Bà và người bạn gái thân thiết từ hồi chiến tranh, ăn ở và chiến đấu cùng nhau. Hai người coi nhau như chị em gái ruột, thương lắm, củ khoai ngọn rau đều chia sẻ. Những đêm mưa rừng sốt rét, lạnh thấu xương, bà chăm bạn rồi bạn chăm bà. Khi cơn sốt qua đi, nhìn qua những tàn lá cây rừng đẫm nước, bà và bạn mong một ngày nắng lên, như mong một ngày hoà bình lập lại, rồi nói chuyện về những mơ ước thâu đêm, chuyện gì cũng chia sẻ, hai người tự tâm đã coi như chị em với nhau rồi.
Rồi ngày hoà bình cũng tới, cái ngày hạnh phúc cả non sông, bà và bạn cười rơi nước mắt, mừng quá, không còn cầm súng nữa, lại được trở về với mảnh vườn, lại được trở về với đàn con, bà hạnh phúc không thể tả nổi. Chồng bà đã mất trước đó, nên nhà cửa cũng đơn chiếc, chỉ có hai đứa con trai với bà, người bạn gái thân thiết lại chưa có chồng, bà rủ về ở cùng. Mọi việc trong nhà từ đây có người chia sẻ, các con bà có hai người mẹ, bà cảm thấy ấm lòng hơn.
Ngày tháng trôi qua, cuộc sống sau chiến tranh thật sự khó khăn, bà và hai con đều lo cày xới mảnh ruộng, trồng rau trong vườn mà sinh nhai, quanh năm vất vả mà miếng cơm lúc no lúc đói, cơm trộn sắn là chính, còn lại ăn khoai thay. Bạn bà ở nhà chăm sóc đàn gà, đàn vịt, cũng vất vả không kém, những đêm đèn hết dầu, trời tối om om, nằm trên cái chõng tre kẽo cà kẽo kẹt, hai người than thở cùng nhau, mong qua ngày đoạn tháng, cầu qua cảnh khó khăn sơm sớm, rồi những tiếng thở dài lặng lẽ, rồi tự an ủi lẫn nhau, dù gì mình cũng còn sống sót sau cuộc chiến, vậy đã là phúc lắm rồi!
Những ngày tháng đó bà luôn tất tả ngoài đồng, đâu hay bạn bà ở nhà mang cái bụng lùm lùm ba tháng, thấy người bạn xanh xao yếu ớt, bà cứ nghĩ bạn bà không khoẻ, bao nhiêu thức ăn bà nhường nhịn hết thảy, người bạn cố vẫn không nuốt được, gặng hỏi mãi bạn bà cũng không khai, lời ra tiếng vào, hàng xóm láng giềng dị nghị không chồng mà chửa….Đêm bà không ngủ được, không dám trách bạn, nghĩ lại thương bạn nhiều hơn, rồi bà nghe tiếng khóc thút thít tủi thân, bà cũng không biết nói sao, đành im lặng…. Một chiều chạng vạng bà về nhà, mệt mỏi, người đầy bùn đất, bà ra giếng tắm, thấy người bạn gái đã treo cổ trên cành me, bà run lẩy bẩy không thốt được lời nào, lăn quay bất tỉnh. Từ đó, trong góc nhà lại có thêm cái bàn thờ be bé…..
Tôi đến thăm nhà bà vào trưa hôm ấy, trời hanh lắm, cái oi ả của những ngày hè không gió, cái nắng nóng hậm hực của miền Trung đầy cát bụi mịt mù. Người đàn bà gầy gò, tóc lốm đốm bạc thơ thẩn trước sân, mặc bộ quần áo cánh cũ kỹ, chân trần. Bà đi qua lại, như không nghe thấy tiếng khách vào, tay ve vẩy nhánh cây, miệng nói lảm nhảm, cười cười vu vơ, đôi mắt điên dại nhìn khách dửng dưng rồi quay đi. Người con trai cả của bà đưa tôi vào nhà, mắt rơm rớm nước kể: Gia đình thờ người bạn bà một thời gian rồi người con trai thứ xây dựng lại nhà, vứt bỏ bàn thờ người bạn bà đi, nói là không liên quan, thờ cúng gì phiền phức. Bà phản đối kịch liệt, nói sống sao chết vậy, đừng bỏ bàn thờ mà tội nghiệp, rồi hương hồn bà ấy về đâu? Nhưng người con trai thứ nhất quyết không nghe, kiên quyết vứt bỏ! Ngày hoàn thành ngôi nhà là ngày bà phát điên dại đến mãi bây giờ, thuốc thang khắp nơi không khỏi. Rồi tiếp theo người vợ của con trai thứ bị ung thư và tiểu đường nữa, đi khắp các bệnh viện, điều trị mãi, bác sĩ lắc đầu cho về nhà tịnh dưỡng những ngày tháng cuối. Người con trai đầu của bà là Phật tử, khuyên em trai của mình thờ Phật, ăn chay niệm Phật cho phần nghiệp báo giảm nhẹ bớt, nhưng người em trai không nghe, phản bác hết thảy, không cách gì lay chuyển được. Ông ta không tin nhân quả nghiệp báo tội phước gì cả. Cách nói chuyện báng bổ và nhiều phần gay gắt. Chỉ có người vợ lặng lẽ lau nước mắt, nghĩ tới cảnh mình chết đi bỏ lại hai đứa con trai và người mẹ chồng điên dại không đành.
Trời càng về quá trưa Trời càng nắng nóng, cái nóng như nung vào da thịt, người đàn bà điên vẫn đi lại quanh sân, thỉnh thoảng bốc phân gà bỏ vào miệng, ăn ngon lành, trông rất bình thản. Tôi nói với người con trai thứ: ” Chữ Hiếu đứng đầu trăm họ”, anh nỡ để mẹ anh thế sao?. Có thể vì Nhân Duyên chưa tới, anh không tin Phật, nhưng tôi sẽ tặng anh một số Kinh sách, nếu còn yêu thương mẹ mình, mong anh dành một chút thời gian trong ngày đọc lấy. Khi nào Nhân Duyên đủ, tôi mong anh thờ Phật, ăn chay và đoạn nghiệp sát sinh, đọc kinh làm thiện hồi hướng công đức cho mẹ và vợ anh nữa! Người đàn ông đó trầm ngâm một chút rồi cũng nhận lấy mấy quyển kinh tôi đưa tặng.
Hơn nửa tháng sau, sau khi suy gẫm, người đàn ông có người mẹ điên đó quyết định thỉnh Tôn tượng Quán Âm Bồ tát về thờ tại gia. Tôi và người anh trai hết sức vui mừng tham dự buổi lễ an vị đó, trong lòng thành tâm cầu chúc cho gia đình tai qua nạn khỏi, từ nay bình an. Tôi dặn gia đình từ nay về sau, sáng, tối niệm câu: ” Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quảng đại linh cảm Quan thế âm Bồ tát” thật thành tâm, chí thành chí nguyện, mọi việc sẽ an lành! Ba ngày sau buổi lễ an vị Phật, điều kỳ diệu đã xảy ra. Đêm nằm ngủ, người vợ bị ung thư nằm mơ thấy mình đang ngồi khóc, bỗng nhiên có một vị đạo sĩ tay cầm phất trần lại hỏi: ” Tại sao con khóc?” Người vợ được lời như cởi tấm lòng, bèn tâm sự nỗi niềm gia cảnh, bịnh tật bản thân và bịnh tật mẹ chồng. Rồi thấy vị đạo sĩ không nói gì, chỉ gõ trên đầu ba cái rồi biến mất. Sáng hôm sau người vợ thấy tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng hẳn đi. Lại càng tin có Phật bên mình, nghe nỗi khổ tâm và bất hạnh của mình, lại càng chí thành niệm Phật. Sự tin tưởng tuyệt đối ấy thật mạnh mẽ, tăng lên không ngừng vào mỗi câu niệm Phật. Khi nhìn Tôn Tượng, chị cảm thấy được an lành, như được lắng nghe, vơi đi nỗi khổ. Chị có cảm giác như bấy lâu trôi lềnh bềnh trên sông nước, tới khi gần chết đuối, được ôm khúc gỗ trôi lại gần mình, được cứu thoát vậy. Rồi vợ chồng cùng đọc Kinh sách nhiều hơn, thấy rõ Luật Nhân quả, hiểu được Nghiệp chướng của mình, trong lòng chị không còn nặng nề như trước. Tới kỳ tái khám bệnh lần cuối, bác sĩ thông báo chị hoàn toàn khoẻ mạnh, không hề có bệnh gì. Cả hai vợ chồng thảng thốt, như không tin vào tai mình, lại dắt nhau đi đến bệnh viện khác khám lại, kết quả vẫn thế, chị cũng không hề có bệnh gì. Chị cẩn trọng trình lại bệnh án trước đây chị bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối và tiểu đường nặng. Rồi xét nghiệm lại, khám tổng quát tổng thể, chị thật sự không bị bệnh gì nữa. Chị ngước mắt nhìn lên Trời, nước mắt lưng tròng, thầm cảm ơn Đức Quán âm tầm thanh cứu khổ đã che chở cho chị! Và cũng kỳ lạ thay, người mẹ già từ đó cũng khoẻ mạnh hơn, không còn đi lang thang lối xóm, không còn đập phá lung tung, không còn ăn đồ dơ dáy, biết thay quần áo sạch sẽ, ngồi yên trên ghế, hoặc chỉ loanh quoanh đi lại trong nhà, tay lần tràng hạt, miệng niệm A di Đà Phật….
Tôi nhận được điện thoại của gia đình chị, lòng vui mừng khôn xiết, trong lòng thiết nghĩ, Phật pháp nhiệm màu không thể bàn kể, những câu chuyện nhiệm màu vẫn xảy ra xung quanh ta, rằng chúng ta thay đổi suy nghĩ và cách sống, chúng ta có thể thay đổi cuộc đời!
Trích: ” Ký sự của những chuyến đi”
Đại Lộc – 2009
Phật tử Nhuận Châu
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB