Trước cổng trường đại học có một bà lão trạc 80 tuổi khắc khổ, ngồi bó gối bên cây cột đèn đường bán xôi. Chẳng biết bà đến từ đâu và bán xôi từ bao giờ, nhưng một số cựu sinh viên, có người giờ làm giảng viên cho biết bà ngồi ngay cây đèn đường cũng khoảng hai khóa tốt nghiệp. Họ còn nói bà bị con cháu ruồng bỏ nên phải tha phương xứ người.
Bà tuy già nhưng mắt vẫn còn sáng, tay chân nhanh nhẹn, đầu óc thì vẫn minh mẫn như lớp sinh viên. Người ta có thể nhận ra bà lão là dân miền Tây rặt với bộ đồ Bà Ba, đầu quấn khăn rằn và miệng nhai trầu bỏm bẻm. Cách làm xôi của bà khác người thành thị. Xôi được gói bằng lá chuối, màu rau quả thay vì đựng bằng hộp xốp và nhuộm màu hóa học.
Khách mua xôi của bà nhiều tầng lớp, và hầu như ai cũng gọi bà với cái từ đáng kính, đáng yêu: “Ngoại ơi!”. Chính vì xôi của ngoại đặc trưng, ngon, lại nhìn ngoại đáng thương nên gánh xôi bao giờ cũng đông khách. 10 ngàn đồng một gói, tuy không đắt nhưng cũng không rẻ mấy so với những hàng xôi khác. Nhưng bù lại xôi ngoại đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và ngon.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Cứ tầm 6 giờ sáng, người ta vây quanh ngoại như kiến cỏ. Sinh viên có, học sinh có, nhân viên và công chức cũng ghé ngang mua. Dù đợi lâu mới đến lượt mình nhưng ai cũng vui vẻ đứng chờ chứ không phàn nàn. Bởi người ta đến đây là vì ngoại và vì chất lượng của gói xôi. “Ngoại ơi, bán cho con gói xôi bắp”, “Ngoại ơi, làm cho con gói xôi gấc. Nhớ đừng bỏ đường nha ngoại”, “Cho con gói xôi đậu xanh đi ngoại ơi!”…, khách cứ réo gọi luôn miệng như thế.
Đáp lại tình cảm của mọi người, ngoại lên tiếng trấn an bằng một câu quen thuộc: “Cứ từ từ rồi ngoại làm, đứa nào cũng có phần”. Nhiều bạn sinh viên thấy ngoại quáng quàng, lăng xăng gói xôi không kịp nên nhảy vào phụ với ngoại cho nhanh và để ngoại không phải thối lộn tiền.
Nó cũng là khách hàng của ngoại. Đều đặn mỗi ngày, nó mua giúp ngoại một gói xôi, có khi vì thèm thuồng, nó mua thêm một gói nữa cho no bụng. “Bất cứ món ăn nào, khi chúng ta ăn liên tục nhiều lần sẽ đâm ra phát ngán, nhưng với xôi của ngoại làm thì không bao giờ” – nó quả quyết như thế. Bọn bạn của nó thì bảo rằng: “Đó là sự ngụy biện của những sinh viên nghèo”. Ừ, mà cũng phải, gia đình nó nghèo, cố gắng lắm mới nuôi nó vào đại học. Có những tháng ba mẹ gởi tiền lên không kịp, nó buộc lòng phải mua xôi ngoại bằng câu “Cho con thiếu vài bữa nghen bà”. Ngoại cười, nụ cười hồn hậu của những bà già Nam Bộ:
– Mẹ cha mày! Ba mẹ lại chưa gửi tiền lên hả? Thiếu là trả gấp đôi nghen con!
Ngoại trêu nó thế chứ nó thiếu 10 gói xôi cũng được. Vì nó là khách ruột của ngoại mà. Nhưng nó không dám thiếu nhiều vì ngoại cũng khổ, làm gì có vốn mà gồng cho nó hoài. Đã vậy ngoài nó ra còn nhiều sinh viên trong trường này cũng thế, nên bí quá nó mới nợ một hoặc hai lần trong tháng mà thôi.
*
Sắp đến ngày sinh nhật bạn gái mà trong túi nó chỉ còn đúng 50 ngàn đồng cho ba ngày còn lại của tháng. Nó chạy mượn mấy đứa bạn thân trong lớp, khắp dãy nhà trọ mà chẳng đứa nào còn tiền. Tình hình chung cuối tháng là thế. Giờ không mua quà cho bạn gái thì cơ hội tiến xa rất khó. Mà tìm cách thoái thác không đến dự thì không có lý do nào ra hồn. Nhưng nếu mua món quà tượng trưng thì cũng ít 100 ngàn đồng. Lấy đâu ra tiền? Nó nghĩ ngợi về việc này suốt cả đêm khuya. Nó trăn trở với thằng bạn:
– Hay mày cho tao mượn đỡ sợi dây chuyền của mày đem cầm, ba ngày nữa tao chuộc lại cho. Giúp tao đi, giờ tao hết cách rồi.
– Nhất định là không được – Thằng bạn phản đối – Dây chuyền này là bùa hộ mệnh của mẹ tao mua, cấm không được tháo ra khỏi cổ. Tao cũng muốn giúp mày nhưng đành bó tay thôi.
– Vậy thì tao chết chắc rồi…
Đêm đó vì buồn, vì lo âu nên nó để cái bụng đói đi vào giấc mơ. Sáng hôm sau, nó đạp xe thật nhanh đến trường để mua xôi của ngoại. Nó định là mua hai gói ăn cho đã bụng nhưng nghĩ lại số tiền còn quá ít nên đành thôi. Dù khách khá đông nhưng ngoại vẫn ưu tiên cho nó trước. Chìa tờ 50 ngàn đồng cho ngoại mà nó thấy xót xa. Ngoại thối tiền cho nó, nó cũng chẳng buồn xem lại vì lúc này miệng và mắt nó chỉ để tâm đến gói xôi nóng hổi. Mãi đến khi vào lớp nó mới lấy tiền ra xem lại. Chợt nó giật mình thảng thốt:
– 520 ngàn đồng! Vậy là ngoại đã thối lộn tiền rồi.
Vị chi nó dư trong đó đến 480 ngàn đồng. Có lẽ ngoại đã nhìn nhầm tờ 500 ngàn đồng với tờ 20 ngàn đồng. Nó định giờ ra chơi sẽ mang tiền trả ngoại. Nhưng rồi những luồng suy nghĩ tiêu cực chạy qua nó: Mình đang cần tiền để mua quà sinh nhật và điều này phải chăng là “nắng hạn gặp mưa rào”? Mình có nên giữ lại số tiền này luôn? Hay là mượn tạm vài ngày rồi đem trả lại cho ngoại?…
Mải suy nghĩ miên man mà đến giờ ra chơi nó cũng không nhấc nổi cái mông ra khỏi lớp. Nó tiếp tục chú tâm về 520 ngàn đồng này. Nó nhớ đến lời ba mẹ và ông bà căn dặn: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Lương tâm và suy nghĩ của nó đang chiến tranh kịch liệt. Nhưng rồi cuối cùng nó cũng có kết luận thật thấu đáo: “Dù mình không trộm cướp nhưng số tiền này là mồ hôi nước mắt của ngoại, không thể tàn nhẫn như thế được. Phải trả tiền lại cho ngoại thôi. Còn quà sinh nhật bạn gái thì tính sau vậy”. Và nó quyết định khi tan học sẽ đem 520 ngàn đồng này trả cho ngoại kèm theo lời xin lỗi, dù muộn. Nhưng khốn nỗi chẳng ai mong muốn mình ngồi bán xôi đến tận 11 giờ trưa. Ngoại đã về tự bao giờ. Nó đứng lóng ngóng ngay cây cột đèn chẳng biết làm sao. Chưa bao giờ nó rơi vào trường hợp khó xử như thế này. Rồi nó hỏi một số người về địa chỉ nhà ngoại nhưng ai cũng lắc đầu:
– Bà ấy ít tâm sự về bản thân mình nên tui không biết.
May là có bác xe ôm chỉ giúp, vì bác ấy đã từng chở ngoại về nhà trọ một lần. Nó mừng lắm, lòng tự bảo là chiều nay sau khi tan học, sẽ đạp xe đến nhà trọ ngoại gửi lại số tiền này.
Nhà trọ của ngoại nằm heo hút trên con đường đá đỏ ngoại ô, quanh co, rẽ vào nhiều con hẻm nhỏ chằng chịt. Nó đạp xe lả mồ hôi mà vẫn chưa tìm ra đúng địa chỉ vì số nhà nằm loạn cả lên, không theo trật tự. “Xa thế này chắc ngoại đi xe buýt chứ đi bộ sao nổi”, nó nghĩ vu vơ thế. Chợt có người đi đến, nó nhanh nhẩu hỏi thăm phòng trọ của ngoại. Người phụ nữ trung niên xởi lởi đáp:
– Có phải bà lão lưng còng quặp, bán xôi ở trường đại học gì đó phải không?
– Dạ, đúng rồi ạ! Dì biết ngoại à?
– Chết rồi! Mới chết chiều nay nè! Nghe đâu bà lão mất 500 ngàn đồng nên leo lên gác tìm kiếm rồi ngã từ cầu thang xuống… Cháu không nghe tiếng kèn trống đám ma sao, đám tang của bà lão bán xôi đấy!
Truyện ngắn Đặng Trung Thành
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB