quyền dân tộc tự quyết và căn bản của nhân dân Việt Nam”[10], đồng thời tố cáo tội ác của Mỹ khi tàn sát nhân dân Việt Nam, phá đổ nền văn minh dân tộc và làm băng hoại xã hội… Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bị chia rẽ sâu sắc thành hai khối với hai chủ trương đối lập nhau : khối Việt Nam Quốc Tự đại diện cho xu hướng thân chính quyền và khối Ấn Quang ủng hộ MTDTGP với chủ trương bạo động do Thiền sư Trí Quang và Nhất Hạnh lãnh đạo. Thượng tọa Trí Quang muốn biến PG thành một lực lượng quần chúng đáng kể để đấu tranh chính trị với chính quyền quân sự, trong khi đó Thượng tọa Tâm Châu lại ủng hộ đường lối đấu tranh ôn hòa. Cho nên, Mỹ quyết tâm dẹp tan các thế lực chính trị của PG để rãnh tay leo thang chiến tranh và theo đuổi một chiến thắng quân sự chống Bắc Việt.

Quay trở lại miền Trung, từ sau cuộc đảo chính 1963 đã trở thành trung tấm đối kháng của PG do Thượng tọa Trí Quang lãnh đạo chống chính quyền quân sự ở Sài Gòn. PG miền Trung đưa ra ba lý do : 1- Các chính phủ quân sự đã không triệu tập Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp mới như đã hứa ; 2- Các chính phủ này tiếp tục sử dụng những phần tử trong Đảng Cần Lao của Ngô Đình Diệm chống đối PG ; và 3- Nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ ủng hộ sự can thiệp trực tiếp của lực lượng viễn chinh Mỹ vào miền Nam. PG một lần nữa đứng ra đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống độc tài, đòi dân chủ hóa đất nước. Thêm vào đó, tại miền Trung, tướng Nguyễn Chánh Thi – Tư lệnh Quân đoàn I – đã có những cáo buộc nảy lửa về tệ tham nhũng cũng như chỉ trích công khai sự độc tài của Thiệu – Kỳ[11]. Chính vì thế, quân đội tướng Thi đã không trấn áp lực lượng PG theo chỉ thị của Sài Gòn. Cho nên, tập đoàn Thiệu – Kỳ đã cách chức và quản thúc tướng Thi. Việc cách chức tướng Thi chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phong trào đấu tranh của tăng ni, phật tử miền Trung. Đoàn Sinh viên quyết tử của PG được thành lập do các quân nhân, cảnh sát Phật tử làm cố vấn. Ngày 12-3, Thượng tọa Trí Quang vận động đồng bào phật tử Huế, Đà Nẵng xuống đường biểu tình, binh sĩ Quân đoàn I cũng đứng về phía PG. Nguyễn Chánh Thi và phe cánh ở Huế được PG ủng hộ đã tuyên bố ly khai 5 tỉnh Vùng I chiến thuật với chính quyền trung ương. Hàng nghìn Phật tử nổi dậy cùng với sinh viên ở khắp các đường phố Huế, Đà Nẵng… Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố cộng sản đã xâm nhập vào phong trào đấu tranh miền Trung và sẽ dùng vũ lực để tái lập an ninh. Lời tuyên bố của Kỳ càng làm phong trào bùng phát mạnh mẽ. Giữa tháng 5, Thiệu – Kỳ tổ chức tái chiếm lại một số vị trí trong Đà Nẵng, Thị trưởng Nguyễn Văn Mẫn bị bắt. Cuối tháng 5-1966, 6 nhà lãnh đạo PG đã hội đàm với 6 nhà lãnh đạo Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLĐQG) và đạt được kết quả : 1- Sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9-1966 ; và 2- Mở rộng UBLĐQG thêm 10 chính khách dân sự.

Tại Huế, phong trào đấu tranh vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, Thượng tọa Trí Quang kêu gọi đồng bào đưa bàn Phật xuống đường để ngăn chặn quân Chính phủ. Nhưng Sài Gòn đã quyết tâm sử dụng vũ lực để tái lập an ninh, kết quả : 190 quân nhân phe ly khai, 109 công chức, 35 nhân viên cảnh sát bị bắt… Thượng tọa Trí Quang bị đưa vào Sài Gòn. Phong trào PG 1966 chấm dứt nhưng cuộc đấu tranh hòa bình của PG miền Nam vẫn tiếp tục diễn ra…

Qua 76 ngày đêm đấu tranh, Phật tử, sinh viên và các tầng lớp nhân dân miền Trung đã làm cho lực lượng Sài Gòn thêm suy yếu, mâu thuẫn nội bộ càng thêm gay gắt, cơ sở cách mạng ở các địa phương miền Trung có điều kiện phát triển vững chắc.

Qua cuộc đấu tranh, chúng ta có thể thấy được hậu quả nặng nề nhất là Chính phủ VNCH phải dồn sức để ổn định tình hình xã hội ở miền Trung, làm suy yếu nỗ lực quân sự chống lại MTDTGP, đồng thời cho thấy tiềm lực chính trị của PG có ảnh hưởng như thế nào đối với các quyết sách của nhà cầm quyền miền Nam. Trước sức ép của phong trào, một mặt Sài Gòn ra sức trấn áp, song mặt khác cũng tổ chức thương thuyết để trấn an phong trào. Kết quả của cuộc hội đàm 31-5-1966 đã chứng minh điều đó. Nhìn chung, trong suốt thời kỳ quân đội chấp chính và Mỹ đổ bộ vào miền Nam, PG nước ta đã không ngừng đấu tranh đòi dân chủ hóa, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và các chính quyền quân phiệt tay sai, góp phần tích cực vào cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến và chuyển giao quyền lực của quân đội sang dân sự, hình thành nên nền Đệ nhị Cộng hòa. Đó đồng thời cũng là một đóng góp đáng để đối với sự thắng lợi của cách mạng VN.

DƯỚI THỜI ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA (1967-1975)

      Khi quyền lực đã chuyển về tay dân sự, nền Đệ nhị Cộng hòa được thiết lập (1-11-1967), phong trào PG vẫn không chịu ngừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển với các cuộc vận động hòa bình, trung lập hóa miền Nam tiến tới thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của khối Ấn Quang bất chấp sự đe dọa của Nguyễn Văn Thiệu : “Những ai đề cập tới hòa bình ngay tức khắc là mị dân, là cộng sản nằm vùng”[12]. Ngay sau đó, Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo, đáp trả : “Việt Nam không làm tay sai cho nước ngoài”. Cao hơn nữa, giới PG đòi thay thế Chính phủ Thiệu – Kỳ – Hương, vì theo họ, tập đoàn này không có thiện chí hòa bình ngay trên bàn đàm phán ở Paris. Chủ tịch Hội PG Hải ngoại tố cáo “Thiệu – Kỳ – Hương phản đối kịch liệt việc ngừng ném bom miền Bắc, dùng những mánh khóe gian trá để trì hoãn cuộc thương lượng ở Paris…”[13].

Bước sang thập niên 1970, phong trào PG càng sôi nổi hơn nữa. Các nhà lãnh đạo PG lớn tiếng tố cáo Nguyễn Văn Thiệu tiếp tay cho Lon Nol tàn sát Việt kiều ở Campuchia và phủ nhận sự hợp pháp của chính quyền Thiệu. Đoàn PG Ấn Quang gửi thông điệp tới Đại hội PG thế giới tại Kyoto (Nhật Bản) tố cáo sự độc tài, thối nát của chính quyền Sài Gòn, công nhận sự tồn tại song song của Chính phủ cách mạng lâm thời, công nhận vai trò chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và đòi Mỹ phải triệt thoái khỏi Việt Nam… Giới tăng ni tiếp tục đưa ra những nguyện vọng tự thiêu để phản đối chính quyền.

Tranh thủ sự ảnh hưởng của mình, PG Ấn Quang đã vận động quần chúng phật tử thành lập các tổ chức xã hội dân sự như Đoàn sinh viên Phật tử, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Ủy ban Nhân dân tranh thủ hòa bình, dân chủ… và lôi kéo thêm các tổ chức nghiệp đoàn tham gia phong trào. Phong trào nhân dân phản chiến đã lan rộng ra khắp các thành thị miền Nam, trong đó phong trào PG làm nòng cốt. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1971, Thượng tọa Trí Quang – lúc này đang bị cô lập – đã gửi thư cho Tỉnh hội PG Quảng Nam – Đà Nẵng giới thiệu nhiều sinh viên là cơ sở nằm vùng của cách mạng ra ứng cử với tư cách người của PG, nhưng không thành công do vấp phải sự chống đối của khối Việt Nam Quốc tự.

Sau khi Hiệp định Paris về VN được ký kết, Mỹ – Thiệu ra sức phá hoại Hiệp định nên Quân giải phóng tiếp tục tấn công mạnh mẽ trên toàn miền Nam. Sau thất bại ở trận Đường 14 – Phước Long, quân đội Sài Gòn gần như mất khả năng chiến đấu. Sự rút lui khỏi Tây Nguyên, cũng như Huế – Đà Nẵng đã mở ra khả năng thắng lợi của Quân giải phóng ngay trong năm 1975. Chính quyền Sài Gòn mong muốn thương lượng, nhưng MTDTDP tuyên bố chỉ thương thuyết khi Thiệu đã ra đi. Trong bối cảnh đó, nhiều nghị sĩ, chính khách ở Sài Gòn kêu gọi Thiệu ra đi. Khối PG Ấn Quang lại một lần nữa xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Tại Paris, Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào thẳng Sài Gòn rất có thể sẽ xảy ra. Điều này càng làm cho không khí chính trị Sài Gòn thêm phần nóng bỏng. Nhiều âm mưu đảo chính đã bị bại lộ và nhiều người bị bắt. Hội đồng tướng lĩnh do Đại tướng Dương Văn Minh đứng đầu yêu cầu Thiệu từ chức. Lực lượng hòa giải dân tộc (LLHGDT) được khối Ấn Quang hậu thuẫn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thuyết trình về Hiệp định Paris tại chùa Ấn Quang và nhiều địa điểm khác ở miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… đồng thời tố cáo sự vi phạm Hiệp định của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Phía Mặt trận tuyên bố chỉ thương thuyết với Chính phủ không có người của Thiệu. Lưỡng viện Quốc hội Sài Gòn đồng ý trao quyền Tổng thống cho bất kỳ ai được Tổng thống Hương chỉ định. Và Dương Văn Minh là người được chọn để “thay thế Thiệu cầm cờ đầu hàng”. Ngày 26-4, Lưỡng viện Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống VNCH.

Dương Văn Minh vốn là một tín đồ PG, ông từng nhân danh Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng phát lệnh đảo chính lật đổ chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm năm 1963. Đến 1975, nhờ sự vận động của Thượng tọa Trí Quang và khối PG Ấn Quang, Dương Văn Minh một lần nữa đứng ra đóng vai trò là người thay đổi cục diện. Ngày 27-4, tại Dinh Hoa Lan, ông Minh triệu tập những người thân cận cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo tán thành lập trường hòa bình, đứng ra thành lập Chính phủ. Luật sư Nguyễn Văn Huyền – tín đồ Công giáo, cựu Chủ tịch Thượng viện – làm Phó Tổng thống ; Giáo sư Vũ Văn Mẫu – cựu Ngoại trưởng, người từng từ chức và cạo trọc đầu để phản đối việc đàn áp PG của anh em họ Ngô, và là đương kim Chủ tịch Phong trào HGDT của PG Ấn Quang – được cử làm Thủ tướng ; Giáo sư Bùi Tường Huân – một lực lượng thuộc LLHGDT thuộc ảnh hướng của khối Ấn Quang – được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng. Là một tướng lĩnh quân đội, hơn nữa lại là nguyên thủ đứng đầu một quốc gia, lẽ ra ông Dương Văn Minh phải hạ lệnh tử thủ Sài Gòn để bảo vệ danh dự của mình. Nhưng không, cả ba vị lãnh đạo Minh – Huyền – Mẫu dù khác biệt về tín ngưỡng nhưng lại có chung lòng nhân đạo kết hợp giữa lòng từ bi hỉ xã của Phật giáo với lòng bác ái vị tha của Công giáo, đã gác lại danh dự của mình, chấp nhận đường lối hòa giải dân tộc và giải pháp đầu hàng trong buổi hoàng hôn của chế độ để tránh Sài Gòn khỏi nạn đẫm máu. Trưa 29-4, Thượng tọa Thích Trí Quang đã gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Dương Văn Minh để thuyết phục ông đầu hàng. Sự thuyết phục của Thượng tọa Trí Quang cùng những ý kiến của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và các nhân sĩ PG và Công giáo trong nội các Sài Gòn lúc đó, Tổng thống Minh đã đi đến quyết định “không nổ súng để bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Như vậy, PGVN đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc giữ nước thời hiện đại. Từ Hội PG Cứu quốc thời kỳ đuổi Nhật, kháng Pháp, đến Phong trào PG thời kỳ chống Mỹ, PG luôn có một tầm ảnh hưởng chính trị nhất định. Từ việc lật đổ chế độ độc tài 1963 hay “dân sự hóa” bộ máy cầm quyền Nam Việt 1966 – 1967 cho đến sự kiện thống nhất 30-4-1975. Và hầu như, trong mọi thời kỳ, dù dưới bất kỳ hình thức nào, PG đều lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ, sự tàn bạo, độc tài của chính quyền Sài Gòn và ủng hộ cách mạng. Qua phong trào, ta nhận thấy, sự cáo chung của mỗi chế độ thân Mỹ ở miền Nam đều có sự tác động và hậu thuẫn của các lực lượng PG. Cho nên, chẳng lạ gì khi nói PGVN qua các thời kỳ lịch sử luôn đóng vai trò “hộ quốc, an dân”.

Lê Trọng Gia Khánh

(SV khoa Lịch sử – ĐHSP Huế)

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Edward Miller (2016), Liên minh sai lầm : Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận miền Nam Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Lê Cung (2009), Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965 – 1973), Báo Giác Ngộ, số ra ngày 12/5/2009.
  3. Lê Cung (2012), Bàn thêm về Phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1953 trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” ở bậc Đại học và Cao đẳng, tại HTKH Phật giáo trong thời đại mới : cơ hội và thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
  4. Lê Cung (2013), Phật giáo miền Nam – 50 năm nhìn lại (1963 – 2013), NXB. Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh.
  5. Trần Văn Đôn (1989), Việt Nam nhân chứng, xuất bản tại California – Hoa Kỳ.
  6. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học, Hà Nội.
  7. Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn, in Ronéo trong nước năm 1984. Giao Điểm in lại 2003, California.
  8. Lâm Vĩnh Thế (2015), Biến động miền Trung năm 1966, Nghiên cứu lịch sử, số ra ngày 6/8/2015.

[1] Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn, in Ronéo trong nước năm 1984. Giao Điểm in lại 2003, California.

[2] Lê Cung (2013), Năm mươi năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam (1963 – 2013), NXB.Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học, Hà Nội, tr.1098.

[4] Trần Văn Đôn (1989), Việt Nam nhân chứng, xuất bản tại California – Hoa Kỳ.

[5] Edward Miller (2016), Liên minh sai lầm : Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận miền Nam Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[6] Lê Cung (2012), Bàn thêm về Phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1953 trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” ở bậc Đại học và Cao đẳng, tại HTKH Phật giáo trong thời đại mới : cơ hội và thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức.

[7] Lê Cung (2012), Bàn thêm về Phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1953 trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” ở bậc Đại học và Cao đẳng, tại HTKH Phật giáo trong thời đại mới : cơ hội và thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức.

[8] Bản Phụ đính “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam” được công bốvào ngày 23-5-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

[9] Lê Cung (2013), Phật giáo Việt Nam 50 năm nhìn lại (1963 – 2013), NXB. Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh.

[10] Lê Cung (2009), Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965 – 1973), Báo Giác Ngộ, số ra ngày 12/5/2009.

[11] Lâm Vĩnh Thế (2015), Biến động miền Trung năm 1966, Nghiên cứu lịch sử, số ra ngày 6/8/2015.

[12] Lê Cung (2009), Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965 – 1973), Báo Giác Ngộ, số ra ngày 12/5/2009.

[13] Lê Cung (2009), Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965 – 1973), Báo Giác Ngộ, số ra ngày 12/5/2009.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB