Lời tưởng niệm Giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

672

LỜI TƯỞNG NIỆM

GIÁC LINH ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN

của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

————————

HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN dâng lời tưởng niệm trước Giác linh đài

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Giác linh cố Đại lão Hòa Thượng thượng Thiện hạ Duyên – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thành viên Hội đồng Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Chứng minh Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam; Viện chủ chùa Đạo Nguyên, Tp.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nguyên Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự GHPGVN; Nguyên Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN; Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam; Nguyên Phó ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Nguyên Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Quảng Tín; Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Nam.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng !

Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập bảo tháp, nơi an nghỉ nghìn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng !

Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, áo vải cờ đào, thành đồ bàn một thuở vang danh, đất Hoàng đế một thời lập nghiệp, nước sông Côn thao thao dòng Phật thủy, xứ Phù Cát gió quyện mây từ, đất Bình Định kết thành thọ mạng, Đại lão Hòa thượng đã thác tích hiện thân Đại sỹ. Năm 12 tuổi khơi dậy hạt giống Bồ đề, chốn chùa Tịnh An xả tục cầu chân, nêu cao chí cả, đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát luân hồi, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.

Rồi đến chốn tổ Hưng Long, Đại lão Hòa thượng được Tôn sư Pháp huý Nguyên Lưu tiếp tục xuất trần, được khai thông đường học đạo. Trong buổi đạo xuất gia học tập do năm dung bồi cõi Đức, Đại lão Hòa thượng đã tham học Phật pháp, nghiên tầm Giáo điển, ngày đêm ôn tầm bối diệp với các bậc danh Tăng thạc đức tại chốn tổ Hưng Long, Thiên Đức, rồi đến Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang.

Rồi đến độ nhân duyên hội đủ, trường Tuyển Phật lần lượt bước vào, Đại lão Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ kheo. Kể từ đấy, ngôi Tam tôn kế vị, xứng danh bậc sứ giả Như Lai, thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh, trau dồi trí đức, phước huệ trang nghiêm, vun trồng bản thể.

Bằng hạnh nguyện Đại thừa trên tinh thần lục hòa cộng trụ, Tứ chúng đồng tu, Hòa thượng với tư cách Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Tín, cùng chư tôn giáo phẩm các hệ phái tổ chức Giáo hội tại Việt Nam đã mở ra trang sử sáng ngời cho Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam), thể hiện trọn vẹn tinh thần, nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử cả nước trong suốt 2.000 năm lịch sử truyền thừa mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đỉnh cao của thời đại.

Cố Đại lão Hòa thượng đã đi vào đời hoằng đạo bằng tinh thần Đại sĩ, cư trần bất nhiễm, quyết chí hy sinh phụng sự cõi trần. Đại lão Hòa thượng đã tỏa ngát hương lành, giống trống lôi âm vang rền tiếng Pháp khắp cả vùng miền Trung và Cao Nguyên gió lộng sương mù, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, làm cho chí khí sáng soi dòng diệu sử, đậm nét non sông, đèn thuyền tỏ rạng, Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạng, hương giới bay xa, chan hòa tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Qua hơn 65 năm đóng vai trò Long tượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Đại lão Hòa thượng đã mở Trường Phật học, đào tạo Tăng tài. Trên cương vị Giới sư của các đại Giới đàn, Đại lão Hòa thượng đã khai thông giới thân huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Đồng thời, Đại lão Hòa thượng đã tế độ cho nhiều đệ tử xuất gia và tại gia, từng lớp Tăng Ni tín tâm kiên cố, đạo nghiệp tinh chuyên, trở thành pháp khí Đại thừa, làm tốt đời đẹp đạo. Để từ đó: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Cố Đại lão Hòa thượng đã từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng; đồng thời Đại lão Hòa thượng đã tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tổ quốc tỉnh Quảng Nam trong nhiều nhiệm kỳ.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ với 40 năm phục vụ Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017) suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là thành viên Hội đồng Giám luật Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh; Chứng minh Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam cho đến ngày về cõi Phật. Hòa thượng đã chu toàn một cách có trách nhiệm và trọn vẹn sứ giả Như lai, trung tôn trong hàng đại chúng và phúc điền của chúng sinh.

Với những công đức đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân vận, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân và Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Nam, Bằng Tuyên dương Công đức của GHPGVN và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Có thể nói, Cố Đại lão Hòa thượng đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý báu về kinh nghiệm lãnh đạo, gương dấn thân trong công tác Phật sự, sự linh hoạt trong điều hành, kiên định trong chí nguyện phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.

Đại lão Hòa thượng còn để lại cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, chư Tăng Ni Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam cũng như Môn đồ đệ tử một trọng trách vô cùng to lớn, đó là tiếp tục phát huy Phật giáo tỉnh Quảng Nam ngày càng ổn định trang nghiêm, đồng hành trong lòng Dân tộc, nhất là sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng đã dầy công xây dựng trong những ngày đầu đầy khó khăn lịch sử. Đại lão Hòa thượng còn để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cả một thế hệ học trò, môn đệ có đầy đủ đức, tài để đảm nhiệm các trọng trách của Giáo hội, gánh vác việc đạo, việc đời.

Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, Đại lão Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chùa Đạo Nguyên – Trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Nam khang trang, để nơi đây xứng đáng là chốn phạm vũ huy hoàng, là cơ sở tiêu biểu của Giáo hội tại địa phương. Thế mới biết: “Công Ngài đổ xuống đất này. Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”.

Thế những tưởng trên bước đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn nữa, để làm Thiền đăng định hướng cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và bóng cây che mát Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói chung và Tăng Ni, Phật tử tỉnh Quảng Nam nói riêng. Nào ngờ đâu, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch trong sự kính tiếc vô hạn của Trung ương Giáo hội, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam, Tăng Ni, Phật tử cùng Môn phong Pháp phái và Môn đồ Pháp quyến, làm sao tìm được trong kiếp người hữu hạn. Ôi! “Người xưa nay đã còn đâu. Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương. Ra vào lòng dạ vấn vương. Bóng hình Đại sĩ du phương xa mờ”.

Sự ra đi vĩnh viễn của Đại lão Hòa thượng là một mất mát lớn lao đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo tỉnh Quảng Nam cùng Môn phong Pháp phái, Môn đồ Pháp quyến cũng như Tăng Ni, Phật tử. Sự mất mát này, chúng tôi cũng như Tăng Ni, Phật tử không sao tìm lại được trong cuộc đời hữu hạn của kiếp người. Than ôi! “Trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đãnh, Đàn truyền giới thiếu Thầy Hòa thượng, Chùa Đạo Nguyên vắng bóng bậc Tôn sư”.

Đại lão Hòa thượng đã đến, đã đi và đã trở về Pháp giới chân như thường trụ, thể tánh tịnh minh, một cách nhẹ nhàng, tự tại, như cánh nhạn giữa trời không, bóng trăng in đáy nước. Hơn 94 năm hiện hữu với đời, 65 năm thực hành sứ mạng cao cả tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư Tôn thạc đức Lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ, thực hành các sứ mạng cao cả, đưa Phật giáo Việt Nam hòa nhập và đồng hành cùng xã hội và dân tộc, thực hành trọn vẹn sứ mạng từ ngàn xưa: “Hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo”. Cuộc đời và hành trạng của Đại lão Hòa thượng đã để lại dấu ấn vàng son cho đời từ khi bước chân vào đạo cho đến khi an ngự cảnh Liên đài. Quả thực: “Một mai thân xác tiêu tan. Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời. Pháp thân lồng lộng sáng ngời. Chan hòa pháp giới rạng ngời sử xanh”.

Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, Đại lão Hòa thượng hóa duyên đã mãn, nơi thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, Pháp thân lồng lộng khắp mười phương, Giác linh Đại lão Hòa thượng đã tự tại thong dong, vận thần thông đoan ngự bảo liên đài, xả báo thân, chứng nhập Pháp thân, siêu Tịnh độ không rời uế độ.

Giờ đây, trước Giác linh đài Đại lão Hòa thượng, chúng tôi Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Phật giáo tỉnh Quảng Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước, là những pháp hữu đồng hành, đồng sự trong Chánh pháp, xin thắp nén tâm hương tưởng niệm, kính cẩn dâng lên cúng dường Giác linh Đại lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ muôn đời trong Chánh pháp; chúng tôi xin kính nguyện phát huy Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo tỉnh Quảng Nam ngày càng ổn định, trang nghiêm vững mạnh trong lòng dân tộc. Đồng thời kính nguyện: “Linh sơn nghĩa cũ tình xưa. Ta bà Tịnh độ say xưa Pháp màu. Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu. Xây tình Pháp lữ bắt cầu tâm giao. Đời nay đến những đời sau. Chung lo Phật sự với bao nhiêu tình. Quyết lòng độ tận chúng sinh. Từ bi trí tuệ thọ tình ước mong. Không rời bản thể chân không. Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”.

Thôi nơi thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, Pháp thân lồng lộng khắp mười phương, Giác linh Đại lão Hòa thượng hãy ngao du tự tại. Nơi bảo tháp trang nghiêm chốn Đạo Nguyên, nhục thân Đại lão Hòa thượng hãy nằm đấy cho ngàn thu in bóng. Mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng pháp giới chơn như.

Xin bái biệt Đại lão Hòa thượng!

Nam mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB