Nền tảng cho sự phát triển của Giáo hội

1107
Khi tiến hành Hội nghị Thống nhất Phật giáo – thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thực sự trọn vẹn trong ý nghĩa thống nhất, thông qua bản Hiến chương và Chương trình hoạt động thì nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức cũng hết sức nặng nề và được quan tâm hàng đầu. Đây cũng chính là 3 nhiệm vụ được nhắc đến khi ý niệm thống nhất Phật giáo được phát khởi và trong đó xây dựng tổ chức được xem là bệ phóng đưa con thuyền Giáo hội tiếp nối dòng chảy hơn hai ngàn năm của lịch sử Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

xaydung (3).jpg
Đại biểu biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng tại Hội nghị – Ảnh Tư liệu

Những nền móng đầu tiên

Trong sự kiện Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN diễn ra tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, sau hơn một ngày đầu tiên dành cho lễ khai mạc, tuyên đọc các báo cáo quá trình hoạt động của Ban Vận động, dự thảo Hiến chương và Chương trình hoạt động Phật sự, tham luận của 9 phái đoàn Phật giáo tham dự, Hội nghị đã dành trọn buổi chiều ngày 5-11-1981 để chia đại biểu làm 3 nhóm thảo luận. Trong đó, nhóm thảo luận thứ nhất được dẫn dắt, chủ trì và điều hành bởi HT.Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động, tập trung vào nội dung Hiến chương và dự kiến nhân sự chủ chốt của Giáo hội.

Theo cư sĩ Nguyễn Quảng Ngãi tường thuật trong tập Kỷ yếu Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo do Ban Văn hóa T.Ư ấn hành năm 1981 thì phiên thảo luận “làm việc thật khẩn trương, quý Hòa thượng dù tuổi hạ lạp đã cao lại gặp trời trở rét vẫn theo dõi Hội nghị, nỗ lực nghiên cứu, đầu tư định niệm, góp nhiều ý kiến phong phú”.

Nhờ vậy, đến sáng hôm sau, 6-11-1981, kết quả phiên thảo luận trình bày trước phiên toàn thể đã nhận được sự đồng thuận của toàn thể đại biểu. Theo đó, tất cả 165 đại biểu đã biểu quyết thông qua việc thành lập Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự cùng thành phần nhân sự của hai Hội đồng, đặt viên gạch đầu tiên cho hệ thống tổ chức hành chính Giáo hội đến tận hôm nay.

 “Với sự nhất trí cao độ và bằng thái độ cung kính đứng dậy niệm Nam-mô A Di Đà Phật, Hội nghị đã suy tôn Hội đồng Chứng minh bằng biểu quyết 100% ý kiến tán thành, tất cả đã suy cử Hội đồng Trị sự là hai cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” –  cư sĩ Nguyễn Quảng Ngãi viết trong kỷ yếu.

Theo HT.Thích Thiện Nhơn, đương kim Chủ tịch HĐTS, ý niệm thành lập hai Hội đồng này trong quá trình xây dựng nền móng hành chính cho tổ chức Giáo hội đã có từ thời kỳ vận động thống nhất Phật giáo trước đó.

“Căn cứ Hiến chương GHPGVN do Ban Nội dung, Ban Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN biên soạn, được các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo thông qua, cơ chế tổ chức GHPGVN ban đầu gồm hai cấp Trung ương và tỉnh, thành.

xaydung (2).jpg
HT.Thích Trí Thủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng sau khi kết thúc Hội nghị một cách tốt nhất – Ảnh Tư liệu

Trung ương có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự; cấp tỉnh, thành là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành. Hội đồng Chứng minh cung thỉnh những vị giáo phẩm tiêu biểu của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo. Hội đồng Trị sự được mời những vị giáo phẩm chủ chốt có năng lực thuộc các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo có tham dự Đại hội và phân chia Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên”, HT.Thích Thiện Nhơn chia sẻ.

Nói về chức năng của Hội đồng, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS cho biết, Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ chứng minh Phật sự Giáo hội, việc ban hành các thông điệp, tấn phong giáo phẩm, trông coi về giới luật, phê chuẩn việc khai trừ Tăng Ni ra khỏi Giáo hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đệ trình.

“Hội đồng Trị sự điều hành các hoạt động của Giáo hội, Ban Viện Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành (như là Chính phủ) điều hành nội các, Bộ và UBND tỉnh, thành”, HT.Thích Thiện Nhơn cho biết.

Cũng tại Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo cả nước này, phiên làm việc ngày cuối cùng 7-11-1981, trong nghi thức suy tôn ngôi vị Pháp chủ, xuất hiện sự kiện tạo cho tất cả đại biểu nhiều cảm xúc và niềm tin khi Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận hai lần từ chối vai trò là bậc tòng lâm, làm người mô phạm đứng đầu Giáo hội.

Đến lần thứ ba ngài cho biết, nếu tất cả đại biểu một lòng quyết bầu ngài làm Pháp chủ thì đề nghị Đại hội chấp thuận đề đạt lên Chính phủ 3 điều: Được mở trường cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc và các trường cơ bản Phật học tại các tỉnh; Tăng, Ni được phép xuất gia tu học; được nhập hộ khẩu và sinh hoạt tín ngưỡng tại các cơ sở tự viện trong cả nước. Đồng thời, cần phải biên soạn bộ lịch sử chính xác về Đức Phật và lịch sử truyền bá Phật giáo. Trong những điều đó, vấn đề giáo dục được quan tâm sâu sắc. Nguyện vọng của Đức Trưởng lão Hòa thượng được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ và đã được chấp nhận.

Nhờ vậy, ngay sau Đại hội, Trường Cao cấp Phật học VN được thành lập, cơ sở I tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và cơ sở II tại thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM). Bắt đầu từ nhiệm kỳ III (1992-1997), hai trường trên đổi thành Học viện Phật giáo VN và có thêm một Học viện Phật giáo đặt tại Huế, và sau này thành lập thêm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.

Hệ thống tổ chức buổi sơ khai

Cũng trong phiên làm việc ngày cuối của Hội nghị, 7-11-1981, Ban Tổ chức đã công bố thành phần nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và phân công trách nhiệm cá nhân phụ trách các ban chuyên môn thuộc Hội đồng Trị sự.

Theo đó, Hội nghị đã suy tôn 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các Giáo hội, hệ phái vào Hội đồng Chứng minh và Ban Thường trực.

Riêng đối với Hội đồng Trị sự, Hội nghị suy cử 49 vị tiêu biểu của 9 tổ chức, Giáo hội, hệ phái có năng lực, sức khỏe, gồm 9 Hòa thượng, 30 Thượng tọa, 3 Ni trưởng, 2 Ni sư, 5 cư sĩ (có 1 nữ) để gánh vác điều hành các mặt Phật sự của Giáo hội.

xaydung (1).jpg
HT.Thích Trí Thủ chủ tọa phiên thảo luận về Hiến chương và nhân sự chủ chốt của Giáo hội – Ảnh Tư liệu 

Trong buổi ban đầu, hệ thống cơ quan trực thuộc Hội đồng Trị sự chỉ có 6 ban, ngành hoạt động gồm: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hướng dẫn nam nữ Cư sĩ Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa. Đây là các ban, ngành thiết yếu giúp cho Giáo hội vận hành ngay sau khi thành lập, đáp ứng nhu cầu tu học của hàng Tăng Ni trong tình hình mới và sinh hoạt của quần chúng Phật tử trước hoàn cảnh lịch sử mới xây dựng đất nước thống nhất.

Điển hình như Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, sau khi vừa được suy cử làm Trưởng ban, TT.Thích Thiện Siêu đã nhanh chóng tiếp xúc với chư tôn túc am hiểu, có kinh nghiệm về công tác giáo dục để tham khảo ý kiến và hoàn thành các văn kiện căn bản của ngành như quy chế, nội quy, chương trình học cho các trường Phật học.

Ngay từ những năm sơ khai về hệ thống tổ chức Giáo hội cấp Trung ương, TT.Thích Thiện Siêu đã đưa ngay đến 7 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục Tăng Ni do Thượng tọa phụ trách cần phải thực hiện cũng như  nghĩ đến việc xây dựng hệ thống giáo dục Phật giáo làm 2 hình thức: hình thức thường xuyên, tập trung liên tục trong một số năm từ sơ, trung đến cao cấp; hình thức bổ túc văn hóa và Phật học.

Trong khi đó, TT.Thích Trí Quảng, vị giáo phẩm tuổi mới ngoài bốn mươi được hội nghị tin tưởng suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã lập tức đề bạt mở các khóa đào tạo giảng sư cấp tốc, dự định việc thành lập giảng sư đoàn và mở những trung tâm diễn giảng đặt tại các chùa lớn giúp cho hàng Phật tử tại gia có điều kiện thính pháp.

Theo báo cáo về quá trình vận động thống nhất Phật giáo được đọc tại Hội nghị, nhờ cách tổ chức hệ thống hành chính, nhờ vào sự năng nổ, dấn thân đầy tinh thần trách nhiệm của những vị giáo phẩm phụ trách chuyên ngành mà Giáo hội sẽ có “những vị chuyên trách phiên dịch và xây dựng một Đại tạng kinh VN, chuyên trách về Phật pháp, chuyên trách về Đại tạng, về cổ ngữ để lo sự nghiệp giảng dạy cho lớp Tăng Ni trẻ sau này… các Viện Nghiên cứu Phật học, các lớp Cao đẳng, Trung đẳng và Sơ đẳng Phật giáo mới được tổ chức trên toàn quốc, đại diện Giáo hội địa phương mới có trách nhiệm giải quyết và giúp đỡ Tăng Ni nhiều vấn đề khó khăn liên hệ đến cá nhân và đoàn thể.”

Chư tôn đức giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN: HT.Thích Đức Nhuận(Pháp chủ); HT.Thích Đôn Hậu (Phó Pháp chủ kiêm Giám luật);HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Ấn Lâm, HT.Maha Saray, HT.Thích Mật Hiển, HT.Thích Huệ Thành (đồng Phó Pháp chủ); HT.Thích Nguyên Sinh (Chánh Thư ký).

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN: HT.Thích Trí Thủ (Chủ tịch); HT.Thích Thế Long(Phó Chủ tịch Thường trực); HT.Thích Trí Tịnh (Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư); HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Thanh Chân, HT.Thích Bửu Ý, HT.Thích Giới Nghiêm, HT.Thích Giác Nhu, HT.Châu Mum (đồng Phó Chủ tịch); TT.Thích Minh Châu (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký);TT.Thích Từ Hạnh, TT.Thích Thanh Tứ (đồng Phó Tổng Thư ký); TT.Thích Thiện Siêu (Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư); TT.Thích Thanh Hiền (Trưởng ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử T.Ư); TT.Thích Trí Quảng (Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư); HT.Kim Cương Tử (Trưởng ban Nghi lễ T.Ư); CS.Võ Đình Cường(Trưởng ban Văn hóa T.Ư); CS.Tăng Quang (UV Tài chính);TT.Thích Thanh Chỉnh (Phó UV Tài chính); TT.Thích Thuận Đức (UV Thủ quỹ);CS.Nguyễn Thị Thanh Quyên (Phó UV Thủ quỹ); NS.Huỳnh Liên, CS.Tống Hồ Cầm(đồng UV Kiểm soát).

——————-

“GHPGVN được thành lập năm 1981 do 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo sáng lập. GHPGVN Thống nhất là một trong những thành viên sáng lập. Ngay lúc đầu, Ban Nội dung, Ban Thư ký đã nghiên cứu kỹ các Hiến chương, Quy chế hoạt động của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo, đều có 2 Hội đồng, 2 Ban hoặc 2 Viện.

Để có sự khác biệt, nhất là được sự chấp thuận của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, Ban Nội dung, Ban Thư ký và các tổ chức thành viên thống nhất Phật giáo cảm thấy không có sự thiên vị và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, như xã hội có: Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Do đó, GHPGVN đã chọn: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, không sử dụng danh từ của GHPGVN Thống nhất như Viện Tăng thống, Viện Hóa đạo để tránh sự hiểu lầm, không mang tính đặc biệt của GHPGVN”.

HT.Thích Thiện Nhơn 
Chủ tịch HĐTS GHPPGVN

Bảo Thiên

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB