Hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

4453

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TỈNH QUẢNG NAM

BAN TRỊ SỰ

Số: 001/HD/BTS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Quảng Nam, ngày  29 tháng 01 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN

Tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

Kính gởi:            Ban Trị Sự GHPGVN huyện, thị xã, thành phố;

Thực hiện Thông tư số 292/TT/HĐTS ngày 01/8/2015 của Ban Thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) nhiệm kỳ 2016 – 2021, Ban Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh hướng dẫn công tác tổ chức Đại hội Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Đại hội Phật giáo cấp huyện, thị xã, thành phố là đợt sinh hoạt lớn nhằm nâng cao nhận thức của Tăng–Ni, Phật tử về tinh thần hoà hợp, phụng sự đạo pháp – dân tộc, thấy rõ vai trò và trách nhiệm của các thành viên Giáo hội để đẩy mạnh sinh hoạt các Phật sự, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2017-2022.

2. Đánh giá kết quả hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ qua, định hướng chương trình hoạt động Phật sự thực tiễn cho nhiệm kỳ 2016-2021.

3. Chọn cử nhân sự Ban Trị Sự, Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ mới.

II. Công tác tổ chức Đại hội:

a) Thành lập tiểu ban nhân sự làm nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất nhân sự dự kiến cơ cấu vào Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021, xin ý kiến Ban chỉ đạo đại hội Phật giáo cấp huyện và trình đại hội suy cử. Trong quá trình chọn cử nhân sự cần lưu ý các yêu cầu như sau:

-Tiêu chuẩn cơ cấu nhân sự Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện: là những Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử tại địa phương (trừ trường hợp phân công của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh) có uy tín, đạo hạnh, năng lực làm việc, công đức với Đạo pháp và Dân tộc. Để dự nguồn nhân sự kế thừa, số lượng phần trăm Tăng Ni, Cư sĩ tham gia Ban Trị Sự sẽ do Ban thường trực Ban Trị Sự  GHPGVN tỉnh ấn định cho từng địa phương.

-Số lượng: Tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh sẽ ấn định số lượng, không quá 27 thành viên và Ban thường trực không quá 11 thành viên.

           -Độ tuổi tham gia Ban Trị sự:

+Thành viên tham gia Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện có tuổi đời không quá 60 tuổi, không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Thường trực Ban Trị sự. Đối với trường hợp các địa phương cần có vị tôn túc Tăng tham gia lãnh đạo để nhiếp chúng thì tuổi đời của Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021 được vận dụng linh hoạt, nhưng không quá 70 tuổi.

+Trong trường hợp cần thiết để lãnh đạo Giáo hội địa phương và nhiếp chúng, Ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh sẽ công cử thành viên Ban thường trực đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện.

-Thành phần nhân sự: Các chức danh trong Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện theo quy định tại điều 1 chương I Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết và nhu cầu thực tế, cư sĩ Phật tử được phân công chức vụ Phó Trưởng ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện.

          b) Thành lập tiểu Ban nội dung làm nhiệm vụ dự thảo các văn kiện đại hội: Dự thảo nội quy, chương trình, diễn văn khai mạc và bế mạc đại hội, báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ cũ và chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới, tuyên bố mãn nhiệm kỳ và phát biểu nhận nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, nghị quyết đại hội, nội dung tuyên truyền đại hội, lưu ý các nội dung sau:

+Trong xu hướng hội nhập và phát triển đa phương diện, hoạt động Phật sự cần có những bước tiến phù hợp mới phát huy được vai trò của Giáo hội trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, Quý Ban dự thảo nội dung văn kiện Đại hội cần sát với tình hình thực tế, đạt mục đích của đại hội và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đại hội Phật giáo cấp huyện.

+Báo cáo Phật sự của nhiệm kỳ qua, đề ra chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2016 – 2021 đảm bảo hòa hợp tất cả Tăng Ni, Phật tử tham gia sinh hoạt.

+Xây dựng các chuyên đề Phật sự gắn với các vấn đề trọng tâm tại địa phương để hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn tỉnh lần thứ V.

c) Thành lập tiểu ban hậu cần: Dự toán kinh phí tổ chức đại hội, trang trí hội trường, địa điểm tổ chức, bố trí sinh hoạt và ăn nghỉ cho đại biểu…

III. Nội dung và hình thức tổ chức:

  1. Chủ đề đại hội: “Ổn định – Kế thừa – Phát triển”
  2. 2.     Chương trình Đại hội:

-Niệm Phật cầu gia bị

-Chào Quốc kỳ, Đạo kỳ

-Tuyên bố lý do, thông qua chương trình và thành phần dự

-Diễn văn khai mạc

-Tặng hoa chúc mừng Đại hội

-Báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ 2011-2016 và dự thảo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2016-2021.

-Tham luận (nếu có)

-Ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ cũ tuyên bố mãn nhiệm.

-Giới thiệu nhân sự dự kiến suy cử vào Ban Trị Sự và Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021.

-Ban Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN cấp tỉnh lấy ý kiến đại biểu suy cử thành phần nhân sự Ban Trị Sự và Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021.

-Tân Ban Trị Sự cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021 ra mắt và phát biểu nhận nhiệm vụ.

-Tặng quà lưu niệm

-Phát biểu của cơ quan nhà nước cấp huyện.

-Đạo từ của Ban thường trực Ban Trị Sự GHPGVN cấp tỉnh

-Thông qua nghị quyết Đại hội.

-Diễn văn bế mạc, cảm tạ của Ban tổ chức và hồi hướng.

3.  Trang trí Hội trường:

-Biểu ngữ treo phía mặt tiền và phía trên khán đài:

ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

-Khán đài:

+Tượng Phật chính giữa:

+Hai bên:

-Phía bên tay phải (từ trên nhìn xuống): cờ Tổ quốc

-Phía bên tay trái (từ trên nhìn xuống): Pano Đại hội và cờ Phật giáo

+Pano Đại hội:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN………

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO LẦN THỨ……

NHIỆM KỲ 2016-2021

…………………, ngày………… tháng………….. năm 2016-2021

-Pano hai bên phía trước mặt tiền khán đài:

+Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí huệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. (Trích lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN)

+Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Trích lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN)

-Trang trí bên ngoài hội trường:

+Trước cửa hội trường: CHÀO MỪNG QUÝ ĐẠI BIỂU VỀ THAM DỰ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO HUYỆN………. LẦN THỨ……. NHIỆM KỲ 2016-2021.

+Trước cổng  nơi tổ chức Đại hội:

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO HUYỆN………. LẦN THỨ……. NHIỆM KỲ 2016-2021.

+Trước cổng hội trường treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo: Cờ Tổ quốc bên tay trái, cờ Phật giáo bên tay phải (tính từ ngoài nhìn vào).

+Dọc theo hai bên đường tại địa điểm tổ chức Đại hội treo treo cờ Phật giáo hoặc trang trí tùy theo điều kiện thực tế của địa điểm tổ chức.

-Tại các Tự viện: Treo biểu ngữ “CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO HUYỆN………. LẦN THỨ……. NHIỆM KỲ 2016-2021” và cờ Tổ quốc bên trái, cờ Phật giáo bên tay phải (từ ngoài nhìn vào)

 

IV. Biện pháp thực hiện:

           -Ban chỉ đạo đại hội Phật giáo cấp huyện, Ban Trị sự, Ban tổ chức đại hội GHPGVN cấp huyện thường xuyên nhóm họp để rà soát, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội và báo cáo Ban thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh về công tác đại hội Phật giáo cấp huyện.

-Ban chỉ đạo đại hội Phật giáo cấp huyện sử dụng con dấu của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh và Ban tổ chức đại hội cấp huyện được sử dụng con dấu của Ban Trị Sự GHPGVN cấp huyện để triển khai công tác tổ chức đại hội.

-Công tác nhân sự cần chú ý cung thỉnh chư vị tôn túc vào Ban chứng minh và suy cử một tỷ lệ hợp lý các Tăng, Ni trẻ có năng lực, đạo hạnh vào Ban Trị Sự để đảm bảo hiệu quả điều hành công tác Phật sự và tính kế thừa.

-Quan tâm làm tốt công tác nhân sự tại các cơ sở để làm nền tảng cho việc đoàn kết, tập hợp Tăng – Ni, Phật tử trong ngôi nhà chung của Giáo hội, dấn thân phụng sự hoằng dương Chánh Pháp, phụng sự Dân tộc.

-Các thành viên có những đóng góp tiêu biểu trong hoạt động Phật sự cần có hình thức tuyên dương, khen thưởng, động viên thích hợp trong dịp Đại hội đại biểu Phật giáo các cấp.

-Chủ động nắm bắt tình hình sinh hoạt của một số Tăng-Ni, Cư sĩ Phật tử còn đứng ngoài Giáo hội, kịp thời có cách thức phù hợp vận động, thuyết phục nhằm hoà hợp, phát huy vai trò tập thể trong hoạt động Phật sự.

-Triển khai đánh giá rút kinh nghiệm những ưu, khuyết điểm của Ban Trị Sự, định hướng Phật sự trong thời gian tới và tiếp tục quan tâm đôn đốc công tác kiện toàn nhân sự các cơ sở, kết thúc trước khi tổ chức Đại hội Phật giáo cấp huyện.

-Tổ chức phiên họp (có sự tham gia của Ban chỉ đạo Đại hội cấp huyện, Ban Trị SựGHPGVN cấp huyện, Ban tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện, các thành viên liên quan) để giới thiệu nhân sự tham gia nhiệm kỳ mới, thẩm tra báo cáo tổng kết, dự thảo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ mới, dự kiến thời gian tổ chức Đại hội…trình Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh (theo mẫu gửi kèm). Sau khi có ý kiến thuận của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, tiến hành đăng ký tổ chức Đại hội với UBND cùng cấp (theo mẫu gửi kèm) và tổ chức Đại hội kết thúc trước ngày 31/12/2016, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn tỉnh lần thứ V.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có sự vướng mắc, Quý ban báo cáo về Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh để chỉ đạo giải quyết.

Kính chúc Quý ban Phật sự viên thành./.

Nơi nhận:–  Như trên;

-HĐTS GHPGVN (b/c);

-BCĐ đại hội Phật giáo cấp huyện;

-UBND, BDV, UBMTTQVN, BTG, CA tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

“Kính tường và giúp đỡ”

–  Lưu VP

TM/ BAN THƯỜNG TRỰC BAN TRỊ SỰ

TRƯỞNG BAN

 

 (đã ký)

Hòa thượng Thích Thiện Duyên

 
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB