Nắm mở bàn tay hư không vô tận

137

Tháng tư, trời nắng chói gắt như nung nóng từng mảng tường đang xây dang dở của chùa Chiên Đàn (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Tôi dạo một vòng quanh khuôn viên chùa. Ở đó, Đại đức Thích Thông Nhã đang chỉ dẫn cho cánh thợ xây lắp ghép cẩn thận từng viên gạch, ngói cổ.

Đại đức Thích Thông Nhã – Trụ trì chùa Chiên Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam

1. Đó là số gạch ngói nhà sư này cất công sưu tầm từ những thắng tích Phật giáo của Ấn Độ, Phật viện Đồng Dương hay những ngôi chùa lâu đời trong và ngoài nước mà bước chân tu hành có dịp đi qua, tạo thành nhiều mảnh ghép nhỏ trên tường. Tôi nhẩm đếm, có tới 7 loại gạch ngói cổ như gạch cổ ở các Phật tích Ấn Độ, gạch Chăm thế kỷ thứ 14, gạch chùa Từ Lan năm 1930 hay chính ngói chùa Chiên Đàn từ 1960 còn lưu giữ được. Dẫu chỉ là một chút dấu ấn cổ xưa nhưng lại tải được ý niệm lưu giữ hành trình của Phật giáo khởi sinh từ Ấn Độ mà đi khắp nhân gian. Tôi khá ngạc nhiên với ý tưởng này của vị trụ trì chùa Chiên Đàn – Đại đức Thích Thông Nhã, càng thú vị hơn khi biết rằng cái cách mà nhà tu hành chọn để đến với đạo và đời cũng có nhiều khác biệt…

Nằm nép mình bên ngôi chùa đang xây dựng là căn nhà mái lá được Thích Thông Nhã gầy dựng để làm nơi sinh hoạt, đàm đạo chuyện đạo, chuyện đời và văn chương thơ phú với bạn hữu bốn phương. Là nhà tu hành, nhưng suốt nhiều năm nay, bằng tình yêu với thơ, Đại đức Thích Thông Nhã đã sáng tác và in được khá nhiều tập thơ, chủ yếu là thơ mang hơi hướng thơ thiền, đạo ca. Đó là những tập “Hạt bụi phiêu bồng”, “Không nước không trăng”, “Đường về Thượng trí”, “Đến một lúc” hay “Con đường hoa đạo”… Đại đức Thích Thông Nhã bảo rằng, ông yêu thơ, trân quý thơ như trân quý chính con đường tu hành mình đã chọn.

Thơ đến với ông bằng cái duyên từ thuở bé. Đó là những tháng năm cậu học trò Huỳnh Văn Thu (tục danh của Đại đức Thích Thông Nhã) quê xã Tam Đàn, Phú Ninh mê mẩn đọc thơ rồi tập tành làm những câu thơ đầu đời hồn nhiên vụng về câu chữ. Ngỡ là chơi vui nhưng thơ cứ thế theo đuổi riết róng mãi về sau này. Đại đức Thích Thông Nhã thừa nhận mình là một người lãng mạn ngay từ những buổi đầu của tuổi hoa niên. Đó là những đêm rằm không ngủ, nằm ngắm trăng, ngắm mãi suốt đêm không chán, giữa thanh vắng và mênh mông bầu trời trăng sao giúp Huỳnh Văn Thu cảm nhận được sự nhỏ bé của mình trước không gian vô tận… Để rồi từ đó mà nẩy ra câu hỏi muôn đời: ta từ đâu đến, tồn tại để làm gì và rồi đi về đâu…

Có lẽ, từ những trải nghiệm ban đầu của bản thân về thân phận con người, về vũ trụ như thế mà sau này, khi đi vào con đường tu sĩ, Thích Thông Nhã chọn cho mình một lối riêng để tu hành. Không nhập thiền, khổ hạnh mà thực hành tu tỉnh thức, nhà tu có thể hoạt động, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường nhưng không phạm vào “ngũ dục” để đạt được sự bình thản, nhẹ nhàng, an lạc tâm hồn. Từ quan niệm này, mà cách hoằng pháp của Thích Thông Nhã cũng có cái riêng. Đó là việc chọn thơ thiền, thư pháp thơ Hai-ku, âm nhạc… để lan tỏa những điều hay ý đẹp và đạo pháp tỉnh thức trong cộng đồng. Điều này, truyền thống Phật giáo Việt Nam, nhiều vị tu hành đã và đang làm.

Theo Đại đức Thích Thông Nhã: “Người tu hành phải xây dựng cho mình một triết lý sống thiền. Từ đó, cho đến khi nào tâm hồn nhẹ nhàng, an lạc sẽ cảm thụ thế giới xung quanh bằng một cái tâm trong sáng, ý tứ trong sáng, thanh thoát thì lập tức thơ cũng sẽ nhẹ nhàng mà về…”. Thích Thông Nhã tạm gọi đó là thơ thiền. Và, thơ thiền của ông không sa đà vào thuật ngữ Phật giáo mà chắt lọc những điều hay, cái đẹp từ cuộc sống nhân gian. Cho nên mới có: “Sương lay trong nắng sớm/ Rờ rỡ ánh triều dương/ Rõ dần chân diện mục/ Ảo ảnh tan vô thường/ Người đi tìm tri kỷ/ Gió đi tìm ngàn hương/ Tình đời trong khóe mắt/ Lẽ đạo ngập trùng dương…”. Nhiều câu/bài thơ của Thích Thông Nhã đậm chất tự sự, suy ngẫm mà không thiếu vẻ lãng mạn, bay bổng của một lối về bến giác: “Tạ ơn năm tháng trầm hoàn/ Cho tôi biết được muôn ngàn khổ vui/ Niềm chung xin gửi lại người/ Niềm riêng chừ thả mây chiều bay đi/ Trăm năm nắng chợt mưa thì/ Lối về huyễn ảo còn gì cho nhau/ Ngồi nghe biển hẹn ngàn dâu/ Bờ rêu sương phủ trắng màu thời gian…”.

2. Đại đức Thích Thông Nhã bảo rằng, nhà sư, ngoài việc tu hành còn có thể hoằng pháp bằng nhiều phương tiện. Xây một mái chùa, đọc một bài kinh hay làm một bài thơ chứa đựng một triết lý sống nào đó để hướng người đọc đến với chân – thiện – mỹ, hướng thiện và hướng thượng… cũng là cách hoằng pháp. Với ông, làm thơ trước hết là để giải trí cho mình, sau nữa, có thể lan tỏa đến được với người đọc một điều hay, lẽ đẹp chính là điều hằng mong mỏi trong việc tu hành.

Đại đức Thích Thông Nhã bên những viên gạch cổ ở chùa Chiên Đàn

Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ không dấu được sự trân quý khi nhắc về nhà thơ – Thích Thông Nhã. Rằng, mỗi bài thơ của ông đều ẩn chứa một triết lý sống đẹp nhằm gửi gắm đến người trẻ, nhắc nhở dưỡng nuôi tâm đức trong cuộc sống hằng ngày… Nguyễn Tấn Sĩ cho rằng, sự tham gia của nhà thơ – Thích Thông Nhã cùng với nhiều cây bút thuộc các thành phần xã hội, tôn giáo khác nhau trên Tạp chí Văn nghệ Tam Kỳ đã góp phần đáng kể làm sinh động thêm nội dung tờ tạp chí. Điều đáng quý là, bút pháp trong thơ Thích Thông Nhã ngày càng nghệ thuật hơn. Trước, trong một tác phẩm, nhà thơ thường dàn trải nhiều ý hơn để nói một vấn đề, bây giờ câu chữ đã chắt lọc, lắng đọng và sâu sắc hơn. Có những câu thơ Hai-ku viết bằng thư pháp mang đầy thiền vị, để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc. Ví như: “Nỗi niềm/ sa mạc/ tôi cùng/ hạt cát/ ca vang”, “Hỏi cánh/ lan rừng/ đâu là/ ngọn gió/ đầu xuân” hay “Dưới ánh/ trăng thanh/ con chim/ ngái ngủ/ làm vỡ/ hạt sương/ trên cành”…Nhiều năm nay, Thích Thông Nhã luôn có thơ đăng trên các báo và tạp chí, đặc biệt là báo Giác Ngộ. Và, ngay từ những ngày đầu thành lập Hội văn học nghệ thuật TP.Tam Kỳ và ra mắt Tạp chí Văn nghệ Tam Kỳ, ông cũng là một trong những độc giả đầu tiên rồi gửi thơ cộng tác thường xuyên. Đó là cách ông chọn lựa nhẹ nhàng để đi vào cuộc sống, chan hòa mà tạo duyên trong cõi đời. Vì thế, hầu như trong các cuộc mạn đàm về thơ, diễn ngâm thơ của Hội Văn học nghệ thuật Tam Kỳ, người yêu thơ, bạn bè làm thơ luôn bắt gặp một bóng áo cà sa say sưa với từng câu chữ thơ thiền.

Cũng phải mất nhiều thời gian nữa, ngôi chùa Chiên Đàn của trụ trì Thích Thông Nhã mới hoàn thành xây dựng, trùng tu. Vị sư này đang nuôi dưỡng một ý nguyện là có thể mang loài cây có tên Chiên Đàn từ bên Ấn Độ về trồng xung quanh chùa để gợi nhắc về lịch sử ngôi chùa cho các thế hệ đời sau. Cũng như việc sưu tầm gạch ngói cổ về hội tụ trong ngôi chùa cũng là cách để lưu dấu ấn những vùng đất Phật mà các vị tiền bối của đạo Phật của đất Việt đã trải qua trên hành trình truy tầm, hoằng dương Phật pháp.

Bằng những trải nghiệm tu hành, trải nghiệm trong cuộc sống, Đại đức Thích Thông Nhã luôn để tâm mình hướng đến cộng đồng bằng nhiều việc làm ý nghĩa, bằng tâm thế của một nhà tu hành hiểu lẽ được mất ở đời. Như ông viết trong hai câu thơ gần như là kệ này, cái còn lại của một đời người có lẽ cũng chỉ là hư không, vậy nên người giác ngộ luôn thấy cuộc sống viên mãn: “Nắm mở bàn tay hư không vô tận/ Tỉnh giấc mơ rồi viên mãn trời trong”…

NGỌC KẾT

(theo Báo Quảng Nam Online)

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB