Ghi nhận về hình ảnh Khỉ – Vượn trong Văn học Phật giáo Việt Nam

7309
Từ dê (Năm Ất Mùi 2015) đến khỉ – vượn (Năm Bính Thân 2016) phải chăng là sự đột biến, là bước nhảy vọt của thời gian? Nhân dịp Xuân Bính Thân (2016) chúng tôi xin ghi nhận về hình ảnh khỉ – vượn đã có mặt một cách sinh động trong văn học Phật giáo Việt Nam.

Khỉ – Vượn: Biểu thị cho nẻo hành hoạt của tâm

Kinh Tăng nhất A-hàm: nơi phẩm thứ 8: phẩm Con một, gồm 10 kinh: “Các kinh từ số 3 đến số 6 cho biết tất cả các pháp đều do tâm tạo. Tâm niệm ác đưa chúng sinh xuống địa ngục. Tâm niệm thiện đưa chúng sinh lên cõi trời, nhanh chóng như co duỗi cánh tay. Không một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm. Giống như vượn khỉ, tâm không chuyên định, buông cái này, chụp lấy cái kia… Vì vậy hãy luôn luôn hàng phục tâm ý khiến hướng theo đường thiện”(1). Đây chắc hẳn là tư liệu – Phật điển thuộc loại xưa nhất, nguyên thủy nhất đã ví tâm như khỉ – vượn, là nguồn gốc của mọi sự nêu dẫn, diễn đạt sau này. 

khi.jpg

1- Trong tác phẩm Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông (1218-1277) đã 3 lần nói đến “tâm vượn” ấy:

a) Nơi bài Bàn về tọa thiền, vua Trần viết: “Nếu khi ngồi thiền chẳng tắt mọi niệm, thì tâm vượn nổi dậy, ý ngựa lông bông…”. (Khóa hư lục. Sa-môn Thích Thanh Kiểm dịch, bản in 1992, tr.49).

b) Bài kệ Vô thường (thuộc phần Sám hối tội căn do mũi), tác giả Khóa hư lục nêu rõ:

Vừng hồng đà gác núi

Tấc bóng tiếc chăng ai?

Ý ngựa chạy theo mãi

Vượn tâm buông thả hoài.

Mặt trời mọc rồi lặn

Thân nổi chìm luân hồi

Già, trí ngu nào khác

Chết, nay như xưa thôi.

Vô thường khó tránh khỏi

Hạn lớn, trốn không nơi

Đạo chính, hãy theo đuổi

Rừng tà, mau xa rời.

(Băng Thanh dịch, Thơ văn Lý-Trần II
bản in 1989, tr.191)

c) Còn đây là Chí tâm phát nguyện (thuộc phần Sám hối tội căn do ý):

– Nguyện nguồn linh thường vắng lặng

– Nguyện tạng thức hết vịn duyên

– Nguyện khối ngờ đều phá nát

– Nguyện trăng định mãi chu viên

– Nguyện pháp trần quên khởi diệt

– Nguyện lưới ái khỏi triền miên

– Nguyện tư duy tu Thập địa

– Nguyện nghe kỹ bỏ Tam thiên

– Nguyện tâm vượn đừng khua múa

– Nguyện ý ngựa tắt roi kìm

– Nguyện mở lòng theo Phật dạy

– Nguyện thích ứng Tổ sư thiền.

(Thích Thanh Kiểm dịch, Sđd, tr.168-169)

2- Cùng nói về tâm viên ý mã, Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291) viết:

Bỗng chốc theo tâm viên ý mã, tránh được sao lợi buộc danh giàm (Miết nhĩ tùy tâm viên ý mã, nan miễn lợi lụy tỏa danh cương). [Bài văn Trữ từ tự răn, Lý Việt Dũng dịch, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.343]

Hoặc nêu dẫn tâm vượn nối kết với một công án nổi tiếng:

Pháp thân tịch diệt sắc thân còn

Đêm vắng canh khuya nhập mộng hồn

Dù chửa rong chơi Thiền Tổ vực

Cũng từng lui tới

Pháp vương môn

Biếng theo Hiền thánh vô sanh lộ

Cam chịu trời người hữu lậu hôn

Phỏng gặp tác gia bàn mối diệu

Thiên tân đâu chốn dậy hồ tôn.

(Bài Tặng Pháp sư Thuần Nhất, Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.409-410)

Nguyên văn chữ Hán của hai câu cuối:

Nhược ngộ tác gia đàm diệu chỉ

Thiên tân hà xứ khởi hồ tôn?

(Bài Tặng Pháp sư Thuần Nhất, Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.409-410)

Người dịch giải thích: “Hồ Tôn là tên một giống khỉ nhỏ, ám chỉ cái tâm vọng động của chúng sinh, nghĩa tương đương với tâm viên (tâm vượn). Đây là công án nổi tiếng của Thiền tông Trung Quốc… Vậy ý của Thượng sĩ muốn nói: Nếu Pháp sư Thuần Nhất được bậc Thiền sư kiệt xuất bày cho diệu chỉ trụ tâm, thì vọng động còn có chỗ nào mà dấy lên được” (Sđd, tr.412-413)(2).

Khỉ – Vượn: Ghi nhận về âm thanh

1- Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291) ca tụng Đạo học của vua Trần Thánh Tông (1240-1290) viết:

Thánh học cao vời suốt cổ kim

Kho rồng riêng thấu tận gan tim

Phật phong: Được báu trong tay mở

Tổ ý: Nhìn kim đáy nước chìm

Trí bạt cửa Thiền thông

Thiếu Thất

Tình siêu biển giáo át Uy Âm

Người đời chỉ thấy non sông đẹp

Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.

(Trúc Thiên dịch, Thơ văn Lý-Trần II, Sđd, tr.255)

Nguyên văn chữ Hán nơi 2 câu cuối của bài thơ là:

Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú

Thùy thính viên đề thâm xứ thâm.

Dịch giả Trúc Thiên đã giải thích (câu cuối) như sau: Nghe tiếng vượn tự hang sâu, tức nghe âm thanh tự nơi nguồn xuất phát, ngay còn ở thể tịnh, chưa hiện hữu, chính đó là bản lai diện mục trong đạo Thiền. Nghe được như thế tức thấy tánh. (Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Trúc Thiên dịch, Tư thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản 1969, tr.131).

Theo Lý Việt Dũng thì bài thơ này ca tụng đạo học của vua Trần Thánh Tông, nêu “Tiếng vượn kêu nơi chốn hang sâu” phải chỉ cho chỗ tỏ ngộ thâm diệu của nhà vua mới hợp cảnh”. Và 2 câu cuối ấy Lý Việt Dũng đã dịch:

Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp

Tiếng vượn ai nghe vẳng động thâm.

(Sđd, tr.380)

Tiếng vượn kêu ấy người đọc còn gặp nơi bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Viếng Đại sư Tăng Điền:

Rừng xanh cửa đỏ lọ là đâu

Bất kể nơi nào dạ chả âu

Thấy hết nhân gian nghìn núi rạng

Ai hay vượn lẻ hú hang sâu.

(Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.392)

2- Nguyễn Trãi (1380-1442) nơi bài thơ Ngũ ngôn bát cú viết về chùa Tiên Du, cũng đã ghi nhận cái âm thanh rất đáng chú ý kia trong cảnh sắc hoàng hôn ở một Thiền cảnh tĩnh lặng:

Bóng xế, thuyền con buộc

Vội lên lễ Phật đài

Mây về giường sãi lạnh

Hoa rụng suối hương trôi

Chiều tối vượn kêu rộn

Núi quang trúc bóng dài

Ở trong dường có ý

Muốn nói bỗng quên rồi.

(Đào Duy Anh dịch, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB.KHXH, 1976, tr.373).

3- Đoàn Nguyễn Tuấn (1751-?): Một gương mặt thi ca khá tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, anh vợ của thi hào Nguyễn Du (1765-1820), trong Hải Ông thi tập, cũng đã ghi nhận cái tiếng kêu độc đáo ấy, nối kết, hòa hợp với khung cảnh Thiền:

Sấm sét một đêm thành cảnh Bụt

Non song muôn thủa vững tòa sen

Suối chia hai ngọn sông

Ngân xuống

Đá tụ đôi bờ ráng đỏ in

Vượn hót tầng mây vang vọng lại

Giày đi, đạo Phật vẫn đà lên

Đường vàng bỗng hiện theo xe ngự

Sườn núi quanh co vạn ánh Thiền.

(Bài: Lại vâng lệnh vua làm 1 bài thơ để khắc vào đá. Tảo Trang dịch, Hải Ông thi tập, NXB.KHXH, 1982, tr.139)(3).

Ở một số trường hợp khác, tuy không phải là Thiền cảnh, nhưng tiếng vượn kêu vượn hú vẫn được Đoàn Nguyễn Tuấn ghi lại như một chi tiết không thể thiếu cho một hợp cảnh:

Xe dong ngựa ruổi phía ngoài đài

Oanh hót vượn kêu bên khóm trúc

(Bài Qua cửa ải 1, Sđd, tr.212)

Hoặc:

Vượn hú cửa hang tiếng đượm buồn

Trăng lên đầu núi, sương mờ tuôn…

(Bài Qua cửa ải 2, Sđd, tr.213)

Kể cả tiếng vượn kêu, hú nơi đất khách:

Nam Việt đầu xuân vùng biển nóng

Bắc Hồ thu muộn Nhiệt Hà đây

Chiếc thân trời đất bèo nênh nổi

Nửa mẫu vườn ao bóng quế đầy

Lá rụng sơn trang, ai oán vượn

Đường vua đóa thắm, thỏa chim bay

Đế đô bạn cũ giờ đâu tá?

Bốn chục năm trường uổng lắm thay!

(Bài Ở công quán Nhiệt Hà, nghĩ phiếm, Tường Luân dịch, Sđd, tr.257-258)

Hoặc:

Nơi dừng vó ngựa, bao biến cố

Vượn kêu rời động, tiếng lẫn mây

(Vô cùng sự biến đình tiên xứ

Vân lý ai đề xuất động viên).

(Bài Quá trường thành, Sđd, tr.258).

4- Phạm Thái (1777-1814), trong Sơ kính tân trang đã đặc tả về ngôi chùa Kim Sơn – nơi chốn tu trì của nhân vật Phạm Kim – vẫn không thiếu tiếng vượn hót, ở đây còn có thêm hình ảnh khỉ trèo:

Kim Sơn thắng cảnh đâu bằng

Hoa đưa chén cúc, hương lừng án thung

Mành rũ liễu, tán dương tùng

Trúc khua phách đá, lan lồng áo tiêu…

Đầu non vượn hót khỉ trèo

Cây kề cửa động hoa leo mái già

Chim gà gióng giỏi tiếng ca

Nước tuôn khe biếc khói pha lá vàng

Kinh Thủy sám, kệ Kim cương

Rảy cành cam lộ, thét gươm

Đại hùng

Úm-ma-ni bát minh hồng

Kinh vang tiếng Giác, cá giong giọng Từ

Nguyện Di Đà, niệm Tỳ Lư

Bồ-đề là đạo, Chân như ấy lòng…

(Sơ kính tân trang, câu 859-874, dẫn theo Phạm Thái và Sơ kính tân trang, Nguyễn Văn Xung giới thiệu, khảo dẫn, NXB.Lửa Thiêng, S, 1972, tr.123).

Khỉ – Vượn: Ghi nhận về hình ảnh

1- Hình ảnh vượn bồng con nghe kinh trong câu phú Nôm của Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần:

Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng

Vượn bồng con kề cửa nghe kinh

Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ; kề song thưa Thầy ngồi thiền định, trăng vặc vặc, núi xanh xanh.(4)

(Bài Phú vịnh chùa Vân Yên, dẫn theo Thơ văn Lý-Trần, tập 2, Sđd, tr.711).

2- Hình ảnh vượn quỳ dâng trái trong Ngọa long cương vãn và Tư dung vãn của Đào Duy Từ (1572-1634):

Thú vui bốn thú thêm yêu

Kìa ngư nọ mục ấy tiều này canh

Hạc già chực cửa nghe kinh

Quả dâng màu thắm thức xanh vượn quỳ…

(Ngọa long cương vãn, câu 31-34, dẫn theo: Đào Duy Từ khảo biện, Đặng Quý dịch, NXB.Thanh Hóa, 1998, tr.347).

Hình ảnh “Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh” trong Tư dung vãn mới là một kết hợp hài hòa tuyệt vời nơi một Thiền cảnh:

Nghiêm thay tướng pháp Như Lai

Cao giơ tuệ kiếm sáng ngời thủy tinh

Thời lành cả mở hội lành

Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà

Vầy đoàn yến múa oanh ca

Vượn xanh dâng trái hạc già nghe kinh…

(Tư dung vãn, câu 171-176. Dẫn theo Đào Duy Từ khảo biện, Sđd, tr.442).

3- Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) nơi bài Phú Nôm khá dài của mình ấy còn nói đến vượn, hạc, xem như là những hình ảnh tiêu biểu cho sự thân quen trong đời sống nơi A-lan-nhã:

Chẳng những vượn hạc thốt thề

Lại phải cỏ hoa cười thỉ.

(Chẳng những lỗi hẹn với vượn, hạc, mà còn bị cỏ hoa thầm thì cười chê – vì mình đã chen chúc nhiều năm nơi danh lợi phồn hoa, đến khi đầu hơi bạc mới hiểu! Ý của 2 câu trước)(5).

Ý tưởng hổ thẹn với vượn, hạc, cỏ hoa ở đây người đọc sẽ gặp nơi Nguyễn Trãi (1380-1442) trong bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt viết về chùa Đông Sơn:

Một niệm quân thân vướng vít hoài

Thẹn rừng tủi suối ước xưa sai

Ba mươi năm lẻ trong trần mộng

Và tiếng chim kêu tỉnh lại thôi!

(Đào Duy Anh dịch, Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.331)

4- Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) cũng đã xem vượn khỉ là bầu bạn của mình trong cảnh sống với rừng suối:

Vượn mừng hủ hỉ

Làm bạn cùng ta

Vắng vẻ ngàn kia

Thân lòng hỷ xả…

(Bài ca Đắc thú lâm tuyền thành đạo,
dẫn theo Thơ văn Lý-Trần tập 2, Sđd, tr.533).

5- Đấy cũng là quan niệm của Tuệ Trung thượng sĩ (1230-291) khi đáp lại câu hỏi:

Gia phong của Thượng sĩ thế nào?

Đáp:

Rảnh ném trái rừng kêu vượn đón

Lười câu cá suối gọi hạc tranh.

(Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.167) 

 Đào Nguyên

____________

(1) Xem: Tổng quan bốn bộ A-hàm, Thích Nguyên Hùng biên soạn, NXB.Hồng Đức, 2012, tr.364.

(2) Xem thêm: Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Lý Việt Dũng dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.412-413.

(3) Đoàn Nguyễn Tuấn qua tác phẩm Hải Ông thi tập đã cho thấy ông đã chịu ảnh hưởng rất đậm từ Phật giáo. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Đoàn Nguyên Tuấn và Phật giáo, đăng trên Tập san Văn của Ban Văn hóa TWGH PGVN.

(4) Về nghĩa của câu đầu: Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng/ Chim gọi bạn tha hoa về cúng Phật. Xem: Thơ văn Lý-Trần II, Sđd, tr.715. Chú số 18.

(5) Xem thêm: Thơ văn Lý-Trần II, Sđd, tr.716. Chú số 36, 37.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB