Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong thời đại mới

221

Cho đến hôm nay, âm vang chiến thắng của dân tộc Việt Nam vẫn còn vang vọng trong tâm thức con người Việt Nam: “Việt Nam từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” bằng sự kiện Đại thắng mùa xuân 1975 vô tiền khoáng hậu, giang sơn thu về một mối, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên cả dân tộc quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam, con người Việt Nam độc lập tự do, hạnh phúc và hòa bình, thịnh vượng dài lâu. Nó là xuất phát điểm của thời đại mới: Thời đại đất nước chủ trương phát triển hội nhập toàn cầu trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, môi sinh, nhất là công nghệ khoa học kỹ thuật số với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh” và tầm nhìn “đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay là đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Thực tế, đất nước ta không lớn so với các cường quốc trên thế giới. Song, trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, giới Phật tử Việt Nam, tự thân là những người con của dân tộc chưa một lần chịu khuất phục, đầu hàng với bất kỳ kẻ thù nào đến gây hấn hay xâm lược. Dân tộc ta bao giờ cũng bất khuất, vẫn thể hiện bản lĩnh tự chủ của một dân tộc Việt hào hùng, không ngừng nỗ lực thăng tiến vươn lên là một sự thật hiển nhiên. Chính tư tưởng yêu nước là yêu đạo, niềm tin vào chính mình và tự hào về dân tộc, tự thân biến thành cốt tủy và máu thịt để nhân dân ta từ trên chí dưới đoàn kết lại, thương yêu nhau như người trong một nhà không có một sức mạnh nào lay chuyển được. Tất cả trở thành kim chỉ nam của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong thời đại cả 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận trong đại gia đình, trên dải đất hình chữ S với ý niệm hòa bình, cùng nhau hội nhập và phát triển thịnh vượng dài lâu.

 

Cốt tủy của tinh thần đồng hành cùng với dân tộc trong thời đại mới là Phật giáo Việt Nam chủ trương hòa hợp và hòa bình thịnh vượng trong một bối cảnh lịch sử cả dân tộc vươn mình đứng dậy sau những cuộc trường chinh kháng chiến vệ quốc thành công, chấm dứt chiến tranh, xóa bỏ hận thù, Việt Nam làm bạn khắp tất cả. Trong ý niệm hào hùng đó, Phật giáo Việt Nam đã cùng nhân dân Việt Nam chung tay kiến tạo đất nước thịnh vượng, hội nhập và phát triền toàn diện trên mọi phương diện và lĩnh vực. Thể hiện rõ nét nhất và đầu tiên của tinh thần đồng hành cùng dân tộc là sự nỗ lực ra đời của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hội đủ điều kiện để các tổ chức hệ phái sáp nhập vào ngôi nhà chung “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Ngay lời nói đầu của Hiến chương đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc … Nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã thực hiện từ lâu, nhưng chưa được trọn vẹn, nay trong bối cảnh dân tộc đã độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, cả nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phật giáo Việt Nam có đủ cơ duyên thống nhất thật sự để duy trì chánh pháp, góp phần tích cực cùng toàn dân đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình an lạc cho dân tộc và nhân loại… Sự thống nhất này xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp đều được tôn trọng, duy trì”.

Bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cơ sở nền tảng để Phật giáo nước nhà thực thi tinh thần đồng hành cùng dân tộc trong thời đại mới, nhằm đáp ứng các nhu cầu lịch sử đất nước đặt ra. Đó là sự chung lòng của giới Phật giáo đã cùng toàn dân trong việc chung tay kiến tạo đất nước, phục hưng mọi giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị đời sống hạnh phúc cho mỗi người dân trong bối cảnh đất nước hòa bình, chính trị xã hội ổn định, kinh tế bước đầu phát triển mạnh mẽ. Khi nước nhà chủ trương chuyển từ một nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986, trên tinh thần đổi mới tư duy, cải cách cơ chế, Phật giáo Việt Nam cũng chuyển mình rõ rệt để đồng hành cùng dân tộc trong một thời kỳ mới, vận hội mới mà đất nước giao phó. Khác với thời chiến tranh binh lửa, Phật giáo quyết sống còn cùng với dân tộc để bảo vệ sự tồn vong của quê hương xứ sở, thì trong thời bình, giới Phật giáo cũng ý thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của chính mình đối với công cuộc kiến thiết quốc gia, đóng góp sức mình cùng toàn dân xây dựng một đời sống hạnh phúc, thịnh vượng dài lâu như lời mở đầu của Hiến chương. Huống chi, thuộc tính Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng “hòa hợp”, “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, nhờ vậy kết nối được sức mạnh nội tại toàn dân đã làm nên kỳ tích cùng đất nước bước sang thời kỳ độc lập, tự chủ, hòa bình và thịnh vượng dài lâu. Mặt khác, xuất phát từ khởi điểm “Chánh tư duy”, Phật giáo đã cụ thể hóa tinh thần đồng hành cùng dân tộc bằng tinh thần tùy duyên, năng động, tích cực nhập thế trên các lĩnh vực xây dựng con người hướng thiện, ở đó có sự hoàn thiện cá nhân, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Suy cho cùng tiềm lực của quốc gia không chỉ ở việc sở hữu tài nguyên của đất nước mà còn tùy thuộc vào chủ nhân sở hữu tài nguyên trí tuệ của toàn bộ dân tộc ấy. Phật giáo được xác lập là tôn giáo lớn của dân tộc, hẳn nhiên sức mạnh tiềm ẩn của quần chúng theo Đạo Phật đóng góp cho công cuộc xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên hùng cường, thịnh vượng là sự thật hiển nhiên. Từ trong quá khứ Phật giáo đã từng làm, ngay trong hiện tại đang thực thi và tương lai sẽ tiếp diễn không ngừng nghỉ. Ta chẳng ngạc nhiên, sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đất nước bước sang thời kỳ hòa bình, cả dân tộc khát vọng xây dựng quốc gia Đại Việt trở nên hùng cường với hào khí Đông A. Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, dưới sự lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thể nhập tinh thần đồng hành cùng dân tộc. Cho nên, tuyên ngôn của Phật giáo Trúc Lâm vào thời bình được Phật hoàng Trần Nhân Tông nêu rõ ở việc tái thiết quốc gia đó thật là sinh động: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu” như Cư trần lạc đạo phú đã ghi.

Trong hiện tại, với 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, song hành là 35 năm đất nước đổi mới, cả hai thực thể đã gắn bó, hòa quyện thành một thực thể duy nhất để cùng nhau phát triển và hội nhập toàn cầu trên mọi lĩnh vực trong mọi phương diện. Một mặt, Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát từng cá nhân để vươn lên đỉnh cao trí tuệ của con người; mặt khác, không ngừng khuyến cáo Phật tử hãy tích cực đóng góp sức mình cho đời sống mọi người dân được hạnh phúc bằng cách hết lòng phục vụ đất nước, phụng sự dân tộc với những người gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình. Đó cũng là thông điệp giới lãnh đạo tối cao Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cụ thể là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đầu tiên tâm niệm chỉ đạo:“Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp tức là cho Dân tộc; những gì tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là cho Đạo pháp”.

Chính tư tưởng và triết lý hành động thiết thực này đã được giới Phật tử Việt Nam tiếp thu và phát huy, hình thành nên mẫu người Phật tử thời nay biết đem đạo ứng dụng vào đời thật hữu ích. Không chỉ giới xuất gia mô phạm trong chốn thiền môn mà ngay cả giới tu hành tại gia của thời đại này đều tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, an sinh của đất nước. Họ có thể là những trí thức Phật tử, những nhà giáo tận tụy, những lương y như mẹ hiền, nhà kinh doanh, kĩ sư… tùy theo sự phân công và khả năng của mình mà sẵn lòng đóng góp tích cực trong ý niệm hòa hợp và hòa bình. Hình tượng này là tiêu biểu cho mẫu người Việt Nam thời đại mới nói chung, chứ không riêng gì cho Phật giáo. Họ có thái độ sống theo tinh thần tuỳ duyên, tuỳ thời mà vì dân, vì nước chứ không vì sự giải thoát riêng mình. Kết quả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mọi người dân ủng hộ, họ tích cực tham gia đóng góp mọi lĩnh vực mà 13 Ban, Ngành, Viện chuyên môn trực thuộc Giáo hội quản lý khởi xướng mọi kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, mang tính giá trị thiết thực cao cho Phật giáo, cũng là góp phần cho quốc gia hưng thịnh, xã hội an lành. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh của đất nước, sự đổi mới cơ chế thị trường, đồng thời tạo sự thông thoáng về môi trường đầu tư của chính phủ, để đi đến sự thành công nói trên của Phật giáo, chúng ta phải kể đến yếu tố văn hóa, yếu tố con người rất quan trọng. Thực tế, cốt lõi văn hóa Phật giáo là nền văn hóa duyên khởi, vô ngã, vô thường có khả năng dung hợp, thích ứng tất cả mọi điều kiện, yếu tố, kể cả môi trường theo mọi không gian và thời gian.

Con người Phật giáo được đào tạo để sở hữu trí tuệ trên nền tảng đạo đức hoàn thiện. Suy cho cùng, Phật giáo Việt Nam luôn biết cách khai mở sức mạnh tiềm ẩn nội lực cộng sinh từ trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực sẵn có để đóng góp cho Giáo hội cũng là đóng góp cho đất nước Việt Nam trong thời đại mới. Có thể nhìn vào chương trình đào tạo con người Phật giáo mà Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương thiết lập thì sẽ rõ. Cả nước có 4 Học viện đào tạo chương trình Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học; có đến 9 trường Cao đẳng Phật học; 36 trường Trung cấp Phật học và 40 trường Sơ cấp Phật học. Đây chính là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Các Tăng Ni và Phật tử sau khi tốt nghiệp các cấp chương trình Phật học đã tham gia lãnh đạo Giáo hội, hoặc các Ban, Ngành, Viện chuyên môn, cũng như làm vị thầy tâm linh hướng dẫn cho quần chúng Phật tử có nếp sống đạo, yêu đạo chính là yêu nước tuỳ theo khả năng đóng góp và sự phân công của xã hội.

Việc sở hữu nguồn tài nguyên trí tuệ con người và phân phối tài nguyên trí tuệ mà chính phủ chủ trương trong thời đại đất nước phát triển và hội nhập toàn cầu để tăng trưởng kinh tế, tạo chất lượng sống giá trị và phúc lợi cho toàn dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần thực thi. Phật giáo chủ trương con người là chủ nhân ông của nghiệp, là thừa tự nghiệp, con người cần lấy trí tuệ làm sự nghiệp để đồng hành cùng dân tộc trong thời đại đất nước vươn lên tầm cao với các nước trong khu vực. Phật giáo sẻ chia nguồn tài nguyên trí tuệ bằng sự hoằng pháp không biết mệt mỏi, kiến tạo nhiều chương trình an sinh xã hội, từ thiện công ích, tuệ tĩnh đường, xây cầu… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết đối với đất nước, có thể xem như là chìa khoá vạn năng của nền kinh tế thị trường trong xu hướng đổi mới của thời đại mới là bứt phá từ nền kinh tế số. Việc đầu tư phát triển kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là một trong những đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm. Nhà nước đã từng bước ban hành những chính sách về kinh tế số cần bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất để các kế hoạch, chương trình về kinh tế số được triển khai trong thực tiễn cuộc sống.

Đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước, trong những năm gần đây Phật giáo Việt Nam cũng bắt nhịp cùng với đất nước thời đại. Là tôn giáo của dân tộc, đi đầu trong việc ứng dụng kinh tế kỹ thuật số, Phật giáo đã chủ trương bước đầu xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu Giáo hội từ cấp Trung ương đến địa phương, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cho người Phật tử nắm bắt thông tin dữ liệu về tổ chức Giáo hội và truyền bá văn hóa Phật giáo nước nhà một cách hữu hiệu. Phật Sự Online, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Báo Giác Ngộ Online, các trang web…là minh chứng cụ thể về vấn đề kết nối truyền thông trong thời đại mới, vận hội mới của Phật giáo và của đất nước. Điểm đáng nói, khi Giáo hội chủ trương từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ kỹ thuật số để mọi cơ quan hành chính Giáo hội có thể liên kết các cơ quan chức năng một cách thuận lợi, cũng như mọi người dân được sử dụng, được hưởng lợi từ những tiện ích do sự chia sẻ tài nguyên trí tuệ mà nền kinh tế số mang lại. Mới đây, Giáo hội đã ghi nhận hiệu quả và lợi ích về hiệu năng cải cách hành chánh, việc phổ biến chuyên môn và cả giá trị kinh tế trong việc họp trực tuyến giữa hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và tiến đến kết nối 63 Giáo hội cấp tỉnh, thành.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện đại dịch Covid-19, việc ứng dụng nền kinh tế số vào đời sống thực tiễn lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam là nước quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: vừa khống chế dịch thành công, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên 2,91% đã được cộng đồng thế giới hoan nghênh. Trong thành tựu đó, giới Phật giáo đã đồng hành cùng đất nước bằng sự nhận thức cao độ về việc nâng cao chất lượng sống của con người, con người là nhân vật trung tâm, vì thế việc duy trì Chánh mạng là ưu tiên hàng đầu. Mỗi người dân Phật tử phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm túc 5K mà chỉ thị chính phủ ban hành. Quan trọng hơn nữa là các cơ sở tự viện Giáo hội đã nghiêm túc thực hiện nhu cầu tín ngưỡng tâm linh trong thời gian đại dịch xảy ra bằng sự giãn cách xã hội, hoặc thông qua hệ thống mạng, ứng dụng nền công nghệ kỹ thuật số 4.0 đã đáp ứng mọi nhu cầu thời đại đặt ra trong một hoàn cảnh mới, xu hướng mới. Đây là sự đồng hành cùng dân tộc thiết thực mà Phật giáo quyết tâm thực thi hữu hiệu nhất. Những năm gần đây, Chính phủ còn chủ trương không chỉ bảo đảm an ninh tài nguyên sở hữu trí tuệ, thì bên cạnh đó vấn đề an ninh văn hóa cần được thiết lập để định hướng cho quốc gia phát triển và hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt. Phật giáo Việt Nam nhận thức rõ điều này. Bởi lẽ, đây chính là nền tảng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường có bản sắc riêng so với các nước khác, là sức mạnh nội sinh xây dựng sự đoàn kết để từ đó cùng nhau phát triển, hội nhập mà không hòa tan.

Phật giáo Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền văn hóa Phật giáo trên nền tảng tiếp biến văn hóa Việt có sự tích hợp, chọn lọc và kế thừa. Hiện thực hóa cho chủ trương này, một mặt Ban Văn hóa Trung ương đã có đề án xây dựng kiến trúc chùa chiền Việt và Y phục Việt; một mặt bảo lưu, truyền thống các giá trị văn hóa Phật giáo thuần Việt mà cha ông dày công xây dựng. Kết quả, hàng loạt chùa, tự viện, danh lam thuộc di sản cấp quốc gia, hệ thống chùa Việt – Trúc Lâm được kiến thiết trên khắp mọi miền Tổ quốc, tiếp nối truyền thống từ xa xưa chùa là trung tâm văn hóa, giáo dục cộng đồng người Việt, nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân trong mọi thời đại lịch sử. Đó cũng là mục tiêu tổng quát của Phật giáo Việt Nam thực hiện trong sự nghiệp đồng hành cùng dân tộc trước vận hội mới, thời đại mới. Đây cũng là sự khơi dậy, sự khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc mà mỗi người dân Phật tử Việt Nam hưởng ứng, đồng lòng cùng cả dân tộc thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, vươn tầm ra thế giới trong một tương lai gần.

TT.TS Thích Phước Đạt

Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB