Ngôi chùa ngự trên đồi Rắn

2727

 Nhận được lời mời từ trước đó rất lâu, nhưng bận rộn mãi, tôi mới đến chùa vào một trưa cuối Xuân. Từ Hà Nội đón xe đò lên khá xa, đường lại ngoằn ngèo, gập nghềnh, tôi  ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Xe đến nơi cũng chẳng rõ, bước khỏi xe,  Trời hãy còn se sắt lạnh, cái lạnh cuối Xuân cứ nhoi nhói vào da, vẫn hai lớp áo dày và khăn quàng cổ, mà nghe buốt lắm, ba lô trĩu vai, tôi bước trên con đường đất đá  chông chênh, xung quanh là bờ kè mấp mô, để đất trên núi khỏi trôi xuống. Trong không khí đầy hơi nước, mấy cánh hoa cuối xuân còn sót lại cằn cỗi, yếu ớt dưới mặt Trời. Xa xa những ngôi nhà nhỏ nhạt nhoà trong sương, mặc dù đã trưa, tôi vẫn không nhìn rõ mấy cảnh vật, cứ như bức tranh thuỷ mặc, hơi nhoè, tôi nghĩ có khi mình ngái ngủ cũng nên! Có tiếng bà cụ áo nâu ven đường, giọng trẻ hơn tuổi rất nhiều: ” Ối Giời! Cô đây rồi, Thầy tôi chờ mãi!  Ở ngoài miền Bắc, sư cô được gọi là sư Thầy, sư Thầy được gọi là sư Ông. Bà cụ có ý đỡ ba lô nhưng tôi khoát tay bảo nặng, nên thoăn thoắt đi trước. Lối lên chùa bằng xi măng xây đã lâu, ẩm mốc và đôi chỗ lở lói. Đường lên quanh co, hoa dại san sát lối đi, xen lẫn với cỏ, càng  đi lên, không gian càng thoáng dần ra, Trời như  trong xanh hơn. Gió hây hây, nhè nhẹ. Ngôi chùa cũ nằm trên ngọn đồi không cao lắm, bờ thành và nền hư hại đôi chỗ, mái rêu phong.  Sau lưng chùa có mấy hàng cây lưa thưa, liêu xiêu dựa vào nhau. Bên phải là tôn tượng Quán Âm màu trắng, có hồ sen hồng trước mặt, bên trái là vườn Lâm tì ni. Còn mấy bước nữa tới cửa chùa, tôi nhảy đánh thót một cái, ba lô chồm lên, suýt ngã. Mô Phật! Hai bên lối vào là hai dãy rắn đầu đỏ, con nào con ấy bằng một nửa ống sáo tre, đồng loạt ngễnh cổ chào. Mất một giây định thần, tôi chắp tay vái: ” Con chào các Ngài ạ!”. Một giọng cười rất trẻ vang trước mặt, nhìn lên, một sư cô mặt đẹp hơn hoa, má lúm đồng tiền, áo nâu guốc mộc chắp tay chào tôi, tôi kính cẩn vái chào sư cô, đó là sư trù trì ngôi chùa ấy. Sư cô nói với lũ rắn, giọng ân cần:” Thôi chào khách thế đủ rồi, các cụ làm người ta chết khiếp mất! Lạ thay, lũ rắn rủ nhau trườn đi thật.

10866863_363157603865514_1564516586_n

Sư cô Thích Nữ Tịnh Đức (đứng giữa) trụ trì chùa Vạn Phúc (Thanh Ba, Ấm Thượng, Việt trì, Phú Thọ)

10866978_363157490532192_1030714101_n

Vườn Lâm tì ni nhìn từ dưới lên bên tay trái ngôi chùa

10872445_363157323865542_7174803_n

Phật tử Nhuận Châu bên Tượng Quan Âm nằm bên tay phải chùa nhìn từ dưới lên

  Tôi ở lại thăm chùa hơn tuần, một phần vì tò mò muốn thưởng lãm cảnh vật, một phần tò mò vì ngôi chùa ngự trên đồi Rắn. Ngày trước nơi đây hiu quạnh, chỉ có lũ rắn hoành hành, không ai lui tới, sau có sư ông tới xây một am nhỏ thờ Phật, rồi cũng không ở được, đành bỏ ra đi. Ngọn đồi càng trơ trọi, am thờ cũng lẻ loi, quanh năm tứ bề gió phủ, cảnh vật lạnh lẽo điêu tàn. Thảng hoặc mới có người bạo gan tới quét dọn rồi cũng vội vã ra về. Những người ấy về thường kể lại, ở đấy rắn làm ổ, lúc nhúc như rươi, nhưng đến quét dọn lễ lạy Tượng Phật, tuyệt đối không cắn ai bao giờ, những người nào đến có ý bỡn cợt hoặc tò mò thì cách gì cũng bị doạ cho bằng chết ngất, rắn nhung nhúc dưới chân, rắn bò quanh các tượng, rắn nằm trong lư hương, rắn treo trên các nhánh lá, lúc lỉu, mùi tanh nồng, nhìn thấy cảnh đó là ám ảnh hằng tháng Trời không ngủ được. Người đến kẻ về, thêu dệt bớt thêm, câu chuyện cứ thế tràn ra như nước, không gì ngăn được, sợ hãi cứ chất chồng, am thờ càng vắng lặng, đìu hiu. Ngày nọ có một sư cô trẻ tuổi mình hạc xương mai, đi ngang động lòng phát tâm dũng mãnh, miệng niệm Phật, tiến thẳng lên núi quét dọn am thờ. Am thờ lâu ngày không người lui tới, tượng đá hoá xanh rêu, sư cô hì hục quét dọn,  lau chùi mãi quên cả nỗi sợ hãi ban đầu, khi gần xong công việc, quay lại mới hay Trời đã nhá nhem, mà tuyệt nhiên không thấy lũ rắn đâu. Sư cô dập đầu lạy ba lạy, cung kính mà rằng:” Nếu nhân duyên con ở lại được nơi này, hằng cầu nguyện Quán Âm bồ tát tầm thanh chứng giám, con xin phát nguyện trùng hưng ngôi Tam Bảo!” Khi bước xuống, sư cô nhìn lại chỗ nào cũng  đôm đốm sáng soi đường, hai bên là hai hàng rắn tiễn chân! Mô Phật!
    Tôi hay dành đi chợ sớm cho chùa, tôi vô cùng thích thú cái không khí chợ quê buổi sớm. Ở đây, dân quê ăn rau vườn và bán rau vườn là chính, các cụ các bà hay trải mảnh ni lông con con rồi đem mớ rau, quả bí từ vườn nhà tới bán. Những em nhỏ hái sen từ chiều hôm trước, sáng hôm sau mới buộc lại, bán phụ mẹ để được mua quà, tôi mua bó sen về cúng Phật, sen hãy còn ngậm sương thơm ngát, nặng trĩu cả tay. Chợ quê thật nhỏ và thật đặc biệt, nó gói gọn trong mấy mái lá xô nghiêng nơi góc chợ, nó gói gọn trong những câu từ đậm đặc địa phương, nó gói gọn trong mẻ xôi đậu mới nấu, nó gói gọn trong tay nải các bà các chị mang, nó gói gọn trong miếng chè lam thật nóng, nó gói gọn trong chéo khăn quàng…….Mùi dưa cải, mùi nước vối, mùi thuốc lào, mùi lá ngò và nhiều mùi khác quyện lại, rất dễ gây nhớ, thật không lẫn vào đâu được! Bước chân về chùa nhanh hơn vì đã quen đường, hai hàng rắn đầu đỏ vẫn đón chào ven lối xuống lên, vẫn dè dặt tiếp khách phương xa. Ở chùa ngày cơm chỉ hai bữa sáng, trưa, chiều không dùng. Nên phần nấu nướng khá giản đơn. Tôi loay hoay dưới bếp một hồi là lên chánh điện. Thời gian phần lớn ở chùa  là tụng kinh, tôi cũng lễ kinh Vạn Phật ngày hai lượt. Chùa có ba sư cô, các sư cô thật hiền hậu và vui vẻ mà lại rất xinh đẹp. Vài ngày cũng quen thân, tôi lại tò mò thưa:” A di đà Phật, cho phép con mạo muội hỏi mấy Ngài rắn có quấy nhiễu các sư không ạ?” Sư cô cười như sen:” Lúc đầu khi ngủ vẫn có các cụ ngủ chung dưới chân, rồi tĩnh tâm niệm Phật, các cụ lại đi!” Sư cô hay gọi rắn là các cụ! Bà con Phật tử kể, khi chùa tụng kinh Pháp Hoa, bà con về tham dự phát tâm tụng kinh đông lắm, lũ rắn trườn ra bâu kín cả cây, mấy chậu hoa và các khe, kẽ vách chân tường đều có. Sư cô nghiêm trang ra đứng khấn:” Các cụ nghe kinh thì mong trật tự, đừng để bà con Phật tử sợ, A di đà Phật!” Lũ rắn nằm không động, nghe kinh, hết thời kinh cũng là lui cả, lặng lẽ như khi đến. Sư cô nói:” Các cụ rất thích nghe kinh, cứ tụng đọc là các cụ lại ra nghe!”
Nhiều mùa xuân trước, bọn trẻ hay đến chùa nghịch ngợm, phá bẻ cây cối hoa lá, về nhà thì đều bị gãy tay cả, ông kia nghe con bị gãy tay, tức giận lên chùa bẻ tay Phật Đản sanh ở vườn Lâm tì ni, chưa về đến nhà lại cũng bị gãy tay. Bà con Phật tử khuyên mãi, mới cầu sám hối, sau này ông ta thấm nhuận Đạo pháp, mới biết nhân quả của mình.
Tôi được  có Nhân Duyên đi nhiều nơi, thấy nhiều điều thật kỳ lạ, cảm nhận được Kinh Phật thật hiển linh và cao quý biết bao! Con rắn mà biết nghe được tiếng người, biết nghe kinh Phật dạy, nó cũng đã biết tu, đất linh vật linh là thế, con vật có thể hiểu được tiếng người! Vậy kiếp này, chúng ta có cơ duyên làm Người, chúng ta không tu học Kinh Phật, chẳng phải là uổng phí lắm sao? Trong Kinh Pháp cú, Kệ 182  Đức Phật nói: “Được sinh ra làm người là một cơ hội hiếm có”, vì chỉ con người mới đạt tới cảnh Niết Bàn, mức độ cao nhất của sự phát triển nội tâm!

Trích” Ký sự từ những chuyến đi”

Ấm Thượng- Việt Trì 2010

Phật tử Nhuận Châu

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB