Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008)

1280

Năm 2011, về mặt tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập. Tuy nhiên, báo chí Phật giáo Việt Nam thì có sớm hơn thế và đã bước qua tuổi 80, đầy trải nghiệm. Việc biên soạn một cuốn sách về lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam là một việc làm cần thiết.

Nó không chỉ có ý nghĩa đối với Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn rất quan trọng đối với những người nghiên cứu về lý luận, lịch sử báo chí và đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn hóa, xã hội.
Trong thực tế đã có một số nhà nghiên cứu, ở một vài tác phẩm viết về lịch sử báo chí Việt Nam đã có nhắc đến báo chí Phật giáo, tuy nhiên mới chỉ ở một vài khía cạnh nhỏ, thiếu hệ thống và chưa thể gọi là đầy đủ.
Với chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và nghiên cứu Phật giáo lâu năm, tác giả Nguyễn Đại Đồng có cơ hội tiếp cận, khảo cứu nhiều tư liệu tổng hợp ở nhiều nguồn quan trọng. Trong đó có cả tư liệu lưu của nhà nước ở các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia, các viện nghiên cứu, có cả tư liệu lưu tại thư viện của các tổ chức, cơ sở Phật giáo, và có cả tư liệu thuộc sở hữu cá nhân của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Qua việc khảo chứng từ các nguồn tư liệu phong phú đó, tác giả Nguyễn Đại Đồng đã viết nên cuốn Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008). Đây là kết quả xứng đáng của công trình nghiên cứu nghiêm túc, tốn nhiều thì giờ, công sức và cả tài chính của tác giả.
Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008) là một tài liệu tham khảo có giá trị về bức tranh toàn cảnh của báo chí Phật giáo Việt Nam từ khi ra đời năm 1929 (theo tác giả) cho đến năm 2008. Với việc chia sách ra thành 4 phần: Phần thứ nhất: Báo chí Phật giáo từ khi ra đời đến ngày toàn quốc kháng chiến (1929 – 1945); Phần thứ hai: Báo chí Phật giáo thời kỳ 1947 – 1954; Phần thứ ba: Báo chí Phật giáo từ khi hòa bình lập lại đến đầu thế kỷ XXI (1955 – 2008); Phần thứ tư: Báo điện tử Phật giáo tiếng Việt; và Phần kết luận, tác giả đã mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng thể, hệ thống, tương đối toàn diện về báo chí Phật giáo Việt Nam, các loại hình báo chí, các tờ báo cụ thể, đặc trưng về tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, nội dung, tầm ảnh hưởng của từng loại báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội.
Đúng như tác giả nhận định, cùng với sự phát triển của lịch sử và đáp ứng nhu cầu xã hội, báo chí Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu gắn chặt với phong trào chấn hưng Phật giáo, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở Việt Nam. Nội dung của các tờ báo, tạp chí, tạp san… có thể khác nhau, nhưng nó giống nhau ở việc cùng đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực ngoại bang, đấu tranh chống lại các hủ tục, mê tín dị đoan của Phật giáo thời bấy giờ, góp phần chấn hưng Phật giáo. Qua các trang báo, nội dung kinh điển, văn hóa Phật giáo được tuyên truyền, phổ biến và hoằng dương đến với đông đảo công chúng độc giả, mà quan trọng là chức sắc, tín đồ, Phật giáo Việt Nam để hướng họ đến với những giá trị trân quý, thiện lành, nhân bản của chân Phật giáo.
Cùng với nền báo chí cách mạng, báo chí của các tổ chức chính trị, xã hội, các tôn giáo khác, qua tác phẩm Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008), báo chí Phật giáo đã góp phần tạo nên cái nhìn toàn cảnh, phong phú, đa dạng về báo chí, vai trò của báo chí và hoạt động của báo chí ở Việt Nam.
Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008)  là một cuốn sách công cụ có giá trị tra cứu, tham khảo về lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Sách do Nhà Xuất bản Tôn giáo ấn hành. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tác giả: Yên Sơn 
Nguồn: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/244/0/2871/Luoc_khao_Bao_chi
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB