Lặng nghe tháng 7 về

145

Tháng Bảy về lao xao màu hạ cuối. Một vài chùm bằng lăng lác đác nở muộn, tím phai trên cành giữa những chùm quả lúc lỉu trông đến đáng yêu. Con đường nắng dát vàng, hắt lên bờ cỏ non đang ủ rủ. Tiếng chim đó đây trên vòm cao ríu rít và lòng người thì rộn ràng, bâng khuâng…

Tháng Bảy về, khiến những người con xa quê nhớ nhung một khoảng trời kỷ niệm. Mùa gặt ùa về với tiếng người í ới gọi nhau, xôn xao khắp đường làng, trên cánh đồng mênh mông lúa chín. Mồ hôi ướt đẫm manh áo lao động, bết xuống gương mặt sạm đen, gầy gò. Vào vụ mùa người ta mới thấy được sự vất vả của người nông dân tần tảo một nắng hai sương. Một vài tạ lúa thu hoạch phải chờ đằng đẵng mấy tháng trời. Cả không gian chìm trong mùi lúa mới, mùi rơm rạ thơm thơm, mùi bùn nâu ngai ngái. Tất cả đã quyện lẫn với nhau tạo nên một thứ mùi đặc biệt, dân dã rất đỗi thân quen. Mùa gặt về khiến người ta khi trưởng thành gợi nhớ một tuổi thơ hồn nhiên, đi tìm bắt từng xâu muồm muỗm về rang ăn béo ngậy. Buổi tối thì tung tăng, nhào lộn trên đống rơm mới tuốt… Tuổi thơ ấy vậy mà sung sướng, cười vui cả ngày.

Tháng Bảy về nhớ mảnh vườn quê khô không khốc, cây cối không lớn được vì nắng gió miền Trung khắc nghiệt. Chiều nào cũng lon ton theo mẹ mang thùng xuống ao múc nước tưới cây. Rau vườn quắt lại, lá héo rũ xuống trông thật là thương. Bao nhiêu nước tưới cũng không thể cho cây cối hồi sinh. Thời tiết miền Trung luôn thử thách lòng người. Hết mưa bão lại tới nắng hạn. Mảnh vườn quê tháng Bảy, đi là nhớ, về là thương. Thương từng chú kiến nối đuôi nhau cần mẫn, thương đàn bướm chập chờn bay, con chuồn chuồn ớt rong chơi trong ráng chiều ối đỏ. Thương cả dáng mẹ tảo tần, xách từng xô nước, thương tháng ngày ta vụng dại rong chơi…

Tháng Bảy về, thế hệ trẻ chúng ta luôn nhớ về ngày Thương binh Liệt sĩ. Ta luôn khắc ghi trong lòng công ơn của bậc cha ông đã ngã xuống. Để một ngày tháng Bảy, ta cùng với đoàn thanh niên tình nguyện tới nghĩa trang thắp nén hương cho những người đã khuất. Đứng giữa vô vàn những ngôi mộ, ta hiểu được phần nào giá trị của hòa bình, năm tháng hào hùng ông cha đã đánh đổi bằng cả máu thịt. Hương trầm thoang thoảng, lòng ta nghẹn ngào chẳng thể nói nên lời…

Tháng Bảy về ta lặng lẽ bật tivi xem chương trình kỷ niệm ngày 27/7. Biết bao nhiêu đôi mắt buồn buồn đọng lại trong ký ức năm xưa của thế hệ cha ông – những “nhân chứng sống” kể lại, mắt hoe đỏ. Những thước phim tư liệu trong thời kỳ lịch sử oanh liệt luôn mang đến cho những thế hệ như ta những cảm xúc đặc biệt. Thế hệ của cha ông, một số ít may mắn được sống tới bây giờ, số còn lại thì có người lưu lạc tận phương trời nào, có người còn không tìm thấy hài cốt. Những người may mắn gặp nhau trong phút giây ngắn ngủi, những tháng ngày cuối cùng của đời người ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Rồi tất thảy cùng ngồi sát cánh bên nhau, như năm xưa đã từng, tay nắm chặt và cùng nhau cất tiếng hát hào hùng. Có lẽ xúc động nhất và lắng đọng lại đó là giây phút các ông phải tạm biệt nhau, hẹn ngày tái ngộ…

Tháng Bảy về nhắc nhớ phận làm con một mùa báo hiếu tới đấng sinh thành. Thật hạnh phúc khi ta được cài lên ngực một bông hồng đỏ thắm và cũng xin chia buồn cho những ai mất mẹ, trên ngực một đóa hoa trắng ngần. Mùa Vu Lan tháng Bảy luôn gợi về những khoảng lặng. Ta nhớ lời Đức Phật dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Nhớ về cha mẹ vất vả cả cuộc đời vì đàn con. Cả một đời ta luôn ghi nhớ chữ hiếu vuông tròn, biết thương mẹ cha nhiều hơn – người đã có công sinh thành dưỡng dục. Dẫu tháng ngày bên mẹ cha ngắn ngủi, ta cũng cố gắng hết mình. Mùa Vu Lan cũng để cho ta lắng đọng lại, chiêm nghiệm về cuộc đời, sống chậm, bớt sân si và yêu thương nhiều hơn.

Xin khép lại dòng hoài niệm cùng tháng Bảy ngọt ngào, để năm tháng mai này nhắc nhớ ta lại càng thêm yêu hơn những tháng ngày hiện tại… Lặng nghe tháng Bảy… lòng xao xuyến, bâng khuâng…

Tăng Hoàng Phi

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 371) 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB