Những đặc trưng của tinh thần giáo dục Phật giáo qua Duyên Khởi Ngũ Uẩn

4655

Phat 11E Nói đến giáo dục là nói đến việc dạy, việc truyền thọ kinh nghiệm, kiến thức, đạo đức và kỹ năng cho người, khiến người ta thích nghi với cuộc sống với thiên nhiên và xã hội. Về sau, giáo dục còn có nghĩa là khiến cho con người có khả năng sáng tạo, tự nhận biết mình và phát huy cái tốt vốn có của mình. Như vậy, giáo dục là nhằm cho con người được vươn lên, tiến bộ hơn, phát triển theo chiều hướng tốt hơn và từ đó cộng đồng xã hội được cải tiến. Giáo dục cũng như loại hình hoạt động khác của con người, nhằm mục đích thõa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Mục tiêu của giáo dục là nhằm tạo hạnh phúc, nhưng ý nghĩa hạnh phúc từ lâu vẫn được xem là còn mơ hồ và thường hay tranh cãi. Nói đến con người là nói đến đối tượng của giáo dục, con người đó được đào tạo theo mục tiêu, theo yêu cầu phát triển của xã hội. Nhưng dù gì đi nữa con người vẫn là trung tâm, là đối tượng được quan tâm hàng đầu để thiết lập nền giáo dục và như vậy giáo dục phải giúp con người thăng tiến tự khám phá ra đời sống của chính mình, phát triển nhân cách của chính mình trong mối tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Giáo dục sẽ trang bị con người kinh nghiệm kiến thức và kỹ năng đầy đủ để con người tự đi tìm hạnh phúc của chính mình.

Dù quan điểm về hạnh phúc vẫn chưa cụ thể và cần có những tiêu chuẩn mang tính chất giá trị học đi kèm. Hạnh phúc, theo Phật giáo chính là sự giải thoát tối hậu. Đức Phật dạy “Nước biển chỉ có một vị mặn, giáo lý của ta chỉ có một vị giải thoát”, “Xưa nay ta chỉ nói đến một điều là khổ đau và sự giải thoát khỏi khổ đau”. Như thế, theo Phật giáo mục đích của sự nổ lực mưu cầu cái hạnh phúc lớn lao nhất hay hạnh phúc tuyệt đối chính là sự giải thoát tối hậu. Khi nói đến giáo dục Phật giáo tức là nói đến ý nghĩa giáo dục trong kinh điển Phật giáo hơn là nói đến một nền giáo dục được thực hiện với một hệ thống tổ chức hoàn hảo. Điều quan trong là nội dung của giáo lý có thể áp dụng trong giáo dục. Khi nghiên cứu về giáo dục Phật giáo chúng ta sẽ thấy rõ một số học thuyết căn bản của Phật giáo được áp dụng vào giáo dục rất có hiệu quả trong việc giáo dục nhân cách con người.

Ngũ uẩn, duyên khởi là một hệ thống giáo lý phổ quát và căn bản nhất của Phật giáo. Bởi vì đứng trên bình diện nào thì đức Phật cũng xác định một vấn đề là con người, con người ngũ uẩn và con người ấy với mối tương quan của nó là thế giới. Tất cả đều do 5 yếu tố hiệp thành theo lý duyên khởi, ly khai 5 yếu tố này tất nhiên không có con người và thế giới. Do đó, đức Phật chỉ nói một điều là nguyên nhân đưa đến khổ, sự diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ, được giải thoát an lạc và Niết Bàn, đều đặt nền tảng trên con người ngũ uẩn, duyên khởi. Dạy cho con người biết được bản thân của mình và tự nhìn nhận lại nhân cách của chính mình. Tinh thần giáo dục Phật giáo qua giáo lý Ngũ uẩn – Duyên khởi là một nếp sống, một hành động tích cực và đạo đức nhân bản tuyệt đối của đạo Phật, dựa trên nền tảng giáo lý Ngũ uẩn – Duyên khởi đầy đủ ý nghĩa thể tướng dụng của nó.

“Trên núi ngọc thiêu màu vẫn đượm

Trong lò sen nở sắc hương tươi”

(Ngộ Ấn Thiền Sư)

I/ Giới thiệu giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn

1. Duyên khởi

Trước và cùng thời với Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã có rất nhiều giáo phái ra đời. Mỗi giáo phái đều có một chủ thuyết riêng của mình. Có chủ thuyết cho rằng vạn vật đều do Thượng đế sanh hoặc có chủ thuyết chủ trương vạn vật do tự nhiên sanh.v.v…Trong thời đa thần giáo đa chủ thuyết ấy đã làm cho con người không thấy được chủ thuyết nào là chân lý. Lúc bấy giờ thế gian đã xuất hiện một đấng Chí Tôn Chí Giác, ra đời với mục đích “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Bằng giáo lý Duyên khởi Ngài đã trình bày cho chúng sanh thấy rõ thật tướng của các pháp. Các pháp ấy không phải tự nhiên sanh, không phải Thượng đế sanh mà là do các duyên tập hợp tựu thành. Tiếng nói này là Pháp âm như thị, là tiếng sư tử hống, khơi dậy nguồn giác và khiến cho bao học giả, bao chủ thuyết phải bàng hoàng suy gẫm.

“Vạn pháp duyên khởi” câu nói ngắn gọn này là tinh túy của định lý:

“Do cái này có, nên cái kia có

Do cái này không có, nên cái kia không có

Do cái này sinh, nên cái kia sinh

Do cái này diệt, nên cái kia diệt”

(Kinh Phật Thuyết, Tiểu bộ I)

Nội dung của Duyên khởi được bao hàm trong bài kệ trên do chính đức Phật thuyết ra. Nhưng khái quát hơn Ngài giới thiệu về mười hai nhân duyên căn bản tạo nên con người và thế giới hiện hữu. Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử sầu bi khổ ưu não. Đây là vòng sanh tử mà chỉ cần một chi khởi lên thì các chi còn lại đều có mặt. Ngược lại để đi đến trạng thái giải thoát, an lạc thì thiết yếu phải đoạn được một trong mười hai nhân duyên trên, tức là một chi phần đoạn thì cả mười hai chi phần chấm dứt, sự đoạn diệt ấy đưa đến giải thoát ra khỏi mọi trói buộc của phiền não khổ đau. Do đó, kinh văn nói: “Ái diệt tức Niết Bàn” hay “Vô minh diệt tức Niết Bàn”.

“Tham ái sinh ưu tư

Tham ái sinh sợ hãi

Ai giải thoát tham ái

Không ưu tư, không sợ hãi ”

(Kinh Pháp cú)

Lại nữa, các chi phần vô minh, ái, thủ thuộc tâm lý “hoặc”, các chi phần hành, hữu thuộc “nghiệp” và các chi phần còn lại thuộc tâm lý “khổ” nghĩa là do tâm lý mê mờ, tham ái, chấp thủ (hoặc) mà hiện ra hành động và hiện hạnh (nghiệp) dẫn đến kết quả khổ đau (khổ). Ba yếu tố này làm nhân, tạo duyên cho nhau để tựu thành hiện tượng sanh tử luân hồi, vì vậy cho nên về sau các học giả đã tóm đặt cho giáo lý Duyên khởi sơ khai này là “Nghiệp cảm duyên khởi”, giáo lý này tồn tại như một thuyết lý căn bản làm nền tảng vững chắc cho các quan điểm Duyên khởi của tất cả các tông phái của Phật giáo sau này.

Ngoài “Nghiệp cảm duyên khởi” về sau giáo lý này còn phát triển thành: A-lại-da Duyên khởi, Chân như Duyên khởi, Pháp giới Duyên khởi hay còn gọi là Duyên sinh vô ngã.

Nhìn chung giáo lý Duyên khởi được đức Phật khai sáng và tồn tại cho đến ngày nay là do giáo lý ấy nói lên sự thật, một sự thật như như bất biến trong vòng chuyển biến duyên khởi. Dù đức Phật có thuyết hay không, giáo lý này vẫn hiển nhiên như vậy. Chính vì thế, ngày nay các nhà học thuật, các hệ thống triết học đã chứng minh, chấp nhận, khâm phục và còn làm cho giáo lý này ngày càng phát triển.

2. Ngũ uẩn

Duyên khởi là một giáo lý căn bản, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của đức Phật. Chúng ta thấy có sự tương quan, tương đồng giữa 12 nhân duyên và ngũ uẩn, vì 12 nhân duyên hòa hợp sinh tất cả pháp và con người là 1 pháp nên Ngũ uẩn cũng là kết quả hòa hợp của 12 nhân duyên, thường khi thuyết giảng về vô ngã đức Thế Tôn phân tích 12 nhân duyên hoặc ngũ ấm con người. Ngũ uẩn là do duyên sinh, mỗi uẩn có mặt thì 4 uẩn kia có mặt nên mỗi uẩn cũng do duyên sinh.

Giáo lý Ngũ uẩn là một giáo lý phổ quát, được đức Phật thuyết giảng rải rác trong các kinh điển của Phật giáo. Đức Phật đã thuyết giảng giáo lý Ngũ uẩn một cách chi tiết và đầy đủ nhất trong các bộ kinh Ni-ka-ya và A Hàm. Trên cơ sở đó, các bộ phái về sau đã triển khai một cách chi tiết theo từng tư tưởng của bộ phái mình, nhưng chung quy vẫn là phân tích về con người và thế giới là duyên sinh vô ngã, do 5 yếu tố hợp thành do lý duyên sinh. Đó là Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn.

Con người theo Phật giáo là tập hợp của 5 thành tố (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), bị chi phối bởi Duyên khởi mỗi thành tố tự nó cũng là do nhân duyên tức là không có sắc nào tự đứng một mình, không có cái thọ, tưởng, hành, thức nào tự thành lập mà không có sự hiện diện, hỗ trợ của các hành tố khác. Tóm lại, tất cả các thành tố và tập hợp các thành tố đều do nhân duyên, như vậy lý Duyên khởi là yếu tính của sự thành lập Ngũ uẩn.

II/ Giáo dục con người qua Duyên khởi và Ngũ uẩn

1. Giáo dục con người qua Duyên khởi

Như trên đã nói, Duyên khởi là sự thật, là quy luật tự nhiên. Giáo dục con người phải dựa theo sự thật Duyên khởi để phù hợp với quy luật tự nhiên và làm cho con người thích ứng với tự nhiên.

Quan niệm con người là con người Ngũ uẩn, do duyên mà hình thành nên giáo dục Phật giáo tin chắc rằng con người có thể được cải tạo, được phát triển tốt đẹp, vì con người không có cái ngã. Giáo dục hiện tại coi trọng sự phân tích, tìm hiểu để cải tạo và phát triển nhân cách thì quả thật không gì phù hợp hơn việc xét con người là con người ngũ uẩn duyên khởi. Trong hiện tại, một cá nhân do Duyên khởi mà hình thành (Duyên khởi trong quá khứ và trong hiện tại) thì cá nhân ấy cần phải được giáo dục trong hiện tại bằng Duyên khởi trong hiện tại, để cá nhân ấy được lợi lạc trong hiện tại và trong tương lai. Giáo dục do đó có nghĩa là tạo ra thiện duyên trong ý nghĩa Duyên khởi để một con người trong Ngũ uẩn tự phát triển theo một chiều hướng tốt đẹp thăng hoa.

Duyên khởi bảo rằng mọi sự vật đều có liên hệ chằng chịt nhân quả với vô số những sự vật khác. Cũng vậy, một người có vô số liên hệ chằng chịt nhân quả với những sự vật hiện tượng và con người khác, giáo dục một con người do đó, phải xét đến hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội, nghĩa là ngoài việc xét một người như một cá nhân, cần phải xét đến mối quan hệ nhân quả chằng chịt này như đã trình bày. Từ đó, nội dung, phương pháp, biện pháp tổ chức giáo dục phải được thực hiện trên quan điểm Duyên khởi.

Chính nhờ quan điểm duyên khởi, bằng phương pháp Duyên khởi mà giáo dục Phật giáo nhìn vào hoàn cảnh, vào con người một cách khách quan để tìm ra những nhân duyên chủ yếu cần đột phá hay cần bồi dưỡng. Thậm chí có thể nói rằng bằng lý Duyên khởi, giáo dục Phật giáo có thể tin tưởng ở vai trò của giáo dục trong việc xây dựng hạnh phúc, tiến bộ cho loài người. Tin vào giáo lý Duyên khởi, giáo dục Phật giáo không sợ hãi, e ngại trước những trở ngại, những hiện tượng xấu hay bản tính xấu vì rõ ràng đây chỉ là kết quả của những nhân duyên, nó sẽ thay đổi khi chúng ta tạo ra, hay cải tạo các nhân duyên ấy theo đường hướng đã định

Duyên khởi nói lên đặc tính vô ngã nơi vạn pháp, không hiểu Duyên khởi có nghĩa là không thấy được thực tại vô ngã tính, không thấy được vô ngã tính là không thấy được tư duy hữu ngã nhị nguyên. Còn hữu ngã nhị duyên là còn luân hồi sanh tử. Giáo dục Phật giáo qua giáo lý Duyên khởi là giác tỉnh tính vô ngã nơi các pháp để nuôi dưỡng chánh kiến, chánh tư duy. Giác tỉnh tính vô thường nơi các pháp để đoạn trừ ngã mạn, những ác hạnh được thúc đẩy bởi vô minh, tham ái. Giác tỉnh tính khổ đau nơi các pháp để đoạn trừ lòng dục, hiểm họa của cuộc đời.

Các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã. Con người không thấy được điều đó nên khổ đau. Giáo dục Duyên khởi là đưa con người trở về nhận thức đúng sự thật nơi các pháp. Do vậy, giáo dục Duyên khởi không hề mang một bản sắc tín ngưỡng, triết lý nào. Nó chính là nguồn sống chung cho tất cả mọi người trên lộ trình đi đến ly tham, đoạn ái, thành tựu đời sống an lạc giải thoát.

“Ta là kết quả của nghiệp của ta; là kẻ thừa tự của nghiệp; Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nền tảng, bất cứ nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ là kẻ nhận chịu kết quả, điều này các thiện nam, tín nữ, các gia chủ cần phải suy gẫm”.

2. Giáo dục con người qua Ngũ Uẩn

Khả năng giáo dục con người lánh xa nghiệp ác làm các nghiệp lành, giáo dục con người nhận thức được tinh thần trách nhiệm cá nhân, nên ứng dụng giáo lý nghiệp báo vào cuộc sống tu tập hằng ngày là điều rất cần thiết. Tu tập nghiệp cũng chính là tu tập Ngũ uẩn. Chính cái thân Ngũ uẩn này đã gói gọn cả nghiệp cũ và nghiệp mới nên cần phải nhận thức rõ các nghiệp cũ và ý thức được các nghiệp mới. Hậu quả của nghiệp cũ đem lại cho con người hiện tại những khát ái hiện hữu đã được huân tập trong quá khứ, nếu cứ tiếp tục nuôi dưỡng dục vọng thì con người sẽ tạo điều kiện cho nghiệp cũ ngày càng lớn mạnh và nhất định con người sẽ đi xa hơn vào khổ đau. Nhận thức được điều này, con người đã biết được mình phải làm gì để không tạo thêm nghiệp nhân khổ mới và hạn chế, dứt trừ khổ đau do nghiệp cũ mang lại. Với ý nghĩa này, chức năng giáo dục của giáo lý nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng con người tốt, một xã hội hạnh phúc.

Phương pháp giảng dạy chánh pháp của đức Phật luôn mở ra cho con người một thái độ sống tích cực giữa cuộc sống hiện thực đầy sống động, tự mình tìm ra nguyên nhân khổ đau để rồi tự mình dập tắt nỗi bất hạnh ấy. Tùy theo khả năng đoạn diệt tham ái, vô minh mà giá trị giải thoát hiện khởi ở tâm thức. Thế là, tất cả mọi giá trị của con người được xác lập trên mọi hành vi cụ thể đều được quy chiếu vào cặp phạm trù nhân quả biện chứng. Tại đây, đời sống của con người được lý giải bằng thuyết nghiệp của Đạo Phật rất nhân bản, rất thực tế.

“Việc làm không chánh thiện

Mắt nhuốm lệ khóc than

Và việc làm chánh thiện

Hoan hỷ, ý đẹp lòng ”.

(Pháp cú – 67)

Giáo lý nghiệp báo vẽ nên bức tranh về đời sống khổ đau và hạnh phúc thích ứng với nghiệp duyên của mỗi cá nhân. Chức năng giáo dục của học thuyết này thực sự nâng cao giá trị của con người đến chỗ cùng tột. Ý niệm về “cầu xin” không có cơ sở để tồn tại. Con người được trả về với tính năng thật của mình: “Chính ta làm cho ta ô nhiễm và cũng chính ta làm cho ta trong sạch”.

III/ Những đặc trưng của tinh thần giáo dục Phật giáo Ngũ uẩn qua Duyên khởi

Trong khi hầu hết các tôn giáo đều đặt nặng vào hình thức, phó thác đời mình cho một đấng quyền năng ban phước, giáng họa. Phật giáo với nền tảng giáo lý Duyên khởi, Ngũ uẩn siêu việt đã phủ nhận triệt để vai trò thưởng phạt ấy. Phật giáo khẳng định rằng chính con người mới là quyền năng tối cao trong việc định đoạt đời sống của mình mà không phụ thuộc vào thế lực nào bên ngoài can thiệp vào cả. Đi ngược lại dòng tư tưởng của hệ thống tín ngưỡng giáo điều, đạo Phật chú trọng đến vấn đề khai triển trí tuệ trên lộ trình tìm đạo giải thoát.

“Thần giáo bảo chúng ta ngước mặt lên trời cầu xin thần linh ban ơn cứu rỗi, đạo Phật giúp chúng ta nhìn vào con người xã hội mà khai triển trí tuệ và từ bi với mục đích xây dựng an lành cho mình và cho người”[1]

Đặt lòng tin sâu sắc vào khả năng của con người, với tinh thần nhất quán giải thoát là cái mà mọi người phải tự mình giành lấy, đạo Phật có những nét giáo dục rất đặc thù mang tính nhân bản đầy trí tuệ, nhất là thông qua giáo lý Duyên khởi Ngũ uẩn.

1. Tinh thần trách nhiệm cá nhân

Không thể trao gánh nặng tham, sân, si của mình lại cho ai. Phật giáo xác định mỗi cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những hành động (nghiệp) của mình. Định đoạt đời sống khổ đau hay hạnh phúc, sầu muộn hay tịch lặng tất cả đều là công việc của mỗi cá nhân, tuyệt đối không thể nhờ vào ân huệ của bất cứ tha lực nào. Thế tôn dạy rõ:

“Tự mình làm điều ác

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình không làm ác

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh không tịnh tự mình ”

(Pháp cú 165)

Phật tử tin Phật, học Phật là noi theo hạnh nguyện của Ngài, tu tập chánh pháp để tịnh hóa thân tâm chứ không có nghĩ mong cầu chư Phật giúp mình giải thoát. Chư Phật chỉ mở bày con đường giác ngộ, đi trên con đường ấy là công việc của mỗi cá nhân.

“Phật giáo chủ trương mỗi cá nhân phải tự lực lo giải thoát cho mình. Phật giáo đồ phát nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, không có nghĩa là phát một lời cầu đảo để Tam Bảo lo giải thoát cho, song Tam Bảo là thầy chỉ đạo tu hành đúng đường để được giải thoát. Vậy nên, muốn đến cảnh giới giải thoát tự tại thì tự mọi người phải gắng sức thực hành đúng lời Tam Bảo chỉ dạy”[2].

Tìm hiểu Duyên khởi Ngũ uẩn chúng ta nhận thấy việc giảng dạy giáo pháp của Ngài là nhằm mục đích giúp người nghe nhận ra được con đường và tự mình đi trên con đường đó. Lợi ích của việc tìm hiểu và thông hiểu giáo lý Duyên khởi Ngũ uẩn chỉ dành riêng cho những ai biết vận dụng giáo lý ấy vào cuộc sống của chính mình. Do vậy, mỗi người phải tự mình làm hòn đảo để nương tựa. “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”[3].

Đến đây chúng ta có thể nói rằng ý nghĩa thiết thực ở lĩnh vực giáo dục của tinh thần trách nhiệm cá nhân thông qua giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn là cung cấp cho con người có một sự nhận thức đúng đắn, giúp con người hiểu được rằng giải thoát giác ngộ là vấn đề cá nhân của mỗi người. Chính từ con người Ngũ uẩn Duyên khởi mà giác hay mê cũng từ đó mà ra. Không ai có thể giải thoát cho ai và giác ngộ thay cho ai. Giá trị nhân bản của tinh thần trách nhiệm cá nhân được xác lập khi nó xác định tính bình đẳng của mọi người trước chân lý, mọi người đều có được khả năng để tự giải thoát, giác ngộ, kiên quyết bác bỏ mọi hình thức thần quyền và giáo quyền. Khi con người thông hiểu được tất cả đều do duyên mà hợp thành. Sự kiện đức Phật với nỗ lực của tự thân đã giác ngộ có một ý nghĩa thiết lập về tinh thần trách nhiệm cá nhân cho nhân loại: Rằng mỗi người có thể giải thoát như đức Phật. Và cả đến sự thật Duyên khởi Ngũ uẩn mà đức Phật giác ngộ cho mỗi người niềm tin rằng vô minh là khổ đau ở đời là do duyên mà sinh, chúng không thật, có thể được chuyển đổi bằng tư tưởng và hành động (chánh tư duy, chánh nghiệp).

2. Tinh thần hướng nội

Một tinh thần đặc thù khác trong hệ thồng giáo dục Phật giáo qua giáo lý Duyên khởi Ngũ uẩn là tinh thần hướng nội. Xác định tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức nơi mỗi chúng sanh đều mang sẵn bản tánh sáng suốt, mầm móng giác ngộ. Đạo Phật không hướng dẫn hành giả đi tìm sự giải thoát ở đâu xa mà chỉ giáo dục hành giả trở về nhận thức và thực chứng nội tại.

Theo Phật giáo, dù trải qua nhiều kiếp sanh tử luân hồi, bản tánh giác ngộ của mỗi người không mất đi, nó vẫn luôn hiện hữu trong nguồn tâm sâu thẳm của con người. Mỗi khi thể tánh ấy ẩn sâu trong tiềm thức, không phát huy được hiệu dụng thì chúng sanh là con người khổ đau. Mỗi khi bản tánh diệu giác ấy tỏ ngộ thì chúng sanh là con người giải thoát. Chính nhờ Duyên khởi mà con người Ngũ uẩn trải qua quá trình tu tập làm sao để chân tâm biểu lộ, tìm sự giác ngộ nơi cái tâm đang là của mình mà không phải nhọc công tìm kiếm nơi nào khác.

“Bồ đề chỉ hướng tâm mịch, khả lao hướng ngoại cầu huyền”

(Pháp Bảo Đàn)

Từ nhận định trên vấn đề tối quan trọng được đặt ra cho một hành giả Phật giáo là tịnh hóa tâm ý. Nghĩa là nuôi dưỡng và phát triển tâm ý theo chiều hướng thượng trong mục đích cải tạo con người và xã hội loài người. Ở phạm vi giáo dục và cải tạo con người, đạo Phật dạy chúng ta hãy nhìn thẳng vào tâm ý. Nếu tâm ý (thức uẩn) của chúng ta thanh tịnh, không còn tham, sân, si thì chúng ta đang sống trong cõi Tịnh độ, ngược lại là sống trong “Địa ngục trần gian”. Mới hay, khổ đau và hạnh phúc theo đuổi chúng ta như âm vang theo tiếng, như bóng theo hình, đều không ngoài sự tác động của tâm ý (thức)

“Ý dẫn đầu các pháp

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo”

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng, không rời hình”

(Kinh Pháp Cú – Song phẩm yếu)

Giáo dục hướng nội mở ra một tinh thần nhập thế tích cực. Mỗi khi xác định được “Phật tức tâm, tâm ta có Phật. Tâm tức Phật, Phật ở nơi lòng” hành giả tu Phật hăng hái đi vào cuộc đời để thể hiện tinh thần Bồ tát lợi tha.

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Kinh Pháp Bảo Đàn)

Đạo Phật là đạo nhập thế, luôn đi vào đời để ban vui cứu khổ.Tự độ chính là độ tha, giác ngộ ngay giữa lòng đời, ngay giữa trái tim của nhân loại. Như thế, nguồn hạnh phúc vô biên không phải thuộc quyền sở hữu của riêng ai mà là của chung hết thảy mọi người chán ghét khổ đau và mê lầm, ước vọng hạnh phúc và giác ngộ. Một tinh thần giáo dục tích cực như thế có còn được xem là yếm thế, không thiết thực nữa hay không?

3. Tinh thần giáo dục về niềm tin

Niềm tin rất quan trọng, cuộc sống không thể thiếu niềm tin. Giáo dục về niềm tin là xây dựng một niềm tin đúng đắn, làm cơ sở cho một thái độ sống thăng hoa, hạnh phúc. Phật giáo không chấp nhận ý kiến cho rằng số kiếp của con người được Thượng đế an bài, tư tưởng Phật giáo phản đối mạnh mẽ thuyết “đồng nhất” và “bất biến” của các thế lực nấp sau lưng Thượng đế để duy trì vĩnh viễn địa vị, quyền lực, xã hội giai cấp.

Với giáo lý Duyên khởi Ngũ uẩn, Phật giáo chứng minh mọi sự vật đều có mâu thuẫn nội tại và đều nằm trong quá trình vận động và biến chuyển không ngừng. Lẽ dĩ nhiên, những biến chuyển ấy không do sức mạnh siêu nhiên nào điều khiển mà đều là những biến đổi khách quan theo đúng lý duyên sinh và luật nhân quả.

Quan điểm cho rằng, có một “Linh hồn bất tử” của Thượng đế nằm trong thể xác, tác động mạnh đến ý thức con người là một quan điểm lệch lạc. Không vướng mắc trong thế giới siêu hình bưng bít tâm hồn, đánh lạc hướng suy tư, Phật giáo không dạy điều gì thần bí, không nói đến phép lạ mà chỉ nói đến con đường, chỉ làm việc thức tỉnh tâm trí môn sinh, hướng dẫn môn sinh trở về với thực tế và nhận thức bản chất sự vật đang là nơi cuộc sống.

Với tư tưởng phóng khoáng đó, Phật giáo chỉ căn cứ vào sự thể nghiệm của chính mỗi tự thân thông qua giáo lý Duyên khởi và con người thực tại do năm uẩn tạo thành, mà giáo dục mọi người lấy thực tế khách quan làm đối tượng của nhận thức để xây dựng niềm tin trên cơ sở của một nhận thức về duyên sinh vô ngã.

“Giáo huấn của đức Phật luôn luôn được rộng mở cho những ai có mắt muốn thấy và có tâm trí muốn hiểu biết. Thay vì khuyến khích hàng thiện tín nhắm mắt tin cần, đức Phật khuyên dạy họ quán xét giáo huấn của Ngài và chính lời dạy ấy là lời mời “Hãy đến và thấy” (thipassikh). Đó là thấy và hiểu biết, chứ không phải mù quáng tin cần”[4]

Phật giáo chỉ có công năng đánh thức trí tuệ nhận thức nơi con người, giúp con người tự tìm ra con đường giải thoát nên Phật giáo rất tôn trọng khả năng tư duy sáng tạo của người tu học. Phật giáo khẳng định “Lòng tin là mẹ của các công đức, nuôi lớn tất cả các thiện căn”. Song, niềm tin ở đây luôn được sự soi rọi của chánh kiến và chánh tư duy. Niềm tin trong Phật giáo là niềm tin trí tuệ, thấy rõ tất cả các pháp không có thật tướng chân thật chúng chỉ là do duyên mà tạo thành, con người cũng vậy, đều do 5 uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà hợp thành nên chúng cũng không trường tồn, bất biến.

4. Tinh thần tự tin

Với trách nhiệm cá nhân và có niềm tin, con người bắt đầu thực tập cái nhìn trí tuệ để dập tắt các phiền não. Cái nhìn ấy đòi hỏi mỗi người chỉ biết ghi nhận các hiện hữu mà không đắm trước vào hiện hữu. Như thế, từ sự quan sát và phân tích các hiện hữu, sự giác tỉnh của hành giả được củng cố: đây là sự có mặt của sự tự tri.

Theo hướng thực tập cái nhìn, hành giả sẽ thấy rõ Duyên khởi vô thường, vô ngã và khổ đau của 5 thủ uẩn: Sự thấy biết cái này là giác tỉnh giúp con người không tham trước các ham muốn về các hiện hữu vô thường và phiền não. Khi sự huấn luyện này được tu tập nhiều lần thì sự “giác tỉnh” của hành giả sẽ ở cấp độ gọi là trí tuệ. Trên cơ sở giác tỉnh hành giả phát triển “sự tự chế” sự tự điều phục hành uẩn (các hành động thuộc thân lời và ý) và phát triển công phu xóa sạch các bất thiện tâm như đức Phật dạy:

“Người trí đều phục thân, điều phục lời, điều phục ý, quả thực là người khéo điều phục”[5]

Tự tri quả thật là linh hồn của cái nhìn trí tuệ của con người, nó là sự khởi đầu và là nơi đến của cái nhìn ấy. Nói cách khác tự tri là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của việc thực hành chánh pháp hay quán triệt Duyên khởi, quán triệt con người là do Ngũ uẩn từ đó không còn chấp thủ Ngũ Uẩn.

5. Tinh thần tự chấp mình

Trong trường hợp sự giác tỉnh của một con người không có mặt hay không đủ mạnh trong cái nhìn sự vật của người ấy, đặc biệt là cái nhìn vào nội phần của năm thủ uẩn, thì tà kiến và tà tư duy, hiểu như là nghiệp lực, khởi lên trong tâm người ấy và dẫn dắt người ấy đến tà nghiệp và phiền não. Đây là lúc mà người ấy trở nên bất mãn với chính mình: cơ thể của mình, dòng họ của mình, kiến thức hay vị trí xã hội của mình.v.v…Như thế, để ngăn chặn sự sinh khởi của tà tư duy và tà nghiệp trong trường hợp đó, người ấy cần biết chấp nhận những gì mình đang làm và đang có. Đây là ý nghĩa của sự tự chấp nhận mình.

“Này các tỳ kheo, tám nhân duyên trần thế này ám ảnh cuộc sống, cuộc sống xoay chuyển theo tám nhân duyên trần thế. Thế nào là tám nhân duyên ấy? Được và mất, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và khen ngợi, hạnh phúc và khổ đau. Này các tỳ kheo tám nhân duyên trần thế này ám ảnh cuộc sống”[6]

Tám nhân duyên trần thế này là vô thường, ngay cả khi con người có được cái “được, danh vọng, khen ngợi.v.v… thì nỗi lo sợ vô thường cũng đủ gây tâm lý dao động và ưu não. Thế nên, để tâm ý ấy được thanh tịnh con người phải biết chấp nhận những gì mình đang có, nếu không thì các duyên trần thế sẽ xuất hiện như một cuồng phong thổi bật gốc cây thiền định và gây thảm họa cho tâm thức.

6. Tinh thần giáo dục thực tế

Phiền não của con người có thể do tư duy sai lầm về sự vật gây ra: Như nghĩ về những gì không nên nghĩ về hay nghĩ về những gì cần được nghĩ về, như lời dạy sau đây đề cập:

“Không truy tìm quá khứ

Không ước muốn tương lai

Quá khứ đã qua rồi

Tương lai thì chưa đến

Ai nhìn với trí tuệ

Các pháp khởi lên trong hiện tại chỗ này, chỗ kia

Không động, không chuyển

Giác tính trước các pháp ấy và tu tập

Hôm nay nhiệt tâm hành

Ai biết ngày mai chết?

Không điều đình gì được

Với chủ tể thần chết

Nhiệt tâm chú như vậy

Ngày đêm không mệt mỏi

Vị ấy xứng được gọi

Bậc hiền giả an tịnh” [7]

Bài kinh về “Nhất Dạ Hiền” đã giải thoát ý nghĩa bao hàm trong bài kệ trên. Theo bản kinh, một người nghĩ về sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình trong quá khứ và khởi lên tâm thích thú, đây là ý nghĩa “Truy tìm quá khứ” cần tránh làm. Một người nghĩ về tương lai và khởi tưởng rằng: “Mong, sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình trong tương lai sẽ như thế này và khởi tâm thích thú: Đây là ý nghĩa “Ước muốn tương lai” cần tránh thực hiện.

Đối với các sự vật hiện tại, người ấy cần nhìn sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình là: “Đây không phải là ta, đây không phải là của ta và đây không phải là tự ngã của ta”: Đây là ý nghĩa “nhìn pháp hiện tại với trí tuệ” cần được giác tỉnh và tu tập mỗi ngày.

Giáo dục Phật giáo là thiết thực vì giáo lý Duyên khởi chỉ rõ khổ đau có mặt khi vô minh ái thủ có mặt, vô minh ái thủ diệt thì khổ diệt. Khổ diệt là thời điểm chân hạnh phúc xuất hiện. Do vậy, nếp sống chế ngự vô minh, nếp sống ly tham, đoạn ái là điều kiện tất yếu để mỗi cá nhân có thể tháo gở mọi xiềng xích khổ đau, bước lên thềm thang giải thoát. Chừng nào văn hóa nhân loại còn được vận hành của tư duy hữu ngã thì nhân loại cần phải sống trong sự đau thương. Nếu một nền văn hóa được vận hành theo trục lộ vô ngã theo tinh thần Duyên khởi của Phật giáo thì các vấn đề bức xúc của xã hội như ô nhiễm môi sinh, đạo đức suy thoái, các tệ nạn.… sẽ được chuyển hóa vì thế tinh thần giáo dục Duyên khởi là nền giáo dục mang đậm tính thiết thực về cuộc sống văn hóa, văn minh hòa bình, an lạc và hạnh phúc.

Việc truy tìm quá khứ và mong ước tương lai là việc sống với bóng hình của thực tại, mà không phải sống với thực tại, đây là nếp sống không thiết thực hiện tại. Sống với giây phúc rất hiện sinh là sống với đời sống chân thật vốn có thể giúp cho ta thấy sự vật như thật: Đây là nếp sống thiết thực hiện tại: Đây cũng là ý nghĩa của tinh thần giáo dục rất thực tế của đức Phật.

7. Tinh thần giáo dục Trung đạo

Một tinh thần giáo dục khác mà đức Phật đã dạy giúp các cá nhân tránh hai thái cực của cuộc đời để có được cái nhìn trí tuệ, hiểu biết và an tịnh đó là tinh thần trung đạo.

Hành giả theo trung đạo phải tránh hai thái cực:

Một là hưởng thụ các dục lạc, lối sống thấp hèn, không xứng đáng, không liên hệ mục đích phạm hạnh.

Hai là tự hành khổ mình, nó là khổ đau, không xứng đáng, không liên hệ với mục đích phạm hạnh.

Do tránh xa hai thái cực ấy, Như Lai đã đắc được trí hiểu biết trung đạo, con đường đem lại minh, đem lại trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn; con đường đó chính là quán triệt Duyên khởi tu tập Bát Chánh Đạo (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Ngay cả khi thực hành chánh tinh tấn, vốn là công phu quan trọng để thành tựu các công phu khác, hành giả cần hành đúng thời và đúng tinh thần trung đạo. Nếu không thì sự tu tập không xứng đáng, không liên hệ đến mục đích phạm hạnh.

Mục tiêu giáo dục của Phật là con người “giác ngộ” biểu hiện cụ thể ra mẫu người “Vô ngã, con người vị tha”[8]. Con người tu dưỡng đến mức độ không còn chấp ngã nữa thì dức khoát là con người không can tâm làm nô lệ cho dục vọng của mình. Con người chính nó làm chủ được bản thân mình, không để cho Ngũ uẩn tự tham vọng nổi lên, giữa ta và người không còn bị vô minh che lấp. Con người vô ngã, con người vị tha là con người giác ngộ, con người có khả năng tự giải thoát để dẫn tới hạnh phúc, yên vui. Đây chính là con đường hướng đến giải thoát Trung Đạo mà giáo dục Phật giáo đã hoàn thiện.

8. Tinh thần giáo dục phân tích

Tinh thần trung đạo tu tập còn được thắp sáng bởi các tinh thần giáo dục hữu ích khác như phân tích, phê bình và sáng tạo. Phải chăng nói rằng phương pháp giảng dạy chánh pháp của đức Phật là phương pháp phân tích đặt trên cơ sở thực tại. Phương pháp này thì khác xa với các phương pháp xây dựng trên cơ sở thuần lý của các lý thuyết hữu ngã. Quán sát Duyên khởi nhận thấy được năm thủ Uẩn là khổ đau, nguyên nhân của khổ đau là tham ái hay sự sinh khởi của Duyên khởi, sự chấm dứt khổ đau là Niết bàn, con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau là Bát Chánh Đạo. Giáo lý Duyên khởi, sự thật của thế giới và giáo lý Năm Uẩn làm nên cái gọi là con người đã được Thế Tôn phân tích cặn kẽ.

Phân tích sự hiểu biết một hiện hữu, đức Phật chỉ dạy rằng: con người cần biết sự hiện hữu của nó, nguyên nhân của sự hiện hữu của nó, sự chấm dứt của nó và con đường đưa đến sự chấm dứt của nó với tâm lý tham, sân, si. Ngài phân tích và chỉ rõ rằng con người có thể hiểu chúng do thấy rõ chúng với đôi mắt trí tuệ mà không phải với lòng tin, với tranh cãi hay với tư duy thuần lý. Ngài phân tích giáo lý Duyên khởi qua 12 chi phần và Ngũ uẩn hợp thành con người. Các chi phần duyên nhau mà tồn tại, cắt đứt một chi phần thì các chi phần còn lại sẽ tự biến mất. Các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã. Con người không thấy được điều đó nên khổ đau. Giáo dục phân tích Duyên khởi là đưa con người trở về nhận thức đúng đắn về sự thật của các pháp. Do vậy, giáo dục phân tích Duyên khởi Ngũ uẩn của Phật giáo không hề mang một bản sắc tín ngưỡng, triết lý, ly tham, đoạn ái, thành tựu đời sống an lạc, giải thoát.

Các trường hợp phân tích tiêu biểu nêu trên là các trường hợp trong nhiều trường hợp đã được đức Phật giảng dạy. Tất cả sự phân tích ấy sẽ giúp con người có cái nhìn trí tuệ nhìn sự vật mà không phải là tri thức đến từ kinh nghiệm các giác quan.

9. Tinh thần phê phán

Đi cùng với phương pháp phân tích, đức Phật dạy tinh thần phê phán. Tinh thần này đánh giá đối tượng được phân tích là đúng hay sai, thiện hay bất thiện, được chấp nhận hay không được chấp nhận, phù hợp với chánh pháp hay không v.v…sau một quá trình phân tích.

“Các điều ô nhiễm do tai, mắt nhận biết có hiện diện ở Như Lai hay không? này các Tỳ Kheo, đối với ai mà lòng tin ở Như Lai thiết lập, được đặt cơ sở, được hổ trợ do các phương pháp này, do các lời lẽ này, niềm tin ấy được gọi là hợp lý, được đặt cơ sở trên cái thấy trí tuệ là mạnh mẽ vững chắc. Như vậy, này các Tỳ Kheo là sự tìm hiểu Như Lai, các pháp của Như Lai và như vậy là tìm hiểu Như Lai một cách đúng pháp”[9]

Trên con đường giáo dục đức Phật rất quan tâm đến tinh thần phê phán. Tinh thần này sẽ giúp các đệ tử của Ngài cải thiện được “Sự tự tri” “Sự tự tin”, khả năng phân tích và tầm thấy biết. Tinh thần này rất nhân bản và trí tuệ.

10. Tinh thần sáng tạo

Tinh thần sáng tạo là một tinh thần giáo dục rất đặc biệt của Phật giáo. Cái nhìn sự vật với trí tuệ có mặt trong “tự tri” luôn luôn thấy sự vật như thật trong hiện sanh. Các hiện hữu thì trôi chảy không ngừng nghỉ, các pháp luôn luôn mới mẽ qua từng giây phút hiện sinh, chủ thể của cái nhìn là mới mẽ và đối tượng nhìn là mới mẽ. Đây là nhân duyên của sự thấy biết sáng tạo. Charles E Skinnes, trong tập sách của ông, “Tâm lý giáo dục” đã viết: “Tư duy sáng tạo có nghĩa là sự dự đoán hay suy diễn đối với cá nhân là mới mẽ, tân kỳ, độc đáo và khác thường. Người tư duy sáng tạo là người khám phá ra các lĩnh vực mới mẽ và có các sự quan sát mới mẽ, các dự đoán mới mẽ, các suy diễn mới mẽ”.

Con đường sống của đạo Phật dẫn đến cái nhìn trí tuệ hay cái nhìn về Duyên khởi, con người Ngũ uẫn, chánh kiến, chánh tư duy, thực sự là con đường sống của sáng tạo.

11. Tinh thần thiền định

Vấn đề quan trọng nhất của con người vẫn luôn là việc thanh tịnh hóa tâm ý, nghĩa là gạn lọc và làm thêm phần sáng đẹp của tâm ý, được phát triển trong mục đích cải tạo, thăng hoa đời sống con người và xã hội loài người. Với chức năng tu tập tâm để trực tiếp loại trừ các tâm lý phiền não làm ô nhiễn tâm thức, thiền định Phật giáo đáp ứng được nguyện vọng thiết thực ấy của nhân loại.

Là phương pháp tu tập tâm có khả năng chuyển hóa nội tại tâm thức con người, hành thiền, chúng ta sẽ diệt trừ được những tâm lý tiêu cực như tham dục, nóng giận, lo âu, sợ hãi…và phát triển những tâm lý tích cực như từ, bi, hỷ, xã…. Nói khác sống với công phu thiền định là cơ hội tốt nhất đối với vấn đề điều phục tâm làm lắng dịu những dục vọng cá nhân. Thiền là nền tảng để trí tuệ phát sanh, tuệ giác thấy rõ sự thật vô ngã nơi con người và sự vật là yếu tố quyết định đối với mục đích cao cả giải thoát khổ đau, chứng đắc Niết bàn. Vì vậy thiền định được xem là con đường độc nhất đưa đến đoạn tận khổ đau.

“Này các tỳ Kheo! Có một con đường độc nhất làm cho các chúng sanh thanh tịnh, vượt qua mọi sầu ưu đoạn trừ hết khổ đau, buồn bã để thành tựu đạo chứng đắc Niết bàn đó là tứ niệm xứ”[10]

Thực hiện Tứ Niệm xứ là chân ý nghĩa của một đời sống ý nghĩa: Nó là con đường trở về chính mình, nương tựa mình mà không nương tựa một ai khác. Con đường thiền định Phật giáo là con đường để hiểu biết, phát triển và tu tập tâm. Không có thiền định, người ta sẽ không hiểu được mình là ai, không thể giải quyết được các vấn đề tâm lý. Đặc biệt là nhờ có thiền định mà chúng ta mới có trí tuệ để quán sát Duyên khởi Ngũ uẩn một cách thấu triệt.

“Đạo Phật là con đường đem lại hy vọng và an lạc ngay cả cho những chúng sanh đau khổ nhất. Nó cung cấp cho con người ngày nay một bước đi, đồng thời là một giải pháp cho các cơn khủng hoảng hiện nay bằng cách làm trong sạch tư tưởng, việc làm”.[11]

Từ khi loài người xuất hiện trên trái đất thì cũng đồng thời xuất hiện hiện tượng giáo dục. Trong quá trình tìm kiếm các phương tiện để sống, con người đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải truyền thụ kinh nghiệm cho lớp người sau. Thế nên, khi xã hội loài người ngày càng tiến lên thì sự tích lũy kinh nghiệm ngày càng nhiều, càng phong phú, đa dạng về nhiều mặt, như kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu, đời sống v.v…; con người ngày càng có nhiều hiểu biết thêm về tự nhiên, về thẩm mỹ, đạo đức, triết học. Từ đó việc giáo dục bắt đầu được những người có kinh nghiệm nhất, hiểu biết nhất tiến hành. Thật chất của giáo dục là truyền thụ kinh nghiệm lịch sử xã hội cho thế hệ sau, nhằm chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống xã hội và lao động sản xuất.

Lấy con người là trung tâm, thấy được nỗi khổ của chúng sinh và mong muốn chúng sinh thoát khỏi vòng trầm luân biển khổ. Bằng chủ trương cứu nhân độ thế, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, đạo Phật hướng con người tu tập nhân tâm, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thiện dần nhân cách. Những chuẩn mực trong giá trị đạo đức của Phật giáo mang tính triết lý nhân văn sâu sắc ngoài việc hoàn chỉnh đạo đức, nó còn ăn sâu vào suy nghĩ, hành vi, lối sống của mỗi người.

Các tinh thần giáo dục Phật giáo qua Duyên khởi và Ngũ uần là những tinh thần khá nổi bật trong giáo dục Phật giáo. Bằng những tinh thần tự huấn luyện ấy, con người sẽ dần dần loại bỏ những rối loạn tâm lý do lười biếng, do ham muốn, do loạn động…. gây ra. Đi sâu hơn con người sẽ đốn ngã các gốc rể của rối loạn tâm lý, làm mê mờ tâm lý, do lòng khát ái và các ngã tưởng đặc trưng của nến văn hóa hiện nay.

Viên Hải

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] HT. Thích Thiện Châu, Tìm Đạo, VNCPHVN Ấn hành, 1996, Tr. 213.

[2] Hòa Thượng Thích Thiện Siêu (dịch), Lời Phật dạy, NXB Tôn giáo, 2000, Tr .60

[3] HT Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ kinh I, VNCPHVN ấn hành, 1991, Tr. 584

[4] Phạm Kim Khánh (dịch), Phật giáo một nguồn gốc hạnh phúc, THPGTPHCM. 1995, Tr. 10

[5] Pháp Cú Kinh, 234

[6] Thích Giác Toàn, Giáo Dục Phật giáo , Nxb TP.HCM, 2005, Tr. 57

[7] Thích Giác Toàn, Giáo Dục Phật giáo , Nxb TP.HCM, 2005, Tr. 57

[8] Thích Đức Nhuận , Đạo Phật và dòng sử Việt , NXB: Viện triết lý Việt Nam và triết học thế giới Colifornia USA, 1996

[9] Thích Giác Toàn, Giáo Dục Phật giáo , Nxb TP.HCM, 2005, Tr.61

[10] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tứ Niệm Xứ, Trung bộ I, VNCPHVN ấn hành, 1991, Tr. 564

[11] HT Thiện Châu, Tuyển tập tìm đạo, VNCPHVN ấn hành 1996, Tr. 84

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB