Lập NXB chuyên biệt Phật giáo là điều rất khó khả thi

36
Đó là nhận định của ông Nguyễn Công Oánh, Giám đốc NXB Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ – cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay. 
Ông Nguyễn Công Oánh
Trước những ý kiến mạnh mẽ từ phía GHPGVN về thực trạng nhiều ấn bản phẩm mang danh nghĩa Phật giáo nhưng lại có nội dung lệch lạc, được NXB Tôn Giáo duyệt cấp giấy phép phổ biến cùng sự hoài nghi về chất lượng biên tập của các NXB đối với lĩnh vực chuyên môn là tôn giáo, mới đây, đại diện NXB Tôn Giáo, Giám đốc Nguyễn Công Oánh cũng đã có những trao đổi thẳng thắn với báo Giác Ngộ. Với câu hỏi mở đầu cuộc trao đổi, rằng NXB Tôn Giáo liệu có đủ năng lực nhân sự chuyên môn về Phật giáo, để thẩm định tính chính xác của ấn phẩm Phật giáo, ông Oánh khẳng định:
– Thực chất bên tôi (NXB Tôn Giáo – PV), tất cả các nội dung có liên quan đến triết lý Phật giáo, đều được đọc rất kỹ, có hẳn một đội ngũ chuyên biệt làm điều đó và bản thân tôi là người chịu trách nhiệm chính, tôi cũng tự mình đọc rất kỹ trước khi cấp phép chứ.
Đối với mỗi ấn phẩm đưa đến chúng tôi, nếu có nhắc đến kinh tạng luật luận nào, chúng tôi đều phải tra xét, đối chứng lại với kinh điển ấy, để kiểm chứng tính chính xác của ấn phẩm. Tuy nhiên, sự đối chiếu này cũng chỉ ở mức tương đối thôi, vì chúng ta cần hiểu rằng, kinh được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, cũng chưa chắc đã hoàn toàn chính xác tuyệt đối.
Vậy, vì sao vẫn diễn ra thực trạng nhiều ấn bản phẩm Phật giáo được chỉ rõ là sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt về nội dung, nhưng vẫn được NXB Tôn Giáo cấp phép xuất bản, phải chăng NXB Tôn Giáo đang quá chủ quan trong vấn đề cấp phép?
– Mỗi người tu hành đều có một sự chứng ngộ riêng của họ và họ có quyền hiểu theo cách họ chứng ngộ và diễn dịch nó theo ý riêng của mình, chúng ta không thể bắt họ hiểu theo những gì chúng ta hiểu được. Vốn dĩ trong đạo Phật, chưa chắc cái “ngộ” của người này đã là cái “ngộ” của người kia mà.
Song, ở góc độ tôn giáo, tất nhiên phải có những nền tảng nhất định mà tác giả không thể chối bỏ, nếu muốn viết về tôn giáo ấy. Nói như vậy, cũng để tôi chia sẻ thêm rằng, muốn biết chính xác tính đúng đắn của ấn bản, cần có cơ quan chủ quản là GHPGVN kết hợp kiểm tra nữa. Tuy nhiên, từ trước đến nay, giữa NXB, Ban Tôn giáo Chính phủ và GHPGVN, ba bên chưa hề có một cầu nối nào, nhằm xác nhận tính chính thống của ấn bản Phật giáo cả.
BTN_0055.jpg
 
Nghĩa là ông công nhận vai trò thiết yếu của GHPGVN trong vấn đề thẩm định các ấn phẩm Phật giáo, trước khi đưa đến các NXB xin cấp phép lưu hành?
– Tất nhiên. Và tôi hoàn toàn hoan nghênh việc Giáo hội thẩm định tính chính thống, chính xác của các ấn phẩm tôn giáo mình.
Xét về Luật Xuất bản, được ban hành vào năm 2012 của Chính phủ cho đến nay, không có điều lệ nào quy định, đại diện các tổ chức tôn giáo có quyền thẩm định nội dung của ấn phẩm tôn giáo mình. Tất cả quyền thẩm định cho đến cấp phép đều trực thuộc NXB chuyên trách, ở đây là NXB Tôn Giáo và các cơ quan chủ quản của NXB. Tuy nhiên tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, cần hết sức cẩn trọng, nên cần sự hỗ trợ từ Giáo hội, với đầy đủ tư cách pháp nhân, là điều hiển nhiên.
Chúng tôi vẫn rất cố gắng lắng nghe, đặc biệt tin tưởng vào các ấn phẩm từ Viện Nghiên cứu Phật học, hay các chư tôn đại đức Tăng, Ni… Song, tất nhiên cũng khó tránh khỏi việc còn tồn đọng một số lỗi sai về hình thức và cả nội dung.
Như vậy, NXB hầu như dựa khá nhiều vào “lòng tin” trước “danh xưng” của một số vị trong hàng ngũ Phật giáo, khi cấp phép xuất bản các ấn phẩm Phật giáo?
– Đúng vậy. Tuy nhiên, về phần nội dung, tác giả chịu trách nhiệm chính, và phía NXB khi thẩm định cũng thấy không vi phạm, đi trái lại với quy định Nhà nước, không bài bác tôn giáo mà ấn phẩm đề cập, như vậy là đủ điều kiện thông qua.
Theo đó, phía NXB chỉ kiểm duyệt yếu tố chính trị, còn yếu tố tôn giáo chính thống thì sao? 
– Chúng tôi chỉ biên tập dựa trên nền tảng nội dung đã có của tác giả. Bên cạnh đó, phần nào đi sâu vào triết lý Phật giáo, có đề cập kinh điển của Đức Phật, chúng tôi sẽ đối chiếu lại với kinh điển ấy. Tuy nhiên, sự đối chiếu này cũng chỉ ở mức tương đối thôi.

 

Nếu Giáo hội chỉ ra lỗi sai, NXB Tôn Giáo sẽ đình chỉ giấy phép 

Bên cạnh việc đề cao vai trò của GHPGVN trong khâu thẩm định các ấn bản Phật giáo, đại diện Nxb Tôn Giáo cũng có những đề cập về loạt ấn phẩm gây bức xúc dư luận của ông Nguyễn Nhân mà NXB Tôn Giáo đã cấp giấy phép xuất bản. Giám đốc Nguyễn Công Oánh khẳng định: “Trước hết, khách quan mà nói chúng tôi không hoàn toàn đồng tình và cấp phép xuất bản toàn bộ ấn phẩm của ông Nguyễn Nhân. Bên cạnh đó, nếu Giáo hội có công văn chỉ rõ các lỗi sai của loạt ấn phẩm này, chúng tôi cũng sẵn sàng đề xuất lên Ban Tôn giáo Chính phủ và Vụ Phật giáo, cả Cục Xuất bản, yêu cầu không cấp phép xuất bản và đình chỉ in loạt ấn phẩm này. Hơn ai hết, NXB Tôn Giáo mong rằng Giáo hội hãy vào cuộc, để giúp các ấn phẩm tôn giáo mình được hoàn thiện hơn”. 

Nếu Luật không quy định việc vi phạm yếu tố tôn giáo, vậy theo ông, nên có một giải pháp cụ thể nào để khắc phục thực trạng ấn bản phẩm “đội nón” Phật giáo với tràn lan sai phạm? 
– Tôi cho rằng, bất cứ ấn bản Phật giáo nào, của bất cứ ai, nên thông qua sự thẩm định từ phía Giáo hội. Giáo hội thông qua rồi, mới được nộp lên NXB Tôn Giáo xin giấy phép xuất bản. Có sự kết hợp này mới khắc phục được thực trạng ấn phẩm “đội nón” tôn giáo như hiện nay.
Bản thân tôi rất hoan nghênh Giáo hội cùng đồng hành với chúng tôi trong vấn đề này. Tôi cũng đã từng không ít lần trao đổi với tư cách cá nhân, về hướng giải quyết này cùng hai vị giáo phẩm trong Ban Thường trực HĐTS, là HT.Thích Thanh Điện (hiện là Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng I TƯGH – PV) và HT.Thích Trung Hậu (đã viên tịch – PV), nhưng chưa nhận được kết quả thống nhất.
Theo tôi, sắp tới đây Giáo hội nên cùng ngồi lại với phía NXB Tôn Giáo chúng tôi, cùng nhau đề xuất giải pháp và thống nhất việc ấn bản Phật giáo chỉ được NXB tiếp nhận và cấp phép khi có sự kiểm duyệt nội dung từ phía Giáo hội trước đó.
Thưa ông, ngoài NXB Tôn Giáo thì những NXB khác có được quyền cấp phép xuất bản cho các ấn phẩm Phật giáo hay không? 
– Hoàn toàn không. Luật Xuất bản cũng có quy định rõ.
Vậy tại sao, nhiều đầu sách Phật giáo hiện nay vẫn đang được một số NXB khác, cấp phép xuất bản, ấn hành? 
– Đây chính là vấn đề hết sức bất cập của ngành xuất bản, mà theo tôi là một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng các ấn bản qua mặt, đội lốt tôn giáo.
Theo Luật Xuất bản, NXB thuộc cơ quan chủ quản nào, thì chỉ được cấp phép xuất bản cho các ấn phẩm thuộc lĩnh vực mà mình đảm trách thôi. Song, chúng ta đều thấy rõ, một số NXB khác, không phải NXB Tôn Giáo, vẫn ngang nhiên cho xuất bản lưu hành sách tôn giáo. Như sự việc loạt sách của ông Nguyễn Nhân vừa rồi. Chúng tôi thực chất không hoàn toàn cấp phép toàn bộ loạt sách ấy, có một số cuốn trong đó chúng tôi từ chối cấp phép, song lại thấy NXB Hồng Đức duyệt cho lưu hành. Và rõ ràng, chúng phạm phải vô số lỗi rất cơ bản, thậm chí sai về lịch sử Phật giáo.
Chính vì lẽ đó, nhân đây tôi cũng xin chia sẻ, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị riêng lên ngành xuất bản về tư cách pháp lý của NXB chuyên trách, để chấn chỉnh hoạt động của các NXB cũng như tránh tình trạng thiếu hiểu biết gây tổn hại tôn giáo.
 
Ông nghĩ gì trước đề xuất của GHPGVN, trong việc thành lập NXB Phật giáo chuyên biệt? 
– Đối với việc lập một NXB chuyên biệt cho Phật giáo là điều rất khó khả thi. Như chúng ta đã biết, Việt Nam có rất nhiều tôn giáo, không thể tôn giáo nào cũng yêu cầu có một NXB riêng được. Chúng ta không có cơ chế chính sách đó. Để một tôn giáo nào đó có thể lập NXB riêng, chỉ khi Luật Xuất bản được thay đổi.
Vì vậy, tôi rất khuyến khích việc các cơ quan đại diện tôn giáo, như Phật giáo thì có GHPGVN, nên có những quy định cụ thể về vấn đề phải có sự thẩm định và duyệt của cơ quan Giáo hội, trước khi đưa đưa ấn phẩm Phật giáo đến NXB Tôn Giáo, đó mới là cách khả thi trong thời điểm này.
Xin cảm ơn ông!
HT Giác ToànX.jpgMỗi cơ quan, đoàn thể, hội nhóm… tại nước ta hiện nay, phần lớn đều có NXB chuyên biệt và việc xin NXB như vậy không phải là điều quá khó khăn. Nghịch lý là, các tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, với nhu cầu cấp thiết là truyền đạt giáo lý thông qua các ấn bản phẩm như sách, báo, băng, đĩa… cần có một NXB chuyên biệt và đặc thù nhất, thì lại khó khả thi”.
HT.Thích Giác Toàn 
Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN

 


HT Gia QuangX.jpgHT.Thích Gia Quang
Từ loạt ấn phẩm sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Nhân gây xôn xao dư luận thời gian qua, là “giọt nước tràn ly” cho công tác quản lý xuất bản của Nhà nước đối với Phật giáo. Rõ ràng, chúng ta đã nhìn thấy trước đây, rất nhiều ấn bản phẩm Phật giáo được các NXB cấp phép, có cả NXB Tôn Giáo, mà nội dung hoàn toàn sai với truyền thống giáo lý, luật luận nhà Phật.

Nói về tư cách pháp lý, chúng ta có đầy đủ Hiến chương, nội quy, quy định, hệ thống quản lý, rất rõ ràng. Như vậy, Giáo hội là tổ chức có đủ khả năng chịu trách nhiệm về các vấn đề xuất bản trước pháp luật, thì không thể nói việc thành lập NXB là bất khả thi được. 

Về phía Giáo hội, chúng ta cũng cần hoạch định rõ ràng, ban ngành nào của Giáo hội sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm vấn đề thẩm định, kiểm duyệt các ấn phẩm tôn giáo mình, ngay từ bây giờ. Giáo hội không thể chậm trễ trong việc khẳng định rõ năng lực của mình về quản lý xuất bản ấn phẩm tôn giáo, trước cơ quan Nhà nước. Giáo hội cần quyết liệt hơn, nhằm không để thực trạng đáng buồn này tiếp tục tái diễn như vậy. Đây mới là trách nhiệm của Giáo hội đối với Tăng Ni, Phật tử và tín đồ Phật giáo. 

Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư
kiêm Phân Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội 
Hue thong.jpg“Nhà nước đã công nhận GHPGVN là một tổ chức hợp pháp, đại diện cho một trong những tôn giáo lớn nhất cả nước. Chúng ta có “danh xưng, huy hiệu, đạo kỳ, đạo ca, trụ sở”, thậm chí có Hiến chương Giáo hội, được sự chấp thuận và thống nhất của Nhà nước Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ tư cách pháp nhân, pháp lý trong việc quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến tôn giáo mình, đặc biệt là các ấn phẩm Phật giáo. 
Theo đó, việc đề nghị thành lập một NXB chuyên biệt, là nhu cầu cấp thiết và tất yếu, để Giáo hội có thể trực tiếp phổ biến, quản lý và định hướng cho tín đồ của mình, một cách đúng đắn nhất. Các NXB khác, hay ngay cả NXB Tôn Giáo, nếu nói có thể biên tập một ấn phẩm Phật giáo với đầy đủ năng lực tư duy và chuyên môn Phật học, thì đã chẳng thể xảy ra hàng loạt những sai phạm “dở khóc dở cười” như hiện nay. 
Cần nhấn mạnh một lần nữa, tôn giáo có những đặc thù rất riêng, đòi hỏi sự nghiên cứu, am hiểu, dựa trên nền tảng truyền thống giáo lý tôn giáo ấy, để “diễn đạt” chính xác, chứ không phải “diễn dịch” theo ý mình. Và, Phật giáo là một tôn giáo khoa học, không phải sự mê tín”.
HT.Thích Huệ Thông 
Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH
Giao Hảo (Giacngo.vn)
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB