Phật giáo trong công cuộc thịnh quốc an dân

8553

Chúng ta luôn tự hào về cụm từ “Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc suốt cả chiều dài lịch sử”. Khi Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã mang tinh thần hộ quốc an dân, ngay từ thời sơ khai lập quốc, Lý Nam Đế đã lấy tên “Khai Quốc” đặt cho ngôi chùa đầu tiên, đến đời nhà Lý ngôi chùa này được đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Trải qua 15 thế kỷ, từ thế kỷ thứ VI đến nay, ngôi chùa Trấn Quốc vẫn sừng sững, uy nghi bên hồ Tây, chứng kiến bao thăng trầm, thịnh suy, hưng phế của dân tộc. Như vậy, tổ tiên chúng ta muốn cho con cháu ngàn sau thấy rằng: Khai quốc cũng là Phật giáo, giữ gìn bờ cõi non sông, chống giặc ngoại xâm, trấn giữ biên cương, giữ gìn hồn thiêng đất Việt cũng là Phật giáo (Trấn Quốc).

3218184298_93d2f7c131

Chùa Trấn Quốc xưa

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, biết bao minh quân, dũng tướng đã vận dụng giáo lý Phật-đà áp dụng vào việc tu dưỡng tự thân và đem giáo lý Phật-đà phổ cập nhân gian trong tinh thần “an dân thịnh quốc”. Đó là Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ được sinh ra và huân đúc tinh thần Phật giáo, vị vua khai sinh ra thủ đô Thăng Long, là người áp dụng triệt để tinh thần Phật giáo trong việc xây dựng và đưa đất nước Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh về mọi mặt. Ngày nay nói đến Thăng Long là nói đến Phật giáo mà nói đến Phật giáo là nói đến Thăng Long. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên chép về vua Lý Thái Tổ: “Lý Thái Tổ lên ngôi được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà đã cho xây dựng liền 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại còn trùng tu chùa miếu, độ hơn 1000 người làm tăng ở kinh sư”, hay “vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ biềng nhác. Thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chẳng trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện Phật thờ lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân mạng, đổi y phục, xả bỏ sản nghiệp, lìa thân thích, trong nước dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền…”. Tuy đây là lời phê trách của các nhà sử nho nhưng cho chúng ta thấy được sự hưng thịnh của Phật giáo lúc bấy giờ bởi sự lãnh đạo của một ông vua Phật giáo. Trải dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, nhà Lý và nhà Trần kính trọng, áp dụng giáo lý Phật-đà vào xã hội mà Đại Việt hưng thịnh một thời. Về quân sự, đánh bại nhà Tống, thậm chí Lý Thường Kiệt còn đem quân Bắc phạt, chiếm lĩnh hai Châu Ung và Châu Khâm, ba lần đánh bại cường địch Nguyên Mông, một đạo quân làm rung động Châu Âu, đến nỗi đích thân Giáo Hoàng La Mã xuống nước cầu hòa, dâng phẩm vật. Về mặt kinh tế, mưa thuận gió hòa, lúa đậu sung túc, dân chúng ấm no, tối nhà không đóng cửa phòng trộm, mọi người ra đường không nhặt của rơi. Về mặt văn hóa, tư tưởng giáo lý và ngay cả ngôn từ thuật ngữ phật giáo ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học nước nhà; trong đó thơ văn thời Lý Trần không những áng văn sáng rỡ thời đó, mà còn quang nhuận đến bây giờ, không những văn từ bóng bẩy mà chứa đựng sâu sắc triết lý nhân sinh, hậu học chúng ta mãi cuối đầu bội phục, mãi là niềm tự hào cho con cháu ngàn sau. Về mặt chính trị ngoại giao, ảnh hưởng sâu sắc tinh thần từ bi của Phật Giáo, nhà Lý nhà Trần dùng chính sách ngoại giao nhu hòa, mềm dẻo nhưng không kém phần cương quyết, không cúi đầu trước ngoại bang, đã duy trì được hòa bình, giữ gìn biên cương, bắt nhà Tống phải trả lại những phần đất mà họ đã dùng bạo lực cưỡng chiếm trước kia. Nhờ tinh thần từ bi muôn thuở của Phật giáo đã thấm nhuần ở vua tôi Đại việt mà dân chúng được ấm no, biên cương được giữ vững, đất nước thanh bình, thạnh trị. Hãy nghe vua Lý Thánh Tông nói với quần thần :“Trẫm ở trong cung sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nay nghĩ tới người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, khi chưa rõ là ngay hay gian,mà ăn không no bụng, ngủ không thẳng giấc, thật đáng thương xót”, bèn lệnh phân phát chiếu khăn, lương thực đầy đủ. Một hôm Vua lấy áo đắp cho tù nhân và nói với cai tù “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân, dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất thương xót. Từ nay bất kể kẻ tội nặng nhẹ gì đều nhất nhất khoan giảm”. Ấy là nhờ thâm nhập Phật lý, áp dụng giáo lý Phật đà trong việc tu thân và trị quốc. Quốc sư Đại Đăng răn nhắc vua Trần Thái Tông: “Thân là vua một nước phải lấy nỗi khổ của dân làm nỗi khổ của mình, lo phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui thì phải vui sau cái vui của thiên hạ. Việc triều chính tuy bận rộn nhưng nhà vua siêng nghiên tầm kinh điển chớ có xao lãng…”. Hay có một Trần Nhân Tông khi có ngoại xâm thì xông pha trận mạc, phát huy tinh thần dân chủ tuyệt đối vận dụng triệt để sức mạnh toàn dân, điển hình là hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Than, tập hợp sức mạnh nhân dân chứ không võ đoán, tự quyết để chống ngoại xâm. Khi hòa bình rồi, nhà vua không đam mê quyền lực, không hưởng thụ xa xỉ, mà trao nhường ngôi vua, xả bỏ quyền lực, rũ áo lợi danh vào Yên Tử xuất gia tu hành, giữ gìn mối Đạo. Tuy xa lìa phú quý vinh hoa, không tranh dành lợi dưỡng, luôn tương chao đạm bạc áo nâu che mình, nhưng vẫn một lòng lo cho đất nước. Một thân một bóng lặn lội vào nước Chiêm Thành âm thầm giao hảo để tránh chiến tranh, lấy hôn nhân để lợi ích nước nhà, mở mang bờ cõi. Đây là cuộc hôn nhân định quốc có một không hai trong lịch sử nước nhà. Đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhờ thấm nhuần giáo lý từ bi hỷ xả vô ngã vị tha, lấy việc nước đặt trên tình nhà. Thân là tiết chế quận công mà không dám mang gươm, không dám đi gậy bịt sắt để tránh tỵ hiềm, đặt hận nước lên trên thù nhà, nên tự chủ giải hòa với quốc công Trần Quang Khải. Một tiết chế, một quốc công trong một buổi tắm cho nhau để tạo hoà khí hai nhà mà đi vào lịch sử vô tiền khoáng hậu, góp phần đánh đuổi bạo cường xâm lược.

ChuaMotCot_1896

Chùa Một Cột (Diên Hựu) xưa

Những nét chấm phá trên là một trong hàng nghìn tấm gương đầy nhân bản thấm nhuần giáo lý từ bi, trí tuệ đã góp phần đưa Đại Việt cường thịnh một phương, dành quyền tự chủ trong một thời gian dài. Đây là niềm tự hào của triệu triệu người Việt khắp năm châu. Hiện nay, ở thủ đô Hà nội vẫn còn ngôi chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) cổ kính (vào khoảng thập niên 60 có một vị hòa thượng di cư từ Bắc, vì nhớ quê nên ngài xây một ngôi chùa một cột ở Thủ Đức được lấy tên “Nam Thiên Nhất Trụ” (một trụ chống đở trời Nam), phải chăng ông cha ta muốn nhắn nhủ cháu con đời sau rằng muốn giữ gìn đất nước, muốn bảo vệ biên cương, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc chống làn sóng văn hoá ngoại lai, giữ gìn hồn thiêng đất Việt là phải lấy Phật giáo làm trụ cột. Ngày nay nói đến Thăng Long là nói đến chùa Một Cột, và ngược lại nói đến chùa môt cột là nói đến Thăng Long. Chùa Một Cột là biểu tượng của Hà Nội, là niềm tự hào của con dân đất Việt, rất tiếc trải qua bao biến thiên lịch sử, nay chỉ còn là một biểu tượng, một di tích, không đáng tầm phát triển của Hà Nội ngày nay.

Hôm nay chúng ta thừa hưởng hùng khí của tổ tiên, thọ nhận tông phong của Phật tổ, chúng ta phải tự hào là con dân đất Việt và tâm nguyện làm cho đất nước được hùng cường, làm cho giáo lý Phật đà được lưu truyền khắp đất nước. Mà nghĩ cũng lạ, như một định luật từ thuở mang gươm đi mở nước, hễ nơi nào có dân chúng, làng mạc, giếng nước, bờ tre, thì nơi đó có chùa, có Phật, có tiếng chuông vang vọng sớm chiều cảnh tỉnh mê nhân. Ngày nay, văn minh nhân loại đã phát triển tột đỉnh, kỷ nghệ thông tin rất phát triển. Nhưng khoa học càng phát triển, thì đạo đức càng suy đồi, tham sân càng mạnh, chiều hướng ngũ dục càng sâu nặng, nạn bạo hành, tệ nạn xã hội càng ngày càng nhiều !,? Hơn lúc nào hết, chúng ta mới thấy giá trị của đạo Phật, Giáo lý Phật-đà có năng lực chuyển hóa vô minh, thanh lọc vọng tâm trở về với chân thiện mỹ. Sở dĩ Đại Việt ta cường thịnh gần 400 năm là nhờ các vị vua nhà Lý, nhà Trần biết giá trị và áp dụng giáo lý Phật-đà vào công cuộc trị quốc an dân. Nhưng tiếc thay, các vị vua cuối đời Lý – Trần quá đam mê tửu sắc, xa rời Phật giáo tin tưởng Đạo giáo, vua quan ưa đồng bóng phù chú v.v…, nên đất nước bị suy vong, dân chúng lầm than, rốt cuộc trở thành nô lệ cho ngoại bang. Thật ra, chẳng những Việt Nam mà cả Trung quốc cũng vậy. Ngược dòng lịch sử, từ khi Phật giáo du nhập vào Trung hoa hễ triều đại nào, vị vua nào sống và lãnh đạo nước nhà theo tinh thần Phật giáo thì triều đại đó hưng thịnh. Trong lịch sử Trung hoa có ghi lại pháp nạn “Tam võ nhất tông”. Như, vua Thái Võ Đế triều Bắc nguỵ đời Hiếu võ đế Triều Bắc Chu, Võ Tôn triều Đường, đến Chu Thế Tôn đời Hậu Chu; vì ngược đãi Phật giáo, tàn hại Tăng sĩ, bày đủ mọi cách làm phá hoại Phật giáo, rốt cuộc triều đình suy yếu, quốc gia loạn lạc, bản thân lâm nạn bạo bệnh mà qua đời. Do đó, nhìn cổ suy kim, nhìn người rõ mình, thời đại nào hướng về Phật giáo thì quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh. Thời đại nào độc đoán ngược đãi Phật giáo thì quốc gia suy vong, loạn lạc (như chế độ nhà Ngô đình trị chẳng hạn)… Lịch sử đã chứng minh, từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo luôn đồng hành chung vai sát cánh cùng với dân tộc, từ chiến tranh vệ quốc, cho đến thiên tai bão vủ, từ việc giữ gìn hồn thiêng sông núi, đóng góp rất lớn vào kho tàng văn hoá nước nhà, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn ngừa làn sóng văn hóa ngoại lai v.v…. Người viết chỉ mong rằng, từ cấp lãnh đạo cho đến thân hào nhân kiệt sĩ thứ nhân dân…, nếu thấy Phật giáo như lịch sử đã ghi lại thì hãy cùng nhau chung vai góp sức hộ trì Phật giáo, đưa Phật giáo trở thành tôn giáo của dân tộc với vai trò hộ quốc an dân đúng nghĩa. Đã là đệ tử Phật, là người mang trách nhiệm hoằng pháp, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy sự nghiệp của tiền nhân. Tôi xin có vài ý kiến như sau:

1/ Tứ chúng đệ tử Phật phải có tâm nguyện đem giáo lý Phật-đà phổ cập nhân gian.

2/ Bất cứ làm việc gì cũng nên lấy danh dự của Phật giáo làm đầu.

3/ Sự nghiệp tu tập của tự thân, gắn liền sự thịnh suy của Phật giáo.

4/ Dù có làm từ thiện hay ứng phó đạo tràng, xây chùa đúc tượng cũng phải gắn liền và chú trọng về mặt hoằng pháp, Phật hóa nhân gian.

5/ Trong mặt hoằng pháp, chúng ta cần phải hội đủ 3 yếu tố:

-Thân giáo: phải tôn trọng giới luật, dĩ thân tác chứng, dĩ thân giáo chúng.

-Khẩu giáo: phải đọc tụng kinh điển, giảng giải Phật pháp.

-Tâm giáo: phải phát triển nguồn sáng tuệ giác, ban trải tâm từ bi, luôn nuôi chí nguyện hoằng pháp lợi sanh.

Có được như thế, chúng ta mới góp một phần nào trong công cuộc thịnh quốc an dân, đền ơn thầy tổ, khỏi phụ tâm của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thích Như Giải

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB