Nội dung triển khai Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII, 2022

281

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
____________
Số: 108/HĐTS-VP1

Nội dung triển khai Hiến chương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi
lần thứ VII, 2022.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2023

 

 

Kính gửi:
– Ban, Viện Trung ương;
– Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố.

Căn cứ quy định tại Điều 24 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình Đại hội IX về việc sửa đổi lần thứ VII Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX năm 2022 (gọi tắt là “Hiến chương”) như sau:

I. Lý do sửa đổi Hiến chương
Việc sửa đổi Hiến chương nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Nhà nước liên quan như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

II. Nội dung sửa đổi Hiến chương
Hiến chương sửa đổi lần thứ VII về căn bản thừa kế các nội dung, điều khoản của Hiến chương hiện hành. Hiến chương sửa đổi có 14 chương, bao gồm Lời nói đầu và 87 điều (nhiều hơn 1 chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành).

Nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiến chương hiện hành quy định hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 03 cấp: cấp Trung ương; cấp Tỉnh, Thành phố; cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hiến chương sửa đổi quy định hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 04 cấp, bổ sung cấp Cơ sở là Ban Quản trị chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường.

Như vậy theo Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã có hiệu lực thi hành, hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 04 cấp như sau (Điều 12, Chương III):

  • Cấp Trung ương: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự.
  • Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chứng minh Ban Trị sựBan Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
  • Cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện.

Việc bổ sung cấp Cơ sở tự viện trong hệ thống tổ chức Giáo hội nhằm đáp ứng yêu cầu rất thiết thực của cơ sở tự viện trong thực tiễn. Lý do bổ sung sửa đổi vì, cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nơi thành viên của Giáo hội gồm: Tăng Ni tu hành, Cư sĩ, tín đồ Phật tử tu tập, thực hành giáo pháp; là nơi tổ chức, triển khai, diễn ra tất cả các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Do đó, thực tế đòi hỏi phải tăng cường sự quản lý chặt chẽ của Giáo hội các cấp về các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tự viện. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở tự viện là Trụ trì chịu trách nhiệm trước Giáo hội các cấp và pháp luật Nhà nước về các hoạt động tôn giáo tại cơ sở tự viện. Vì vậy, cơ sở tự viện cần thiết phải được công nhận là tổ chức tôn giáo trực thuộc, có tư cách pháp nhân phi thương mại theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

Trong quá trình tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập của việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện chùa Phật giáo khi không được Hiến chương quy định là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiện nay Quốc hội, Chính phủ đang dự thảo và lấy ý kiến vào Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có nhiều ý kiến về nội dung về đất đai tôn giáo giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc… Do đó, để Hiến chương phù hợp với các bộ luật liên quan thì cần thiết phải quy định công nhận tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Quy định rõ tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Khoản 2, Điều 12, Chương III; Điều 30, Chương V):

– Ban, Viện Trung ương thuộc Hội đồng Trị sự.

– Học viện Phật giáo Việt Nam, Trường Cao đẳng Phật học, Trường Trung cấp Phật học, và các cơ sở đào tạo tôn giáo của các cấp Giáo hội.

– Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Ban chuyên môn thuộc Ban Trị sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

– Ban Quản trị cơ sở tự viện.

Các tổ chức tôn giáo trực thuộc này của Giáo hội sẽ được cấp con dấu tròn theo quy định của pháp luật.

(Như vậy trong hệ thống hành chính Giáo hội, các Phân ban không được cấp, khắc con dấu tròn – Trừ trường hợp Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương).

3. Kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh. Đổi tên Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh thành Ban Giám luật. Xây dựng quy chế hoạt động, tiêu chuẩn hóa thành viên Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để nâng cao vị thế lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh đảm bảo sự thống nhất tổ chức Giáo hội giữa hai Hội đồng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

– Đưa ra các tiêu chuẩn thành viên HĐCM: có ít nhất 70 tuổi đời và 50 tuổi đạo; đã từng tham gia Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Trị sự các cấp (Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố; Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), hoặc là thành phần Tam sư tại các Giới đàn; có nhiều công lao đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.

– Hiến chương sửa đổi lần này cho phép áp dụng trường hợp đặc biệt đối với Chư tôn đức là lãnh đạo chủ chốt (gồm: Chủ tịch Hội đồng Trị sự, 02 Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự), lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Trị sự (các Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng ban các Ban, Viện Trung ương; Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam) khi đủ điều kiện tiêu chuẩn theo Hiến chương và theo yêu cầu, theo đề nghị của hai Hội đồng thì sẽ được tham gia vào Hội đồng Chứng minh. Sửa đổi này nhằm khẳng định tính thống nhất trong tổ chức Giáo hội. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự là chủ trương thống nhất kỷ cương của Giáo hội.

– Các cơ quan chuyên môn của HĐCM gồm: Văn phòng HĐCM và Ban Giám luật.

Văn phòng HĐCM đặt tại Trụ sở Giáo hội (VP1) chùa Quán Sứ, Hà Nội; và VP2: Thiền viện Quảng Đức, TPHCM; Văn phòng Đức Pháp chủ đặt tại: Việt Nam Quốc Tự, Q.10, TPHCM có Tổ trợ lý, thư ký, giúp việc Đức Pháp chủ.

Ban Giám luật đặt văn phòng tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TPHCM. Đức Pháp chủ đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Thường trực HĐCM, và Quy chế hoạt động của Ban Giám luật.

4. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc; Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc.       

– Điều 19 và Điều 32 Hiến chương hiện hành cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc và thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc. Việc bổ sung này nhằm phù hợp với quy định từ Điều 27 đến Điều 31 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

– Quy định độ tuổi thành viên Hội đồng Trị sự phải đảm bảo về độ tuổi không dưới 35 tuổi và không quá 75 tuổi. Thành viên được giới thiệu tham gia Hội đồng Trị sự lần đầu phải đảm bảo đủ độ tuổi tham gia trọn hai nhiệm kỳ; Thành viên tái cử phải đảm bảo đủ tuổi tham gia ít nhất 03 năm của nhiệm kỳ.

– Quy định độ tuổi tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh phải đảm bảo về độ tuổi không dưới 25 tuổi và không quá 70 tuổi. Thành viên được giới thiệu tham gia Ban Trị sự lần đầu phải đảm bảo tối thiểu đủ độ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ; Thành viên tái cử phải đảm bảo đủ tuổi tham gia 03 năm của nhiệm kỳ.

– Được xét thêm thời gian công tác Phật sự khi quá độ tuổi theo quy định đối với trường hợp là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Trị sự và của Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố theo trình tự quy định của Hiến chương.

5. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc đề xuất bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị tự viện.  

– Khoản 8 Điều 40 Hiến chương hiện hành cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc đề xuất bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị tự viện. Việc bổ sung này nhằm phù hợp với quy định về hệ thống tổ chức 4 cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

– Quy định độ tuổi thành viên Ban Trị sự cấp huyện: tham gia Ban Trị sự cấp huyện phải đảm bảo về độ tuổi không dưới 25 tuổi và không quá 70 tuổi. Thành viên được giới thiệu tham gia Ban Trị sự lần đầu phải đảm bảo đủ độ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ; Thành viên tái cử phải đảm bảo đủ tuổi tham gia 03 năm của nhiệm kỳ. Chỉ được xét thêm thời gian công tác Phật sự khi quá độ tuổi theo quy định đối với trường hợp là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Ban Trị sự cấp huyện.

– Căn cứ theo quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Khoản 2, Điều 12, Chương III; và Điều 30, Chương V của Hiến chương sửa đổi, tại Điều 44, Chương VII không còn quy định các Ban Trị sự cấp huyện được thành lập các ban chuyên môn mà thay vào đó là các Ủy viên chuyên môn tương ứng với các Ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh. Quy định này nhằm đảm bảo đúng quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động Phật sự chuyên môn, chuyên ngành lên các Ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh, và Trung ương.

Đối với các Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện đã tiến hành thành lập các Ban chuyên môn tương ứng với các Ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh sau khi đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 thì sẽ chuyển các chức danh đó thành các Ủy viên chuyên môn tương ứng và với các chức danh tương ứng là Ủy viên Trưởng, Ủy viên Phó, Thư ký Ủy viên…

6. Quy định cấp hành chính thứ 4 là Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Cơ sở (Chương VIII) đó là Ban Quản trị tự viện.

– Ban Quản trị cơ sở tự viện là tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chịu sự quản lý và sự lãnh đạo thống nhất của Giáo hội cấp trên theo Hiến chương và Quy chế của Giáo hội. Ban Quản trị cơ sở tự viện là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự tại tự viện.

– Hiến chương sửa đổi đã hủy bỏ quy định tại khoản 5 Điều 40 Hiến chương hiện hành về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc chuẩn y thành phần nhân sự, Nội quy hoạt động của Ban Hộ tự và các đạo tràng, câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo tại cơ sở tự viện trong địa bàn huyện. Việc hủy bỏ quy định nói trên để chuyển thẩm quyền này lên Ban Trị sự cấp tỉnh nhằm tăng cường sự thống nhất quản lý các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử sinh hoạt trên địa bàn tỉnh của Ban Trị sự cấp tỉnh. Đồng thời, tăng cường sự quản lý của Ban Trị sự cấp tỉnh đối với việc thành lập Ban Quản trị tự viện trong hệ thống tổ chức 4 cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

– Theo quy định của các bộ luật Nhà nước hiện hành, cơ sở tự viện của Giáo hội: Chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường chỉ có tư cách là cơ sở tôn giáo, mà không có tư cách pháp lý là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Do đó, Hiến chương sửa đổi lần này quy định Ban Quản trị tự viện là tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.    

– Trưởng ban Ban Quản trị cơ sở tự viện và Phó Trưởng ban Ban Quản trị tự viện là Tăng Ni. Trưởng ban Ban Quản trị tự viện do Trụ trì đảm nhiệm. Các thành viên khác của Ban Quản trị tự viện là Tăng Ni, hoặc Cư sĩ, Phật tử  có uy tín, năng lực làm việc, có đạo hạnh tốt, có công đức đối với đạo pháp và dân tộc.

– Như vậy, sau khi Hiến chương sửa đổi lần thứ VII có hiệu lực Giáo hội sẽ có thông tư hướng dẫn các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố thành lập các Ban Quản trị cơ sở tự viện tại địa phương.

7. Quy định rõ tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, và của thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Điều 78 và Điều 79, Chương XII).

Việc quy định rõ ràng, tách bạch tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của tổ chức tôn giáo trực thuộc: Ban Trị sự các cấp, Ban Quản trị cơ sở tự viện, và Thành viên Giáo hội nhằm phù hợp với địa vị, bản chất pháp lý của từng chủ thể đảm bảo tính tương thích, sự phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Dân sự 2015 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

Đồng thời, trong các quy định về tài sản của các chủ thể vẫn đảm bảo nguyên tắc xác lập, quản lý và định đoạt tài sản phù hợp với quy định trong các điều luật, giáo lý Phật giáo, Hiến chương của Giáo hội. Các quy định về tài sản của Giáo hội và Thành viên Giáo hội trong Hiến chương sửa đổi nhằm đảm bảo sự phù hợp, minh bạch hơn nữa trong quản lý, sử dụng tài sản của các chủ thể. Cũng như đảm bảo khả năng giám sát, xử lý vi phạm của Giáo hội trong các trường hợp phát hiện ra vi phạm của các chủ thể đảm bảo sự nghiêm minh, kỷ cương trong mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội.

8. Quy định về việc thành lập Ban khen thưởng – kỷ luật ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Quy định mức khen thưởng tuyên dương công đức cao bằng biểu tượng là “Tuyên dương công đức Phật Hoàng Trúc Lâm” (Điều 80 và Điều 81, Chương XIII).

– Quy định này nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, tạo nguồn động viên kịp thời đối với những đóng góp công đức của Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử trong phụng sự đạo pháp và dân tộc. Đồng thời giữ gìn đạo hạnh, siết chặt kỷ cương, nghiêm chỉnh chấp hành giới luật, Hiến chương, các quy chế, quy định của Giáo hội, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước.

– Hình thức khen thưởng mới là danh hiệu “Tuyên dương Công đức Phật Hoàng Trúc Lâm” do Hội đồng Trị sự quyết định tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, công đức to lớn đối với đạo pháp và dân tộc. Đây được xem như hình thức khen thưởng cao quý như huân chương, huy chương, kỷ niệm chương. Danh hiệu “Công đức Phật Hoàng Trúc Lâm” là hiện vật (đã được sử dụng làm logo trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và đi kèm với Tuyên dương công đức.

III. Hiệu lực thi hành và thời gian áp dụng Hiến chương sửa đổi

  1. Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu quyết thông qua ngày 29/11/2022 tại Hà Nội.
  2. Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã được Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn tại văn bản số: 2114/TGCP-PG ngày 23/12/2022.
  3. Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã được Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký Quyết định ban hành số: 600/QĐ-HĐTS ngày 26/12/2022.

Kết luận: Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII, 2022 đã có hiệu lực thi hành ngay từ ngày Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký ban hành.

Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu VP1, VP2. 

TM. BAN THƯỜNG TRỰC
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH – TỔNG THƯ KÝ

 

 

Thượng tọa Thích Đức Thiện

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB