Phan Khôi sinh năm 1887 tại Điện Bàn Quảng Nam, ông mất năm 1959. Ông không những được biết đến với tư cách một nhà văn, nhà thơ mà còn được biết đến với tư cách là một nhà báo đầy tài năng, một người tích cực áp dụng những quan điểm tiến bộ vào trong nghiên cứu – học tập, trong công tác dịch thuật và phê bình dịch thuật kinh điển Phật giáo, trong văn hóa ứng xử đối với đời sống tôn giáo – tín ngưỡng của quần chúng nhân dân đương thời.
Do đó, bài viết xin được đi sâu phân tích và trình bày một số đóng góp cơ bản của ông đối với phong trào chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX. Qua đó, góp phần bổ cứu nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ hơn những trang sử của Phật giáo Việt Nam giai đoạn cận hiện đại cũng như vai trò, vị trí của Phan Khôi đối với diễn trình lịch sử.
1. Khái quát về phong trào chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX
Từ đầu thế kỉ XX, Phật giáo Việt Nam đã tiến hành cuộc vận động chấn hưng trên quy mô cả nước. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn này?
Thứ nhất, xét trên bình diện quốc tế, sự phát triển của khoa học – kĩ thuật cùng quá trình lưu văn hoá Đông – Tây diễn đầu thế kỉ XX đã thu hẹp khoảng cách về vị trí địa – văn hóa giữa các quốc gia, các vùng miền. Đây cũng chính là thời điểm mà nhiều giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại được các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tiếp cận và nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau. Riêng đối với Phật giáo, những nghĩa lí cao siêu của tôn giáo này đã làm cho nhiều học giả quên ăn quên ngủ, giành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu. Sự khâm phục của các học giả phương Tây đã làm cho niềm tin của các dân tộc có đạo Phật sống dậy. “Người Phật tử bắt đầu nghiên cứu trở lại giáo lí của tôn giáo họ với tất cả nhiệt tình. Đó là một trong những động cơ lớn thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo ở các nước Á châu” .
Thứ hai, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ phong trào chấn hưng Phật giáo ở nhiều nước trong và ngoài khu vực như Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản và đặc biệt là từ Trung Quốc với vai trò của Đại sư Thái Hư. “Thái Hư Đại sư là nhân vật lịch sử của Phật giáo thế giới. Chính Đại sư là người khởi xướng và chỉ đạo cuộc tân vận động của Phật giáo cận đại và hiện đại. Tư tưởng và hành động, trí tuệ và đức hòa của Đại sư ảnh hưởng đến toàn bộ tín đồ Phật giáo thế giới, nhất là Âu Mĩ. Riêng Việt Nam, ảnh hưởng ấy rất lớn” .
Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Thất bại của nhà Nguyễn trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp cũng là tiếng chuông báo hiệu chấm dứt vai trò của Nho giáo với tư cách là nền tảng tư tưởng của dân tộc. Do đó, các trí thức Nho học yêu nước còn nung nấu tinh thần muốn vì non nước tuốt gươm ra đã tìm về Phật giáo, kêu gọi chấn hưng nhằm xây dựng ngọn cờ tư tưởng, tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống Pháp.
Thứ tư, để tạo ra nền thống trị bền vững, thực dân Pháp đã thi hành chính sách nâng đỡ và tạo điều kiện cho sự phát triển của đạo Thiên Chúa. Hơn nữa, Phật giáo Việt Nam lúc này còn đối diện với một trực trạng là sự xuất hiện của nhiều tôn giáo mới hoặc bắt nguồn từ Phật giáo, hoặc hình thành từ tín ngưỡng dân gian, hoặc đi ra từ Tam giáo (Phật, Lão, Nho). Sự hình thành và phát triển của các tông phái nói trên đã tạo ra sức cạnh tranh giữa Phật giáo với các tôn giáo đương thời. Từ đó, tạo ra động lực thúc đẩy sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo.
Thứ năm, nguyên nhân quan trọng nhất đó chính là sự suy yếu ngày càng rõ nét của Phật giáo Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ XX. Thực trạng này đã được nhiều người mến mộ đạo Phật cũng như các tăng ni, Phật tử có nhiệt huyết với sự tồn vong của Đạo pháp phản ánh qua nhiều bài viết trên các sách báo, tạp chí.
Cụ thể như: Hòa thượng Thích Mật Thể trong công trình Việt Nam Phật giáo sử lược đã viết: “Đến nỗi gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy lại biểu diễn đến chỗ đồi bại, phần đông tăng già chỉ nghĩ đền danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, Trú trì, Sắc tứ… Ôi tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt!”.
Cư sĩ Khánh Vân với bài viết Phật giáo chúng ta vì đâu chịu cái hiện tượng suy đồi?, chỉ ra rằng: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kì, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần,… gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham quơ quét cho sạch sành sanh…! Hiện trạng như thế sao bảo chẳng suy đồi”.
Cũng từ thực trạng đó, cư sĩ Thanh Quang trong bài “Hiện trạng Phật giáo xứ ta” đăng trên báo Đuốc Tuệ, đã nói lên tâm trạng của mình: “Đau đớn thay xứ ta, những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lĩnh đám này, mai lĩnh đám khác, cũng tràng hạt cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục”.
Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc ông cho rằng: “Đạo Phật suy vì người đi tu không thông hiểu giáo lí, người đi tu không nghiên cứu Phật học”. Do đó, để khôi phục lại Phật giáo nước nhà thì cần phải tiến hành chấn hưng.
Năm 1931, đánh dấu sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam bằng việc ra đời của nhiều hội đoàn Phật giáo và các tạp chí Phật học trên khắp cả nước. Tại miền Nam là Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học (1931), xuất bản tạp chí Từ Bi âm; Hội Phật giáo Liên hữu tại Long Xuyên (1932); Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) xuất bản tạp chí Duy Tâm; Hội Phật giáo Tương Tế ở Sóc Trăng (1934), xuất bản tạp chí Bồ Đề; Hội Thiên Thai Thiền giáo tông liên hữu ở Bà Rịa (1934), xuất bản Tạp chí Bát Nhã Âm; Hội Phật học Kiêm Tế (1936), xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Ở miền Trung là sự ra đời của các hội như: Hội An Nam Phật học (1932) tại Huế, xuất bản Nguyệt san Viên Âm; Hội Phật học Bình Định (1932); Hội Đà Thành Phật học tại Đà Nẵng (1935), xuất bản tạp chí Tam Bảo. Ở miền Bắc là Hội Phật giáo Bắc Kì (1934), xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ; Hội Bắc Kì Cổ sơn môn (1934) xuất bản tạp chí Tiếng Chuông sớm; Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam (1943) xuất bản tạp chí Quan Âm. Thời gian tồn tại của các hội đoàn Phật giáo thời kì này có sự khác nhau, song điểm chung của các hội là đều hướng đến công cuộc hoằng dương Phật pháp, giáo dục đào tạo tăng tài, chỉnh lí phương pháp tu tập truyền thống trước đây đã làm suy yếu Phật giáo và hướng tới mục đích là thống nhất Phật giáo trong toàn quốc.
Có thể nói rằng, phong trào chấn hưng Phât giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX với những nội dung và hình thức hoạt động phong phú đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Đặc biệt là trên các văn đàn báo chí, nhiều phương diện Phật học đã được tầng lớp trí thức Nho học và Tây học đem ra bàn luận đánh giá dưới các góc độ khác nhau. Cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề bước đầu đã dựa trên tư duy biện chứng khoa học. Do đó đã góp phần làm giảm mức độ mê tín, duy tâm, thần bí trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều vấn đề. Quan trọng hơn, nó góp phần tạo nên những tiền đề cho sự phát triển về phương diện học thuật, tư tưởng, văn hóa, lối sống và khoa học kĩ thuật của nước ta trong các giai đoạn về sau. Với Phan Khôi, tuy không nhận mình là một nhà Phật học nhưng ông luôn giành nhiều thời gian quan tâm đến các cuộc tranh luận về Phật học trên các văn đàn báo chí và đặc biệt là quá trình vận động chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX. Những đóng góp của Phan Khôi về phương diện dịch thuật kinh điển Phật giáo cùng các luận điểm đăng trên các báo chí đương thời đã cho thấy lòng ái mộ của ông đối với tôn giáo này cũng như ý thức và lòng tự tôn của một Nho sĩ đối các giá trị văn hóa của dân tộc trước làn sóng xâm lược và đô hộ của kẻ thù.
2. Phan Khôi với phong trào chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX
* Vấn đề Việt hóa kinh điển Phật giáo
Ngay phần mở đầu bài viết “Bàn về việc dịch kinh Phật”, Phan Khôi đã khẳng định rằng: Muốn dịch kinh Phật phải là những người am hiểu và tinh thông Phật học bởi kinh Phật có nhiều câu, nhiều từ rất khó có thể Việt hóa sang chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ chữ Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn này còn nghèo nàn về mặt từ vựng, thiếu phương tiện để tham khảo nên việc chuyển thể kinh điển Phật giáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ Phật giáo muốn giải thích nghĩa của nó không những chỉ tinh thông chữ Hán mà cần phải có cả sự hiểu biết cả về ngôn ngữ Phạn. Do đó: “Một người giỏi chữ Hán không phải là người dịch kinh Phật được đâu. Là vì kinh Phật không phải như những sách thường, nghĩa lí đã cao, lại thêm nhiều điều khó lắm nữa” . Để dịch kinh điển Phật giáo cần phải có những người am hiểu cả Hán học lẫn Phật học và tốt nhất là những người trong đạo Phật. Theo Phan Khôi, muốn làm việc này, không nên đặt hi vọng quá nhiều về những người biết chữ Hán, viết văn hay ở ngoài cửa Phật, mà phải tìm một vị Hòa thượng tinh thông Phật học đứng ra chủ trương. Phan khôi nhấn mạnh thêm: “Mỗi tôn giáo đều có kinh điển của mình. Để dịch kinh điển của tôn giáo nào từ thứ tiếng nầy ra thứ tiếng khác, tất có người biết cả hai thứ tiếng đó cố nhiên, mà cốt nhứt lại là người ấy phải ở trong tôn giáo ấy mà ra. Bởi vì có ở trong tôn giáo ấy thì mới hiểu rõ được đạo lí để mà nói sang thứ tiếng khác. Nếu cái người ở trong tôn giáo đó không thạo lắm về nghề làm văn thì phải nhờ đến người thạo nghề ở ngoài; nhưng người ngoài chẳng qua là vai phụ, còn vai chánh bao giờ cũng phải lấy trong tôn giáo, vì trong kinh điển, phần đạo lí là phần trọng hơn vậy”.
Có thể nhận thấy rằng, Phan Khôi đánh giá cao việc sử dụng chữ Quốc ngữ cũng như chú trọng tới khả năng của người dịch trong quá trình Việt hóa kinh điển Phật giáo. Đây cũng chính là điều mà cho đến hiện nay, nhiều tăng ni, Phật tử Việt Nam vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy.
Ts.Thượng tọa Thích Nhật Từ trong bài Suy nghĩ về phương pháp dịch thuật kinh điển trong tiến trình Việt hóa nghi thức tụng niệm cũng đã viết: “Chúng ta nên dịch nghĩa toàn bộ các thuật ngữ pháp số bắt đầu bằng “nhất, nhị, tam, tứ,…” thành các thuật ngữ tiếng Việt bắt đầu bằng “một, hai, ba, bốn…”.
Kế đến, cố gắng chọn lọc các từ ngữ thuần Việt để thay thế toàn bộ các thuần ngữ chữ Hán. Có như vậy thì việc đọc tụng kinh của người Việt Nam mới dễ dàng và thu hoặch nhiều lợi ích” . Việc đẩy mạnh công tác dịch thuật kinh điển Phật giáo sẽ giúp những người Phật tử Việt Nam bớt lệ thuộc ngôn ngữ chữ Hán trong việc diễn đạt tư tưởng Phật học và nhất là có thể trình bày tư tưởng Phật học một cách chính xác, mạch lạc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nói khác hơn, nó sẽ giúp cho tăng ni, Phật tử cũng như những người mến mộ đạo Phật dễ dàng tiếp cận với tôn giáo này và từ đó thúc đẩy phong trào chấn hưng thu được nhiều kết quả.
Trong mỗi tôn giáo, kinh điển luôn được xem là linh hồn, là kim chỉ nam cho việc tu tập và hành lễ. Việc tiếp cận và hiểu được những nghĩa lí của kinh điển không những góp phần cũng cố niềm tin của tín đồ mà nó còn quyết định sự thành bại của tôn giáo đó trước diễn trình lịch sử. Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX đã bộc lộ sự suy yếu trầm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, việc các tăng ni, phật tử không hiểu hết kinh điển Phật học hoặc chưa có điều kiện để tiếp xúc đầy đủ kinh điển cũng là một lí do trọng tâm khiến Phật giáo càng trở nên suy vi. Vấn đề Việt hóa và ấn tống kinh điển Phật giáo phục vụ cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp là nhiệm vụ trọng tâm mà những người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo đã đặt ra ngay từ những ngày đầu.
Phan khôi cũng cho rằng: “Tôn giáo nào cũng vậy, kinh điển là cái gốc; cái gốc mà chưa có thì những cái ngọn kia không nương dựa chỗ nào được để mà sống vậy. Nam Kì ngày nay mà muốn nói chuyện chấn hưng Phật giáo, ngoài các việc khác, nên lo gấp việc dịch kinh…” . Công tác dịch thuật kinh điển Phật giáo không những sẽ quyết định khả năng và mức độ tiến triển của phong trào chấn hưng mà nó còn có những tác động đến diễn đàn văn học và học thuật tư tưởng nước nhà. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang bị ngoại xâm, nhiều giá trị văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa hoặc bị thủ tiêu thì việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là điều cần kíp hơn bao giờ hết. “Bởi vậy, người khác sốt sắng lo việc ấy thế nào thì tôi (Phan Khôi)cũng sốt sắng như thế; và tôi cũng có quyền bàn bạc việc ấy như người khác” .
Song song với việc nhấn mạnh vai trò của kinh điển Phật giáo cũng như công tác dịch thuật kinh điển sang chữ Quốc ngữ, Phan Khôi cũng rất chú ý đến công tác phê bình dịch thuật. Tuy nhiên, tại thời điểm này quan điểm phê bình nói chung và phê bình văn học nói riêng không phải là ai cũng có những nhận thức đầy đủ. Có quá nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề phê bình trên các diễn đàn khoa học. Chính bản thân Phan Khôi cũng nhận thức rất rõ về vấn đề này. Trước khi đến với việc phê bình công tác dịch thuật kinh điển Phật học, cụ Phan cũng bộc bạch: “Lâu nay tôi đã nhận biết trong nghề văn học rất cần có sự phê bình. Nhưng trong làng văn ta dường như chưa có chỗ dung được sự ấy. Tôi đã nghiệm ra, mỗi khi mình thấy ai có nói điều gì ngang trái mà thử nhắc nhở cho họ thì họ lại không ưng. Không ưng còn khá nhiều khi lại sanh ra hiềm oán. Vậy nên mỗi khi nhận được cuốn sách tặng nào, tôi dầu có thấy điều gì sai lầm ở trong cũng phải làm lơ đi mà cho như là cuốn sách ấy đã hoàn mĩ, ta chỉ có đọc qua rồi cho vào tủ. Than ôi! Sự phê bình mà lại là sự không nên, sự rất cấm kị trong làng văn xứ ta! Tôi có ngờ đâu! Theo tôi tưởng, nếu cứ vậy mãi rồi trên cái sân khấu văn học của ta sau nầy trở nên bại hoại là dường nào!” . Vượt lên trên những dị nghị đương thời, Phan Khôi đã thẳng thắn lên tiếng chỉ ra những thiếu sót trong công tác dịch thuật cũng như các vấn đề thời sự của dân tộc. Đây có thể được xem là một trong những việc làm đúng đắn, mang tính khoa học và có phần táo bạo của Phan Khôi ở trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Sau khi cuốn Phật học Tổng yếu được ấn hành, Phan Khôi đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận với Hòa thượng Thiện Chiếu trên báo “Thần chung” . Trong bài viết Cùng sư Thiện Chiếu bàn về lối dịch sách hay là phê bình lời dịch của sách “Phật học tổng yếu”, Phan Khôi đánh giá cao khả năng thông hiểu Hán học của Hòa thượng Thiện Chiếu: “Tôi đọc qua sách Phật học tổng yếu thì thấy cái trình độ học chữ Hán của sư Thiện Chiếu thật đã cao. Tiếc tôi không có được thấy cả nguyên văn mà đối chiếu thử, song đọc nơi bản dịch cũng có thể biết được đại khái là đúng. Lần trước tôi thấy một số tờ báo quốc ngữ có bài của ông chi đó dịch bài Dĩ Phật pháp phê bình xã hội chủ nghĩa của Thái Hư pháp sư, tôi đọc mà chẳng hiểu chi cả, đến khi tìm được nguyên văn dò lại thì té ra ông ấy dịch sai bét hết, không nói hàm hồ, sai cũng đến sáu phần mười. Song lần này tôi đọc của Sư thì hiểu đâu ra đó, nói vậy tôi dám chắc là đại khái đúng với nguyên văn” . Tuy nhiên, Phan Khôi vẫn thẳng thắn chỉ ra “những chỗ thấy trong sách Phật học Tổng yếu, mà theo ý tôi, tôi cho cái lối dịch như vậy là chưa được. Do vậy, Phan Khôi lần lượt nêu lên bảy luận điểm cơ bản góp ý cho công tác dịch thuật nói chung và cuốn Phật học Tổng yếu của Hòa thượng Thiện Chiếu nói riêng:
Thứ nhất là về việc dùng chữ Hán. Trong các khoa học bây giờ có nhiều danh từ dùng chữ Hán mà dịch thì nghe gọn gàng hơn là dùng tiếng Việt. Trong Phật học cũng vậy, danh từ bằng chữ Hán đã có sẵn lại nhiều, những thuật ngữ như Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế, trong nhà chùa nói đã quen rồi thì ta nên dùng theo. Ngoài ra, những thuật ngữ không phải là danh từ riêng của Phật học mà có thể nói bằng tiếng Việt, thì phải nói bằng tiếng Việt, không nên dùng chữ Hán.
Thứ hai là về việc sử dụng văn phạm tiếng Phạn trong quá trình dịch thuật. Có những danh từ chuyên dùng một chữ Hán, sợ không hết ý phải truy nguyên đến tiếng Phạn hay là chữa bằng tiếng Phạn. Theo lối dịch, sự đó là phải lắm, đáng làm như vậy lắm. Còn cái chữ Hán mà họ đã từ tiếng Phạn dịch âm ra mình nên bỏ đi là phải. Nếu để thêm cái tiếng dịch âm của Tàu đó thì làm cho thêm rộn mà chẳng được việc gì.
Thứ ba là vấn đề dịch những thành ngữ chữ Hán sang tiếng Việt. Không cứ dịch thứ tiếng gì khi gặp một thành ngữ của tiếng ấy mà nếu tìm trong tiếng mình cũng có một thành ngữ giống nhau thì nên dùng mà dịch. Bằng không thì nên cắt nghĩa của thành ngữ ấy ra tiếng mình cho xuôi chớ không nên dịch y theo thành ngữ ấy vì nếu làm như vậy thì câu văn nghe ra sống sượng quá.
Thứ tư là về việc sử dụng câu cú trong dịch thuật. Phép dịch văn đời xưa khác và dịch văn đời nay khác. Dịch văn xưa cần phải đúng từng chữ từng câu, dịch văn nay miễn đúng ý là được. Vậy dịch những bài luận hiện thời khi gặp câu không phải là kinh văn mà nghe nó trục trặc thì nên xê xích, đảo lên đảo xuống cho xuôi tiếng An Nam. Làm như vậy vì rằng mình biết chắc dầu có xê xích cũng không sai ý và xê xích thì theo tiếng mình dễ hiểu.
Thứ năm là việc sử dụng đúng những thuật ngữ mang tính biểu cảm. Trong bài trước tôi (Phan Khôi) đã nói: dịch văn xưa, nhất là dịch kinh điển của các tông giáo lại không nên xê xích hay là thêm bớt chút nào vì giọng nói đời xưa khác đời nay khác mình xê xích một chút thì sợ sai đi, nên phải giữ cẩn thận từng chữ.
Thứ sáu và thứ bảy là cách trình bày văn phạm đúng quy cách trong quá trình dịch thuật kinh điển Phật giáo” .
Đáp lại những lời góp ý trên, Hòa thượng Thiện Chiếu trong bài viết Phật học Tổng yếu bị phê bình là phải đăng trên báo Thần Chung, số 286, đã bày tỏ lòng biết ơn tác giả Phan Khôi: “Tôi đã thú thiệt rằng hai mươi mấy năm trường vùi lấp trong chế độ tăng già hủ bại, không có thầy hay bạn tốt chỉ lối đưa đường nên đã thành một kẻ thất học, nếu ngày nay bắt đầu can thiệp đến xã hội mà lại không ai ngó ngàng đến nữa, thì có lẽ trọn đời thành một người bỏ đi! Quyển Phật học tổng yếu vừa xuất bản, được hân hạnh có nhà học giả thương đến mà phê bình, phê bình để bổ thêm những điều khuyết điểm của tôi. Thưa Tiên sanh, rất đỗi một nhà Nho học còn biết nghe ai bảo mình có lỗi thì mừng, huống chi một người biết chút ít Phật học như tôi quyết lo rửa sạch sân si nghiệp chướng đặng ra khỏi biển trầm luân. Cho nên tôi đọc suốt ba bài phê bình, chẳng những đối với tiên sanh sẵn có một mối mĩ cảm, mà lại lạc quan đối với Phật học giới sau này. Từ đây những nhà học giả đã lưu tâm đến Phật học rồi” .
Tất nhiên, trong quá trình phê bình dịch thuật của Phan Khôi không khỏi có những suy nghĩ mang tính chủ quan, cũng như trong thực hành dịch thuật của bản thân ông cũng vậy, không tránh khỏi những điều mà người khác thấy chưa được hoặc còn khiên cưỡng. Chẳng hạn tổng kết các công trình dịch thuật của Phan Khôi trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã nêu ra những nhận xét mang tính khách quan về công tác dịch thuật và phê bình của Phan Khôi. Nhiều nhà văn, nhà dịch thuật cũng đều đồng đồng tình ở vấn đề là có nhiều câu chữ trong các bài dịch của Phan Khôi mang tính độc đáo. Chẳng hạn như chữ “khoai tây” quen dùng hàng ngày, Phan Khôi lại dùng từ “khoai nhạc ngựa”, từ original ông lại dịch là cổ quái, chứ không phải nghĩa là độc đáo. Tuy nhiên, xét ở tổng thể thì những đóng góp của Phan Khôi về phương diện dịch thuật và phê bình những năm đầu thế kỉ XX đã góp phần thúc đẩy nền học thuật Việt Nam có thêm những bước tiến mới. Đặc biệt, Ông còn được xem là một trong những người đầu tiên dịch kinh Thánh sang tiếng Việt và là người đầu tiên thực hiện công tác phê bình dịch thuật kinh điển Phật giáo.
* Tranh luận Phật học trên các văn đàn báo chí
Cùng với sự thành lập các hội đoàn Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX là sự ra đời của các tờ báo làm cơ quan ngôn luận cho phong trào chấn hưng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của báo chí Phật giáo Việt Nam nói riêng và sự phát triển của báo chí bằng chữ Quốc ngữ nói chung. Sự phát triển của báo chí đã tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận học thuật có thêm điều kiện nảy nở. Nhiều vấn đề của đời sống xã hội đã được đưa ra bàn luận và đánh giá dưới các góc độ khác nhau. Là một tôn giáo vốn đã có chiều dài gắn bó với lịch sử dân tộc, sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam giai đoạn này đã thu hút sự quan tâm bàn luận của nhiều tầng lớp trong và ngoài Phật giáo.
Trong khi đó, Nho giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX do không giải quyết đúng đắn và hài hòa các yêu cầu của lịch sử nên đã đi vào con đường suy thoái. Năm 1919, thực dân Pháp bãi bỏ nền giáo dục khoa cử Nho học cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt nền tảng tư tưởng chính thống Nho giáo đối với diễn trình lịch sử dân tộc. Nho giáo giờ đây chỉ còn tồn tại trong dân gian với tư cách là nền tảng tư tưởng mang tính chất truyền thống. Do vậy, các nhà Nho đương thời cũng chịu sự phân hóa sâu sắc theo ba khuynh hướng cơ bản: Một là chán chường thế sự và trở nên thờ ơ với các vấn đề của thời cuộc; Hai là can tâm đầu hàng làm tay sai cho Pháp; Ba là vẫn nung nấu ý chí khôi phục lại nền độc lập tự do cho đất nước. Đại diện cho khuynh hướng thứ ba này là các nhà Nho như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng,… họ đã tích cực tìm kiếm những phương thức cứu nước mới qua những di văn của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, nhất là từ trong “tân thư” gửi từ Trung Quốc sang. Hoặc là soạn lại trong kho vũ khí sẵn có của tổ tiên, của nhân dân, xem còn có vũ khí nào đắc dụng hay không, và họ trở về với nhà chùa và với phương thuật quen thuộc” . Điều này cũng hết sức dễ hiểu bởi tuy trong lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam đã từng bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi giữa hai tôn giáo Nho – Phật và triều đình cũng từng áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của Phật giáo và Đạo giáo. Nhưng giữa ba tôn giáo chưa từng bùng nổ một cuộc chống đối và xung đột gay gắt nào. Trong mối quan hệ giữa Nho giáo và Phật giáo thì sự hoà hợp là dòng chính, xu thế phát triển của hai tôn giáo này là sự thẩm thấu lẫn nhau, bổ sung lẫn nhau và từng bước đi đến hoà hợp.
Nếu như trong vấn đề học vấn thế tục, giai cấp thống trị ở Việt Nam suy tôn và trọng vọng Nho giáo nhằm “trị quốc an dân”, thì trong vấn đề học vấn nguyên khai, người dân Việt Nam lại coi trọng Phật giáo. Còn trong các tín ngưỡng dân gian của Việt Nam thì thường không có sự phân biệt giữa Nho giáo và Phật giáo hay Đạo giáo, vì “đó là những tín ngưỡng cởi mở với niềm tin và lòng sùng bái với tổ tiên và các yếu tố tự nhiên ở xung quanh mình” . Đây cũng chính là những đặc điểm nổi trội trong mối quan hệ Nho – Phật – Đạo giáo qua suốt chiều dài lịch sử và cũng là lí do nhằm giải thích tại sao khi Nho giáo suy yếu các trí thức Nho học lại tìm về với Phật giáo.
Với cách nhìn khách quan, Phan Khôi đánh giá cao vai trò hộ quốc an dân của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử. Trong một bài viết của mình đăng trên báo Tiếng Chuông Sớm (cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kì Cổ sơn môn) với nhan đề “Sự hành động của các hội Phật giáo ở ba kỳ và cái hiệu quả tương lai của các hội ấy”, Cụ Phan đã nhấn mạnh rằng: “Phật giáo sang Tàu từ đời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh, đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bấy giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy và vững vàng, tứ di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thể có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương Bắc vào đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh, thì là cái kết quả của cuộc vận động Lí học; còn Phật giáo, theo lịch sử, chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả. Ở nước ta cũng vậy. Vào thuở nhà Lí nhà Trần, đạo Phật tràn khắp cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại mà Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lí nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm, mấy phen giặc Tàu sang, chúng ta đuổi đi như đuổi vịt!” .
Sự quan tâm của Phan Khôi đối với Phật giáo Việt Nam giai đoạn này còn được thể hiện qua lòng nhiệt thành ủng hộ và những trăn trở của ông khi phong trào đã đi được một chẳng đường nhưng chưa mang lại những kết quả như mong muốn. Phan Khôi đã lên tiếng thúc dục: “Đối với sự tuyên truyền Phật giáo, chúng tôi tuy không hợp sức với người ta được, chứ bao giờ chúng tôi cũng sẵn lòng mà biểu đồng tình. Chúng tôi chỉ bực mình các hội Phật giáo xứ ta cũng như các hội khác cứ im ỉm mà chẳng chịu làm việc gì hết” . Mặt khác, nhận thấy khả năng hồi sinh của Phật giáo từ sau những năm 30 của thế kỉ XX, cụ Phan cũng nóng lòng đối với ý nguyện xây dựng lại nền tảng tư tưởng Nho giáo. Cụ viết: “Vài chục năm nay, hai cái – Khổng giáo và Phật giáo – đều có vẻ suy đồi hết. Sự nầy còn ai mà chẳng biết và có nhiều người than vắn thở dài, nhứt là mấy ông nhà Nho khoa bảng. Hễ suy đồi thì phải chấn chỉnh, cái gì cũng vậy. Chớ còn thấy suy đồi mà cứ ngồi vậy thở ra là vô ích.
Bên Phật giáo, coi đó mà coi, có người chấn chỉnh rồi kia. Trong Nam Kì mình bao nhiêu cái cơ quan Phật giáo, hầu hết là những tay Tây học chủ trương. Còn ở Huế, ông Lê Đình Thám cũng là Tây học, không có dính dấp gì với Phật giáo hết, vậy mà cũng ra công chấn chỉnh” . Chắc hẳn tâm tư của Phan Khôi cũng là tâm tư của nhiều Nhà nho yêu nước lúc bấy giờ là muốn thông qua hình ảnh từ cuộc vận động chấn hưng Phật giáo để khơi dậy ý thức và lòng tự tôn của những nhà Nho chân chính. Niềm phấn khởi của cụ Phan được thể hiện rõ khi Trần Trọng Kim cho xuất bản cuốn Nho giáo . Cụ Phan viết: “Một cuốn sách nói về Nho giáo tường tận tinh tế như vầy, thiệt là trong cõi Việt Nam ta từ xưa đến nay chưa hề có… Huống chi, phàm đã kêu là người có học, không cứ học thứ chữ gì, về các tông giáo, các triết học, mà đã gây nên một nền văn hóa xưa nay, là đều phải biết qua mới được. Muốn học đạo Khổng hay muốn biết qua Khổng giáo, nên đọc sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim” . Tuy nhiên, Phan Khôi luôn lấy làm tiếc vì thái độ của các Nhà nho đương thời đều “tỏ ra lãnh đảm đối với Khổng giáo” .
Ở phương diện về lòng thành kính đối với tôn giáo, Phan Khôi cũng có thể được xem là một nhân vật mẫu mực. Cách thức hành lễ, hiểu về lễ hội cũng như thái độ của các cá nhân đối với niềm tin tôn giáo của các tín đồ theo đạo là vấn đề luôn được Phan Khôi hết sức quan tâm. Theo Phan Khôi, các lễ hội Phật giáo được tổ chức nên hướng đến mục đích là để tưởng nhớ về Đức Phật và hiểu hơn về đạo Phật chứ không nên chú trọng đến các vấn đề mang tính tâm linh cá nhân. Đối với những người không phải là tín đồ nhà Phật, Phan Khôi cho rằng: “Chúng tôi không dám cưỡng những người sau đây cũng đi làm lễ, cũng tâm tâm niệm niệm như tín đồ của Phật. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu những người ấy phải kính trọng một ngày lễ cho một số người ở trong thành phố, hầu cho khỏi trái phép lịch sự, khỏi có điều chướng mắt người ngoài… Dân nào có giáo dục, gặp một việc gì họ hiểu thấu cái ý nghĩa của việc ấy nên đối đãi một cách thích nghi. Còn người mình thì chưa được như thế. Chúng tôi chỉ sợ vì ngày Phật sinh nhật này mà người mình lại mang tiếng, cho nên có lời bày tỏ trước” .
Có thể nói rằng những luận điểm trên đây của Phan Khôi đối với Phật giáo là hết sức mới mẻ và tiến bộ. Nếu như một số nhà trí thức Nho học, học giả đương thời đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở phương diện nhân tài và vật lực (tham gia vào các hội Phật học, quyên tiền ủng hộ phong trào…) thì Phan Khôi lại đóng góp ở phương diện xây dựng đường hướng, cách thức tiếp cận và nhận diện vấn đề. Nhất là trong vấn đề phê bình dịch thuật, việc nhìn nhận đánh giá vai trò của Việt hóa kinh điển đối với sự tồn tại và phát triển của phong trào chấn hưng; là văn hóa ứng xử của các giai tầng đối với niềm tin tôn giáo của những tín đồ theo đạo. Đây không những là việc làm mang tính khoa học mà nó còn thể hiện được sắc thái đặc trưng của những người con xứ Quảng: Thẳng thắn, trung thực, không vụ lợi. Và cuối cùng xin được mượn những lời nhận xét của nhà văn Lại Nguyên Ân để có thể có những biểu đạt đầy đủ hơn về một nhân vật đã có nhiều đóng góp cho nền học thuật nước nhà những năm đầu thế kỉ XX: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức” .
Ths. Dương Thanh Mừng
Nguồn Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014
———————————————
Tài liệu tham khảo
1. Lại Nguyên Ân (2004), Phan Khôi – tác phẩm đăng báo (1929), Nxb Đà Nẵng.
2. Lại Nguyên Ân, “Suy nghĩ từ hành trình khai quật quá khứ”, Tạp chí Tia sáng (Mục văn hóa nghệ thuật), số 21, ngày 5/11/2007.
3. Thiện Chiếu, “Phật học tổng yếu bị phê bình là phải”, báo Thần Chung, số 286, tháng 1/1930.
4. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.550.
5. Hội An Nam Phật học (1952), “Thái Hư Đại sư”, Nguyệt san Viên âm, số 112, tr.4.
6. Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 19, báo Trung Lập, số 6532, ngày 12/9/1931.
7. Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 20, báo Trung Lập, số 6538 , ra ngày 12/9/1931.
8. Phan Khôi, “Cùng sư Thiện Chiếu bàn về lối dịch sách hay là lối phê bình của dịch sách “Phật học tổng yếu”, báo Thần Chung, số 279, ngày 24/12/1929.
9. Phan Khôi, “Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim”, báo Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 54, ngày 29/5/1930.
10. Phan Khôi, “Nhân dân thành phố Huế đối với ngày lễ vía Phật nên thế nào?”, Báo Tràng An, Huế, số 19, ngày 3/5/1935, tr.1.
11. Phan Khôi (bài này lấy hiệu là Thông Reo), “Phật học hội đó, còn Khổng học hội đâu?”, báo Trung lập, Sài Gòn, số 6667, ra ngày 27/2/1932.
12. Phan Khôi, “Sự hành động của các hội Phật giáo ở ba kỳ và cái hiệu quả tương lai của các hội ấy”, báo Tiếng Chuông Sớm, ngày 12/11/1935, tr.39.
13. Trần Trọng Kim, “Mời Phan Khôi tiên sinh trở về nhà học của ta mà nói chuyện”, Báo Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 67, ngày 25/9/1930.
14. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội.
15. Lương Chí Minh (2009), “Bàn thêm về Nho giáo ở Việt Nam”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, tập 1, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
16. Thanh Quang, “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Đuốc Tuệ, số 178-179, ngày 15/4/1942.
17. Nguyễn Năng Quốc, “Tình hình Phật giáo trong nước”, Tiếng Chông sớm, số 3, 1936, tr.8.
18. Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản và phát hành, Huế.
19. Thích Nhật Từ, “Suy nghĩ về phương pháp dịch thuật kinh điển trong tiến trình Việt hóa nghi thức tụng niệm”.
Nguồn: http://tuvien.com/nghi_le/show.php?get=1&id=01dichthuat.
20. Khánh Vân (1938), “Phật giáo chúng ta vì đâu chịu cái hiện tượng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr.304.