(QCB) – Sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn thường được tổ chức thành một lễ hội thiêng liêng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, nên cả hai truyền thống lớn của Phật giáo là Bắc truyền và Nam truyền, đã tổ chức sự kiện trọng đại này vào những thời điểm khác nhau trong năm.
Cụ thể, Phật giáo Nam truyền đã tổ chức ngày Đức Phật nhập Niết-bàn trùng với ngày Đản sanh và Thành đạo, gọi là lễ Tam hợp, thường được diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tương đương 15 tháng Tư âm lịch ở Việt Nam). Với Phật giáo Bắc truyền, sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Hai âm lịch.
Sự khác biệt về thời gian trong khi tổ chức sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn không những tạo nên tính đặc thù của mỗi truyền thống Phật giáo, mà còn là mối quan tâm của nhiều người, trong đó có chúng tôi.
Từ trăn trở đó, chúng tôi thử khảo sát về ngày, tháng Đức Phật nhập Niết-bàn căn cứ vào tư liệu kinh văn của hai truyền thống, cũng như dựa trên những thành tựu của nhiều ngành khoa học có liên quan đến sự kiện này.
Tư liệu về ngày, tháng Đức Phật nhập Niết-bàn và tính đa dạng của lịch pháp Ấn Độ
1- Tư liệu từ Nikāya và Hán tạng
Theo tác phẩm Mahavaṃsa, được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ 6 AD1, ở chương III,ghi:
Khi đấng Tối thắng, đấng Vô song, đấng Ngũ nhãn, đã sống đến năm tám mươi bốn tuổi và đã làm xong tất cả những phận sự của Ngài trong thế gian về mọi phương diện; sau đó, vào ngày trăng tròn của tháng Vesākha, tại Kusinārā, trong khoảng thiêng liêng giữa hai cây sāla, ánh sáng của thế gian đã ngừng chiếu2.
Chú giải Luật thiện kiến (Samantapāsādikā nāma Vinayaṭṭhakathā), là một tác phẩm chú giải luật Tỳ-kheo theo truyền thống Theravāda của Phật giáo Tích Lan, do ngài Tăng Già Bạt Đà La dịch vào năm 488, ghi rằng:
Khi làm xong những điều cần làm, giữa rừng cây sa-la thuộc quốc vương họ Mạt-la (Māla), nước Câu-thi-na (Kuninarā) vào lúc rạng sáng ngày 15 tháng Hai (Visakhā punnamadivasa paccūsasamaya), ngài nhập Vô dư Niết-bàn3.
Theo Thuyết-nhất-thiết-hữu-bộ, (Sarvāstivādin), Đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày mùng 8 tháng Ca-lạt-để-ca (迦剌底迦)4. Theo đối chiếu của ngài Huyền Tráng trong tác phẩm Đại Đường Tây Vức ký, tức là ngày mùng 8 tháng 9 theo lịch thời nhà Đường, triều đại Đường Thái Tông (599-649).5
Mâu Tử lý hoặc luận, một tác phẩm gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam, được biên soạn ở thế kỷ thứ II, ghi:
Phật giáo hóa trời, người, độ thoát chúng sanh. Sau đó vào ngày 15 tháng Hai đã vào cảnh giới Niết-bàn6.
Kinh Phật thuyết Đại-bát Nê-hoàn, bản dịch của ngài Pháp Hiển (337-418)7, ghi:
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Thế Tôn nằm ở khoảng giữa hai cây sa-la trong rừng Kiên cố, bên bờ Hi-liên, nơi vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, thuộc thành Câu-di. Bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng Hai, Thế Tôn sắp sửa vào bát-nê-hoàn, tám trăm ức vị Tỳ-kheo cùng ngồi vây quanh Thế Tôn8. (Thích Nguyên Hùng, dịch).
Kinh Đại bát Niết-bàn, bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm (385-433), ghi:
Tôi nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Câu-thi-na, trong thôn gia của bộ tộc Lực sĩ, bên bờ sông A-lợi-la-bạt-đề, dưới bóng cây sa-la. Lúc ấy, Thế Tôn cùng với tám mươi ức trăm ngàn chúng đại Tỳ-kheo cùng câu hội, tuần tự nhiễu quanh Đức Phật, vì khi ấy vào ngày 15 tháng Hai, Ngài chuẩn bị nhập Niết-bàn.9
Bồ-tát Tùng Đâu-thuật thiên giáng thần mẫu thai thuyết kinh quảng phổ, do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào năm đầu niên hiệu Hoằng Thủy (399)10, ghi:
Tôi nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở tại phía Bắc thành Ca-tỳ-la-vệ, dưới bóng cây Song-thọ, vào lúc nửa đêm ngày mùng 8 tháng Hai, Ngài chuẩn bị buông bỏ thọ mạng để nhập Niết-bàn11.
Kinh Trường A-hàm ngài Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào niên hiệu Hoằng Thủy thứ 15 (414)12, ghi:
Mồng tám, sinh Lưỡng Túc Tôn.
Mồng tám, vào rừng tu khổ.
Mồng tám thành Tối thượng đạo.
Mồng tám vào thành Niết-bàn.
Tháng Hai Như Lai sanh.
Tháng Hai Phật xuất gia.
Tháng Hai thành Bồ-đề.
Tháng Hai vào diệt độ13.
Đại Đường Tây Vức ký của ngài Huyền Tráng (602-664), ghi:
Vào năm 80 tuổi, Phật đã nhập Niết-bàn vào ngày 15 tháng Phệ-xá-khư (吠舍佉月), tương đương ngày 15 tháng Ba theo lịch nhà Đường14.
Qua 9 nguồn tài liệu nêu trên, đã cho thấy, thời điểm Đức Phật nhập Niết-bàn được xác tín vào những ngày, tháng sau:
Về ngày: mùng 8; trăng tròn; rạng sáng ngày 15; ngày 15.
Về tháng: Vesākha; Phệ-xá-khư; Ca-lạt-để-ca, tháng Hai.
Ngoại trừ hai điểm dị biệt, là ngày mùng 8 và tháng Ca-lạt-để-ca, thì 9 nguồn tài liệu nêu trên phần lớn đều thống nhất ở điểm, Đức Phật viên tịch vào ngày 15 tháng Vesākha. Vậy phải chăng, đây chính là ngày mà Đức Phật đã viên tịch theo lịch pháp của Ấn Độ?
2- Tính đa dạng của lịch pháp Ấn Độ
Hơn đâu hết, Ấn Độ là một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới có những thành tựu to lớn trong lãnh vực thiên văn, mà cụ thể là lịch pháp. Cũng chính vì vậy, ngay từ thời cổ đại và thậm chí cho đến ngày nay, lịch pháp của đất nước Ấn Độ rất đa dạng và phong phú.
Trong tác phẩm Lịch pháp của Ấn Độ (The Calendars of India), Tiến sĩ Vinod K. Mishra cho rằng, trong lịch sử phát triển của mình, Ấn Độ đã sử dụng rất nhiều loại lịch pháp như: âm lịch – căn cứ vào sự vận động của mặt trăng trên quỹ đạo xung quanh trái đất, dương lịch – căn cứ vào sự vận động của trái đất trên quỹ đạo xung quanh mặt trời và âm-dương lịch là sự kết hợp giữa âm lịch và dương lịch. Nền tảng cổ xưa của các loại lịch pháp Ấn Độ bắt nguồn từ triết học Veda, và phần lớn các lễ hội tôn giáo đều sử dụng lịch âm (lunnar calendar) làm cơ sở15.
Trong âm lịch (lunnar calendar), có hai hệ thống tính ngày trong tháng. Các tiểu bang thuộc khu vực phía Tây và Nam Ấn Độ như Gujarat, Maharashtra, Andra Pradesh… lấy ngày không có trăng (Amānta)16 làm ngày đầu tiên trong tháng (giống như cách tính lịch âm của người Việt), và một số bang ở khu vực phía Bắc Ấn Độ như Bihar, Madhya Pradesh, Uttar Pradesh… chọn ngày trăng tròn (Pūrṇimāta)17 làm ngày khởi đầu của tháng. Như vậy, trong cùng một tháng âm lịch, hai hệ thống lịch pháp này chênh lệch nhau 15 ngày. Ngày đầu tháng theo hệ thống lịch pháp này được xem là ngày giữa tháng của hệ thống lịch pháp kia. Hai cách tính âm lịch này hiện còn được sử dụng ở Ấn Độ.
Kinh văn Veda cũng cho rằng, một năm âm lịch có 360 ngày chia ra thành 12 tháng, và bình quân mỗi tháng có 30 ngày18. Một ngày được bắt đầu từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời mọc trở lại vào ngày hôm sau; một tháng bắt đầu từ một ngày nhất định trong tháng, đến khi gặp lại ngày này của tháng kế tiếp; và một năm khởi đầu từ một mùa cho đến khi mùa này quay trở lại19.
Do cùng tồn tại nhiều loại lịch pháp, thế nên khi cần xác định một sự kiện trong lịch sử Ấn Độ, cần phải tham chiếu loại lịch pháp đang được áp dụng trong khu vực đó, trong bối cảnh liên hệ với sự kiện đó. Chính vì vậy, để giúp các cơ quan công quyền trung ương nắm bắt kịp thời các lễ hội diễn ra trong năm, chính phủ Ấn Độ hằng năm đều cung cấp một phụ lục về danh sách các lễ hội20. Ở đây, vấn đề thử xác định tháng Vesākha theo chủ đề khảo cứu là một ví dụ điển hình.
Theo lịch pháp Vedāṅga Jyotiṣa, một trong những văn bản sớm nhất về ngành thiên văn và chiêm tinh ở Ấn Độ, thì tháng Vesākha là tháng thứ 4 trong năm21.
Theo dương lịch của Hindu (Hindu solar), tháng Vesākha là tháng đầu tiên trong năm22.
Theo lịch Nepali, tháng Vesākha, cũng còn gọi là tháng Baishakh, là tháng đầu tiên trong năm23.
Theo âm-dương lịch, hệ thống lịch pháp tổng hợp cả âm lịch và dương lịch của Hindu (Hindu luni-solar), tháng Vesākha là tháng thứ hai trong năm24.
Theo kinh Đạt-ma-đa-la-thiền do ngài Phật Đà Bạt Đà La (359-429)25 dịch vào thời Đông Tấn (317-420), cũng xác nhận rằng, tháng Bệ-xá-khư (陛舍佉) từ ngày 16 tháng đầu tiên, đến ngày 15 tháng thứ hai trong năm, theo lịch pháp Ấn Độ26.
Theo ghi nhận của ngài Huyền Tráng (602-664) trong Đại Đường Tây Vức ký thì tháng Phệ-xá-khư (吠舍佉月) chính là tháng thứ 2 trong lịch pháp Ấn Độ27.
Theo lịch quốc gia Ấn Độ ngày nay (Indian National Calendar). Lịch này căn cứ theo kỷ nguyên Saka, là một loại âm-dương lịch (Solar and lunar calendar)28. Tháng Vesākha là tháng thứ hai, tương đương tháng 4-5 dương lịch.
Như vậy, tháng Vesākha trong 7 nguồn tư liệu về lịch pháp nêu trên, nhằm chỉ cho tháng đầu tiên, tháng thứ hai và tháng thứ tư trong 12 tháng của lịch pháp Ấn Độ, tùy vào mỗi hệ lịch pháp. Trong tất cả các hệ lịch pháp, thứ tự các tháng trong năm không thay đổi, nhưng mỗi hệ lịch pháp đều lấy tháng đầu tiên trong một năm khác nhau (âm-dương lịch lấy tháng Chaitra là tháng đầu tiên, dương lịch Ấn Độ và lịch Nepal thì khởi đầu một năm mới từ tháng Vesākha).
Do đó, xét riêng trong lịch pháp Ấn Độ nói chung, nếu chỉ căn cứ vào tên gọi Vesākha thì chưa đủ cơ sở để khẳng định đó là tháng thứ mấy trong 12 tháng. Điều này càng khó khăn hơn khi đối chiếu với các nguồn lịch pháp khác như dương lịch (Gregorian calendar), hoặc âm lịch Trung Quốc, hay âm lịch Việt Nam ngày nay.
Từ những khảo cứu về lịch pháp nêu trên, để đi tìm ngày và tháng Đức Phật nhập Niết-bàn, chúng tôi hạn chế sử dụng phương pháp đối chiếu lịch pháp, mà chủ yếu sử dụng các hệ quy chiếu khác, cụ thể như căn cứ vào tuổi thọ của Đức Phật, mùa hoa sāla và điều kiện thời tiết làm cơ sở nghiên cứu.
Theo đó, ba vấn đề làm cơ sở nghiên cứu của chúng tôi được căn cứ vào kinh Đại-bát-niết-bàn thuộc Trường bộ. Những nội dung trong bản kinh này cũng được phát hiện trong kinh Du hành, và các kinh liên quan đến sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn trong Hán tạng.
Đặc biệt, tư liệu cổ nhất hiện giờ của bản kinh Đại-bát-niết-bàn bằng ngôn ngữ Kharoṣṭhī (Mahāparinirvāṇasutra) được ghi trên lá cọ (Palm leaf), do Giáo sư Richard Salomon và Mark Allon giới thiệu, gồm 12 phân mảnh, có niên đại 2-3 AD. Theo Giáo sư Salomon, bản kinh này có nội dung rất giống với phiên bản kinh Đại-bát-niết-bàn thuộc tạng Pāli29. Đây là tín hiệu lạc quan về cơ sở tham chiếu của chúng tôi.
Tuổi thọ của Đức Phật, mùa hoa Sala và điều kiện thời tiết
1- Tuổi thọ của Đức Phật và cơ sở để tính tuổi thọ
Trong mùa an cư cuối cùng tại làng Beluvā ở thành Vesāli, Đức Phật đã gặp phải một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết30, và Ngài đã nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống31.
Sau khi lành bệnh, trong một pháp thoại với Tôn giả Ānanda, Đức Phật đã khẳng định Ngài 80 tuổi và đã già:
Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng32.
Cũng trong cuộc hội kiến cuối cùng với Đức Phật tại thị tứ Medalumpa, được ghi lại trong kinh Pháp trang nghiêm, vua Pasenadi đã đồng thời khẳng định Đức Phật đã 80 tuổi:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuộc dòng Sát-đế-lị, con cũng thuộc dòng Sát-đế-lị. Thế Tôn là người nước Kosala, con cũng thuộc người nước Kosala. Thế Tôn được tám mươi tuổi, con cũng được tám mươi tuổi33.
Sau khi kết thúc kỳ an cư mùa mưa tại Beluvā, Đức Phật vào thành Vesāli khất thực. Tại điện thờ Cāpāla, Ngài tuyên bố rằng:
Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ34.
Sau tuyên bố đó, Đức Phật đã từ biệt Vesāli và bắt đầu chuyến du hành cuối cùng, đi qua các thành thị và thôn ấp như Bhandagāma, Hatthigam, Ambagama, Jambugama, Bhoganagara, Pāvā, vượt sông Kakuthā, sông Hiraññavatī và đến rừng sāla, thuộc Kusinārā Upavattana.
Tại Kusinārā, trong khi hóa độ cho người đệ tử cuối cùng tên là Subhadda, trước khi diệt độ, Đức Phật đã một lần nữa khẳng định rằng ngài 80 tuổi:
Này Subhadda, năm hai mươi chín,
Ta xuất gia hướng tìm chân thiện đạo.
Trải năm mươi năm với thêm một năm
Từ khi xuất gia, này Subhadda,
Ta là du sĩ tu Trí, tu Ðức35.
Cần phải thấy, cơ sở để tính tuổi của một con người nói chung dựa trên sự khởi đầu của một năm mới. Qua những đoạn kinh văn trên đã khẳng định, từ khi khỏi bệnh ở Vesāli và ba tháng sau tại Kusinārā, Đức Phật vẫn sống trong năm cũ mà chưa bước sang năm mới theo lịch pháp của Ấn Độ thời bấy giờ.
Như đã trình này, thứ tự các tháng trong năm là thống nhất ở tất cả các hệ lịch pháp Ấn Độ. Với các hệ lịch bắt đầu một năm mới với tháng Chaitra36, thì hai lễ hội quan trọng nhất của Ấn Độ: lễ hội Diwali (Deepavali) là ngày không trăng của tháng Kartika – tháng thứ tám trong năm (thường rơi vào ngày 29 tháng 9 âm lịch Việt Nam)37, và lễ hội Holi nhằm vào ngày trăng tròn tháng Phālguna – tháng cuối cùng (thường rơi vào ngày 16 tháng 2 âm lịch Việt Nam)38. Hai ngày lễ lớn này, cũng như các ngày lễ hội Ấn Độ đều căn cứ trên âm-dương lịch Ấn Độ, nên ngày lễ hội hằng năm rơi vào các ngày khác nhau, ở những năm khác nhau nếu tính theo dương lịch. Nếu đối chiếu với dương lịch, thì lễ Holi và Diwali không nằm trong cùng một năm; Holi năm cũ rơi vào tháng 3 dương lịch trong khi đó, Diwali nằm trong tháng 10 dương lịch.
Với Đức Phật, vào năm cuối cùng của cuộc đời, có vài sự kiện quan trọng diễn ra trong khoảng lễ hội Diwali (Deepavali) của tháng Kartika – tháng thứ tám trong năm. Trong thời gian của tháng Kartika sau mùa an cư cuối cùng, Đức Phật phải lo tang lễ cho hai cao đệ là Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên.
Kinh Tiểu bộ, chuyện Vua Đại thiện kiến, ghi rằng:
Khi Như Lai trú Kỳ Viên, Ngài suy nghĩ: Trưởng lão Xá Lơi Phất sanh ở làng Nālaka, đắc Niết-bàn vô dư y ở Varaka, vào đêm rằm Kattika. Còn Đại Mục Kiền Liên mệnh chung cũng vào tháng Kattika, trong phần trăng tối. Như vậy, hai đệ tử đầu tay đã đắc Niết-bàn vô dư y. Ta sẽ đắc Niết-bàn vô dư y ở Kusināra39.
Sự kiện viên tịch của ngài Đại Mục Kiền Liên cũng được kinh Tiểu bộ, Chuyện đại nhân thiện xạ Sarabhanga, xác tín:
Bậc Đạo sư bảo Tăng chúng đặt kim thân Tôn giả này vào địa điểm hành lễ, trong lúc Ngài đứng ngay cạnh đó, và suốt trong khoảng một dặm đường quanh giàn hỏa táng, hoa trời rơi xuống như mưa sa, chư Thiên và loài người cũng đứng chen lấn nhau, dự Thánh lễ suốt bảy ngày. Bậc Đạo sư bảo lượm xá-lợi đầy đủ, và dựng đền thờ trong ngôi nhà có gác nhọn tại Trúc Lâm40.
Từ sự viên tịch của hai đại đệ tử trong tháng Kattika đã cho thấy, số tuổi của Đức Phật không hề tăng thêm khi đi qua lễ Diwali (Deepavali). Và do vậy, tuổi của Đức Phật chỉ còn căn cứ vào lễ hội còn lại, tức là lễ Holi – ngày trăng tròn ở tháng cuối cùng trong năm.
Ở khu vực Bắc Ấn nói riêng và cả nước Ấn Độ nói chung, lễ hội Holi diễn ra vào tháng Phālguna, tức là kết thúc mùa đông và khởi đầu mùa xuân. Thời điểm mừng lễ hội trong mùa xuân đã có mặt rất lâu trên đất nước Ấn Độ và được nhiều kinh văn Phật giáo lưu lại. Rất có thể, hệ lịch pháp này lấy ngày trăng tròn làm ngày đầu tiên trong tháng, và lễ Holi – ngày trăng tròn ở tháng cuối cùng trong năm, là ngày Tết của người dân Ấn thời xưa. Trên cơ sở này, tuổi của Đức Phật có thể được tính từ lễ hội Holi, hay còn gọi Tết Holi theo cách nói phổ biến của chúng ta.
Kinh Tú Diệu do Sa-môn Bất Không (705-774)41 dịch vào thời nhà Đường, ghi:
Ấn Độ lấy tháng Hai làm tháng đầu năm. Vì khi ấy thời gian của ngày và đêm bằng nhau, thời tiết an hòa, cây cối phát triển xanh tươi, Phạm Thiên bèn lấy đó làm năm mới42.
Như vậy, căn cứ vào sự khẳng định của Đức Phật: Ngài thọ 80 tuổi, ở vào đêm viên tịch và cả ba tháng trước đó; đã chứng tỏ rằng, khi Đức Phật viên tịch thì lễ hội năm mới chưa diễn ra.
Điều này có ý nghĩa quan trọng là, Đức Phật đã viên tịch trước Tết Holi, diễn ra vào tháng Phālguna, tức là tháng mùa xuân, không phải là mùa hạ. Tư liệu về mùa hoa sāla đã bổ chính thêm điều này.
2- Mùa hoa sāla và thời gian viên tịch của Đức Phật
Kinh Trường bộ ghi:
Lúc bấy giờ, cây sāla song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài43. Chi tiết này cũng xuất hiện trong kinh Du hành44, kinh Đại Bát-nê-hoàn45 thuộc hệ Hán tạng.
Theo M.Monier-Williams, cây sāla là một loài thực vật thân gỗ, có tên khoa học là Vatica Robusta46, hoặc Shorea Robusta, là một loại cây thiêng trong văn hóa Ấn Độ.
Trong bán nguyệt san Khoa học ngày nay (Current Science) của Ấn Độ, hai tác giả K.P Singh và C.P Kushwaha thuộc khoa Thực vật học, Đại học Banaras Hindu ghi nhận rằng:
Cây sāla bắt đầu nở hoa trong mùa đông và tiếp tục kéo dài cho đến đầu mùa hạ (từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch)47. Bằng chứng thực tế của chúng tôi là hình ảnh hoa sāla nở rộ, được chụp vào ngày 7-4-2013 tại Công viên quốc gia Kanha (Kanha National Park), thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ (ảnh đính kèm).
Ngay trên quê hương Đức Phật, tại bang Bihar ngày nay, khi những loại cây như Sāla (Shorea Robusta) và Mahua (Bassia Latifolia) bắt đầu nở hoa, thì một trong những lễ hội lớn nhất của bang Bihar được tổ chức trong tháng Falgoon: lễ hội Sarhul hay còn gọi là Baha hay là Ba48. Lễ hội Sarhul cũng được xem là lễ đón năm mới ở bang Jharkhand49, một bang thuộc Đông Ấn, tiếp giáp với bang Bihar. Thời gian tổ chức lễ hội này dao động vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch.
Khảo sát thêm về tình hình thời tiết của Ấn Độ, mặc dù hàng năm có sự biến chuyển khác nhau đôi chút, thế nhưng căn cứ vào Tạp chí lịch sử khoa học Ấn Độ (Indian Journal of History of Science ), thời tiết của Ấn Độ từ xưa đến nay vẫn duy trì ba mùa: mùa hè, mùa mưa và mùa đông50. Kinh Được nuôi dưỡng tế nhị thuộc kinh Tăng chi, cũng xác định thời tiết thời Đức Phật có ba mùa: Này các Tỳ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa51.
Với thời tiết ba mùa ổn định như tư liệu lịch sử và hiện đại đã chứng minh, thì thời điểm nở hoa sāla ngày nay cũng không quá khác biệt so với thời Đức Phật.
Trở lại vấn đề được đề cập trong kinh Trường bộ, nếu như hoa sāla nở đúng mùa, thì thời điểm đó diễn ra vào khoảng từ tháng 1 cho đến tháng 4 dương lịch, tức là trong mùa xuân. Nếu y cứ vào kinh văn, cây sāla nở hoa trái mùa, như vậy thời điểm đó phải xảy ra trước tháng 1 dương lịch.
Từ những khảo chứng khoa học về cây sāla và thời gian nở hoa, đã dẫn đến tiểu kết, Đức Phật nhập Niết-bàn vào thời gian trước hoặc trong mùa xuân.
Theo Luật tạng ghi nhận52, thời điểm này cũng rất thuận lợi cho những cuộc du hành, và đó cũng là gợi mở dẫn đến việc khảo sát các điều kiện thời tiết liên quan đến chuyến du hành cuối cùng của Đức Phật.
3- Thời tiết và không gian trước và trong khi Đức Phật nhập Niết-bàn
Kể từ khi Đức Phật tuyên bố ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Vô dư Niết-bàn và chuẩn bị những việc cần thiết cho chuyến du hành cuối cùng; với những diễn biến được ghi nhận từ kinh Đại-bát-niết-bàn, đã cho thấy, thời tiết lúc bấy giờ rất thuận lợi, mang nhiều dấu hiệu của mùa khô ráo.
Trước hết, nếu tính từ điện thờ Cāpāla, một địa điểm được ngài Pháp Hiển xác định vị trí qua một ngôi tháp mang tên Phóng cung trượng (放弓仗)53, thuộc thành Vesāli (Vaishali). Từ Vesāli đến Kusinārā có khoảng cách gần 250km, theo ước tính của hãng điện toán google. Với phương cách di chuyển là đi bộ (padasā), cộng với tuổi của Đức Phật đã cao, các địa điểm ghé thăm cũng nhiều, thời hạn chuyến đi chỉ còn ba tháng… điều đó cho thấy thời tiết rất thuận lợi mới có thể hoàn tất chuyến du hành về Kusinārā.
Thứ hai, số lượng chư Tăng được ghi nhận trước khi Ngài viên tịch lên đến 500 vị54. Với số lượng Tỳ-kheo đông đảo như vậy thì không thể dễ dàng di chuyển trong mùa mưa. Đặc biệt, nếu thời tiết vào mùa mưa hoặc đầu mùa mưa, thì không thể cùng lúc nhanh chóng vượt qua hai con sông Kakutthā và Hiraññavatī trong thời gian 1 ngày, được ghi nhận từ kinh Đại-bát-niết-bàn55, để đến Kusinārā.
Vì thực tế cho thấy, trong hai con sông này, sông Hiraññavatī đã được học giới xác định là sông Little Gandak ngày nay56. Sông Little Gandak bắt nguồn từ cao nguyên Nepal, chảy dọc phía đông Kusinārā và sau đó hợp lưu vào sông Hằng. Nhìn từ Googlemap, lưu vực sông Little Gandak đoạn gần Kusinārā rất phức tạp và rất rộng, vì thượng nguồn của con sông khá dài. Công trình thuyết minh của tác giả N.K Srivastava về mực nước của sông Little Gandak trước mùa mưa (Pre-monsoon – May, 2007) và sau mùa mưa (Post-monsoon – Nov, 2007), đã cho thấy, sông Little Gandak nói riêng và các con sông ở khu vực quận Kushinagar nói chung, có lượng thủy lưu khá lớn57. Ở đây, việc di chuyển dễ dàng cả đoàn 500 vị Tỳ-kheo qua sông Little Gandak, chứng tỏ thời tiết ở Kusinārā đang vào mùa khô (trước tháng 5 dương lịch).
Thứ ba, trong đêm Đức Phật nhập Niết-bàn, hàng loạt sự kiện quan trọng đã diễn ra. Chỉ xét riêng việc đảnh lễ Đức Phật của dòng tộc Mallā đã hết canh thứ nhất (paṭhameneva yāmena)58, tức vào khoảng 9 giờ đêm. Sau đó, du sĩ ngoại đạo Subhadda đến cầu thỉnh Phật xuất gia. Bài pháp mà Đức Phật thuyết cho du sĩ Subhadda cũng khá dài. Kế tiếp, Đức Phật đã dặn dò chúng Tỳ-kheo những việc sau cuối, từ những việc nhỏ nhặt như hành Phạm-đàn đối với Tỳ-kheo Channa, cách thức xưng hô với nhau… cho đến lưu ý quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của Chánh pháp: sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là đạo sư của các Ngươi59. Khi biết chúng Tỳ-kheo không còn nghi ngờ về bất cứ điều gì về giáo pháp, Đức Phật đã nhập Niết-bàn vào canh cuối cùng của đêm(rattiyā pacchime yāme).
Tại một khu rừng mà theo ngài Ānanda là hết sức hoang vắng60, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong đêm Đức Phật nhập Niết-bàn; trong khi đó các điều kiện về ánh sáng như đèn đuốc không được ghi nhận, chứng tỏ đó là một đêm trăng sáng. Kinh điển từng ghi nhận rất nhiều sự kiện trong Phật giáo được diễn ra trong đêm sáng trăng61. Do vậy, nhiều tư liệu kinh điển cho rằng, Đức Phật nhập Niết-bàn trong một đêm trăng tròn62, là những quan điểm có cơ sở lịch sử.
Nhận định
Qua đối chiếu nhiều nguồn tư liệu từ Nikāya cho đến Hán tạng về ngày, tháng Đức Phật nhập Niết-bàn; phần lớn các tài liệu đều thống nhất rằng, Đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesākha.
Trong khi đó, tùy theo quan điểm của từng bộ lịch pháp mà tháng Vesākha được sắp sếp ở những vị trí khác nhau. Sau khi tỉ giảo các tư liệu về lịch pháp của Ấn Độ, xưa cũng như nay, thì tháng Vesākha phần lớn được xem là tháng thứ hai, là tháng mùa xuân hoặc nằm giữa mùa xuân (vernal equinox).
Ở đây, giữa tháng Vesākha mùa xuân và tháng Vesākha mùa hạ, tùy theo từng loại lịch pháp mà có một khoảng cách khá xa. Liên hệ vào kho tàng kinh điển, ngay cả Pāli hay Hán tạng, có những trường hợp tuy cùng một tên gọi, nhưng có thể chỉ cho nhiều vấn đề, nhiều con người, nhiều sự kiện khác nhau63. Theo chúng tôi, sự nhầm lẫn giữa tháng Vesākha mùa xuân và tháng Vesākha mùa hạ là sự kiện có thể xảy ra.
Đức Phật nhập Niết-bàn khi hoa sāla đang nở, nghiên cứu về thực vật học và cả khảo sát thực địa đã chỉ ra rằng, hoa sāla nở rộ nhất trong mùa xuân. Sự kiện hoa sāla nở trái mùa theo ghi nhận từ kinh điển, có lẽ mang dấu ấn của văn hóa tán ca, một phong vị đặc thù của văn hóa Ấn Độ thời cổ, thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong kinh điển Phật giáo64.
Từ những khảo chứng về sự bất đồng của lịch pháp Ấn Độ, trong việc xác định tháng Vesākha, căn cứ vào tuổi thọ của Đức Phật, thời điểm cây sāla trổ hoa, và điều kiện thời tiết trong chuyến du hành cuối cùng; đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, Đức Phật nhập vô dư Niết-bàn vào đêm trăng tròn, trước khi lễ hội năm mới Holi diễn ra cũng vào ngày trăng tròn ở Ấn Độ.
Như vậy, thời điểm Đức Phật nhập Niết-bàn có khả năng diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng theo âm lịch Việt Nam ngày nay. Trong liên hệ thực tiễn, sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn đang được Phật giáo Bắc truyền tổ chức vào ngày rằm tháng Hai âm lịch, vẫn có những cơ sở gần với sự thật lịch sử.
______________________
(1) Pāli Text Society. The Mahā Vaṃsa or The Great chronicle of Ceylon. Trans. Wilhelm Geiger. London: Henry Frowde, Oxford University Press, Amen Corner, 1912, p.xii.
(2) Pāli Text Society. The Mahā Vaṃsa or The Great chronicle of Ceylon. Trans. Wilhelm Geiger. London: Henry Frowde, Oxford University Press, Amen Corner, 1912, p. 14. Cf: When the Conqueror the incomparable, he who has the five eyes, had lived eighty-four years and had fulfilled all his duties in the world, in all ways, then at Kusinārā in the holy place between the two sāla-trees, on the full-moon day of the month Vesākha, was the light of the world extinguished.
(3) Chú giải luật Thiện kiến, Thích Tâm Hạnh, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.7; 30-31.
(4) Theo Phật Quang đại từ điển, đó là khoảng thời gian từ 16-8 đến 15-9 âm lịch. Là tháng 8 theo lịch quốc gia Ấn Độ (Indian National Calendar), tương đương tháng 10-11 dương lịch.
(5) 大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記,卷第六. Nguyên văn: 說一切有部則佛以迦剌底迦月後半八日入般涅槃, 此當九月八日也.
(6) 大正藏第 52 冊 No. 2102 弘明集, 卷第一, 牟子理惑. Nguyên văn: 佛授教天下度脫人民. 因以二月十五日. 泥洹而去.
(7) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第三, 卷第八, 卷第十五.
(8) 大正藏第 12 冊 No. 0376 佛說大般泥洹經, 卷第一, 序品第一. Nguyên văn: 如是我聞, 一時佛在拘夷城力士生地, 熙連河側堅固林雙樹間, 與八百億比丘前後圍繞. 二月十五日臨般泥洹.
(9) 大正藏第 12 冊 No. 0374 大般涅槃經, 卷第一, 壽命品第一. Nguyên văn: 如是我聞, 一時佛在拘尸那國力士生地阿利羅跋提河邊娑羅雙樹間. 爾時世尊與大比丘八十億百千人俱, 前後圍遶. 二月十五日臨涅槃時.
(10)大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第十五, 竺佛念.
(11)大正藏第 12 冊 No. 0384 菩薩從兜術天降神母胎說廣普經, 卷第一,天宮品第一. Nguyên văn:
如是我聞, 一時佛在伽毘羅婆兜釋翅授城北雙樹間,欲捨身壽入涅槃. 二月八日夜半.
(12)大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第二.
(13) Tiểu tạng kinh, Trường A-hàm, tập 1, kinh Du hành, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 197.
(14) 大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記,卷第六, 拘尸那揭羅國. Nguyên văn: 佛以生年八十, 吠舍佉月後半十五日入般涅槃, 當此三月十五日也.
(15) Vinod K. Mishra. The Calendars of India, p. 23-42.
(16) Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p. 81.
(17) Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p. 642.
(18) Indian Journal of History of Science 28 (1).193., K.D Abhyankar., A Search for Earliest Vedic Calendar., p. 2-3.
(19) Cunningham, A. Book of India Eras. Calcutta: Thacker Spink and Co, 1883. p.1.
(20) List of holidays during the year (2014;2015; 2016…) for administrative offices of central government located at Delhy/New Delhy.
(21) S.K Chatterjee and Apurba Kumar Chakravarty. History of Astronomy in India-Indian Calendar post-Vedic period to AD 900. p.256. Cf p.253: When the year started from the 1st day of the month of Māgha.
(22) Cunningham, A. Book of India Eras. Calcutta: Thacker Spink and Co, 1883. p.107.
(23) http://nepalicalendar.rat32.com/download-nepali-calendar/Download-Nepali-Calendar-2072-BS-pdf.pdf
(24) Cunningham, A. Book of India Eras. Calcutta: Thacker Spink and Co, 1883. p.109.
(25) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第三, 沙門佛陀跋陀羅.
(26) 大正藏第 15 冊 No. 0618 達摩多羅禪經, 卷下. Nguyên văn: 陛舍佉月者, 正月十六日, 至二月十五日.
(27) 大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷 第 二. Nguyên văn: 春三月謂制呾羅月, 吠舍佉月, 逝瑟吒月, 當此從正月十六日至四月十五日.
(28) S.K Chatterjee and Apurba Kumar Chakravarty. History of Astronomy in India-Indian Calendar post-Vedic period to AD 900. p. 299-300.
(29) Jens Braarvig and Fredrik Liland. Traces of Gandhāran Buddhism. Bangkok: Amarin Printing and Publishing Public Co Ltd. 2010. p.7.
(30) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 297.
(31) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 298.
(32) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 298.
(33) Kinh Trung bộ, kinh Pháp trang nghiêm, số 89, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 150.
(34) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.303.
(35) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.336.
(36) Thứ tự các tháng theo các hệ lịch pháp Ấn Độ: Chaitra, Vaishākha, Jyēshtha, Āshādha, Shrāvana, Bhaadra, Āshwin, Kārtika, Agrahayana, Pausha, Māgha, Phalguna.
(37) Căn cứ vào hệ thống chuyển đổi từ trang timeanddate.com; chúng tôi đã khảo sát trong 5 năm, từ 2012-2016, thì đã có 4 năm, thời gian tổ chức lễ hội Diwali (Deepavali) rơi vào ngày 29-9 âm lịch Việt Nam
(38) Cũng theo trang timeanddate.com; từ 2012-2016, thì đã có 3 năm lễ hội Holi rơi vào ngày 16 tháng 2; đặc biệt, năm 2014 thì rơi vào ngày 17 tháng 2 và năm 2015 thì rơi vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch Việt Nam.
(39) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Chuyện vua đại thiện kiến, số 95, HT.Thích Minh Châu và Trần Phương Lan, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.368.
(40) Kinh Tiểu bộ, tập 5, Chuyện đại nhân thiện xạ Sarabhanga, số 522, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.627
(41) 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳傳卷第一 .
(42)大正藏第 21 冊 No. 1299 文殊師利菩薩及諸仙所說吉凶時日善惡宿曜經, 卷下. Nguyên văn: 西國以二月為歲首. 以其道齊景正日夜停分. 時淑氣和草木榮茂一切增長故. 梵天折為曆元. Theo ý kinh, thời gian của ngày và đêm bằng nhau, tức thuộc tiết xuân phân (vernal equinox). Như vậy, lễ hội năm mới ở Ấn Độ ngày xưa có khả năng diễn ra trong ngày xuân phân.
(43) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.326.
(44) Tiểu tạng kinh, Trường A-hàm, tập 1, kinh Du hành, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB.Phương Đông, 2008, tr.144.
(45) 大正藏第 01 冊 No. 0007 大般涅槃經, 卷中. Nguyên văn: 爾時, 雙樹忽然生花, 墮如來上.
(46) Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p. 1067.
(47) Current Science Vol. 88, No. 11, 10, June 2005., p. 1822. Cf: Flowering began in winter and continued until early summer (January-April).
(48) Ajit K. Singh. Tribal festivals of Bihar: A Functional Anaysis. New Delhy: Concept Publishing Company, 1982. p. 127. Cf: When the Sal (Shorea Robusta) and the Mahua (Bassia Latifolia) trees begin to blossom most of the tribes of Bihar celebrate a great festival – Sarhul or Baha or Ba in the month of Falgoon.
(49) http://www.newindianexpress.com/videos/nation/Tribal-Festival-Sarhul-Welcomes-New-Year-in-Jharkhand/2015/03/24/article2727999.ece
(50) Indian Journal of History of Science 28 (1).193., K.D Abhyankar., A Search for Earliest Vedic Calendar., p.12.
(51) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.176.
(52) 大正藏第 24 冊 No. 1450 根本說一切有部毘奈耶破僧事, 卷第十二. Nguyên văn: 時彼國王因春陽月, 此園林中花菓茂盛好鳥競集, 王與宮人婇女往園遊觀.
(53) 大正藏第 51 冊 No. 2085 高僧法顯傳.
(54) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 338; Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương bốn pháp, phẩm Không hý luận, kinh Kusinārā, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Viện NCPHVN, 1996, tr.705. Xem thêm, kinh Trường bộ, kinh Phúng tụng, số 33, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.645.
(55) Trước khi vượt hai con sông, Đức Phật đã tuyên bố rằng: Này Ānanda, hôm nay khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinārā, trong rừng Sāla của dòng họ Mallā, giữa hai cây sāla song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthā. Xem, kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.323.
(56) Schumann, H.W. The Historical Buddha – The Time, Life and Teachings of the Founder of Buddhism.Delhy: Motilal Banarsidass, 2004. p. 248; See also: Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd, 1960, p.1327.
(57) Srivastava, N.K. District Brochure of Kushinagar District, U.P. (A.A.P: 2008-2009). p.19-20.
(58) Yāmena, ngôn ngữ Pāli chỉ cho khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ (a watch of three hours). Paṭhameneva yāmena tức vào khoảng từ 7-9 giờ đêm. Phạn ngữ gọi là Yāma cũng mang nghĩa tương đương. Xem, Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p.850.
(59) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.337.
(60) Theo kinh Đại-bát Niết-bàn, Tôn giả A Nan đã thỉnh cầu: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này.
(61) Phạn ngữ ghi là Nākshatra. Xem, Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p. 532. Các hoạt động Phật sự thường diễn ra trong tháng trăng sáng được đề cập trong các kinh như: kinh Trung bộ, Đại kinh mãn nguyệt; Tiểu kinh mãn nguyệt, kinh Tăng chi, chương Tám pháp, kinh Ngày trai giới; kinh Tương ưng, chương tám, Tương ưng Trưởng lão Vangīsa…
(62) Trong Đại Đường Tây Vức ký ghi nhận rằng, thời điểm Đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày 15 của nửa tháng sau ở tháng Vesākha (吠舍佉月後半十五日). Nơi Đức Phật viên tịch là bang Uttar Pradesh, bang này sử dụng âm lịch Pūrṇimāta làm ngày đầu tháng; do vậy, theo ngài Huyền Tráng trong Đại Đường Tây Vức ký, thì Đức Phật viên tịch vào ngày trăng tròn của tháng Vesākha.
(63) Các tên như Cunda, Sujāta, Bhaddiya…nhằm chỉ cho nhiều người khác nhau. Trong một vài trường hợp vẫn bị sử dụng lẫn lộn. Bi kịch lớn nhất về trường hợp này mà chúng tôi đã công bố, đó là sự kiện hiểu sai ngữ cảnh về cụm từ Nhất-xiển-đề (Icchāntika). Xem, Thích Chúc Phú, Biện chính Phật học, tập 1, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.295-300. Thậm chí, ngay cả con sông Hiraññavatī trong kinh Đại-bát Niết-bàn, thuộc Trường bộ, từ điển Phật Quang mặc dù sử dụng cách phiên âm của ngài Huyền Tráng là 阿恃多伐底河, nhưng khi giải thích rộng hơn thì đã nhầm lẫn với sông Aciravatī – một trong 5 con sông lớn ở Ấn Độ, còn gọi là Ngũ hà (Pañcanadī). Ngũ hà bao gồm; Gangā; Yamunā; Aciravatī; Sarabhū và Mahī. Xem, Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 102.
(64) Trong Phật giáo, Trưởng lão Vaṅgīsa là một trường hợp điển hình trong việc vận dụng nghệ thuật tán ca, ca ngợi Đức Phật, giáo pháp và các vị Thánh Tăng. Xem, kinh Tương ưng bộ, tập 1, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.285-301.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB